(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ Chi hội Khoa học Lịch sử (KHLS) Thanh Hóa được thành lập theo Quyết định số 129 của Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam ngày 29/5/1998, đến nay Hội KHLS Thanh Hóa sắp tròn 20 tuổi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hội Khoa học lịch sử Thanh Hóa: 20 năm phấn đấu góp phần để ‘dân ta phải biết sử ta’

Từ Chi hội Khoa học Lịch sử (KHLS) Thanh Hóa được thành lập theo Quyết định số 129 của Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam ngày 29/5/1998, đến nay Hội KHLS Thanh Hóa sắp tròn 20 tuổi.

Hai mươi năm chưa phải là dài, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh và Hội KHLS Việt Nam, Hội KHLS Thanh Hóa đã không ngừng lớn mạnh, đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, vượt qua tầm vóc của một Hội xã hội nghề nghiệp địa phương.

Thứ nhất, Hội đã quy tụ đông đảo giới sử học và những người yêu thích lịch sử xứ Thanh. Nếu năm đầu thành lập, chỉ có 42 hội viên, qua ba kỳ đại hội (lần I: 1999-2005, lần II: 2006-2012, lần III: 2012-2017), đến nay, Hội KHLS Thanh Hóa đã có 14 chi hội, với 225 hội viên của các cơ quan nghiên cứu, đào tạo lịch sử - văn hóa hàng đầu của tỉnh, như Trường ĐH Hồng Đức, Trường ĐH VH,TT&DL, Trung tâm bảo tồn DS, Ban Nghiên cứu và Biên soạn lịch sử, Bảo tàng tỉnh, Trung tâm bảo tồn khu di tích Thành Nhà Hồ, Ban Quản lý khu DTLS Lam Kinh, Tạp chí xứ Thanh..., các huyện thị có truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời: Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy, Bá Thước và Thành phố Thanh Hóa. Hầu hết hội viên đều có trình độ từ cử nhân trở lên, có lòng say mê nghiên cứu lịch sử, trong đó có 6 PGS.TS, 23 TS, hơn 30 ThS. Một số hội viên giữ trọng trách lãnh đạo, quản lý các cơ quan chuyên môn, nghiên cứu của tỉnh, như Hiệu trưởng, Trưởng khoa, Trưởng Bộ môn Lịch sử ở các trường đại học, Giám đốc Trung tâm, Trưởng, Phó ban của ngành Văn hóa... nên thuận lợi trong phối hợp tổ chức nghiên cứu khoa học giữa chuyên môn với Hội. Trong đại gia đình Liên hiệp Hội KHKT, Hội KHLS đã gắn kết chặt chẽ với các Hội xã hội nghề nghiệp anh em như: Dân tộc học - Nhân học, Khảo cổ học,Di sản, Văn học - Nghệ thuật, Văn hóa dân gian... Được sự quan tâm của tỉnh, Hội KHLS Thanh Hóa cũng là một trong số ít Hội địa phương sớm có trụ sở làm việc tương đối khang trang, được hỗ trợ kinh phíhoạt động hàng năm.

Ban Chấp hành Hội Khoa học lịch sử Thanh Hóa nhiệm kỳ 2012 - 2017.

Thứ hai, Hội đã phối hợpvới các cơ quan chuyên môn, biên soạn, xuất bản một số lượng lớn công trình sử học, đồng tổ chức nhiều hội thảo khoa học, các hội viên của Hội đã chủ trì thành công nhiều đề tài khoa học.

Về lịch sử địa phương, trước hết phải kể đến bộ Địa chí Thanh Hoá đồ sộ gồm 4 tập, 20 bộ địa chí các huyện, thị, 6 bộ Lịch sử Thanh Hoá tập I, II, III, IV, V, VII nhiều cuốn lịch sử huyện, thị, lịch sử xã, phường... đã được xuất bản. Cho đến nay, về cơ bản, Thanh Hóa đã hoàn thành việc biên soạn lịch sử tỉnh, lịch sử các huyện, thị. Bên cạnh các bộ thông sử, các tập Lịch sử Đảng bộ tỉnh (Tập I và II), Lịch sử Đảng bộ các huyện, thị, các xã phường cũng đã được xuất bản. Đây là những đóng góp quan trọng, là thành quả lao động khoa học miệt mài của nhiều hội viên, của các chi hội trong những năm qua. Tiêu biểu trong hoạt động trên là NNC Phạm Tấn, TS Phạm Tuấn, chủ biên tới 7 cuốn Địa chí huyện; PGS.TS. Mai Hồng Hải, PGS.TS. Mai Văn Tùng chủ biên 3 cuốn...

