(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau những ngày mưa lũ tàn phá Mường Lát, Quan Hóa những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua, hàng triệu trái tim đã hướng nhịp đập, chia sẻ đau thương mất mát với đồng bào nơi đây. Tôi nhớ đến con đường Hồi Xuân - Tén Tằn, nhớ đến Đội TNTN (42-12) nơi tôi có một thời tuổi trẻ gắn bó, khai sinh con đường ấy. Trên con đường Hồi Xuân - Tén Tằn dài 112 km, 515 cầu cống, 3 ngầm, 1 cầu treo; và con đường Lốc Toong - Nam Động, có độ dài kế hoạch 16.700m, nối đường 217 và đường Hồi Xuân - Tén Tằn tôi nhớ từng cung đường, từng cột mốc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hơn 40 năm, 3 người lính TNTN (42-12) hy sinh vẫn chưa được công nhận liệt sỹ

Sau những ngày mưa lũ tàn phá Mường Lát, Quan Hóa những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua, hàng triệu trái tim đã hướng nhịp đập, chia sẻ đau thương mất mát với đồng bào nơi đây. Tôi nhớ đến con đường Hồi Xuân - Tén Tằn, nhớ đến Đội TNTN (42-12) nơi tôi có một thời tuổi trẻ gắn bó, khai sinh con đường ấy. Trên con đường Hồi Xuân - Tén Tằn dài 112 km, 515 cầu cống, 3 ngầm, 1 cầu treo; và con đường Lốc Toong - Nam Động, có độ dài kế hoạch 16.700m, nối đường 217 và đường Hồi Xuân - Tén Tằn tôi nhớ từng cung đường, từng cột mốc.

Tôi tìm trên mạng cái tên TNTN (42-12), nhưng không thấy. Rồi tìm nhóm ký tự TNTN hoặc Thanh niên tình nguyện thì hàng trăm tổ chức tình nguyện hiện lên. Nhưng không hiện kết quả Đội TNTN mở đường (thực chất là các Đội TNXP). Không ai còn nhớ đến những người lính TNTN mở đường mang tên TNTN (42-12) nói riêng và TNTN 42... khắp tỉnh Thanh Hóa những năm 1977 - 1981 nói chung.

Không tìm thấy tư liệu gì về Đội TNTN (42-12), tôi gõ tìm đồng đội. Tôi gõ Tràn, Hương, Dũng, tên những người lính cùng đơn vị TNTN (42-12) đã hy sinh ngay trong những ngày đầu làm nhiệm vụ. Trong chuỗi, tít bài hiện lên tôi nhận ra có một bài liên quan đến sự hy sinh của Tràn, Hương, Dũng. Tôi sững sờ, không tin nổi, cho đến giờ Tràn, Hương, Dũng không chỉ chưa được công nhận liệt sỹ, mà chưa được hưởng bất cứ chế độ gì như liệt sỹ.

Sự thật đó thể hiện trong nội dung lá đơn của thân nhân gia đình 3 chiến sĩ và thư phúc đáp của các cơ quan có thẩm quyền về việc giải quyết chế độ chính sách. Thư và công văn mới vừa năm 2018 chứ không lâu.

Nội dung Công văn số 252/SGTVT-VP có đoạn ghi: “Thực hiện Công văn số 1953/UBND-TD ngày 23/02/2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc chỉ đạo giải quyết đơn của ông Lê Viết Tiến số nhà 119 Nguyễn Hiệu, phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa.

Sở GTVT báo cáo như sau:

Ông Lê Viết Tiến số nhà 119 Nguyễn Hiệu, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa; bà Lê Thị Rốt và ông Lê Hữu Lan, cùng trú tại thôn Phúc Ấm 2, xã Đồng Tiến, huyện Triệu Sơn, là thân nhân của các ông Lê Viết Dũng, bà Lê Thị Hương và bà Lê Thị Tràn, nguyên là đội viên Thanh niên tình nguyện 42-12, chết năm 1977 trong khi làm nhiệm vụ tại tuyến đường Hồi Xuân - Pù Nhi huyện Quan Hóa.

Ngày 16/6/2017 TAND tỉnh Thanh Hóa tổ chức đối thoại để giải quyết chế độ chính sách đối với thân nhân các gia đình như trên; theo đó Sở GTVT sẽ tiến hành lập hồ sơ xác nhận liệt sỹ báo cáo UBND tỉnh để trình các cấp có thẩm quyền xác nhận liệt sỹ cho các ông Lê Viết Dũng, Lê Thị Hương và bà Lê Thị Tràn.

Vì vậy Sở GTVT đã có Công văn số 2280/SGTVT-VP ngày 13/7/2017 báo cáo UBND tỉnh đề nghị giải quyết chế độ hưởng chính sách như liệt sỹ đối với ông Lê Viết Dũng, Lê Thị Hương và bà Lê Thị Tràn”.

