(vhds.baothanhhoa.vn) - Do nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (đoạn qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa) nên đến thời điểm ngày 2/12/2020, tỉnh Thanh Hóa còn vướng 341 hộ chưa chịu nhận tiền bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Vậy, làm cách nào để những hộ này sớm bàn giao mặt bằng theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giải pháp nào đẩy nhanh tiến độ GPMB đường cao tốc Bắc - Nam?

Do nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (đoạn qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa) nên đến thời điểm ngày 2/12/2020, tỉnh Thanh Hóa còn vướng 341 hộ chưa chịu nhận tiền bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Vậy, làm cách nào để những hộ này sớm bàn giao mặt bằng theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh.

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua 8 huyện thị, thành phố trên địa bàn tỉnh với tổng chiều dài tuyến 104,243 km (bao gồm 98,543 km đường cao tốc và 5,7 km tuyến đường ngang nối Quốc lộ 45 với đường Thọ Xuân - Nghi Sơn). Tổng số hộ bị ảnh hưởng bởi dự án là 9.495 hộ; trong đó, số hộ bị ảnh hưởng đất nông nghiệp là 7.069 hộ, hộ bị ảnh hưởng đất ở 2.426 hộ (bao gồm cả 1.081 hộ phải bố trí tái định cư (TĐC) và diện tích đất ảnh hưởng dự án phải thu hồi 819,03 ha.

Ngay sau khi dự án triển khai, các địa phương có tuyến đường đi qua đã khẩn trương vào cuộc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đảm bảo đến ngày 25/4/2020 bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công theo tinh thần Kế hoạch 197/KH-UBND tỉnh ngày 17/9/2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và một số nguyên nhân khác nên tiến độ GPMB phục vụ thi công dự án không đạt so với kế hoạch đã đề ra.

Đến thời điểm ngày 2/12/2020, nghĩa là đã qua nhiều lần tỉnh điều chỉnh mốc thời gian phải hoàn thành GPMB (từ 30/6, rồi đến 30/9)... tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa hoàn thành vì còn vướng 301 hộ liên quan đến đất ở chưa chịu nhận tiền bồi thường bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Trong số hơn 300 hộ liên quan đến đất ở chưa chịu nhận tiền bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, TX Nghi Sơn có tới 182 hộ. Đại diện Ban GPMB Hạ tầng & Tái định cư TX Nghi Sơn, ông Mai Cao Cường trần tình: Sở dĩ TX Nghi Sơn có số hộ chưa nhận tiền bàn giao mặt bằng nhiều nhất một phần do trên địa bàn thị xã đang triển khai cùng một lúc có nhiều dự án trọng điểm của quốc gia và của tỉnh. Trong đó có những dự án được chọn là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh nên có những thời điểm, thị xã không thể tập trung nhân lực, thời gian cho dự án cao tốc. Bên cạnh đó, tuyến cao tốc đi qua địa bàn thị xã dài nhất tỉnh và có tới 1.345 hộ bị ảnh hưởng, trong đó hộ bị ảnh hưởng bởi đất ở là 479 hộ. Trong khi đó, 5 xã có tuyến đường đi qua, 4 xã có cán bộ chủ chốt chờ nghỉ chế độ nên họ cũng không toàn tâm, toàn ý cho công tác GPMB. Đặc biệt, một nguyên nhân khiến cho công tác GPMB của thị xã gặp khó khăn dẫn đến chậm tiến độ là việc mất nhiều thời gian để xác minh nguồn gốc đất. Do trước đây, trên địa bàn thị xã, tình trạng cấp đất trái thẩm quyền xảy ra ở nhiều địa phương và xã Tân Trường là điển hình với trên 100 hộ. Vì cấp đất trái thẩm quyền nên hàng trăm hộ đến nay vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mặc dù họ ở và canh tác trên diện tích này đã lâu. Đảm bảo cho người dân thuộc diện di dời không phải chịu thiệt nhưng vẫn đảm bảo thực hiện theo quy định của Nhà nước đó là: Hộ dân nào chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đã có thời gian sinh sống ổn định lâu dài nếu vào thời điểm trước năm 1980 (đối với các hộ thuộc các xã miền núi), diện tích đất ở là 2.000m2; sau năm 1980 xuống còn 400m2; đến mốc thời gian trước và sau năm 1990 chỉ còn 200m2. Căn cứ vào quy định trên, TX Nghi Sơn ngoài vào cuộc xác minh nguồn gốc đất theo hướng dẫn đúng quy trình và quy định của Nhà nước về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ, chính quyền các địa phương: Tân Trường, Phú Sơn, Trường Lâm... còn lấy ý kiến từ các cụ cao niên có uy tín ở khu dân cư bằng hình thức phiếu kín xác minh nguồn gốc đất và thời điểm mà hộ gia đình này đến sinh sống. Cách làm này được nhiều hộ gia đình chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng tình, ủng hộ và chấp thuận nhận tiền, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 182 hộ đang có đơn khiếu nại, chưa chịu nhận tiền bồi thường GPMB vì các hộ cho rằng diện tích đất thổ cư của gia đình mình nhiều hơn so với thực tế. Vì vậy, những hộ thuộc diện 400m2, họ đòi lên 2.000m2 và hộ 200m2 họ kiến nghị lên 400m2... Với những hộ này, theo ông Cường hiện TX Nghi Sơn đang giao cho thanh tra thị xã giải quyết theo Luật Khiếu nại. Mặt khác, Ban Thường vụ Thị ủy đã thành lập 3 tổ công tác, mỗi tổ 1 đồng chí làm tổ trưởng phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức chính trị ở địa phương đến từng hộ tuyên truyền, vận động, thuyết phục các hộ... Trường hợp nếu các hộ vẫn không chấp thuận nhận tiền bồi thường GPMB, TX Nghi Sơn sẽ tính đến biện pháp cưỡng chế.

