(vhds.baothanhhoa.vn) - Đó là anh Phạm Minh Tôn, Giám đốc Công ty CP Sản xuất chế biến cói xuất khẩu Việt Anh (Công ty Việt Anh) xã Nga An, huyện Nga Sơn - doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm từ nguyên liệu cói, bèo tây và cả bẹ cau để xuất khẩu, mỗi năm thu về hàng triệu USD.

Doanh nhân biến “rác” thành tiền

Đó là anh Phạm Minh Tôn, Giám đốc Công ty CP Sản xuất chế biến cói xuất khẩu Việt Anh (Công ty Việt Anh) xã Nga An, huyện Nga Sơn - doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm từ nguyên liệu cói, bèo tây và cả bẹ cau để xuất khẩu, mỗi năm thu về hàng triệu USD.

Doanh nhân biến “rác” thành tiềnNgoài sản phẩm từ cói, bèo tây, anh Phạm Minh Tôn hy vọng có thể xuất khẩu quạt mo của người Việt ra thế giới.

Khác với tưởng tượng của tôi về một doanh nhân “triệu đô”, anh Phạm Minh Tôn mang đến cho người đối diện cảm nhận về một con người vừa thông minh, từng trải mà vẫn mộc mạc, dễ gần.

Bắt đầu câu chuyện với chúng tôi, anh chia sẻ: “Tôi sinh ra ở vùng đất cói, lớn lên giữa những bạt ngàn hương cói thơm nồng. Vì gia cảnh khó khăn, nên bươn chải đủ nghề, đi khắp nơi, trong Nam ngoài Bắc. Khác với nhiều loại cây trồng, cây cói dường như là thứ cây “đặc sản” trời ban. Suốt những năm tháng tuổi trẻ còn đi làm thuê, tôi vẫn thường trăn trở, Nga Sơn là đất cói, vậy nhưng tại sao chúng ta lại chỉ có thể tạo ra sản phẩm đơn thuần (chiếu cói) và xuất khẩu nguyên liệu cói (dạng thô) sang các nước với giá trị thấp. Rồi từ nguyên liệu ấy, các quốc gia nhập khẩu cói lại có thể làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ giá trị cao gấp nhiều lần... Tại sao chúng ta không làm được điều đấy?...”.

Trăn trở, cùng với kinh nghiệm tích lũy từ những năm tuổi trẻ chăm chỉ làm việc khiến anh Phạm Minh Tôn càng quyết tâm hơn khát vọng nâng tầm giá trị cây cói trên chính quê hương mình. Năm 2009, anh thành lập Công ty Việt Anh, chuyên sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói, bèo tây... để xuất khẩu. Sau 14 năm, anh tự hào: “Nếu trước đây người dân Nga Sơn chỉ quen với việc đan chiếu thì hiện nay, hầu hết người làm nghề đã có thể tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ bắt mắt, được người tiêu dùng trên thế giới yêu thích”.

Quyết tâm là vậy nhưng thời gian đầu cũng gặp không ít khó khăn. Do người dân vẫn chưa quen với việc đan lát các sản phẩm kỳ công, tinh xảo; thị trường tiêu thụ chưa ổn định, chưa có nhiều đối tác, nên mặt hàng xuất khẩu được Công ty Việt Anh lựa chọn là thảm lót và chiếu lõi. Anh Phạm Minh Tôn lý giải: “Khác với người Việt, từ nhiều năm trước, người dân các nước châu Âu và Mỹ đặc biệt yêu thích các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên như cói. Và một trong những sản phẩm rất phổ biến đó là thảm lót, chiếu lõi. Đây cũng là những sản phẩm đơn giản, dễ làm, phù hợp với thói quen đan lát của người dân trước đó. Việc chọn hai sản phẩm này để sản xuất và xuất khẩu có thể xem là “lời giải” cho những khó khăn khởi nghiệp của Công ty Việt Anh khi đó. Từ hai sản phẩm xuất khẩu ban đầu, số lượng loại sản phẩm xuất khẩu hiện nay của Công ty Việt Anh đã được nâng lên 2.000, trong đó 90% là đồ gia dụng sử dụng trong gia đình. Các sản phẩm đa dạng, phong phú, đáp ứng hầu hết mọi yêu cầu của đối tác”.

Từ những ngày đầu sản xuất và xuất khẩu, người sáng lập Công ty Việt Anh đã xác định Mỹ và châu Âu là hai thị trường tiêu thụ chính với doanh thu khoảng 60% đến từ thị trường Mỹ và 40% đến từ các nước châu Âu. Anh Phạm Minh Tôn chia sẻ về lý do lựa chọn thị trường tiêu thụ: “Mỹ và châu Âu nổi tiếng là những thị trường khó tính với quy định khắt khe về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên khi sản phẩm đã đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã đối tác đề ra thì đơn hàng lại thoải mái, thị trường tiêu thụ ổn định”.

