(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, Báo Văn hóa và Đời sống đã tổ chức nhiều cuộc thi ý nghĩa và sâu sắc gắn liền với tôn chỉ, mục đích hoạt động. Với tôi, 2 cuộc thi đã để lại dấu ấn mà mình đã đóng góp một phần nhỏ vào sự thành công trong việc kết nối các tấm lòng hảo tâm, tổ chức xã hội tham gia đồng hành cùng cuộc thi...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kết nối các cuộc thi trên Báo Văn hóa và Đời sống

Trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, Báo Văn hóa và Đời sống đã tổ chức nhiều cuộc thi ý nghĩa và sâu sắc gắn liền với tôn chỉ, mục đích hoạt động. Với tôi, 2 cuộc thi đã để lại dấu ấn mà mình đã đóng góp một phần nhỏ vào sự thành công trong việc kết nối các tấm lòng hảo tâm, tổ chức xã hội tham gia đồng hành cùng cuộc thi...

Nhà báo Lê Văn Nam - Tổng Biên tập Báo Văn hóa và Đời sống tặng quà lưu niệm Giáo sư Lê Viết Ly trong Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết Đất và Người xứ Thanh. (Ảnh: Đỗ Đức)

Cuộc thi HIV/AIDS

Năm 2004, tôi chuyển công tác về làm việc tại Báo Văn hóa - Thông tin (nay là Báo Văn hóa và Đời sống). Mới đó mà thấm thoát đã 16 năm trôi qua với nhiều kỷ niệm đáng nhớ, nhưng sâu sắc nhất đối với tôi cũng là những cuộc thi được tổ chức trên Báo Văn hóa và Đời sống. Trong đó tôi là người kết nối những tấm lòng tâm huyết tài trợ kinh phí cho cuộc thi thành công.

Do điều kiện hoạt động của Báo, kinh phí sự nghiệp chi trả cho các cuộc thi là rất khó khăn. Trong khi đó, mỗi cuộc thi cần có nguồn kinh phí để tăng nhuận bút thu hút cộng tác viên, phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và chi trả giải thưởng...

Bám sát chức năng của đơn vị, tôn chỉ, mục đích của Báo Văn hóa - Thông tin, sau khi tìm hiểu các chuyên đề và thực tiễn cuộc sống, tôi thấy Cuộc thi viết về chủ đề phòng, chống HIV/AIDS là rất cần thiết. Vì thời điểm này trong xã hội còn nhiều sự kỳ thị đối với người bị nhiễm HIV/AIDS. Có trường học không nhận học sinh bị nhiễm, hoặc con, em của người nhiễm HIV/AIDS, vì sợ khi phụ huynh biết sẽ rất khó thu hút học sinh đến trường. Song vẫn có không ít những đơn vị, cá nhân luôn giúp đỡ những người thân, bạn bè không may mắc phải căn bệnh thế kỷ này...

Sau khi thống nhất với lãnh đạo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Thanh Hóa (nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa), tôi cùng bác sĩ Hoàng Bình Yên, Hoàng Tiến Ngọc thống nhất nguồn kinh phí tài trợ để tổ chức cuộc thi là 5.000 USD. Từ nguồn kinh phí này, tôi kết nối thêm 5 đơn vị tham gia trao các giải thưởng bằng hình thức đăng logo đơn vị mình dưới bài dự thi: Công ty Xi măng Nghi Sơn, Công ty Mai Linh Thanh Hóa, Công ty CP xây lắp Điện Lực... Cuộc thi đã thu hút nhiều độc giả vùng miền trong, ngoài tỉnh, các đồng nghiệp ở các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương với 85 tác phẩm với sự phong phú các thể loại: Phản ánh, ảnh báo chí, tranh cổ động về đề tài HIV/AIDS. Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã trao 2 giải A, 5 giải B, 10 giải C và 15 giải khuyến khích cho các tác giả. Thành công của cuộc thi được đánh giá cao không chỉ là những tác phẩm phản ánh tính chân thực mà còn là những đề xuất, hiến kế trong công tác phòng, chống HIV/AIDS Thanh Hóa đang hướng tới mục tiêu 90 - 90 - 90...

Nhà báo Thúy Hòa.

"Đất và người xứ Thanh"

Đây là cuộc thi viết do Báo Văn hóa và Đời sống tổ chức từ tháng 4-12/2015, là hoạt động thiết thực hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2015 - Thanh Hóa. Sau 8 tháng phát động, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được gần 100 bài viết tham dự với chất lượng cao, trong đó có cả những bài viết của cộng tác viên cao tuổi. Các bài viết nhìn chung đã giới thiệu được những di tích, danh thắng, điểm đến hấp dẫn trên địa bàn tỉnh, cách ứng xử của người dân Thanh Hóa đối với các di tích, danh thắng và những việc làm, chia sẻ, cảm nhận của du khách về các điểm du lịch ở xứ Thanh, đặc biệt là đã đưa ra những sáng kiến để phát triển du lịch Thanh Hóa...

