(vhds.baothanhhoa.vn) - “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/ Rượu Hồng Đào chưa ngấm đã say”. Câu ca của đất Quảng ngọt ngào đằm thắm mỗi lần cất lên khiến người ta muốn ngả nghiêng, nương tựa. Lại thêm, đó còn là vùng đất gắn bó với quê hương xứ Thanh của tôi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Có một mối tình đã ngấm và đã say

“Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/ Rượu Hồng Đào chưa ngấm đã say”. Câu ca của đất Quảng ngọt ngào đằm thắm mỗi lần cất lên khiến người ta muốn ngả nghiêng, nương tựa. Lại thêm, đó còn là vùng đất gắn bó với quê hương xứ Thanh của tôi.

Có một thời “miền Nam gọi, miền Bắc trả lời, Quảng Nam cần, Thanh Hoá có”, một thời lớp lớp những người con Thanh Hóa đã chi viện cho Quảng Nam không chỉ từng viên thuốc, mảnh vải, từng hạt gạo cắn đôi, mà còn bằng xương, bằng máu của bao người...

Từ ký ức

Những sự sẻ chia, với những con số biết nói, có lẽ đủ để hiểu mối tình ấy sâu đậm thế nào. Tiếp sức cho tiền tuyến lớn trong kháng chiến chống Mỹ, Thanh Hóa có tới 22.600 nam nữ thanh niên tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu, trong đó có một bộ phận không nhỏ trực tiếp phục vụ chiến trường Quảng Nam. Năm 1967, Thanh Hóa huấn luyện tiểu đoàn đặc công Lam Sơn gồm 500 cán bộ chiến sỹ chuyển thẳng vào chiến trường Quảng Nam. Từ 1970 đến 1975, Thanh Hóa huấn luyện 87 tiểu đoàn để tăng cường cho miền Nam, trong đó có 4 tiểu đoàn bộ binh thuộc trung đoàn Lam Sơn bổ sung cho chiến trường Quảng Nam. Những người con sông Mã đã mang theo lá cờ thêu bốn chữ vàng “Lam Sơn quyếtthắng” vào chiến trường, như một lời hứa sẽ tiếp nối hào khí cha ông từ thuở đất Lam Sơn dấy nghĩa... Cũng trong thời kỳ kháng chiến, nhiều cán bộ, thương binh, học sinh của Quảng Nam đã ra Thanh Hóa tập kết, chữa bệnh, an dưỡng và học tập. Từ trong máu lửa chiến tranh, nhiều mối tình của trai gái hai miền sông Mã, sông Thu đã được se duyên kết tóc, nhưng cũng có nhiều mối tình phải dang dở vì đạn bom chia lìa, vì hoàn cảnh công tác và chiến đấu...

Sau thời điểm kết nghĩa vào ngày 12/3/1960, Ðảng bộ, nhân dân hai tỉnh luôn kề vai sát cánh, cùng nhau tạo ra những giá trị tinh thần, vật chất to lớn, qua đó động viên, cổ vũ lẫn nhau thực hiện thắng lợi đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng đến ngày toàn thắng. Các phong trào thi đua sản xuất, chiến đấu của quân và dân Thanh Hóa với tinh thần vì Quảng Nam kết nghĩa diễn ra rộng khắp. Đó là các phong trào "3 đảm đang", "3 sẵn sàng", "Hòn đá chống Mỹ", "3 giỏi", "Mở đường mà tiến, đánh địch mà đi", "4 đường ra, 3 đường vào" rồi chiến dịch "Ðiện Biên Thanh Hóa - Quảng Nam quyết thắng"... Một trong những sự kiện quan trọng để lại dấu ấn khó phai là năm 1968, Trung ương quyết định điều động Công ty Thuyền nan vào tuyến lửa. Tỉnh ủy Thanh Hóa lúc đó quyết định đổi "Công ty Thuyền nan chống Mỹ cứu nước" thành "Đoàn Vận tải Lam Sơn". Ngày 12/2/1969, tỉnh Thanh Hóa tổ chức 15 thuyền vượt biển, sau đó là 36 thuyền, sau cùng là 59 thuyền, tổng cộng có 361 thủy thủ dũng cảm đưa được 110 thuyền nan vượt biển. Sau hai năm, Đoàn Vận tải Lam Sơn đã vận chuyển cho chiến trường B khoảng 103.400 tấn hàng; vận chuyển trong nội địa 33.600 tấn hàng.

