(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong số hàng trăm phụ nữ xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) bị lừa bán sang Trung Quốc những năm trước đây đã có hàng chục chị may mắn trốn thoát đem theo con về Việt Nam sinh sống. Dù những đứa đã được khai sinh, mang quốc tịch theo mẹ và được hưởng quyền lợi như những trẻ em khác. Song, do phần lớn các chị đều có cuộc sống khó khăn lại nuôi con một mình nên những đứa trẻ này, ngoài phải sớm lam lũ cùng mẹ kiếm tiền mưu sinh, chúng còn thiệt thòi vì không có bố.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đường về... không dễ (Kỳ 3): Chuyện buồn của những đứa con lai

Trong số hàng trăm phụ nữ xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) bị lừa bán sang Trung Quốc những năm trước đây đã có hàng chục chị may mắn trốn thoát đem theo con về Việt Nam sinh sống. Dù những đứa đã được khai sinh, mang quốc tịch theo mẹ và được hưởng quyền lợi như những trẻ em khác. Song, do phần lớn các chị đều có cuộc sống khó khăn lại nuôi con một mình nên những đứa trẻ này, ngoài phải sớm lam lũ cùng mẹ kiếm tiền mưu sinh, chúng còn thiệt thòi vì không có bố.

Tuổi thơ nghèo...

Trong căn nhà chưa đầy 20m2 được xây dựng từ năm 2010, chị Đồng Thị Nụ, thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc giãi bày: Nhờ có em trai đứng ra mua đất, rồi xây nhà nên mẹ con chị mới có nhà để ở. Tuy ngôi nhà hiện đã bị xuống cấp nhưng vì điều kiện kinh tế gia đình luôn trong tình trạng “thiếu trước, hụt sau” nên mẹ con đành ở liều vậy.

Nhìn ngôi nhà ẩm thấp, tối tăm, tường, nền nhà bị nứt, sụt lún bong tróc còn tài sản của mẹ con chị không có gì đáng giá hơn, ngoài chiếc xe đạp được quỹ bảo trợ trao tặng cho trẻ em nghèo vượt khó..., tôi thật sự ái ngại. Như đoán được ý nghĩ của tôi, chị Nụ trải lòng: Bây giờ kiếm việc làm để có thu nhập từ 30.000 -50.000 đồng mỗi ngày ở đất Ngư Lộc này khó lắm vì khai thác, nuôi trồng, chế biến đều gặp khó khăn. Vì vậy, nghề đi bóc tôm thuê của chị bữa có, bữa không và những hôm có việc, tiền kiếm được chỉ đủ trang trải cuộc sống trong ngày cho 3 mẹ con. Cũng may, bé Trang (đứa con với người chồng Trung Quốc chị đem theo khi nó mới 3 tuổi) là đứa nhạy cảm biết thương mẹ. Vì vậy, dù ở lớp hay ở nhà, nó đều cố gắng học tập chăm chỉ nên nhiều năm liền, cháu đạt học sinh tiên tiến. Hiện cháu Trang đang học lớp 11, Trường PTTH Hậu Lộc 4. Học lên PTTH đến nay đã được gần 2 năm nhưng con bé vẫn chấp nhận đi học bằng chiếc xe đạp do Quỹ bảo trợ trẻ em trao tặng chứ không đòi hỏi mẹ phải mua xe đạp điện hay xe máy điện hoặc mua quần áo đẹp như chúng bạn đồng trang lứa. Những lúc rảnh rỗi, Trang còn giúp mẹ nấu cơm, trông em hoặc đi bóc tôm thuê kiếm tiền phụ thêm mẹ trang trải cuộc sống và tiền ăn học cho mình.

Mẹ con chị Đồng Thị Nụ có hoàn cảnh khó khăn.

Cùng cảnh làm mẹ đơn thân và có cuộc sống khó khăn như chị Nụ nhưng chị Bùi Thị Thường, thôn Bắc Thọ không thể chăm lo cho 2 con ăn học đến nơi đến chốn. Bởi theo chị, khi thoát được cuộc sống tủi nhục nơi xứ người đem theo con trở về đoàn tụ gia đình, chị phải tự lập hoàn toàn. Do một mình bươn chải và làm quá sức ngay cả khi bụng mang dạ chửa, hay lúc chị mới sinh nên sức khoẻ của chị giảm sút. Mãi sau này đi khám bác sĩ, chị mới biết mình bị bệnh viêm phế quản và cao huyết áp. Một mình làm thuê kiếm tiền lo cuộc sống sinh hoạt cho 3 mẹ con, rồi tiền ăn học của 2 đứa đã vất vả lắm rồi, nay lại thêm tiền thuốc chữa bệnh nên cuộc sống của 3 mẹ con chị đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Đã thế, những hôm trở trời, bệnh viêm phế quản lại hành hạ, khiến chị không thể đi làm. Chính vì cuộc sống bữa đói, bữa no lại thêm bệnh tật hành hạ nên 2 con gái của chị: Bùi Thị Phượng và Bùi Thị Loan không chỉ có tuổi thơ nghèo mà việc học cũng dang dở.

