(vhds.baothanhhoa.vn) - Trải qua “2 tuần vàng” có ý nghĩa quyết định đối với Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19, số ca nhiễm ghi nhận trong hai tuần ở mức thấp, nhiều ổ dịch được khống chế, cắt đứt sự lây lan. Đây được coi là một thành công của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch và góp chung vào thành công đó có sự đồng thuận, có gắng của nhân dân Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đồng lòng “2 tuần vàng” chống dịch

Trải qua “2 tuần vàng” có ý nghĩa quyết định đối với Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19, số ca nhiễm ghi nhận trong hai tuần ở mức thấp, nhiều ổ dịch được khống chế, cắt đứt sự lây lan. Đây được coi là một thành công của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch và góp chung vào thành công đó có sự đồng thuận, có gắng của nhân dân Thanh Hóa.

Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt cho người dân đến bệnh viện.

Sự đồng thuận từ nhân dân

Người dân Thanh Hóa cùng cả nước đã đi qua 2 tuần lễ thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Trong giai đoạn 3 của dịch bệnh, cách ly xã hội được xem là biện pháp có tính quyết định thành công nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Có thể dễ dàng nhận thấy, trong 15 ngày qua người dân Thanh Hóa đều nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương theo sự vận động của chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Các nhà hàng quán ăn, quán cà phê đã hoặc đóng cửa, hoặc treo biển bán hàng mang về. Tại các khu chợ, hầu hết bà con tiểu thương cùng người mua hàng đều ý thức việc đeo khẩu trang và nhắc nhở nhau nếu ai đó chưa thực hiện... Các cơ quan, công sở đã thực hiện nghiêm việc kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, tổ chức phun thuốc khử trùng. Việc hội họp cũng đã giảm triệt để... Tất cả đều dồn sức cho việc chống dịch theo đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Thực hiện cách ly xã hội, người dân dần quen với làm việc và sinh hoạt trong nhà. Bỏ thói quen la cà, tụ tập, hàng quán và nghiêm túc đeo khẩu trang khi ra đường để phòng dịch. Tuy cuộc sống có phần bị xáo trộn, nhưng với tinh thần đẩy lùi dịch bệnh, đa số người dân đều đồng tình ủng hộ và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Bác Chu Nại Sú, Tổ trưởng khu dân cư số 4, phường Ba Đình (TP Thanh Hóa), cho biết: “Tôi nghĩ đây là một chủ trương đúng đắn khi đại dịch đang phá hủy cả những nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Đức, Anh... Trong khi ở nước ta, đến thời điểm này chỉ có hơn 260 ca nhiễm và chưa có bệnh nhân chết vì Covid-19, điều đó thể hiện những chính sách của Đảng và Nhà nước là đúng đắn. Nhất là với những người già như chúng tôi, việc ở nhà thể hiện tinh thần, trách nhiệm, là một hành động yêu nước trong lúc này”.

Còn chị Lê Viết Hường (thôn 4, Đông Khê, huyện Đông Sơn) vừa thực hiện cách ly 2 tuần cả gia đình do có tiếp xúc với người đi từ vùng dịch về, đồng tình chia sẻ: “Bây giờ ai cũng hiểu rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, vì vậy cách tốt nhất là giãn cách xã hội. Đây là điều cần thiết lúc này để dịch bệnh không lây lan diện rộng. Cách ly không đáng sợ như mọi người nghĩ, vẫn sinh hoạt bình thường chỉ là không gian sinh hoạt chỉ diễn ra trong khu vực nhà”.

Có thể nhận thấy, 2 tuần qua nhịp sống ở thành phố và cả ở vùng nông thôn Thanh Hóa đã chậm lại nhưng bình yên và an lành. Ở nhà nhưng mọi người vẫn làm việc và học sinh vẫn lên lớp bằng hình thức trực tuyến, không đi mua sắm nhưng cuộc sống vẫn đảm bảo. Người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn... được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền, các nhà hảo tâm. Ở tuyến đầu, các y bác sỹ cùng lực lượng chức năng vẫn ngày đêm chiến đấu để người dân được bình an, như câu nói “chúng tôi đi làm vì các bạn, các bạn hãy ở nhà vì chúng ta”.

Nâng cao năng lực hệ thống y tế

Để chuẩn bị cho 2 tuần giãn cách xã hội, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa đã giao ban thường xuyên đề ra và chỉ đạo thực hiện nâng cao khả năng điều trị, cách ly người nhiễm Covid-19 trên cơ sở 3 đồng bộ: Tăng giường bệnh, tăng lượng nhân viên y tế, tăng vật tư y tế đặc thù. Theo đó, các cơ sở y tế đều đã nâng cấp và xây dựng kế hoạch phòng dịch ở mức cao. Toàn tỉnh đã chuẩn bị 84 cơ sở cách ly tập trung bảo đảm yêu cầu với 6.834 giường cách ly, trong đó có 1.188 giường tại khách sạn, 5.646 giường tại cơ quan nhà nước.

Việc điều trị bệnh nhân Covid-19 đã được chỉ định tại 2 cơ sở bệnh viện Phổi và Đa khoa Đông Sơn. Đây là 2 bệnh viện cách không quá xa trung tâm, có thể nhận hỗ trợ chuyên môn nhanh từ các bệnh viện đa khoa tỉnh, Nhi, Phụ sản... Các trang thiết bị hiện có của hai bệnh viện này gần tương đồng với trang thiết bị phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19. Bên cạnh đó, phương án về thành lập bộ khung, huy động phương tiện, điều động nhân viên y tế phục vụ các bệnh viện Covid đã được Sở Y tế Thanh Hóa cụ thể hóa đến từng vị trí, sẵn sàng chuyển trạng thái ngay lập tức, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 ở cấp độ 4 theo giả thiết dịch lây lan ra cộng đồng với từ 1.000 đến 4.000 người mắc.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cũng đã đủ năng lực xét nghiệm sàng lọc Covid-19. Trung tâm đã tăng cường nhân lực triển khai 4 kíp làm xét nghiệm sàng lọc Covid-19 với hệ thống xét nghiệm chạy 24/24 giờ. Mỗi ngày, trung tâm hoàn thành xét nghiệm trả lời kết quả cho khoảng 150 trường hợp. Tới đây, với sự đầu tư đồng bộ máy tách chiết mẫu tự động được nhập về, thì trung tâm có thể thực hiện xét nghiệm 250 mẫu sàng lọc Covid-19 mỗi ngày.

Ông Lương Ngọc Trương - Giám đốc trung tâm cho biết “Công tác phòng dịch Covid-19 đang được Thanh Hóa triển khai mạnh mẽ với các biện pháp quyết liệt chưa từng có. Tại trung tâm đã thành lập đội phản ứng nhanh, tổ cơ động phòng chống dịch... phối hợp cùng với lực lượng chức năng chốt chặn, giám sát, cách ly các trường hợp nghi nhiễm, có yếu tố dịch tễ liên quan, đồng thời hỗ trợ chuyên môn y tế cơ sở thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ”.

Vân Anh


Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]