Điều đặc biệt, bên cạnh cói thì bèo tây cũng là nguyên liệu chính để tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Công ty Việt Anh. “Tôi còn nhớ những ngày mình còn nhỏ, bèo tây đơn thuần chỉ là nguyên liệu dùng cho việc chăn nuôi. Nhưng rồi sau đó, việc sử dụng bèo tây cũng ít dần; những kênh, mương, ao, hồ thường xuyên đặc kín bèo tây, có những thời điểm chính quyền địa phương phải huy động người dân vớt bèo để khơi thông dòng chảy. Từ thứ cây mọc hoang tưởng chừng bỏ đi, bèo tây đã thực sự trở thành nguyên liệu “có giá” với thủ công mỹ nghệ Việt Anh”, anh Phạm Minh Tôn nhấn mạnh.

Doanh nhân biến “rác” thành tiềnNgười lao động cần mẫn tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại xưởng sản xuất của Công ty Việt Anh.

Khác với nhiều doanh nghiệp sau khi ổn định thị trường trong nước mới hướng ra thị trường xuất khẩu, Giám đốc Công ty Việt Anh dường như lại có suy nghĩ và cách làm khác. Đó là khi thị trường xuất khẩu sang Mỹ và các nước châu Âu đang ổn định, anh lại nghĩ đến việc “mở rộng” thị trường trong nước. Anh chia sẻ: “Sản phẩm của Công ty Việt Anh đã đạt được những tiêu chuẩn khắt khe nhất với thị trường quốc tế, nhưng dường như vẫn còn khá “xa lạ” với chính người tiêu dùng trong nước. Tôi mong muốn có thể định vị những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang thương hiệu Công ty Việt Anh trong thị trường tiêu thụ nội địa. Từ đó, “nói” với người tiêu dùng trong nước biết rằng, cây cói Nga Sơn, cây bèo tây tự nhiên đã làm ra được rất nhiều sản phẩm bền, đẹp, có giá trị sử dụng cao, thân thiện môi trường, an toàn cho người sử dụng”.

Cùng với việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, anh Phạm Minh Tôn còn xây dựng để sản phẩm được công nhận OCOP. Đến nay, Công ty Việt Anh đã có 5 sản phẩm được công nhận đạt 4 sao: bộ rổ cói 3 chiếc; bình hoa bằng cói; khay đựng rau, quả Việt Anh; đĩa đựng rau salad Việt Anh; đĩa cói trang trí Việt Anh. Đây cũng là đơn vị có số lượng sản phẩm OCOP 4 sao nhiều nhất trên địa bàn huyện Nga Sơn.

Vừa nói, Giám đốc Công ty Việt Anh vừa dẫn chúng tôi đi tham quan nơi trưng bày sản phẩm của công ty. Nếu không trực tiếp nhìn thấy, thật khó tưởng tượng, từ những nguyên liệu mộc mạc như cói, như bèo lại có thể tạo ra vô số sản phẩm đẹp đến thế. Nhìn chiếc bình hoa bằng cói có thêu hình hoa sen, những chiếc đĩa, chiếc khay được đan lát tinh xảo... khiến người ta liên tưởng đến nét đẹp, vẻ đẹp văn hóa Việt. Và như vậy, những sản phẩm mang hồn cốt văn hóa Việt, đang được những doanh nhân như anh Phạm Minh Tôn xuất khẩu ra thế giới.

Thú vị hơn, với tư duy của một doanh nhân luôn kiếm tìm sự phát triển, anh Phạm Minh Tôn còn dự định sẽ xuất khẩu “mo cau” của Việt Nam ra thế giới. Nói rồi anh cho chúng tôi xem những sản phẩm quạt mo đầu tiên mới được sản xuất: “Anh đang gửi cho đối tác xem, có vẻ họ khá ưng. Có thể thời gian tới anh sẽ thu mua và cho làm quạt mo số lượng lớn. Vừa tận dụng được nguyên liệu sẵn có, vừa giúp người lao động có thêm việc làm, thu nhập, doanh nghiệp lại có doanh thu”.

Đến đây thì tôi không giấu được sự thán phục của mình. Tôi hỏi: “Anh nghĩ sao nếu có người nói, anh là người có khả năng biến rác thành tiền? - Có lẽ vậy, nếu không được sử dụng để làm ra sản phẩm, thì cói, bèo tây hay mo cau rốt cuộc cũng chỉ là rác. Anh chỉ là người nhìn ra ý tưởng, còn làm ra sản phẩm, vẫn phải nhờ người lao động chăm chỉ mỗi ngày”.

Nhờ sự cố gắng nỗ lực của cả chủ doanh nghiệp và người lao động, năm 2022, Công ty Việt Anh đạt doanh thu hơn 5 triệu USD, tạo việc làm trực tiếp cho hàng trăm lao động tại xưởng và hàng nghìn lao động làm việc tại nhà.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]