(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi gọi ông là người “say” Sầm Sơn, bởi những nghiên cứu, trăn trở, tìm tòi và gắn bó cả cuộc đời với những giá trị văn hóa - lịch sử về vùng đất, con người nơi thành phố biển xứ Thanh nhằm cung cấp cho bạn đọc một “vỉa tầng” trầm tích lịch sử văn hóa trong quá trình con người đến khai phá, mở mang đất đai, lập làng, lập nghiệp cũng như sự hình thành các tập tục văn hóa, tín ngưỡng tâm linh có sức sống lâu bền. Với ông, viết bởi say mê nhưng cũng đồng thời là sự “trả nợ” cho chính quê hương của mình.

Hoàng Thăng Ngói – người “say” Sầm Sơn trong những chuyện kể

Tôi gọi ông là người “say” Sầm Sơn, bởi những nghiên cứu, trăn trở, tìm tòi và gắn bó cả cuộc đời với những giá trị văn hóa - lịch sử về vùng đất, con người nơi thành phố biển xứ Thanh nhằm cung cấp cho bạn đọc một “vỉa tầng” trầm tích lịch sử văn hóa trong quá trình con người đến khai phá, mở mang đất đai, lập làng, lập nghiệp cũng như sự hình thành các tập tục văn hóa, tín ngưỡng tâm linh có sức sống lâu bền. Với ông, viết bởi say mê nhưng cũng đồng thời là sự “trả nợ” cho chính quê hương của mình.

Hoàng Thăng Ngói – người “say” Sầm Sơn trong những chuyện kểỞ tuổi 75, ông Hoàng Thăng Ngói vẫn say mê với việc tìm hiểu, nghiên cứu các giá trị văn hóa về vùng đất, con người nơi thành phố biển Sầm Sơn.

Tôi nhớ, trong lần đầu gặp gỡ nhà nghiên cứu Hoàng Thăng Ngói, ông đã bộc bạch: “Văn hóa với tôi có lẽ là cái duyên”. Là bởi, ông đã từng đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng vì lý do sức khỏe nên buộc phải bỏ dở việc học để trở về quê. Sau đó, ông lại thi đỗ vào khoa Sử - Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội). Tốt nghiệp đại học năm 1978, ra trường về tỉnh phụ trách lĩnh vực phát hành phim (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch); tiếp đó lại có 3 năm theo học về Sân khấu điện ảnh... Năm 1989, ông chính thức trở lại Sầm Sơn phụ trách lĩnh vực văn hóa.

Liên tục hơn 20 năm, nhà nghiên cứu Hoàng Thăng Ngói gắn bó với văn hóa Sầm Sơn. Đây cùng là thời kỳ mà như cách nói của ông là “Giao thoa giữa cái cũ và mới; tín ngưỡng tâm linh và mê tín. Còn trong công tác quản lý nhà nước cũng đặt ra vấn đề giữa việc bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc với hiện đại hóa các hoạt động văn hóa để bắt kịp sự phát triển của xã hội; người dân trông chờ vào sự thay đổi và định hướng rõ ràng. Nói là vậy nhưng kỳ thực bắt tay vào làm, mọi việc không dễ dàng. Bởi lẽ ranh giới giữa mê tín và tín ngưỡng tâm linh vốn dĩ mong manh. Chưa kể, hiện đại hóa nếu không cẩn trọng rất dễ đánh mất bản sắc, khi đó câu chuyện sẽ không chỉ là vấn đề của cá nhân mà cả cộng đồng”.

Sầm Sơn không chỉ mang trong mình nhiều giá trị văn hóa, lịch sử mà còn cả tiềm năng du lịch vốn có và đã được người Pháp khai phá từ rất sớm. Tuy nhiên, đi qua hai cuộc chiến, rồi cả thời kỳ bao cấp kéo dài, kinh tế khó khăn khiến những giá trị văn hóa trao truyền như lớp than hồng âm ỉ cháy dưới tro phủ. Phải làm thế nào để “kích cầu” những giá trị văn hóa Sầm Sơn, không chỉ để bảo tồn mà còn để phục vụ cho sự phát triển du lịch là trăn trở thôi thúc người phụ trách lĩnh vực văn hóa của Sầm Sơn - Hoàng Thăng Ngói lúc bấy giờ. Nghĩ là làm. Ông và cán bộ phòng văn hóa bắt đầu sưu tầm các tài liệu văn hóa, lịch sử, làm hồ sơ đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét xếp hạng 6 di tích cấp quốc gia và 14 di tích cấp tỉnh; khôi phục lại các lễ hội truyền thống có vai trò quan trọng trong đời sống của người dân biển Sầm Sơn như lễ hội Bánh chưng bánh dày (năm 1993); lễ hội Cầu ngư - bơi trải phường Quảng Tiến; lễ hội rước bóng đền Bà Triều... “Dù là người con của Sầm Sơn, sinh ra lớn lên ở mảnh đất này. Nhưng thực sự, phải đến khi phụ trách lĩnh vực văn hóa, dành nhiều thời gian cho sưu tầm, nghiên cứu tư liệu - tài liệu, hiện vật mới thấy những giá trị di sản văn hóa mà cha ông xưa đã tạo dựng quả thực phi thường. Những giá trị ấy ví như “điểm tựa tinh thần” để đời nối đời các thế hệ người dân “nương theo” phát triển. Hậu thế, dù cố tình hay vô ý mà quên lãng - đánh mất các giá trị văn hóa thì cũng đều là có tội” - nhà nghiên cứu Hoàng Thăng Ngói chia sẻ quan điểm.

