(vhds.baothanhhoa.vn) - Cuộc sống vợ chồng không có tình yêu lại bất đồng về ngôn ngữ. Hơn nữa, tuy là vợ, là con dâu nhưng các chị bị chồng, gia đình chồng coi thường. Không cam chịu cuộc sống tủi nhục nơi xứ người, các chị tìm mọi cách bỏ trốn nhưng chỉ có rất ít may mắn trốn thoát được. Liệu những người may mắn trốn thoát, con đường trở về của họ có được phẳng lặng, hay gập ghềnh những chông gai?

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đường về... không dễ (Kỳ 2): Nước mắt ngày trở về

Cuộc sống vợ chồng không có tình yêu lại bất đồng về ngôn ngữ. Hơn nữa, tuy là vợ, là con dâu nhưng các chị bị chồng, gia đình chồng coi thường. Không cam chịu cuộc sống tủi nhục nơi xứ người, các chị tìm mọi cách bỏ trốn nhưng chỉ có rất ít may mắn trốn thoát được. Liệu những người may mắn trốn thoát, con đường trở về của họ có được phẳng lặng, hay gập ghềnh những chông gai?

Cuộc trùng phùng nghẹn ngào

Trở về Ngư Lộc đoàn tụ cùng gia đình đã gần 20 năm nhưng nếu có ai đó nhắc về quá khứ với người chồng Trung Quốc thì ký ức trốn chạy khỏi nhà chồng lại hiện rõ trong đầu chị Bùi Thị Thường, thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc. Chị trải lòng: Dù đã chấp nhận làm vợ, làm con dâu và sinh cho nhà chồng 2 đứa cháu nội nhưng chị bị chồng, gia đình chồng đối xử như một đứa ở không công và bị chồng thường xuyên đánh đập không thương tiếc. Không cam chịu cuộc sống tủi nhục, chị nung nấu và chờ thời cơ bỏ trốn. Và rồi... trong một lần được nhà chồng sai đi chợ, chị đã gặp và làm quen với chị Hải là người Việt Nam chuyên buôn hàng chuyến sang các chợ Trung Quốc để bán. Thương cảm cho hoàn cảnh của chị, chị Hải đã bày cách và giúp chị trốn thoát.

Kể về hành trình trốn chạy khỏi nhà chồng, giọng chị Thường vẫn còn run run: “Thú thật với cô, suốt nhiều ngày băng rừng, lội suối, bụng mang dạ chửa và đem theo đứa con lúc ấy vừa tròn 3 tuổi, tôi mệt, lo sợ nhiều lắm vì không biết liệu mình có còn đủ sức, ôm con chạy thoát được nhà chồng hay không. Tuy nhiên, cứ nghĩ đến những ngày sống tủi nhục ở nhà chồng, đã thôi thúc, tiếp thêm sức mạnh giúp tôi gắng gượng vượt qua quãng đường dài hàng trăm cây số”.

Khi chị Hải đưa tôi về đến đất Ngư Lộc, bước chân vào nhà, nhìn thấy người thân, bà con hàng xóm đang ngồi đợi tự lúc nào, tôi không sao cầm được nước mắt. Chào bà con xong, tôi chạy tới, ôm chầm lấy bố mẹ và khóc nức nở. Nén cảm xúc vào lòng, bố tôi nói: “Con trốn thoát và trở về nhà được là tốt lắm rồi. Thôi từ nay, sướng khổ... ở nhà thôi con ạ”. Còn bà con hàng xóm, tay bắt mặt mừng, hỏi han, động viên tôi chăm lo sức khoẻ để lo tương lai cho con, nhất là đứa bé còn đang nằm trong bụng, chị Thường xúc động kể lại.

Ở tuổi 73 nhưng ông Lê Văn Ngọ, thôn Thắng Sơn, xã Yên Lễ, huyện Như Xuân vẫn còn đủ minh mẫn kể cho tôi về con gái Lê Thị Hoài - đứa con mà ông cứ đinh ninh sẽ mất nó vĩnh viễn sau 20 năm “biệt vô âm tín” bỗng trở về. Ông Ngọ cho biết: “Cách đây 2 năm, người ta đưa con Hoài về và trao tận tay cho gia đình vì nó đi lâu quá rồi nên không còn nhớ đường về nhà nữa. Tôi mừng quá nhưng không thốt lên được lời nào. Nó chạy tới ôm chầm lấy tôi. Cứ thế, hai bố con ôm lấy nhau mà khóc. Sau đó, Hoài kể cho tôi về cuộc sống của nó suốt 20 năm uất ức, tủi nhục lưu lạc xứ người và cuộc chạy trốn khỏi gia đình chồng”.

“Gần cuối đời, gặp lại đứa con tưởng như đã mất, nay trở về sau 20 năm lưu lạc ở xứ người, tôi mừng lắm nhưng niềm vui chẳng được tày gang. Tưởng rằng, nó sẽ ở lại với tôi đến cuối đời, ai dè do không nhập được hộ khẩu cho con, nhà cửa lại chưa có, phải sống nhờ nhà anh trai nên cuối năm 2018 mẹ con nó lại bồng bế, dắt díu nhau về Trung Quốc mất rồi”, ông Ngọ nghẹn ngào chia sẻ.

