(vhds.baothanhhoa.vn) - Họ là những thủ từ, những người làm công tác khánh tiết, lễ nghi, dù đều đã cao tuổi nhưng bởi một chữ “duyên” nên đã về bên cửa đền để làm việc thiện. Những câu chuyện về họ vẫn còn mãi ấm lòng với du khách thập phương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Duyên lành nơi cửa đền

Họ là những thủ từ, những người làm công tác khánh tiết, lễ nghi, dù đều đã cao tuổi nhưng bởi một chữ “duyên” nên đã về bên cửa đền để làm việc thiện. Những câu chuyện về họ vẫn còn mãi ấm lòng với du khách thập phương.

Tôi luôn mong có sức khỏe để tiếp tục làm thủ từ

Cách đây 28 năm, bà Nguyễn Thị Quế (46 tuổi) đã về bên nghè Đa Sỹ ở xã Đông Vinh (TP Thanh Hóa) để đóng góp một phần tâm đức của mình cho nghè.

Nghè Đa Sỹ là một công trình tín ngưỡng được xây dựng lâu đời có sắc phong từ thời vua Cảnh Thịnh (1796), Gia Long (1810)... Nghè làng Đa Sỹ thờ hai vị thần là Cao Sơn Đại vương và Đậu Đại vương lục. Đây là những vị thần có công với dân, với nước, được nhà vua ban tặng sắc phong và giao cho làng Đa Sỹ và nhân dân trong vùng thờ phụng. Trải qua thời gian và thăng trầm của lịch sử, công trình đã bị phá hủy một phần, dấu tích chỉ còn lại gian hậu cung nhưng cũng không còn được nguyên vẹn.

Về nghè Đa Sỹ hôm nay, lắng lòng nhìn lại những năm tháng người dân làng Đa Sỹ đã phải vất vả, dãi gió dầm sương để tôn tạo lại nghè, trong đó có sự đóng góp của thủ từ Nguyễn Thị Quế. Bà nhớ lại: “Ngày ấy, chúng tôi đi xin từng viên gạch, cây luồng, từng đồng tiền để tu sửa lại nghè. Mỗi nhà góp một ít và cứ thế năm này qua năm khác, từ chỗ gần như là một bãi đất trống, nghè đã dần “hồi sinh”. Từ đó cho đến nay, không biết đã bao lần tôn tạo. Nghè được tôn tạo cũng đồng nghĩa người dân có không gian tín ngưỡng, có nơi để thờ Ngài”.

Lại nhớ 28 năm về trước, bà Quế bắt đầu biết mình có “duyên” với nghè khi mà ngày rằm, ngày lễ bà lại lên nghè quét dọn, gánh nước, đồ xôi, thắp hương. Bà đã đến từng nhà người dân bằng chiếc xe đạp Thống Nhất của mình để kêu gọi sự đồng thuận, hỗ trợ tôn tạo nghè Đa Sỹ. Riêng gia đình bà cũng đã từng ủng hộ 10 triệu đồng để làm mái hiên cho nghè. 28 năm qua, bà Nguyễn Thị Quế chưa được ăn tết ở nhà bởi ngày tết bà lại lên nghè làm công việc của một thủ từ. Bà chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân. Khi tôi ra đây để trông coi, bảo vệ, quét dọn nghè thì gia đình tôi ai cũng đồng ý dù chỉ với “đồng lương” 150 nghìn/tháng. Tôi vẫn nghĩ đã làm việc nơi cửa Phật, cửa Thánh thì đừng bao giờ đặt nặng chuyện tiền bạc mà quan trọng hơn là phải có tâm. Tôi thì lúc nào cũng mong có sức khỏe để tiếp tục làm một thủ từ...”.

Lúc nào cái tâm cũng phải sáng

Xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) được biết đến với Lễ hội Cầu Ngư, đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ngoài ra, Ngư Lộc còn nổi tiếng với cụm Di tích kiến trúc nghè - chùa - phủ - miếu Diêm Phố. Trong cụm di tích này có nghè thờ Tứ Vị Thánh Nương, chùa Liên Hoa, đền thờ Đức Ông và miếu thờ chung 344 ngư dân Diêm Phố tử nạn trong bão.

Về cụm di tích kiến trúc Diêm Phố, ông Nguyễn Văn Minh (80 tuổi) vẫn được người dân địa phương cũng như du khách nhắc đến nhiều nhất bởi chính ông được xem như một người mang lại bình an cho nhiều người.

Ông Minh từng là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc. Sau khi về nghỉ chế độ, đến năm 1996 ông được cử làm Trưởng ban quản lý Di tích nghè Diêm Phố kiêm phụ trách phần khánh tiết, lễ nghi. 23 năm qua, ông đã hoàn thành vai trò, trách nhiệm và tạo được lòng tin đối với chính quyền, nhân dân Ngư Lộc.