Từ trách nhiệm của người làm chuyên môn, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thị xã Sầm Sơn Hoàng Thăng Ngói lúc bấy giờ lại “nhìn” ra: Sầm Sơn là thị xã du lịch, vậy nên có lẽ phải có đơn vị nào đó “chịu trách nhiệm” về sự phát triển của du lịch Sầm Sơn. Và tôi đã xin với lãnh đạo cho đi thực tế dọc bờ biển trong cả nước, đến các địa điểm làm du lịch của các tỉnh, thành để “xem” và học cách họ làm du lịch. Vậy nhưng mọi thứ không như kỳ vọng. Thời điểm ấy (đầu những năm 2000 - PV) hầu hết các địa điểm du lịch biển có tiếng như Đồ Sơn (Hải Phòng); Cửa Lò (Nghệ An)... cùng đang “bế tắc” trong công tác quản lý, phát triển du lịch... Sau nhiều suy nghĩ, tôi quyết định đề xuất thành lập Trung tâm Văn hóa - Du lịch Sầm Sơn. Ở thời điểm đấy, việc thành lập Trung tâm Văn hóa - Du lịch Sầm Sơn là sự thay đổi mới mẻ nhằm tổ chức, điều phối các hoạt động liên quan đến du lịch Sầm Sơn một cách chuyên nghiệp.

Cuộc đời làm việc, gắn bó với lĩnh vực văn hóa - du lịch của Sầm Sơn, sau khi nghỉ hưu ông đã tích lũy về phần mình được những gì? Ông trầm ngâm: “Người làm văn hóa nói chung, nói “giàu” cũng được mà “nghèo” cũng không sai. Nhưng nếu nhìn một cách tích cực, sau tất cả đó chính là những kiến thức, tài liệu về văn hóa, lịch sử. Và như một sự thôi thúc tự bản thân, rằng không thể “giữ” cho riêng mình mà phải viết ra, chia sẻ đến mọi người”. Chính vì vậy, ở tuổi ngoài 70 tuổi, nhà nghiên cứu Hoàng Thăng Ngói cần mẫn mỗi ngày bên những trang viết. Từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau, có chính thống, dã sử và tài liệu lưu truyền trong dân gian... tất cả được ông cẩn trọng tập hợp, phân tích và chỉ trong 2 năm 2020, 2021 hai tập sách “Linh tích Sầm Sơn” đã được xuất bản.

“Linh tích Sầm Sơn” cung cấp cho người dân và cả du khách khi về với Sầm Sơn thông tin khá đầy đủ về lịch sử hình thành, sự phát triển và đặc biệt là những “vỉa tầng” văn hóa của thành phố du lịch biển xứ Thanh. Từ bãi biển Sầm Sơn; núi Trường Lệ; đền Cô Tiên; đền Độc Cước; lễ hội Kỳ phúc... đến những di tích cách mạng như Chi bộ Cố Gắng- tiền thân của Đảng bộ thành phố Sầm Sơn... Như cách nói của tác giả: “Tôi chưa dám nhận mình là nhà nghiên cứu, nhưng tôi hy vọng mọi người khi đọc “Linh tích Sầm Sơn” sẽ có cái nhìn khái quát, cơ bản nhất về mỗi điểm đến, từng di tích, lễ hội, lễ tục... trên địa bàn thành phố biển. Chúng ta thường nói, làm thế nào để phân biệt được lằn ranh giữa tín ngưỡng và mê tín, với quan điểm của mình, tôi cho rằng con người ta khi không có “phông” kiến thức nhất định thì dễ rơi vào sự “dẫn dắt” của mê tín và cùng với đó còn cả sự vô tình “quay lưng” với văn hóa truyền thống của cha ông”.

Không chỉ là những thông tin về di tích, “Linh tích Sầm Sơn” còn thể hiện sự am hiểu về nghề truyền thống đi biển của ngư dân Sầm Sơn nói riêng, ngư dân Thanh Hóa nói chung của Hoàng Thăng Ngói. Đó là những bài thơ, ca, hò vè, những câu hát ví, hò sông Mã; nhật trình đường biển xứ Thanh; lịch đánh cá trong năm; hay như các loại cá biển ở Sầm Sơn: “Ngại ngùng em còn nghĩ chi/ Không về kẻ bể mà đi kéo rùng/ Nhà tôi nghề biển, nghề nông/ Lặng thì tôm cá đầy trong đầy ngoài”... Ông chia sẻ: “Nhà tôi nhiều đời theo nghề đi biển, những năm tuổi trẻ cũng gắn mình với mưu sinh trên biển. Vì thế phần nào thấu hiểu tình yêu của ngư dân với biển. Dẫu nhọc nhằn nhưng đi xa thì nhớ đến cồn cào da diết... Sầm Sơn bây giờ đã là thành phố du lịch biển phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những đổi thay để phù hợp với xu hướng thì mỗi vùng đất, làng quê, con người cũng rất cần có “bản sắc” riêng. Điều đó sẽ góp phần tạo nên một Sầm Sơn không lẫn lộn”.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]