(vhds.baothanhhoa.vn) - Xoay quanh câu chuyện khởi nghiệp của thanh niên, Thanh Hóa cuối tuần đã nhận được ý kiến trao đổi của những người trong cuộc: Anh Hoàng Văn Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn và anh Lương Ngọc Lai, Phó Bí thư Đoàn xã Luận Thành (Thường Xuân, ảnh dưới).

Đi tìm cơ hội cho người trẻ

Xoay quanh câu chuyện khởi nghiệp của thanh niên, Thanh Hóa cuối tuần đã nhận được ý kiến trao đổi của những người trong cuộc: Anh Hoàng Văn Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn và anh Lương Ngọc Lai, Phó Bí thư Đoàn xã Luận Thành (Thường Xuân, ảnh dưới).

Đi tìm cơ hội cho người trẻ

Sẽ thành lập hệ sinh thái khởi nghiệp

Phóng viên (PV): Xin anh cho biết, trong thời gian qua Tỉnh đoàn đã thực hiện những giải pháp, cách làm chủ yếu nào để khơi nguồn tinh thần khởi nghiệp của thanh niên tỉnh nhà?

Anh Hoàng Văn Thanh: Phát huy tinh thần khởi nghiệp của đoàn viên thanh niên, trong những năm qua Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo các cấp bộ đoàn trong tỉnh xây dựng chương trình, triển khai các hoạt động cụ thể, nhằm phát huy tiềm năng, khơi nguồn ý tưởng sáng tạo của thanh niên mong muốn khởi nghiệp và đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp. Một trong những cách làm hay, hiệu quả mà các cấp bộ đoàn trong tỉnh đang triển khai đó là phối hợp tổ chức diễn đàn đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương để giải đáp thắc mắc, vướng mắc của thanh niên về chính sách khuyến khích, ưu đãi cho thanh niên khởi nghiệp. Song song với đó là những chương trình thực tế cho thanh niên khởi nghiệp, trong đó Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên được tổ chức hàng năm thực sự đã trở thành một sân chơi bổ ích, để những ý tưởng khởi nghiệp được ra đời và cất cánh bay cao. Từ cuộc thi đã có rất nhiều ý tưởng khởi nghiệp “sống” khi áp dụng vào thực tiễn. Qua cuộc thi, các bạn còn học hỏi được nhiều kinh nghiệm, biết cách nắm bắt và phát triển thị trường, đường hướng kinh doanh hiện đại, xu hướng kinh doanh trong thời đại hiện nay, nguồn vốn hỗ trợ...

PV: Một khó khăn rất lớn với thanh niên có ý tưởng khởi nghiệp là thiếu vốn. Vậy Tỉnh đoàn đã hỗ trợ thanh niên như thế nào trong giải quyết khó khăn này?

Anh Hoàng Văn Thanh: Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, giai đoạn 2017 - 2020, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã giải ngân 20 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cho 275 dự án khởi nghiệp và 203 mô hình bí thư chi đoàn địa bàn dân cư phát triển kinh tế; Phối hợp với Công ty CP Thiết bị Vật tư y tế Thanh Hóa triển khai mô hình “Hỗ trợ vay vốn không lãi suất cho bí thư chi đoàn địa bàn dân cư phát triển kinh tế”. Nguồn vốn 120 (Chương trình vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm) của Trung ương Đoàn đã giải ngân cho 26 dự án, giải quyết việc làm cho 520 thanh niên... Bước đầu các dự án, mô hình đã phát huy hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thanh niên địa phương.

PV: Tỉnh đoàn sẽ có chủ trương nào lớn để phát triển mạnh mẽ, bền vững phong trào khởi nghiệp trong Thanh niên Thanh Hóa thời gian tới, thưa anh?

Anh Hoàng Văn Thanh: Nhằm hình thành môi trường khởi nghiệp chuyên nghiệp, có định hướng lâu dài, bền vững, dự kiến trong thời gian tới Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp với Khoa Kinh tế (Trường Đại học Hồng Đức) và Hiệp hội Doanh nhân trẻ Thanh Hóa bước đầu hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp trong tỉnh. Với hệ sinh thái khởi nghiệp, thanh niên xứ Thanh sẽ được tham khảo, hướng dẫn và định hướng những xu hướng khởi nghiệp trong nước và trên thế giới; tăng cường sự giúp đỡ về kinh nghiệm, chiến lược kinh doanh, nhu cầu thị trường, vốn đầu tư... của cá nhân, tập thể doanh nhân, doanh nghiệp thành đạt trong tỉnh.

