(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Cách đây chỉ vài năm, cũng như nhiều làng quê, việc ăn uống linh đình, kéo dài ngày tại các đám cưới trên địa bàn xã Xuân Thọ, huyện Như Thanh vẫn đang còn diễn ra phổ biến. Điều đó không chỉ gây phiền hà và tốn kém cho gia chủ, bởi ngay cả với gia đình có điều kiện kinh tế khá giả đã là gánh nặng, chứ chưa nói đến gia đình còn khó khăn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cưới văn minh ở Như Thanh

(VH&ĐS) Cách đây chỉ vài năm, cũng như nhiều làng quê, việc ăn uống linh đình, kéo dài ngày tại các đám cưới trên địa bàn xã Xuân Thọ, huyện Như Thanh vẫn đang còn diễn ra phổ biến. Điều đó không chỉ gây phiền hà và tốn kém cho gia chủ, bởi ngay cả với gia đình có điều kiện kinh tế khá giả đã là gánh nặng, chứ chưa nói đến gia đình còn khó khăn.

Với 4 dân tộc cùng sinh sống, người Thái chiếm 58,4%, Mường 16,2%, Thổ 0,33% và người Kinh là 25%, thì việc xem ngày cưới xin trên địa bàn xã vẫn còn nhiều hủ tục lạc hậu. Trước những năm 2005 vẫn còn phổ biến tình trạng thách cưới trong đồng bào các dân tộc, nhà gái sẽ thách cưới là những đồ lễ gồm thịt, gạo, chăn màn, quần áo, lợn gà, vòng tay bằng bạc… việc ăn uống linh đình có khi kéo dài đến 2 - 3 ngày, gây lãng phí tốn kém. Thậm chí nhiều đôi vợ chồng không làm thủ tục đăng ký kết hôn trước khi cưới.

Tuy nhiên, kể từ sau khi thực hiện Chỉ thị 11 ngày 30/9/2013 của Ban Thường vụ Huyện ủy, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn đã có những chuyến biến đáng kể. Ông Nguyễn Văn Quang - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thọ vui vẻ cho biết: Các phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp được bảo tồn và phát huy, các hủ tục mê tín dị đoan dần được xóa bỏ.

Hiện nay không còn tình trạng đòi thách cưới cao, mà tùy thuộc vào điều kiện của gia đình nhà trai. 100% cán bộ, đảng viên trên địa bàn xã tổ chức tiệc trà, việc ăn uống trong nhân dân rút lại còn thời gian trong khoảng 1 ngày, khách mời với số lượng phù hợp, không phô trương, không xảy ra hiện tượng tảo hôn.

Đi liền với công tác tuyên truyền là nêu cao tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới. Ông Nguyễn Văn Quang, khi đó đang giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã vẫn còn nhớ như in thời gian gia đình ông tổ chức đám cưới cho con trai mình. Đó là sau khi có Chỉ thị 11 của Huyện ủy, ông là người đầu tiên trong xã tổ chức cưới theo tiệc trà và không tránh khỏi những lời dị nghị, dèm pha, rằng gia đình ông không khó khăn sao phải tổ chức tiệc trà? Rồi đến cả tâm lí “trả nợ miệng". Song, có nhiều ý kiến lại ủng hộ cách tổ chức của gia đình ông...

Với phương châm “cán bộ, đảng viên đi trước, nhân dân đi sau”, cũng nhờ sự gương mẫu của ông, nhiều gia đình cán bộ, đảng viên đã tổ chức theo tiệc trà sau thời gian đó. Và chính từ việc tham dự những đám cưới trên, người dân đã hiểu được những lợi ích thiết thực, giúp tiết kiệm được tiền bạc, thời gian, đảm bảo sức khỏe, an ninh trật tự và an toàn xã hội nên người dân đã tự giác tham gia.

Ông Nguyễn Văn Cương – Trưởng phòng VHTT huyện Như Thanh cho biết: Xã Xuân Thọ là một trong rất nhiều xã trên địa bàn huyện thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới. Trước đó vẫn còn nhiều địa phương còn những hủ tục lạc hậu trong việc cưới, tuy nhiên sau khi tiếp thu Thông tư 04 của Bộ VH,TT&DL, ngày 30/9/2013 Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị 11; căn cứ chỉ thị trên, UBND huyện đã ban hành kế hoạch về việc đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn huyện.

Từ khi thực hiện Chỉ thị 11, gắn với Thông tư 04, việc cưới trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến. Hầu hết các đám cưới được tổ chức trang trọng, vui tươi, tiết kiệm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa của địa phương và hoàn cảnh mỗi gia đình. Các thủ tục trong việc cưới được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, hạn chế phô trương, hình thức, rườm rà.

Nhiều cơ quan, UBND xã làm tốt việc trao giấy chứng nhận kết hôn tại trụ sở cơ quan và tại đám cưới. 100% đám cưới không còn dùng thuốc lá. Các đơn vị coi trọng việc cam kết đảm bảo an ninh trật tự, hạn chế sử dụng âm thanh quá lớn, sử dụng đèn nháy laze, đồ uống có cồn, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Một số đơn vị đã thực hiện mô hình điểm, sau đó nhân ra diện rộng như xã Cán Khê, Mậu Lâm, Phú Nhuận...

Đặc biệt việc tổ chức mời khách dự cưới bằng tiệc trà đạt được kết quả bước đầu. Trong hai năm (2013-2015), trên địa bàn gia đình cán bộ, đảng viên tổ chức bằng tiệc trà đạt tỷ lệ 64,8%, gia đình công chức, viên chức không phải là đảng viên bằng 54,3%, trong nhân dân bằng 14,4%. Nhiều địa phương có tỷ lệ gia đình tổ chức cưới bằng tiệc trà đạt tỷ lệ cao, như xã Cán Khê, thôn 14 – xã Xuân Du, thôn Đồng Sình – xã Phú Nhuận tỷ lệ đạt 100%; thị trấn Bến Sung đạt tỷ lệ 71,4%...

Với những kết quả đạt được trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới đã trở thành động lực thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn huyện.

Hiếu Trung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]