(vhds.baothanhhoa.vn) - Vụ việc một số lao động Việt Nam vượt biên trái phép sang Trung Quốc để lao động bất hợp pháp bị tử nạn đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những rủi ro đi làm việc chui ở nước ngoài.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hồi chuông cảnh báo lao động chui

Vụ việc một số lao động Việt Nam vượt biên trái phép sang Trung Quốc để lao động bất hợp pháp bị tử nạn đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những rủi ro đi làm việc chui ở nước ngoài.

Những ngày qua, không khí tang thương vẫn bao trùm gia đình anh Lê Văn Nguyên ở xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, một trong hai nạn nhân tử nạn bên Trung Quốc vào đầu tháng 8/2019. Nguyên nhân được phía gia đình anh Nguyên cho biết do mâu thuẫn với lao động là người Trung Quốc trong quá trình làm ở xưởng máy nên các đối tượng là lao động người Trung Quốc đã thuê người phục kích và dùng dao đâm liên tiếp vào anh Nguyên (xã Quảng Nham) và anh Trọng (xã Quảng Thạch) khiến hai người đều tử vong tại chỗ.

Phía bên gia đình nạn nhân đã phải chật vật chạy khắp nơi để vay mượn tiền sang Trung Quốc làm thủ tục đưa thi thể các anh về nước mai táng. Các đối tượng gây án ngay sau đấy đã tẩu thoát và sự việc cũng không được các cơ quan chức năng can thiệp, giải quyết. Đau xót hơn khi vợ anh Nguyên là chị Bình cũng vượt biên trái phép sang lao động chui tại Trung Quốc và hiện cũng đang bị giam giữ tại xứ người.

Mất 1 tháng trời ròng rã, tro cốt của anh Nguyên và anh Trọng mới được đưa về gia đình. Chị H vợ anh Trọng nức nở bên bàn thờ chồng: "Nhà nghèo nên tôi đành để cho chồng đi lao động chui tại xứ người, ai ngờ chồng bỏ mạng một cách đau thương, anh ấy ra đi khi con thứ 2 cũng vừa tròn đầy năm. Trước đấy anh có gọi điện hứa với con khi về sẽ mua thật nhiều đồ chơi. Xót xa lắm. Trải qua sự mất mát quá lớn này tôi chỉ mong các gia đình đang còn người thân lao động chui bên Trung Quốc nên trở về quê hương để đoàn tụ với gia đình và tìm kế mưu sinh nơi quê nhà”.

Lao động chui làm việc tại xưởng bên Trung Quốc (ảnh do lao động tại Trung Quốc cung cấp).

Sự việc đã diễn ra hơn nửa năm nhưng không khí trong gia đình ông Mai Văn Nghị, ở xã Nga An, huyện Nga Sơn vẫn đang còn u ám. Ông Mai Văn Nghị cho biết: Do điều kiện gia đình khó khăn, tháng 12/2017, Dũng đã đi theo một số người sang Trung Quốc làm bốc vác thuê để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Đầu năm 2019, do mâu thuẫn trong lúc lao động, anh Dũng đã bị một người làm cùng dùng dao đâm chết. Lao động “chui” nên chủ sở hữu lao động đã không có trách nhiệm gì trước cái chết của anh Dũng, mọi chi phí đều do gia đình phải gánh chịu. Vậy là năm hết tết đến, gia đình đã nén đau thương đi gom góp, vay mượn được 150 triệu đồng đủ để chi phí đi lại, thuê phiên dịch, trả tiền bảo quản xác và các thủ tục giám định để đưa thi thể anh Dũng về quê mai táng.

Những trường hợp như anh Nguyên, anh Trọng hay anh Dũng ở Thanh Hóa không phải là ít. Bởi thực tế, do nhận thức còn hạn chế, đời sống khó khăn, nhiều người không có việc làm, thu nhập không ổn định, nên mặc dù biết có nhiều rủi ro, song không ít người vẫn tìm mọi cách để xuất cảnh đi lao động trái phép. Trong số đó có nhiều người may mắn tìm được việc làm, có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, đa phần công dân tự ý xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lao động bất hợp pháp mà không thông qua các cơ quan, doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động, đều phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Theo thống kê, hiện Thanh Hóa có khoảng 8.300 lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Tất cả 27 huyện thị, thành phố đều có người sang Trung Quốc bất hợp pháp qua đường tiểu ngạch ở Quảng Ninh, Lạng Sơn. Một số địa phương có nhiều lao động làm thuê trái phép như huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Thạch Thành, TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn... Việc đi lao động vượt biên trái phép sang Trung Quốc đã gây ra nhiều hệ lụy, nhiều trường hợp bị tai nạn thiệt mạng, bị phạt tù. Trong số hơn 8.300 lao động thì đã có gần 600 người bị giới chức Trung Quốc bắt, trao trả, đẩy trở lại qua biên giới; 9 người bị Trung Quốc đưa ra xét xử. Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến nay, Thanh Hóa đã có tới 50 người chết, mất tích sau khi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để lao động, nhiều phụ nữ bị mất tích... Cũng trong 4 năm qua (2015 - 2019) cơ quan chức năng đã xử lý hành chính 43 trường hợp; khởi tố 17 vụ, 21 đối tượng về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.

Mặc dù đã được các cấp, các ngành chức năng thường xuyên quản lý, tuyên truyền, cảnh báo, xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí bắt xử lý hình sự đối với các đối tượng tổ chức đưa xuất cảnh đi lao động trái phép, thế nhưng, vì nhẹ dạ cả tin và thiếu hiểu biết về pháp luật nên nhiều người dân vẫn bất chấp rủi ro, sự an toàn của mình và người thân để xuất cảnh đi lao động trái phép và con số lao động thiệt mạng khi lao động chui liệu có dừng lại, điều này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về những rủi ro khi vượt biên lao động chui.

Đông Hoàng


Đông Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]