Nỗi buồn của những đứa con lai

Dù không oán trách và chất vấn mẹ: Tại sao con không có bố, tại sao con mang họ mẹ và tại sao gia đình mình lại nghèo? Nhưng tận trong sâu thẳm của những đứa con được sinh ra từ hệ quả của việc bị lừa bán sang Trung Quốc lấy chồng ở xã Ngư Lộc mà tôi được gặp đều phảng phất nỗi buồn...

Chị Đồng Thị Nụ - mẹ của Đồng Thị Trang cho biết: Chuyện Trang không có bố và mang họ mẹ đã được cháu thắc mắc, hỏi chị cách đây mấy năm rồi. Thú thật, khi cháu hỏi, chị bối rối nhiều lắm. Định giấu nhưng rồi nghĩ lại, chị đã kể sự thật cho cháu nghe. Từ khi được nghe chị kể về gốc tích của cháu, rồi những cuộc chạy trốn đem theo con khi ấy mới tròn 3 tuổi băng rừng, lội suối trở về Việt Nam sinh sống... cháu đã hiểu và hình dung phần nào nên từ đó đến nay, cháu không bao giờ hỏi nữa. Tuy nhiên, từ khi biết được trong người mình mang 2 dòng máu Việt- Trung, chị thấy cháu không còn vui nhộn, hoà đồng với chúng bạn cùng trang lứa như trước. Cháu sống khép kín, thu mình, ít nói hơn, đặc biệt là với người lạ.

Quả thật, qua nhiều lần tiếp xúc với em khi chị Nụ vắng nhà, tôi thấy Trang rụt rè, ít nói cho dù em đã là thiếu nữ 17 tuổi và đang là học sinh lớp 11. Tôi chủ động bắt chuyện, em trả lời cũng không hào hứng, thậm chí còn lảng tránh.

Đang học dở lớp 6, Trường THCS Ngư Lộc, cả 2 đứa con chị Bùi Thị Thường, thôn Bắc Thọ là Bùi Thị Phượng và Bùi Thị Loan đều nhất quyết không đi học, lý do vì muốn đỡ gánh nặng “cơm áo, gạo tiền” cho mẹ nhất là khi biết mẹ bị bệnh. Từ khi nghỉ học, cả Phượng và Trang đều đi bóc tôm thuê. Tiền làm thuê kiếm được mỗi ngày chúng đem về đưa hết cho chị. Có thêm 2 con tham gia kiếm tiền, cuộc sống của 3 mẹ con chị cũng đỡ vất vả hơn nhưng lại khiến chị luôn dằn vặt và suy nghĩ: Nếu không nhẹ dạ, cả tin, chị không thể bị kẻ xấu lừa bán sang Trung Quốc. Để rồi, cuộc đời chị phải chịu cảnh làm mẹ đơn thân và có cuộc sống khó khăn, thiếu thốn khiến các con của chị phải chịu nhiều thiệt thòi vì có tuổi thơ nghèo và không có bố.

Tuy không phải chịu bữa đói, bữa no và phải đi làm thuê để kiếm tiền như Trang, Phượng, Loan nhưng Phạm Thị Phương, sinh năm 2002, thôn Thắng Phúc, xã Ngư Lộc lại thiếu đi tình mẫu tử khi mới lọt lòng. Bác dâu của em, chị Hoàng Thị Mai là người đã nuôi dưỡng Phương từ bé cho biết: Mẹ của Phương là Phạm Thị Tới bị lừa bán sang Trung Quốc lấy chồng. Khi Phương mới được 1 tháng 5 ngày, mẹ của Phương đem con về nhờ vợ chồng chị nuôi hộ. 18 năm nhận nuôi Phương, vợ chồng chị coi cháu như con đẻ vì nó đã sớm mất đi tình mẫu tử của bố, mẹ từ nhỏ. Vì vậy, các con của chị có thứ gì, Phương cũng có thứ đó, chứ không phân biệt đâu. Dù đã lo cho cháu ăn học đến nơi đến chốn nhưng cháu vẫn bỏ học giữa chừng và có con khi mới 17 tuổi...

Trên đây chỉ là 4 trong số 12 đứa trẻ mang hai dòng máu Việt- Trung được các chị đem theo khi chạy trốn mà tôi đã được gặp, tiếp xúc ở xã Ngư Lộc. Mặc dù, 12 đứa trẻ đã được chính quyền xã Ngư Lộc làm giấy khai sinh, mang Quốc tịch Việt Nam và được hưởng các quyền lợi như mọi trẻ em khác. Tuy nhiên, so với các bạn đồng trang lứa, những đứa trẻ này vẫn chịu nhiều thiệt thòi. Những thiệt thòi dù chúng không nói ra nhưng cũng đáng cho chúng ta suy ngẫm. Làm gì và làm như thế nào để những đứa trẻ này có cuộc sống tốt hơn?.

Mặc dù, 12 đứa trẻđã được chính quyền xã Ngư Lộc làm giấy khai sinh, mang Quốc tịch Việt Nam và được hưởng các quyền lợinhư mọi trẻ em khác. Tuy nhiên, so với các bạn đồng trang lứa, những đứa trẻnày vẫn chịu nhiều thiệt thòi. Những thiệt thòi dù chúng không nói ra nhưng cũng đáng cho chúng ta suy ngẫm. Làm gì và làm như thế nào để những đứa trẻ này có cuộc sống tốt hơn?

Minh Lý


Minh Lý

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]