Cơ hội do mình tạo ra

PV: Là người được nhận giải thưởng Lương Định Của dành cho các nhà nông trẻ xuất sắc năm 2020, tôi thắc mắc, từ đâu anh có ý tưởng khởi nghiệp với mô hình “Trang trại xanh 3 sạch”?

Anh Lương Ngọc Lai: Từ năm 2018, tôi đã mong muốn tham dự cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp. Vì theo quy định, sau khi tham gia phải đưa ý tưởng trở thành hiện thực, tôi nghĩ chưa đủ sức để thực hiện nên đến năm 2020, mới quyết định dự thi. Ý tưởng của tôi là làm trang trại theo quy mô khép kín, lấy cái này nuôi cái kia, bởi, lợi thế trước tiên là chi phí thấp, rút ngắn thời gian, hạn chế sự tác động và ảnh hưởng đến môi trường vì các khâu đều hỗ trợ nhau. Khó khăn với tôi là thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức để thực hiện thành công mô hình tuần hoàn khép kín. Vì thế, thời gian đầu tôi loay hoay thực hiện, nhất là để đầu ra của sản phẩm phải đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng, đúng tiêu chí của nhà liên kết. Tôi đã từng thất bại khi nuôi 1.000 con gà đầu tiên mà chẳng quan tâm, nắm bắt thị trường. Tôi tiếp tục học hỏi thêm, đi tập huấn, thăm các mô hình, sau rồi đi tìm nhà liên kết, và đứng dậy với quyết định nuôi lên 3.000 con gà. Đến giờ phút này tôi còn sợ cái “liều” của mình.

Để có ý tưởng, thực hiện ý tưởng phải thật sự, nhiệt huyết và xem đó là tiền đề phát triển. Giờ cũng chưa phải lúc để nói tôi thành công, chỉ là tôi đang đi lò dò và cố gắng giữ thăng bằng trên con đường tới sự thành công.

PV: Vậy anh có nghĩ, cơ hội luôn đến với những bạn trẻ biết sẵn sàng?

Anh Lương Ngọc Lai: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, nhất là tổ chức đoàn từ cơ sở đến Trung ương đã dành sự quan tâm, động viên, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Từ ý tưởng khởi nghiệp, tôi trưởng thành và học tập được rất nhiều điều. Tôi được học tập cách kinh doanh, biết định hướng cho chính mình để từ đó đánh thức tinh thần khởi nghiệp của nhiều người.

Tôi tin rằng, những người trẻ như chúng tôi luôn có cơ hội. Cơ hội là tự mình tạo ra chứ không ai mang đến hay đặt vào tay. Đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ thanh niên có điều, cơ hội đôi khi chỉ đến một lần, đến vào lúc chúng ta trẻ thì thật tuyệt.

PV: Tâm lý e ngại, lo sợ, có làm mất đi cơ hội của người trẻ không, thưa anh?

Anh Lương Ngọc Lai: Khi bắt đầu khởi nghiệp, nếu tâm lý không chắc chắn thì không dám thực hiện. Tôi đã từng không ngủ vài đêm, vì lo sợ, sợ đủ thứ. Từ kinh nghiệm bản thân, phải mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, dám phát triển mới mong thành công. Ý tưởng khởi nghiệp của tôi là một chuỗi khép kín nên cần đầu tư rất nhiều. Chỉ nghe đến 1,85 tỷ đồng ai cũng can ngăn, quá trình thực hiện chi phí đã giảm còn 1,2 tỷ đồng. Đến nay, trừ hết chi phí và trả lương cho 4 lao động thường xuyên, 3 lao động thời vụ, tôi thu về lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/ năm. Tôi cũng muốn nhắc lại là từ năm 2018, vì e ngại, sợ sệt mà tôi không dám tham gia ý tưởng khởi nghiệp. Nhưng thời điểm đó, nếu làm có thể tôi đã thất bại. Vì thế, mạnh dạn nhưng không nóng vội sẽ tốt hơn.

Vân Anh và Kiều Huyền (thực hiện)


Vân Anh và Kiều Huyền (thực hiện)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]