(vhds.baothanhhoa.vn) - Trụ nước cứu hỏa là nguồn cấp nước tại chỗ chữa cháy vô cùng quan trọng, thế nhưng ở nhiều nơi trụ nước luôn trong tình trạng “vô hiệu hóa” vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Đây là thực trạng nhức nhối đang diễn ra trong nhiều năm qua ở các địa phương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giật mình hàng loạt trụ cứu hỏa không có nước

Trụ nước cứu hỏa là nguồn cấp nước tại chỗ chữa cháy vô cùng quan trọng, thế nhưng ở nhiều nơi trụ nước luôn trong tình trạng “vô hiệu hóa” vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Đây là thực trạng nhức nhối đang diễn ra trong nhiều năm qua ở các địa phương.

Câu chuyện về những trụ không nước

Cho đến nay, vụ cháy tại chợ Còng (Tĩnh Gia) còn chưa khắc phục xong hậu quả. Vụ hỏa hoạn xảy ra vào ban đêm, chợ tạm không có bảo vệ canh gác nên khi được phát hiện thì ngọn lửa đã bùng lên dữ dội và thiêu rụi hàng trăm kiot, 269 hộ tiểu thương bị ảnh hưởng nặng nề. Điều đáng nói, khi các xe cứu hỏa hết nước, lực lượng cứu hỏa phải đi tiếp nước tại khu vực Vincom+ cách hiện trường 3 km theo hình thức con thoi (tức là tiếp nước vào xe chữa cháy, phun hết rồi quay lại tiếp nước). Các trụ nước cách xa đám cháy từ 100 - 200m nhưng không đủ lượng nước cung cấp cho công tác chữa cháy lâu dài. Được biết, trong và ngoài khu vực chợ tạm cũng như các tuyến đường gần đó đều không có trụ nước cứu hỏa. Hiện tại, toàn thị trấn Tĩnh Gia mới có 4 trụ nước cứu hỏa, trong đó có 2 trụ chỉ lấy được nước khi nhà máy nước bơm đủ áp suất. Với 2 trụ nước này khi có cháy xảy ra thường không được sử dụng bởi thời gian đợi trụ đủ áp lực nước là quá lâu, trong khi việc chữa cháy là chạy đua với thời gian.

Hay như vụ cháy tại Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Khắc Ánh thuộc Khu công nghiệp Tây Bắc Ga (TP Thanh Hóa) xảy ra vào tháng 1/2017. Với diện tích rộng, công tác chữa cháy vốn đã gặp khó khăn, đã thế trụ nước cứu hỏa ở xung quanh đều hoạt động kém hiệu quả. Trước tình trạng đó lực lượng chữa cháy phải vét mương tìm nguồn nước, khiến công tác chữa cháy gặp khó khăn, dẫn đến thời gian chữa cháy bị kéo dài, gia tăng thiệt hại về tài sản.

Trụ nước tại Khu chung cư Đông Phát hiện không thể mở khoá, không có nước phục vụ chữa cháy.

Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Thanh Hóa thì địa phương có số trụ cứu hỏa bị vô hiệu hóa nhiều nhất là TP Thanh Hóa. Tính đến nay thành phố cho xây dựng và lắp đặt 156 trụ nước chữa cháy, nhưng có tới 130 trụ khó lấy được nước hoặc hư hỏng, không lấy được nước. Đáng chú ý, tại Khu công nghiệp Tây Bắc Ga nơi tập trung hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất chỉ được lắp đặt 24 trụ nước, nhưng có tới 21 trụ không lấy được nước. Khu chung cư Đông Phát (phường Đông Vệ) có 21 tòa chung cư với hàng trăm hộ dân sinh sống nhưng chỉ có 2 trụ nước. Cả 2 trụ này đều đã hư hỏng không lấy được nước. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trụ không lấy được nước, như trụ chỉ có “vỏ” đó là những trụ không có đường ống dẫn nước, rồi những trụ bị hư hỏng không thể sử dụng...

Đâu là giải pháp?

Trụ nước cứu hỏa là thiết bị PCCC đặc biệt quan trọng, là nguồn tiếp nước dập lửa duy nhất trong nhiều trường hợp hỏa hoạn, bởi mỗi xe chữa cháy chỉ chứa được 3-5 m3 nước, chỉ bơm vẻn vẹn được vài phút thì hết nước trong xe, khi đó hoàn toàn phải dựa vào nguồn nước từ ao hồ hay các trụ cứu hỏa. Theo quy chuẩn PCCC, cứ khoảng cách 150 m hè phố phải có một trụ cấp nước chữa cháy. Tuy nhiên, trên thực tế tại các đô thị lớn ở tỉnh ta thì số lượng trụ nước cứu hỏa hiện nay còn quá nhỏ so với yêu cầu về mạng lưới nước phục vụ công tác chữa cháy của đô thị.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, trong những năm qua hầu hết khi nhận được tin báo cháy, sau khi triển khai lực lượng đến hiện trường thì công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do nguồn nước phục vụ chữa cháy không đáp ứng yêu cầu. Trong đó, số lượng các trụ nước được lắp đặt đang còn quá ít, chỉ đủ cung cấp nước cho một số tuyến đường trung tâm, hoặc khu vực mới được quy hoạch, cải tạo lại hệ thống cấp nước. Nhiều khu vực dân cư đông đúc, có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lại chưa được lắp đặt đủ các trụ nước chữa cháy như tuyến đường Cao Thắng, Lê Hữu Lập, Lê Hoàn... (TP Thanh Hóa). Đây đều là những tuyến đường tập trung đông người, với nhiều mặt hàng có giá trị lớn và dễ gây cháy nổ như may mặc, gas... Bên cạnh đó, việc lắp đặt các trụ nước lại không thống nhất về chủng loại, kích cỡ họng ra, vị trí lắp đặt trên vỉa hè, nhiều trụ không đảm bảo yêu cầu nên không sử dụng được.

Số lượng trụ nước cứu hỏa đã ít so với quy chuẩn nhưng những trụ đang hoạt động được còn ít hơn, vậy làm thế nào để đảm bảo nguồn nước cho chữa cháy? Và việc lắp đặt thêm trụ nước có cần thiết khi mà hiện tại vẫn có hàng trăm trụ nước chỉ tồn tại “vỏ”.

Theo đề xuất của lực lượng PCCC thì giải pháp cấp bách nhất không phải là trang bị thêm các trụ nước cứu hỏa mà các bên quản lý cần phải tăng cường việc bảo quản, sửa chữa, duy tu các trụ đã có. Để các trụ cứu hỏa phát huy được vai trò của mình thì các cơ quan chức năng cần tiến hành kiểm tra, rà soát để sửa chữa kịp thời các trụ nước cứu hỏa hiện có. Đồng thời có phương án bảo quản, điều tra, xử lý nghiêm hành vi phá hoại các trụ cứu hỏa. Các cơ quan chức năng cũng cần xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thiếu trách nhiệm, buông lỏng kiểm tra, quản lý dẫn đến các trụ cứu hỏa vô tác dụng, không cấp được nước chữa cháy khi có sự cố xảy ra.

Bên cạnh đó, chính quyền, đoàn thể cơ sở cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức để người dân hiểu rõ, hiểu đúng vai trò của trụ nước cứu hỏa, từ đó, chung tay bảo vệ, kịp thời khắc phục các trụ nước hư hỏng.

Vân Anh


Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]