Thư viện tỉnh, ngày đó tên gọi Thư viện Thanh - Quảng (2 tỉnh kết nghĩa anh em Thanh Hóa và Quảng Nam ).

Ngoài ra, Thanh Hóa đã cử hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ tăng cường cho các đơn vị ở Quảng Nam như: Tiểu đoàn 70, Tiểu đoàn 890 đặc công, bệnh xá 78... Có thời điểm tại Quảng Nam có hơn một nửa quân số là con em Thanh Hóa.

Tình nghĩa ấy làm sao có thể quên được, khi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã có 1.200 cán bộ, chiến sĩ là con em quê hương Thanh Hóa hy sinh vì sự nghiệp giải phóng quê hương Quảng Nam kết nghĩa. Đến nay, 254 liệt sĩ quê Thanh Hóa đã được quy tập vào 16 nghĩa trang tại Quảng Nam, nhiều liệt sĩ vẫn chưa tìm được hài cốt.

Đến hiện tại đẹp tươi

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tiếp nối truyền thống đoàn kết, thắm tình đồng chí anh em, hai tỉnh tiếp tục có nhiều hoạt động thể hiện mối tình đoàn kết keo sơn, thủy chung son sắt. Thanh Hóa đã tích cực hỗ trợ Quảng Nam khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh. Hằng năm, hai tỉnh và các huyện, thị xã kết nghĩa đã thường xuyên thăm hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội; kịp thời động viên, giúp đỡ nhau mỗi khi gặp thiên tai, bão lụt...

60 năm đã qua, trên đất quê Thanh, nhiều công trình gắn với cái tên Quảng Nam - Hội An đã như một phần ký ức không thể quên, thậm chí nó vẫn là phần linh thiêng hiện hữu trong đời sống người dân xứ Thanh. Nhiều công trình ý nghĩa mang tên Hội An đã được xây dựng tại Thanh Hóa ngay trong những năm tháng chiến tranh như nhà máy, rạp chiếu phim, công viên, thư viện,... Sau ngày thống nhất đất nước, Đảng bộ, nhân dân 2 thành phố tiếp tục đồng cam cộng khổ, hỗ trợ, giúp đỡ nhau khôi phục sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Gần đây nhất nhân dịp kỷ niệm 55 năm kết nghĩa, TP Hội An đã xây tặng Đảng bộ và nhân dân TP Thanh Hóa 2 trụ gốm phù điêu nghệ thuật Thanh Hà và phiên bản chùa Cầu (tỷ lệ 75%) tại Công viên Hội An ngay giữa trung tâm TP Thanh Hóa.

Rạp chiếu bóng Hội An xưa.

Tôi còn nhớ mãi, Rạp chiếu bóng Hội An - thiên đường Tết của chúng tôi thuở nào. Kể từ sau ngày khánh thành 3/2/1972, rạp chiếu bóng Hội An luôn là điểm sáng đèn của thị xã Thanh Hóa lúc bấy giờ. Lũ chúng tôi, vừa lớn lên, chỉ chực chờ Tết đến, có vài ba đồng mừng tuổi, rủ nhau lũ lượt xem những bộ phim tân thời bấy giờ. Được ví như con công của thị xã, là hoạt động sinh hoạt văn hóa có thể nói là hiếm hoi lúc bấy giờ, người xem đông, vé phân phối, kiếm được cái vé là tay giữ khư khư sợ mất lúc nào không hay. Chúng tôi rất tình cờ gặp bác Ngô Thanh Hải - Chủ hiệu kem An Viên, ngay kề bên rạp chiếu bóng, bác chia sẻ: Không phải vô tình mà gia đình chúng tôi đặt tên cửa hàng của mình là kem An Viên. An là Hội An, còn viên là công viên đấy cháu nhé. Thực ra, bác tự hào vô cùng vì được sống ở vị trí đẹp hiếm có lúc bấy giờ ở thị xã nhỏ này. Kế bên là rạp hát, trước mặt là công viên.

