(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa là một trong những địa phương nằm trong tốp đầu cả nước có số đông phụ nữ, trẻ em bị lừa bán sang Trung Quốc để làm vợ, làm gái mại dâm. Trong số đó, có rất ít chị em may mắn trốn thoát, hoặc được lực lượng chức năng 2 nước giải cứu, trở về đoàn tụ gia đình. Tuy nhiên, sau bao nhiêu năm lưu lạc sống cuộc sống tủi nhục nơi xứ người, nay trở về đoàn tụ cùng gia đình, họ phải đối mặt với cuộc sống thiếu khó trăm bề. Đặc biệt là những chị em làm mẹ đơn thân, đang hàng ngày vật lộn, bươn chải mưu sinh chăm lo, nuôi dưỡng những đứa con mang 2 dòng máu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đường về... không dễ (Kỳ 1): Tủi nhục nơi đất khách

Thanh Hóa là một trong những địa phương nằm trong tốp đầu cả nước có số đông phụ nữ, trẻ em bị lừa bán sang Trung Quốc để làm vợ, làm gái mại dâm. Trong số đó, có rất ít chị em may mắn trốn thoát, hoặc được lực lượng chức năng 2 nước giải cứu, trở về đoàn tụ gia đình. Tuy nhiên, sau bao nhiêu năm lưu lạc sống cuộc sống tủi nhục nơi xứ người, nay trở về đoàn tụ cùng gia đình, họ phải đối mặt với cuộc sống thiếu khó trăm bề. Đặc biệt là những chị em làm mẹ đơn thân, đang hàng ngày vật lộn, bươn chải mưu sinh chăm lo, nuôi dưỡng những đứa con mang 2 dòng máu.

Chỉ vì cuộc sống quê nghèo quá khó khăn, lại nhẹ dạ, cả tin và thiếu hiểu biết nên nhiều chị em, nhất là chị em ở những bản làng xa xôi thuộc các huyện miền núi và ven biển đã nghe theo lời kẻ xấu đến vùng đất hoàn toàn xa lạ để hy vọng đổi đời. Tuy nhiên, đổi đời đâu không thấy, chỉ biết rằng họ bị chính những kẻ rủ rê lừa bán sang Trung Quốc để làm vợ, làm gái mại dâm và phải sống cuộc sống tủi nhục, ê chề.

Bỏ gia đình, người thân vì... nghe theo kẻ xấu

Cho đến bây giờ chị Lê Thị Hoài, dân tộc Thổ, ở thôn Thắng Sơn, xã Yên Lễ, huyện Như Xuân vẫn không tin được mình bị chính người bạn thân cùng làng lừa bán sang Trung Quốc.Theo chị Hoài, cách đây hơn 20 năm, tháng 3/1997, nghe người bạn thân tỉ tê, ra Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) sẽ có người nhận vào làm việc với mức lương từ 500 - 600.000 đồng/tháng, chị mừng như bắt được vàng. Tuy nhiên, khi nói ý định ra Móng Cái làm việc, bố mẹ chị nhất quyết không đồng ý cho dù chị đã nhiều lần thuyết phục. Không để bỏ lỡ cơ hội, chị trốn gia đình và cùng người bạn ra thị trấn huyện Như Xuân bắt xe khách ra Hà Nội, rồi đi tiếp lên Móng Cái.

Cũng theo chị Hoài, đây là lần đầu tiên chị xa nhà lại đi quãng đường xa nên mệt và cứ thế thiếp đi. Đến khi xe dừng lại, rồi nghe những âm thanh lạ, chị chợt tỉnh và kịp nhận ra rằng, mình đang ở một nơi rất xa lạ. Biết mình bị lừa, chị không chịu xuống xe nhưng có mấy người đàn ông, gương mặt bặm trợn, ép bằng được chị phải xuống xe. Lúc này, chị mới có dịp quan sát, trên xe không chỉ có mình chị bị đám người này lôi kéo xuống xe mà còn có khoảng 8-9 chị em nữa. Bạn chị lúc này cũng lộ nguyên hình là một “má mì”. Biết không thể kháng cự nổi, tất cả các chị em đành miễn cưỡng đi theo đám buôn người đến một ngôi nhà lụp sụp nằm khuất trong con hẻm nhỏ. Tại đây, có rất nhiều người đàn ông Trung Quốc đủ mọi lứa tuổi đã chờ sẵn. Một cuộc trả giá chóng vánh diễn ra, chị được một người đàn ông ở tỉnh Giang Đông mua về làm vợ với giá 500.000 đồng tiền Việt Nam lúc bấy giờ.

Sau niềm vui đoàn tụ, những người phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc phải đối diện với nhiều khó khăn phía trước.

Rời gia đình chị Hoài, chúng tôi đến xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, là địa phương có đông chị em bị lừa bán sang Trung Quốc và có nhiều chị đã trở về địa phương sinh sống.

