(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ bao đời nay, bên cạnh việc đánh bắt, nghề làm muối đem lại việc làm, tăng thu nhập cho diêm dân các vùng ven biển. Thế nhưng, tại xã Hòa Lộc, Hải Lộc (Hậu Lộc), những cánh đồng muối đang bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, trong khi người dân không còn thiết tha giữ nghề.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giá muối “chạm đáy”, diêm dân không còn thiết tha với nghề

Từ bao đời nay, bên cạnh việc đánh bắt, nghề làm muối đem lại việc làm, tăng thu nhập cho diêm dân các vùng ven biển. Thế nhưng, tại xã Hòa Lộc, Hải Lộc (Hậu Lộc), những cánh đồng muối đang bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, trong khi người dân không còn thiết tha giữ nghề.

Hậu Lộc hiện có trên 138,4 ha đất sản xuất muối, tập trung tại 2 xã Hòa Lộc, Hải Lộc, do 2 HTX muối quản lý. Đây được coi là ngành nghề truyền thống của diêm dân. Thời gian qua, do ảnh hưởng của thời tiết, giá cả thị trường lên xuống thất thường, ảnh hưởng lớn đến nghề làm muối, gây thiệt hại kinh tế của người dân.

Trung bình mỗi năm, vụ muối kéo dài khoảng 5 tháng (từ tháng 11 âm lịch đến tháng 4 năm sau). Hiện tại diện tích muối trên địa bàn huyện đang dần thu hẹp, chuyển dần sang nuôi trồng thủy sản...

“Trước đây, nghề muối phát triển lắm, thời kỳ thịnh vượng, nhà nhà đua nhau làm muối, có lúc không có hàng nhập cho thương lái, nay giá muối xuống thấp, chi phí sản xuất, công xá tăng cao, lãi lời không được bao nhiêu, có vụ lấy công làm lãi, cũng có vụ mất trắng vì bán ra không bằng mua bó rau, mớ cá”. Bà Nguyễn T.H (thôn Nam Tiến, Hòa Lộc), bộc bạch.

Quả thực, tại cánh đồng muối xã Hòa Lộc, thay cho sự tấp nập, hăng say vốn có, những ô muối nay bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, hệ thống bể lọc vắng người thau rửa.

Nhiều hộ dân tại đây cho hay, trời nắng rất phù hợp với nghề làm muối, nếu hai người cật lực thì ngày cũng làm được khoảng 200kg muối trắng, tuy nhiên giá muối chỉ dao động 1.500 - 1.800 đồng/kg, tính các chi phí cộng lại, thu nhập chẳng được bao nhiêu.

Để tạo nên hạt muối là cả sự đánh đổi mồ hôi, công sức, chịu khó, kỳ công của diêm dân. Họ phải làm việc trong môi trường nóng bức, bịt kín cơ thể tránh da bị tổn thương, nghề đã vất vả, giá cả lên xuống “thất thường”. Thế nên, diêm dân đã mạnh dạn bỏ nghề, chuyển sang nuôi trồng thủy sản...

Nhiều diêm dân không còn thiết tha giữ nghề muối. (Ảnh: Hoàng Lan)

Bà Nguyễn Thị Lệ (xã Hải Lộc) cho biết, nghề này có từ thời cha ông để lại, cứ thế truyền từ đời này sang đời khác, nghề vất vả, cực nhọc lắm, giờ già cả rồi, không ai thuê mướn, đành về làm vài sào muối. Thế hệ trẻ bây giờ không còn mặn mà, thay vì làm muối, các cháu xin làm tại một số công ty may trên huyện, công việc đỡ vất vả, lao lực hơn. Nhiều hộ dân bỏ diện tích hoang, sang làm công việc khác”.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Huân - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc, được biết toàn xã có 2 cánh đồng muối là Trương Xá và Nam Tiến, với tổng diện tích năm 2018 trên 64,5 ha; trong đó đất sản xuất muối, sân cát, sân phơi 39,6 ha; diện tích hồ trưng phát phục vụ sản muối 11,8 ha; diện tích đất giao thông, thủy lợi 13,1 ha. Diện tích bình quân mỗi hộ từ 140m2 - 200m2.

Hiện Hòa Lộc có 485 hộ sản xuất muối tập trung, bình quân mỗi hộ có 2 lao động tham gia sản xuất muối. Theo tính toán, công lao động của diêm dân khoảng 100.000- 150.000 đồng/ ngày. Trung bình sản xuất muối một năm từ 5 - 7 tháng, như vậy thu nhập của diêm dân rất thấp.

Trong 5 năm trở lại đây (2012 - 2017) diện tích muối giảm đáng kể, nguyên nhân do thị trường không ổn định, thu nhập nghề muối không cao, diêm dân chuyển nghề sang nuôi trồng thủy sản. Trước mắt xã đã chuyển đổi 7,98 ha đất sản xuất muối sang nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm thẻ, tôm sú, cá mú...

Ông Nguyễn Quốc Tý - Chủ tịch UBND xã Hải Lộc, cho biết, trước đây nghề muối là nghề chính của bà con trong xã, vài năm trở lại đây giá cả thị trường diễn biến, lên xuống thất thường, nghề muối lại vất vả, đòi hỏi sức lao động dồi dào. Diêm dân giờ không còn tha thiết giữ nghề, trẻ làm công ty, xuất khẩu lao động, trung tuổi chuyển sang nuôi trồng thủy sản, còn các cụ có tuổi cố gắng bám trụ vài ô muối mưu sinh.

Được biết, xã Hải Lộc có 73,9 ha muối, với 633/2.018 hộ tham gia sản xuất muối. Đến nay, có trên 25 ha đất sản xuất muối bỏ hoang, với trên 200 hộ bỏ nghề, nhiều gia đình khác có làm, nhưng cầm chừng.

Trung Lê


Trung Lê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]