Công viên Thanh Quảng, trước là Hồ máy đèn - nơi thành lập thị ủy lâm thời ngày 15/11/1945, sau này đã đổi tên thể hiện tình nghĩa Thanh Hóa - Quảng Nam. Biết bao con người, bao câu chuyện gắn kết với nơi đây. Ông Đỗ Minh Châu sinh năm 1956, dù quê gốc Hoằng Hóa, nhưng gắn bó với địa bàn phường Ba Đình từ năm 1979. Ông kể lại rằng trong 40 năm đã qua, ông gặp, tiếp xúc, thân thiết với rất nhiều người Hội An nói riêng, và Quảng Nam nói chung. Họ là những người vô cùng đáng mến, chân tình và nghĩa tình. Ông còn cho biết thêm: Nét tính cách của hai vùng đất này khá tương đồng nên người Quảng Nam - Thanh Hóa mới có thể gắn kết bền lâu như vậy.

Sau này, để kỉ niệm mối tình khăng khít 55 năm đã qua, Thanh Hóa đã xây dựng công viên Hội An thật to, thật đẹp trên con phố đẹp nhất của thành phố. Người dân Thanh Hóa trước đây có thể chỉ biết Hội An qua hình ảnh, câu chuyện, thì nay họ đã được đến đây ngắm nhìn, chụp ảnh rồi vui đùa trên chùa Cầu phiên bản tại xứ Thanh. Với chiều dài 10m, rộng 4m, lòng cầu 2,2m, phiên bản chùa Cầu Hội An tại Thanh Hóa nằm vắt qua một hồ nước nhỏ trong công viên, được lợp ngói âm dương với những chi tiết nguyên sơ và tỉ mỉ của chùa Cầu Hội An (hay cầu Nhật Bản) được mô phỏng. Cầu có 9 gian, bên trong được lát gỗ, chia làm 3 làn đường gồm một đường chính và hành lang hai bên. Bên trong chùa cũng trang trí màu sơn son, treo đèn lồng... Bên cạnh cầu có khu nhà thờ, rồi vật liệu xây dựng cầu chủ yếu là gỗ, gạch, ngói, xi măng... tất cả được thiết kế thu nhỏ theo phiên bản gốc của chùa Cầu. Bốn góc của chùa Cầu Hội An ở xứ Thanh cũng được đặt bốn linh vật, một bên là hai tượng khỉ (Thân), bên kia là hai tượng Tuất (chó).

Sự nhỏ nhắn đáng yêu của chùa Cầu chính là nét đẹp của công viên này. Để rồi, sau đó, đến hẹn lại lên, “Những ngày văn hóa Thanh Hóa - Hội An” được tổ chức với những tiết mục văn hóa nghệ thuật đặc sắc của hai vùng đất. Những màn trình diễn đúc trống đồng, hát ca trù, chầu văn, ẩm thực, biểu diễn thư pháp của các nghệ nhân Thanh Hóa; rồi “Không gian văn hóa Hội An”, “Đêm phố cổ”, “Trang phục Hội An - Ký ức thời gian”, cùng những đặc sản ẩm thực, trình nghề, trưng bày, dịch vụ hàng thủ công mỹ nghệ Hội An... khiến những bạn trẻ dù chẳng biết nhiều lắm về câu chuyện cách đây 60 năm nhưng ít nhất họ cũng hiểu được rằng, có một mối tình rất đậm rất sâu giữa hai mảnh đất, để rồi có lúc họ phải tìm hiểu, ưu tư hơn về sự gắn kết văn hóa.

Có lẽ với tôi, điều lo sợ nhất là sự mất ký ức. Khi còn ký ức, còn những câu chuyện đẹp, điều đó là động lực để tôi và những bạn trẻ hướng tới lối sống đẹp, cách nghĩ thiện. Dù những công trình như Rạp chiếu bóng Hội An, Thư viện Thanh Quảng không còn hiện hữu nhưng ký ức về nó có lẽ chẳng bao giờ những người phố thị như chúng tôi có thể quên được.

Miền ký ức ấy còn vấn vương đến hôm nay.

Kiều Huyền


Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]