Lúc ấy, đồng chí Nguyễn Văn Phát - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa đánh giá cuộc thi rất có ý nghĩa trong việc giới thiệu và quảng bá hình ảnh "Đất và người xứ Thanh" đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Với đề tài rộng, người tham gia cuộc thi viết đã sáng tạo nên những tác phẩm có tính dự báo và định hướng tương lai bằng cả tiếng lòng, tâm huyết và trách nhiệm. Đồng chí cũng đề cao sáng kiến của Báo Văn hóa và Đời sống qua việc tổ chức phát động cuộc thi và đề nghị các đơn vị truyền thông của tỉnh cần tổ chức thêm những cuộc thi như thế này để quảng bá nhiều hơn nữa hình ảnh xứ Thanh đến bạn bè trong và ngoài nước. Cuộc thi có 59 tác phẩm tham dự, trong đó có 17 tác phẩm xuất sắc đạt giải: 2 giải Nhì, 5 giải Ba và 10 giải Khuyến khích (không có giải nhất).

Để có cuộc thi "Đất và người xứ Thanh" thành công bằng nguồn kinh phí xã hội hóa (không có nguồn ngân sách hỗ trợ), chúng tôi phải đi tìm nguồn kinh phí từ các nhà tài trợ, nhất là những người tâm huyết luôn hướng về quê hương. Người đầu tiên chúng tôi tìm đến là Giáo sư Lê Viết Ly. Được biết, hằng năm ông đều tài trợ cho Quỹ Khuyến học tỉnh Thanh Hóa mang tên ông trên 1 tỷ đồng trao học bổng cho các cháu sinh viên nghèo học giỏi, động viên các cháu vươn lên học tập tốt trở thành người có ích cho xã hội.

Vào cuộc vận động Giáo sư Lê Viết Ly, chúng tôi được nghe ông trăn trở vì sao con người trên quê hương mình thông minh, cần cù, chịu khó nhưng vẫn phải chịu nhiều điều tiếng không tốt như việc "Chém chặt" ở Sầm Sơn... Mặc dù đây là bãi biển đẹp và hấp dẫn nhất, nhì miền Bắc, từ lâu đã được người Pháp đánh giá cao. Cấp ủy, chính quyền, nhân dân Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư, xây dựng, quảng bá hình ảnh Sầm Sơn nhưng chưa tạo được chuyển biến rõ nét khi du khách về đây để lại những ấn tượng đẹp. Nếu Báo tổ chức được cuộc thi viết về cái tốt và chưa tốt của "Đất và người xứ Thanh" thì giáo sư sẽ là người tài trợ chính. Thấu hiểu được điều đó, Tổng Biên tập Báo Văn hóa và Đời sống đã đồng ý triển khai cuộc thi.

Từ nguồn kinh phí tài trợ chính của Giáo sư Lê Viết Ly (trao cho các giải thưởng), chúng tôi còn tiếp tục kêu gọi các nhà tài trợ: Phong tê thấp Bà Giằng, Công ty Hoàng Tuấn, Công ty Dược phẩm Tâm Bình, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn... bằng hình thức đăng logo các đơn vị trong chuyên mục bài dự thi. Từ nguồn tài trợ của các đơn vị này, Báo dùng chi trả nhuận bút cho các bài dự thi gấp nhiều lần, nhằm động viên tác giả tham gia cuộc thi. Đã có nhiều độc giả ở khắp các vùng miền trong tỉnh, người Thanh Hóa ở tỉnh ngoài, đồng nghiệp ở các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương tham gia cuộc thi với nhiều bài viết chất lượng cao. Và cuộc thi "Đất và người xứ Thanh" đã được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, các huyện, độc giả trong và ngoài tỉnh đánh giá cao...

Niềm vui ngày tổng kết và trao giải thưởng như được nhân đôi bởi Giáo sư Lê Viết Ly và các nhà tài trợ phụ đều về dự và trao giải. Giáo sư Lê Viết Ly cũng như chúng tôi không giấu nổi xúc động vì cuộc thi đã có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, trong mỗi người dân Thanh Hóa. Qua cuộc thi, mọi người đã hiểu thêm mảnh đất và con người xứ Thanh. Đặc biệt, tại lễ trao giải, người được nhận giải Nhì (10 triệu đồng) - Nhà báo Cao Ngọ (Báo Du lịch Việt Nam) đã trao lại số tiền này cho Nhà báo Lê Văn Nam - Tổng Biên tập Báo Văn hóa và Đời sống để tặng các em học sinh khó khăn vùng cao. Đó là thành công của cuộc thi "Đất và người xứ Thanh" dấu ấn làm tôi mãi không quên.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]