(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phục vụ công tác phòng, chống lụt bão. Đến nay, một số công trình đã cơ bản hoàn thành, song nhiều công trình còn thực hiện dang dở.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án phòng, chống lụt bão

Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phục vụ công tác phòng, chống lụt bão. Đến nay, một số công trình đã cơ bản hoàn thành, song nhiều công trình còn thực hiện dang dở.

Theo rà soát mới nhất từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thanh Hóa, hiện trên địa bàn có tới 34 trọng điểm đê điều chưa bảo đảm an toàn trong phòng, chống thiên tai, khi mùa mưa bão năm 2020 đang đến gần. Trong đó, có 14 trọng điểm trên các tuyến đê từ cấp I đến cấp III, 20 trọng điểm trên các tuyến đê cấp IV, cấp V. Tại các dòng sông lớn nhất tỉnh, đê hữu sông Chu có tới 4 vị trí xung yếu, thuộc các huyện Thọ Xuân (3 vị trí) và Thiệu Hóa (1 vị trí); đê hữu sông Mã cũng có 4 vị trí, trong đó TP Thanh Hóa, huyện Hoằng Hóa, huyện Thiệu Hóa và TP Sầm Sơn, mỗi địa phương có 1 vị trí xung yếu. Đê tả sông Mã đoạn qua huyện Vĩnh Lộc cũng có 2 điểm xung yếu, nguy cơ mất an toàn. Trên đê tả sông Lèn thuộc huyện Nga Sơn có 2 vị trí xung yếu, đê hữu sông Lèn qua huyện Hậu Lộc cũng có 2 vị trí. Trên tuyến đê tả sông Bưởi, huyện Thạch Thành và huyện Vĩnh Lộc đều có 1 vị trí xung yếu. Đê tả sông Nhơm qua các huyện Triệu Sơn và Nông Cống, mỗi địa phương đều còn một vị trí xung yếu. Trên các đê sông nhỏ hơn, như: Cầu Chày, sông Nhơm, sông Thị Long, sông Hoàng, sông Yên, đều có từ 1 đến 2 điểm xung yếu...

Dự án đê kè biển Quảng Thái, huyện Quảng Xương đã tạm dừng thi công nhiều năm nay.

Tỉnh Thanh Hoá được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư 14 dự án xử lý cấp bách các công trình đê điều bị sự cố do ảnh hưởng của bão lũ năm 2017 tại 5 địa phương, gồm: TP Thanh Hoá và các huyện Hậu Lộc, Hà Trung, Thọ Xuân, Thiệu Hoá. Tổng mức đầu tư 14 dự án nói trên là 250 tỷ đồng (không bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng). Theo kế hoạch, các công trình dự án phải hoàn thành trước ngày 31/12/2019. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều dự án chậm tiến độ do gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công. Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Thanh Hoá, khối lượng thi công trung bình từng dự án chưa đạt đúng tiến độ đề ra, giá trị giải ngân vốn thấp. Hiện chỉ có 3 dự án đảm bảo tiến độ. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chậm tiến độ tại các dự án là do vướng mắc về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Tại huyện Nga Sơn nhiều tuyến đê đã được đầu tư kiên cố, bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên, còn một số đoạn đê nhỏ yếu, thân đê thấp, thường xuyên bị tràn và sạt, điển hình đê hữu sông Càn qua xã Nga Phú và Nga Thái. Một dự án khác là tuyến đê biển Nga Sơn đã được đầu tư nhiều năm nay từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách Trung ương, nhiều hợp phần đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đoạn hơn 2 km thuộc xã Nga Thủy do thiếu vốn nên bị dở dang từ nhiều năm qua.

Huyện Quảng Xương các dự án gồm: Dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá cửa sông Lý; dự án đê, kè biển xã Quảng Thái; dự án đê, kè bờ tả sông Yên thuộc địa phận 3 xã Quảng Trung, Quảng Chính, Quảng Thạch và dự án kè chống sạt lở bờ biển khu vực xã Quảng Nham cũng đang trong giai đoạn thi công. Đặc biệt, đối với dự án đê, kè biển xã Quảng Thái có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 181,3 tỷ đồng, được thực hiện từ tháng 5/2016, hiện đã hết thời gian thực hiện. Song, đến nay tổng giá trị khối lượng thực hiện mới ước đạt 14,7 tỷ đồng, bằng 12% giá trị hợp đồng. Hiện, dự án đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép dừng kỹ thuật dự án, với tổng kinh phí thực hiện đến điểm dừng kỹ thuật là 41,5 tỷ đồng. Đến nay, dự án vẫn chưa được bố trí thêm vốn để tiếp tục triển khai thực hiện.

Theo thông tin từ Sở NN&PTNT, những năm qua, nhờ sự hỗ trợ từ Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nên hệ thống đê điều, thủy lợi của Thanh Hóa từng bước được đầu tư, nâng cấp hiện đại. Tỉnh có tới hơn 1.000 km đê các loại, tuy nhiên còn nhiều tuyến đê chưa được đầu tư nâng cấp, nhiều tuyến đê khác đang sửa chữa nhưng thiếu vốn nên chưa hoàn thành, ảnh hưởng bất lợi cho công tác phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Do tác động của mưa bão khiến nhiều tuyến đê bị hư hỏng nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Để chủ động ứng phó kịp thời và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 5581/UBND-NN về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2020. Theo đó, về công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2020, hoàn thành công tác tu bổ, duy tu bảo dưỡng đê điều và công trình đang thi công liên quan đến đê điều, đảm bảo an toàn các cống dưới đê trong lũ, bão. Phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố có đê và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công công trình liên quan đến đê điều, đặc biệt là những sự cố đê điều đã xảy ra trong các mùa lũ, bão. UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố có đê huy động mọi nguồn lực của địa phương để chủ động xử lý những sự cố phát sinh đột xuất trước, trong mùa lũ, bão và tu bổ thêm đối với các hạng mục cần thiết khác nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố khi có lũ, bão. Đồng thời kiểm tra, giám sát các xã, phường ven đê trong việc tổ chức lực lượng và thực hiện công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa, lũ theo quy định...

Giao Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố có đê kiên quyết kiểm tra ngăn chặn, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật...

Đông Hoàng


Đông Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]