Chị Đồng Thị Nụ bên ngôi nhà do em trai hỗ trợ.

Và cuộc sống khốn khó khi trở về

Trong căn nhà tuềnh toàng chưa đầy 20m2 được người em trai hỗ trợ xây dựng từ năm 2010, chị Đồng Thị Nụ, thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc trải lòng: “Tuy đã thoát cuộc sống tủi nhục và đem theo đứa con gái 3 tuổi trở về Việt Nam trong niềm vui khôn tả của người thân, bà con hàng xóm. Song, do hoàn cảnh gia đình tôi lúc đó rất khó khăn: bố mẹ già cả, anh chị em đông lại không có nghề nghiệp ổn định, trong khi đó phải bao bọc thêm tôi và một đứa bé nên cuộc sống càng thêm khó khăn hơn. Vì vậy, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, tôi tìm và làm đủ nghề để mưu sinh. Thấy tôi dần quen và thích nghi với cuộc sống ngay tại quê hương, em trai của tôi đã vay tiền mua đất và làm nhà riêng cho mẹ con tôi vào năm 2010. Ra ở riêng được 3 năm, tôi đi bước nữa với người đàn ông ở xã Minh Lộc”.

“Tưởng rằng, lấy chồng sẽ giúp mình có thêm chỗ dựa nhưng người chồng này tính khí không bình thường, lại nghèo và chuyên sống lang thang ở chợ Minh Lộc. Vì vậy, ở với anh ta được thời gian ngắn, tôi lại khăn gói trở về. Khi đó, tôi mang bầu mới 3 tháng tuổi. Cuộc sống của mẹ con càng thêm khó khăn nhưng nhờ tiền hỗ trợ của người em trai hiện đang làm ăn ở Hà Nội, cộng với chính sách hộ nghèo và tiền đi bóc tôm thuê mỗi ngày được 30.000 - 50.000 đồng đã vơi đi cuộc sống khó khăn, vất vả”, chị Nụ kể lại.

Cùng chung cảnh làm mẹ đơn thân và cuộc sống thiếu khó khi trở về đoàn tụ cùng gia đình nhưng chị Bùi Thường còn phải đối mặt với sự khinh rẻ, định kiến của không ít bà con lối xóm, thậm chí có cả những cán bộ đương chức của xã Ngư Lộc thời ấy. Bằng giọng hổn hển và đứt quãng do bệnh viêm phế quản hành hạ, chị kể cho tôi những nhọc nhằn, khổ cực mà mẹ con chị đã trải qua. Chị trải lòng: Về một thời gian, chị ra xã khai báo nhập hộ khẩu và làm giấy khai sinh cho đứa con gái mà chị đem theo từ bên Trung Quốc nhưng cán bộ thời ấy gây khó dễ. Có người còn nói: “Đất Ngư Lộc còn thiếu người hay sao mà còn dẫn thêm người Trung Quốc”. Lời nói đó như cứa vào tim gan chị. Nén nỗi đau, chị lên xã nhiều lần nhưng họ vẫn từ chối không làm. Đến thời bác Dưỡng làm chủ tịch xã, con gái chị - cháu Bùi Thị Phượng mới được làm giấy khai sinh và được vào học tại trường mầm non khi cháu tròn 4 tuổi, tiếp đến con gái thứ 2 - cháu Bùi Thị Loan, sinh năm 2001. Từ đây, cả 3 mẹ con chị có tên trong danh sách hộ khẩu của xã.

Không chỉ gặp khó khi làm giấy khai sinh cho con mà chị còn phải đối mặt với nỗi lo cơm áo gạo tiền để nuôi các con ăn học. Để có tiền, chị làm đủ nghề: bóc tôm, xẻ cá, khâu lưới... nhưng tiền kiếm được, chỉ đủ chi tiêu cuộc sống trong ngày cho 3 mẹ con. Còn những hôm không có việc làm, hoặc chẳng may con ốm, chị phải chạy ngược, chạy xuôi để vay tiền. Thấy hoàn cảnh mẹ con chị khó khăn, bà con trong thôn, rồi chính quyền xã xét, công nhận cho gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, đồng thời hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết vào năm 2010. Sự quan tâm của chính quyền xã, bà con lối xóm đã giúp chị có thêm nghị lực vượt qua khó khăn nuôi dạy các con trưởng thành.

Dù may mắn thoát được cuộc sống tủi nhục, trở về đoàn tụ cùng gia đình và được chính quyền địa phương, bà con lối xóm quan tâm, đùm bọc, chia sẻ. Tuy nhiên, đa phần cuộc sống của các chị hiện vẫn còn nhiều khó khăn với nỗi lo “cơm áo gạo tiền”. Và rồi cuộc sống của những đứa con lai sẽ ra sao...?!

Minh Lý


Minh Lý

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]