Gặp ông, để thấy được sự chân chất, bình dị ở con người ông. Nhưng có lẽ điều đáng trân quý nhấtđó chính là sự tâm huyết với những việc mà bản thân ông được giao, được làm. Phụ trách khánh tiết, lễ nghi của một cụm di tích không phải là điều đơn giản và ông Minh trong vai trò này, ông hoàn toàn là người “đứng cái”. Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc nói về ông: Ông Minh là người được Ban quản lý cũng như nhân dân, khách thập phương rất khen ngợi. Phụ trách khánh tiết lễ nghi phải là người hiểu biết về tâm linh, có sự sắp xếp khoa học để phục vụ tốt nhất cho nhân dân, cho di tích, là người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về nghi lễ trong tháng, trong năm, ngày tuần, ngày giỗ, phải nghiên cứu kỹ về ngày, giờ khi tiến hành làm lễ. Nếu không có tâm không thể làm tốt được. Rất mừng là hơn hai mươi năm qua, ông Minh chưa làm sai điều gì với làng Diêm Phố, với nhân dân.

Hơn hai mươi năm, ông Minh vẫn đi - về với chiếc xe đạp cà tàng và với công việc tham gia làm tại di tích, ông được “hưởng” 500 nghìn đồng/tháng nhưng như ông đã từng nói về mình: Tôi và mọi người trong Ban quản lý vẫn đang tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị di tích. Với công việc của tôi, tôi luôn tâm niệm: Lúc nào cái tâm cũng phải sáng thì mới vững tin để làm được nhiều việc thiện.

Đã làm việc ở đền phải có trách nhiệm bảo tồn, tu bổ

Đền thờ Thái úy Tô Hiến Thành - Di tích Lịch sử, kiến trúc nghệ thuật Quốc gia được tọa lạc tại thôn Tiền Thôn, xã Hoằng Tiến (Hoằng Hóa). Theo “Thần phả” của địa phương, ngôi đền được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ XII với 3 gian 2 chái: Tiền đường thờ Thái úy Tô Hiến Thành, Trung đường thờ Ngai vị, Hậu cung thờ Bài vị của ngài. Từ xa xưa, ngôi đền đã trở thành điểm sinh hoạt tâm linh của nhân dân trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là đối với đông đảo du khách khi đến với khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến.

Ông Lê Văn Hồng - Thủ từ đền Tô Hiến Thành (người đứng bên trái).

Ông Lê Văn Hồng (72 tuổi) là thủ từ chính của đền Tô Hiến Thành từ năm 2013. 6 năm qua, bản thân ông Hồng đã có nhiều đóng góp cho đền, đặc biệt trong công tác xã hội hóa để đầu tư, tôn tạo di tích. Ông Nguyễn Cao Thiêm - Trưởng Ban quản lý Di tích đền Tô Hiến Thành tự hào khi nói về ông: Nếu không có những người như cụ Hồng thì việc tôn tạo đền sẽ rất vất vả. Ông nhiệt huyết và trách nhiệm, luôn vì tập thể, không có tư lợi cá nhân.

6 năm về trước, ông Hồng về với đền Tô Hiến Thành khi nhiều công trình còn đang đơn sơ, cơ sở vật chất còn khó khăn. Ông Hồng đã cùng với chính quyền địa phương đứng ra kết nối với nhiều tổ chức, cá nhân để đầu tư, tôn tạo đền. Bản thân ông Hồng cũng đã tìm được sự hỗ trợ của một số doanh nghiệp để làm nên bức tranh đẹp cho đền Tô Hiến Thành: Đường vào đền đã bằng phẳng hơn, khuôn viên cũng đã được lát gạch, đền mẫu, đền thánh cũng bề thế, khang trang hơn. Đền đã có hồ điều hòa và sắp tới đây sẽ làm tượng Tô Hiến Thành cao 7m.

Ngày lại ngày, thủ từ Lê Văn Hồng và các thủ từ khác ở đền vẫn đang tiếp tục phần việc của mình. “Dù tuổi cao nhưng may mắn chúng tôi vẫn có sức khỏe để làm tốt công việc của nhà đền, vẫn phải nhắc nhở bản thân: Đã vào đền thì cần phải có trách nhiệm bảo tồn, tu bổ...”, ông Hồng nói.

Vĩ thanh: Những con người tôi đã gặp họ rất đỗi bình dị, đời thường như chiếc áo họ khoác đã sờn, đôi dép nhựa đã cũ nhưng những việc họ đã làm, tôi nghĩ thật phi thường. Dù với số tiền hỗ trợ không nhiều thậm chí quá ít ỏi nhưng từ trong sâu thẳm, với họ đó vẫn là hạnh phúc. Hạnh phúc là được gác, được trực, được quét dọn nơi chốn tâm linh, được làm những việc thiện. Và hạnh phúc với họ, là bắt đầu từ những điều giản đơn...

Hoàng Việt Anh


Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]