Hơn 40 năm, Lê Viết Dũng, Lê Thị Hương, Lê Thị Tràn, nguyên là đội viên Thanh niên tình nguyện 42-12, chết năm 1977 trong khi làm nhiệm vụ tại tuyến đường Hồi Xuân - Pù Nhi huyện Quan Hóa vẫn đang trong tình trạng “sẽ tiến hành lập hồ sơ xác nhận liệt sỹ”!

Nói “lập hồ sơ xác nhận liệt sỹ” là không đúng. Họ đã bao giờ được công nhận liệt sỹ đâu? Họ có bị thất lạc, bỏ quên, nhầm lẫn giấy tờ liệt sỹ đâu mà bây giờ “lập hồ sơ xác nhận”. Xác nhận nghĩa là chứng thực cái đã có. Hãy làm thủ tục đầy đủ để đề nghị công nhận liệt sĩ cho Lê Viết Dũng, Lê Thị Hương, Lê Thị Tràn là đội viên Thanh niên tình nguyện 42-12, chết năm 1977 trong khi làm nhiệm vụ tại tuyến đường Hồi Xuân - Pù Nhi, huyện Quan Hóa. Họ là liệt sỹ thật, hy sinh thật, đang làm nhiệm vụ thật chứ không gian trá gì cả.

Xin nói thêm về cái chết của Lê Viết Dũng, Lê Thị Hương, Lê Thị Tràn. Ngày 21/8/1977, hai Đại đội, trên công trường gọi là C đang thi công ở Km46, Đèo Pù-hin-hại, nghĩa là Đèo đất xấu. Mìn nổ đánh sập đất đá từ trên đỉnh đèo Pù-hin-hại xuống. Lúc 9 giờ, bỗng Pù-hin-hại ầm ầm rung chuyển. Chỉ trong chớp mắt, hơn 60 vạn khối đất đã trụt xuống. Những tảng đá nặng hàng chục tấn lăn xuống. Con đường sắp thông tuyến kỹ thuật chẳng khác nào một quả đồi mới. Trong lúc hoảng loạn, người chạy vào rừng. Người chạy vào khe đá. Có người bị hắt lên ngọn cây, trạc cây. Có người bị đất đá cuốn trôi xuống vực, trong đó có Lê Viết Dũng, Lê Thị Hương, Lê Thị Tràn.

Công văn phúc đáp của Cục Người có công.

Ấy thế mà trong công văn phúc đáp của Cục Người có công số 2893/NCC-CSI, ngày 22/11/2017 do Phó cục trưởng Nguyễn Duy Kiên ký có nội dung: “Theo hồ sơ, ngày 21/8/1977, ông Dũng, bà Hương và bà Tràn đã từ trần trong khi đang làm nhiệm vụ mở đường bị đất đồi lở sập vùi lấp, không phải hy sinh trong chiến đấu phục vụ chiến đấu. Nhiệm vụ mở đường cũng không phải công việc cấp bách và không nguy hiểm tới mức đòi hỏi sự dũng cảm, xả thân. Bên cạnh đó cũng không có cơ sở khẳng định nhiệm vụ mở đường là trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh. Do vậy, chưa có cơ sở xác nhận liệt sỹ đối với ông Dũng, bà Hương, và bà Tràn”.

Cứ theo cách trả lời của Cục Người có công “Nhiệm vụ mở đường cũng không phải công việc cấp bách và không nguy hiểm tới mức đòi hỏi sự dũng cảm, xả thân. Bên cạnh đó cũng không có cơ sở khẳng định nhiệm vụ mở đường là trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh” thì ta phải hiểu: Lũ quét, lũ ống, sập trường, sập đường, sập kho tàng bến bãi, sập hầm mỏ, cũng không phải cấp bách, không nguy hiểm tới mức đòi hỏi phải dũng cảm, xả thân. Ai chết trong đó cứ chết. Ai bị vùi chôn trong đó, ai kêu cứu cũng không phải cấp bách đòi hỏi người khác phải dũng cảm, xả thân!

Có lẽ sự quan liêu, sự thiếu hiểu biết, sự mù quáng văn bằng chữ nghĩa mà đồng đội tôi: Lê Viết Dũng, Lê Thị Tràn, Lê Thị Hương hy sinh thật trong khi làm nhiệm vụ mở đường Kinh tế - An ninh - Quốc phòng trên Biên giới Việt Lào đã hơn 41 năm vẫn chưa được hoàn chỉnh hồ sơ để đề nghị công nhận liệt sỹ.

Rất mong các cấp có thẩm quyền, các cơ quan báo chí lên tiếng để linh hồn những người hy sinh thật cho cách mạng nói chung, các chiến sĩ TNTN (42-12) nói riêng được thanh thản dưới suối vàng.

Nhà văn Nguyễn Minh Khiêm


Nhà văn Nguyễn Minh Khiêm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]