Tuy chưa nhiều, nhưng một số chuyên khảo sử học của các hội viên đã được xuất bản, tiêu biểu như các công trình: Sông đào ở Thanh Hóa, Làng nghề thủ công và làng khoa bảng thời phong kiến ở đồng bằng sông Mã của PGS.TS Hà Mạnh Khoa, Thành Tây Đô của PGS.TS. Nguyễn Thị Thúy, Tri thức địa phương trong việc sử dụng và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên của người Mường huyện Bá Thước, Thanh Hóa của PGS.TS. Mai Văn Tùng, Phong trào yêu nước chống thực dân Pháp của nhân dân Thanh Hóa từ năm 1885-1895 của TS Vũ Quý Thu, Công ty Đông Ấn Anh ở Đông Nam Á của TS. Lê Thanh Thủy, Suy ngẫm về 20 năm một chớp mắt của lịch sử đầu thế kỷ XV (1407-1427) của Nguyễn Diên Niên, Di sản văn hóa vùng Hàm Rồng, Thiết chế văn hóa ở Thanh Hóa thời kỳ mới của TS. Nguyễn Thị Thục, Lịch sử ngành tài chính, Thiệu Hóa -20 năm một chặng đường phát triển của PGS.TS. Trần Văn Thức, Vua Lê Đại Hành và quê hương Trung Lập của Lê Xuân Kỳ, Hoàng Hùng, Di tích, danh thắng miền Tây Thanh Hoá, Thanh Hoá, những nẻo đường du lịch của Phạm Tấn... Các hội viên như PGS.TS Trần Văn Thức, PGS.TS. Hoàng Thanh Hải, PGS.TS. Nguyễn Thị Thúy, PGS.TS. Mai Văn Tùng, TS. Phạm Văn Đấu... đã chủ biên hoặc tham gia biên soạn nhiều giáo trình, tài liệu tham khảo, sử dụng trong đào tạo ngành lịch sử bậc đại học, sau đại học.

Các công trình quảng bá về hệ thống di sản xứ Thanh ngày càng nhiều, như 10 tập sách Di tích và Danh thắng Thanh Hoá (Trung tâm bảo tồn DS), 2 tập Văn hoá phi vật thể Thanh Hoá, 4 tập Nghề thủ công truyền thống Thanh Hoá, 2 tập Lễ hội xứ Thanh (Ban NC&BS Lịch sử, Trung tâm bảo tồn DS), 4 tập Chùa xứ Thanh (Hội Phật giáo Thanh Hóa)...

Các đại biểu tham dự Đại hội III.

Liên tục 20 năm qua, đời sống sử học ở xứ Thanh luôn sôi động với nhiều hội thảo khoa học lớn, thu hút đông đảo các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, quản lý trong và ngoài tỉnh, do Hội KHLS Thanh Hóa phối hợp với Hội KHLS Việt Nam và các cơ quan nghiên cứu đồng tổ chức, đáng kể như các Hội thảo: Quốc triều hình luật - Những giá trị lịch sử và đương đại, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam (2007), Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX (2008), Hội thề Lũng Nhai (2014), Danh xưng Thanh Hóa và những cứ liệu lịch sử (2017), Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 45 năm chiến thắng Hàm Rồng, Thanh Hóa thời Nguyễn (1802-1945), Kỷ niệm 130 năm khởi nghĩa Ba Đình 1886-2016 (2016) Hội thảo về các nhân vật lịch sử, danh nhân văn hoá, như Lê Văn Hưu, Trịnh Tùng, Nguyễn Chích, Trịnh Thị Ngọc Lữ, Phạm Thị Ngọc Trần...

Thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, các hội viên chủ yếu ở 2 Trường ĐH Hồng Đức và ĐH VH,TT&DL đã chủ trì thành công hơn 30 đề tài khoa học cấp tỉnh có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, chủ yếuvề các lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị các DSVH, về đất và người xứ Thanh trong bối cảnh hiện nay. Đi đầu trong hoạt động này phải kể đến PGS.TS. Lê Tạo, PGS.TS. Trần Văn Thức, TS. Nguyễn Thị Thục, TS. Lê Thị Thảo (Trường ĐH VH,TT&DL), PGS.TS. Hoàng Thanh Hải, PGS.TS. Nguyễn Thị Thúy (Trường ĐHHĐ).