Cũng đến thời điểm này, huyện Yên Định còn vướng 21 hộ tập trung ở xã Định Công. Ông Nguyễn Văn Lực - Chủ tịch UBND xã Định Công cho biết: 21 hộ chưa nhận tiền bàn giao mặt bằng với lý do các hộ đang đề nghị Nhà nước hỗ trợ tiền làm móng đối với móng sâu hơn 1,2m và hỗ trợ tiền để các hộ tự san lấp nền ở khu TĐC. Một số hộ sau khi Nhà nước lấy đất, diện tích còn lại không đủ ở lại để kinh doanh nên họ đề nghị được cấp suất đất kinh doanh... Những kiến nghị này vượt quá thẩm quyền của xã nên phải xin ý kiến của huyện. Trong khi chờ ý kiến từ huyện, cả hệ thống chính trị của xã tiếp tục vào cuộc đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động, thuyết phục để các hộ chấp hành chủ trương sớm nhận tiền, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Nói về những kiến nghị của hơn 20 hộ dân xã Định Công, Phó Trưởng Phòng TN&MT huyện Yên Định, ông Hoàng Văn Tiến cho biết: Nhà nước chỉ hỗ trợ phần làm móng với điều kiện các hộ dân thuộc diện phải di dời nhưng không vào khu TĐC. Nhưng tất cả các hộ đều vào khu TĐC nên tiền hỗ trợ làm móng đã được tính vào tiền san lấp mặt bằng. Còn các kiến nghị khác như hỗ trợ tiền làm móng sâu hơn 1,2m; hay đã có tiêu chuẩn vào TĐC nhưng mong muốn suất đất đó có điều kiện thuận lợi để kinh doanh... đã được huyện gửi và đang chờ ý kiến tỉnh vì vượt quá thẩm quyền của huyện. Tuy nhiên, trong khi chờ ý kiến chỉ đạo từ tỉnh, huyện Yên Định đang tập trung dồn sức đẩy nhanh tiến độ GPMB. Để làm được điều đó, một mặt huyện đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng chợ. Mặt khác, huyện sẽ thành lập các tổ công tác phối hợp cùng chính quyền xã đến những hộ chưa đồng thuận tiếp tục tuyên truyền, vận động, thuyết phục để các hộ chấp thuận chủ trương, bàn giao mặt bằng. Trường hợp nếu các hộ vẫn không chịu chấp thuận, huyện cũng sẽ tính đến phương án cưỡng chế vì từ nay đến 30/12 là thời hạn tỉnh đặt ra phải hoàn thành GPMB không còn nhiều.

Do chưa tìm được tiếng nói chung trong giá cả đền bù cũng như xác định được nguồn gốc đất nên hơn 300 hộ dân thuộc các huyện: Thiệu Hóa, Đông Sơn, Triệu Sơn, Nông Cống, Yên Định, TX Nghi Sơn, nơi có tuyến đường đi qua chưa nhận tiền bồi thường dù chính quyền các địa phương đã có nhiều cố gắng đến từng nhà tuyên truyền, vận động, đồng thời tổ chức hội nghị đối thoại. Khi tất cả các giải pháp trên đã thực hiện cũng như chủ trương chính sách của nhà nước áp dụng nhưng người dân vẫn không chấp thuận chỉ còn cách dùng đến biện pháp cưỡng chế; có như vậy, dự án mới đảm bảo tiến độ theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh.

Minh Lý


Minh Lý

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]