Trong căn nhà “Đại đoàn kết” được xây dựng từ năm 2009 ở thôn Bắc Thọ, chị Bùi Thị Thường là một trong số hàng chục phụ nữ may mắn của xã Ngư Lộc trốn thoát trở về địa phương, ngậm ngùi cho biết: Năm 1996, sau trận đại hồng thuỷ ập vào Ngư Lộc, nhu cầu việc làm để kiếm miếng cơm, manh áo của người dân trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, trong một lần đi bán moi ở chợ Lèn (huyện Hà Trung), nghe người bạn hàng rỉ tai sẽ giúp chị tìm được việc làm với thu nhập 500.000 đồng/tháng, chị không chút đắn đo liền nhờ giúp đỡ. Được người bạn hàng giúp đỡ nhiệt tình, chị trốn bố mẹ khăn gói ra trung tâm xã Minh Lộc và lên xe khách vào khoảng 4h sáng. Sau gần 2 ngày, 1 đêm ngồi trên xe, chị đến một nơi mà mãi sau này chị mới biết, đó là xã Du Kiên, huyện Tài Phòng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, bị bán để làm vợ một người đàn ông Trung Quốc lớn hơn chị 13 - 14 tuổi.

Không chỉ có chị Hoài, chị Thường mà nhiều chị em khác cũng bị kẻ xấu nắm bắt được tâm lý muốn có việc làm, thu nhập cao để rồi, lừa bán sang Trung Quốc.

Cuộc sống tủi nhục nơi đất khách

Dù đã trốn thoát được cuộc hôn nhân không giá thú với người đàn ông Trung Quốc, song ký ức những ngày sống tủi nhục nơi xứ người gần 20 năm vẫn còn in đậm trong ký ức của chị Bùi Thị Thường. Bằng giọng chua xót, chị cho tôi biết: Mang tiếng là vợ, là con dâu nhưng chị bị gia đình chồng đối xử như một đứa ở và bị kiểm soát giống như tù bị giam lỏng. Hàng ngày, chị phải dậy từ rất sớm để bổ củi, nấu cơm phục vụ cho cả gia đình chồng (gồm bố mẹ chồng, chồng và 5 đứa em trai), sau đó cùng nhà chồng ra đồng gặt lúa đến tối mịt mới về. Làm đồng vất vả nhưng khi về nhà, chị phải vào bếp để lo bữa tối cho 8 miệng ăn. Tuy làm quần quật như thế nhưng đổi lại, chị luôn nhận được sự tức giận vô cớ của bố mẹ chồng, các em trai chồng và cả người chồng tính khí thất thường luôn đánh đập, chửi bới chị.

Do cuộc sống nhà chồng quá túng thiếu, chồng lại vũ phu và gia đình chồng đối xử tệ bạc nên nhân lúc nhà chồng mất cảnh giác, chị đem theo 2 đứa con chạy trốn, kết thúc cuộc hôn nhân không tình yêu với người đàn ông Trung Quốc sau 4 năm chung sống.

Nằm trong số hàng chục chị em bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ và đã trốn thoát trở về Ngư Lộc sinh sống, chị Đồng Thị Nụ, thôn Thành Lập kể cho tôi bằng giọng lơ lớ về quãng thời gian hơn 10 năm làm vợ xứ người. Theo chị Nụ, khi bị lừa bán, một người đàn ông Trung Quốc lớn hơn chị 14 tuổi mua về làm vợ, chị phải vượt đèo, lội suối đi theo anh ta quãng đường rất xa mới về đến nhà thuộc vùng nông thôn hẻo lánh của tỉnh Quảng Tây. Gia đình chồng chỉ có 5 thành viên (bố mẹ chồng, chồng và 2 đứa em) nhưng do sống ở vùng điều kiện canh tác khó khăn, bố mẹ già yếu, chồng chị thường xuyên đau ốm, bệnh tật nên gia đình rất nghèo. Thời gian đầu vì lo sợ chị trốn nên họ nhốt chị ở trong nhà. Sau đó ít lâu chị cũng phải theo họ lên nương gặt lúa, thu hoạch ngô, sắn, làm việc cực nhọc. Tuy nhiên, phận làm dâu như chị vẫn không được gia đình chồng tôn trọng. Bố mẹ chồng thường xuyên mắng nhiếc, khinh rẻ chị. Còn chồng chị, dù đã có với nhau 2 đứa con (đứa đầu sinh năm 2000, đứa thứ 2 sinh năm 2003) nhưng vẫn thường vô cớ đánh đập chị. Cuộc sống của chị càng khổ và tủi nhục hơn khi chồng chị qua đời. Biết không thể gắn bó hết cuộc đời mình ở vùng đất xa lạ nên nhân một lần đi chợ huyện, chị gặp được người Việt Nam tốt bụng, cảm thương với hoàn cảnh của chị, họ đã nhiệt tình giúp đỡ, đưa mẹ con chị trốn thoát về Ngư Lộc vào năm 2006.

Trên đây chỉ là 3 trong số hàng trăm chị em phụ nữ tỉnh Thanh Hoá bị lừa bán sang Trung Quốc mà tôi được gặp. Tuy các chị mỗi người, mỗi số phận nhưng đều có điểm chung nhẹ dạ, cả tin nên bị kẻ xấu lợi dụng. Và khi nhận ra chân tướng kẻ buôn người, mọi việc đã quá muộn nên đành nhắm mắt đưa chân chấp nhận cuộc sống tủi nhục nơi xứ người. Chỉ có rất ít chị em may mắn trốn thoát tìm đường trở về sum họp gia đình sau bao nhiêu năm lưu lạc nơi đất khách. Dù may mắn hơn so với nhiều chị em khác, song liệu những chị em trở về địa phương sinh sống, cuộc sống của họ có bớt nhọc nhằn?

Minh Lý


Minh Lý

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]