Thứ ba, hoạt động truyền bá kiến thức và giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc, quê hương ngày càng được đẩy mạnh. Với nguồn kinh phí hạn hẹp, nhưng trong nhiệm kỳ qua, Hội đã xuất bản 15 số tạp chí Thanh Hóa xưa và nay, mỗi số ít nhất 1.000 bản, được đông đảo bạn đọc trong và ngoài tỉnh đón nhận, với nhiều tư liệu mới, chất lượng khoa học, hình thức trình bày ngày càng nâng cao. Đặc biệt có những số đặc san, như số 11 - Kỷ niệm 130 năm khởi nghĩa Ba Đình 1886 -2016, phát hành tới 3.000 bản. Có thể nói, Tạp chí Thanh Hóa xưa và nay đang dần trở thành cơ quan ngôn luận của Hội, là phương tiện quảng bá tri thức lịch sử tới đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đây cũng là sự cố gắng, năng động của Hội, điều mà ít Hội địa phương làm được.

Những năm gần đây, Hội đã có nhiều hoạt động tích cực giáo dục truyền thống, nhất là đối với thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên. Hội đã phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức, nghiên cứu biên soạn các tài liệu lịch sử - văn hóa địa phương, đưa vào nội dung chương trình môn lịch sử ở trường phổ thông. Quỹ Phát triển sử học hàng năm phối hợp với ngành Giáo dục đã trao nhiều giải thưởng cho các học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử, và các SV ngành Sử nghèo học giỏi của Trường Đại học Hồng Đức, Hội cũng đã phối hợp với ngành Giáo dục, các trường đại học tổ chức các Hội thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa, thu hút hàng ngàn HS, SV tham gia.

Thứ tư, Hội đã hoàn thành tốt chức năng tư vấn và phản biện xã hội các vấn đề có liên quan đến sử học, như nghiên cứu xây dựng ngân hàng tên đường phố và các công trình lịch sử, văn hóa của tỉnh, góp ý kiến trong công tác bảo tồn, tôn tạo các khu DTLS-VH lớn như Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, hang Con Moong... Hội đã phối hợp với Hội KHLS Việt Nam, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức 3 cuộc hội thảo xác định danh xưng Thanh Hóa,... Đặc biệt, những năm gần đây, nhiều hội viên của Hội đã tích cực tham gia các Hội thảo khoa học do Hội KHLS Việt Nam tổ chức, phản biện, góp ý về xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, biên soạn SGK lịch sử, đổi mới phương pháp dạy học nhằm “chấn hưng” việc dạy học môn Sử ở trường phổ thông. Sau nhiều tranh đấu “quyết liệt” của Hội KHLS Việt nam, môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (sẽ thực hiện chính thức từ năm 2018) đã được trả lại vị thế là môn học quan trọng, bắt buộc, đúng với ý nghĩa của nó.

Với những thành tựu trên, vị thế, vai trò của Hội KHLS Thanh Hóa ngày càng nâng cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền sử học nước nhà, được lãnh đạo, nhân dân các dân tộc trong tỉnh và Hội KHLS Việt Nam ghi nhận.

Tự hào với truyền thống lịch sử - văn hóa hàng ngàn năm của quê hương, đất nước, phát huy những thành tựu của 20 năm qua, vượt qua những khó khăn thách thức, trong nhiệm kỳ IV (2017 - 2022),Hội KHLS Thanh Hóa sẽ đoàn kết, sáng tạo, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ chủ yếu như: Phát triển các chi hội đến khắp 27 huyện thị, thu hút thêm các hội viên, nhất là đội ngũ các thầy, cô giáo dạy Lịch sử ở trường phổ thông, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, xuất bản các công trình sử học, phấn đấu có những công trình chất lượng, có ảnh hưởng trong cả nước, tích cực tham gia biên soạn bộ Quốc sử Việt Nam (15 tập), nâng cao hơn nữa chất lượng Tạp chí Thanh Hóa xưa và nay, phấn đấu trở thành Tạp chí khoa học thường niêncủa Hội, đẩy mạnh tham gia góp ý kiến về xây dựng chương trình và sách giáo khoa môn lịch sử phổ thông mới, biên soạn các tài liệu Lịch sử địa phương cho ngành Giáo dục, phối hợp với các địa phương, các cơ quan nghiên cứu tổ chức thành công các Hội thảo khoa học, chương trình kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc và địa phương, cùng giới sử học cả nước góp phần thực hiện lời dạy của Bác Hồ:

"Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam...".

PGS.TS. Hoàng Thanh Hải


PGS.TS. Hoàng Thanh Hải

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]