(vhds.baothanhhoa.vn) - Enzyme là khái niệm không quá xa lạ với người trẻ trong một vài năm gần đây. Trong khi rất nhiều nước đã tìm đến phương pháp ngâm ủ thủ công, thì ở Việt Nam lại chưa được quan tâm. Nắm bắt xu hướng ấy, Bùi Thị Bích Ngọc (SN 1987) sau thời gian tìm tòi nghiên cứu đã quyết tâm làm và chinh phục.

Khác biệt tạo nên lợi thế cạnh tranh khi khởi nghiệp

Enzyme là khái niệm không quá xa lạ với người trẻ trong một vài năm gần đây. Trong khi rất nhiều nước đã tìm đến phương pháp ngâm ủ thủ công, thì ở Việt Nam lại chưa được quan tâm. Nắm bắt xu hướng ấy, Bùi Thị Bích Ngọc (SN 1987) sau thời gian tìm tòi nghiên cứu đã quyết tâm làm và chinh phục.

Khác biệt tạo nên lợi thế cạnh tranh khi khởi nghiệpChị Bùi Thị Bích Ngọc thực hiện quy trình lên men sản phẩm nước tẩy rửa hữu cơ.

Năm 2019, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Fuwa Biotech (Fuwa) chính thức được thành lập. Những ngày đầu, khó khăn chồng chất, tất cả từ con số 0: Không có chuyên môn về hóa sinh, không có phòng LAB, không máy móc... Tuy vậy, may mắn là mỗi người một thế mạnh, đặc biệt có sự cố vấn của Tiến sĩ Đặng Đức Long, một chuyên gia trong ngành hóa sinh. Và hơn hết đây là ngành rất mới mẻ, ít người tham gia kinh doanh. Giám đốc công ty, chị Bùi Thị Bích Ngọc, chia sẻ: “Khó khăn nhất vẫn là thói quen tiêu dùng, hành vi tiêu dùng. Vì các ông lớn trong ngành đã định hình tư duy cho người sử dụng là thu nhập thế nào thì dùng sản phẩm như thế. Người ta có thể đầu tư ăn ngon, mặc đẹp nhưng không có thói quen đầu tư cho việc tẩy rửa”.

Sau thời gian thử nghiệm đủ loại vỏ trái cây, cuối cùng Bích Ngọc dừng ở việc đưa vỏ dứa vào quy trình sản xuất. Dứa tạo màu vàng óng đẹp, hương thơm dễ chịu. Vì thế, các sản phẩm nước lau sàn, nước rửa chén bát, nước rửa tay và nước ngâm rửa thực phẩm mang thương hiệu Fuwa3e nhanh chóng được khách hàng lựa chọn. Đó cũng là lý do Bích Ngọc mạnh dạn tham gia chinh phục sao OCOP. Chị chia sẻ: “Đối với Fuwa, là một chặng đường khá chông gai. Bởi các sản phẩm của Fuwa thuộc nhóm ngành công nghiệp nên các chỉ tiêu trong hồ sơ cũng phức tạp và kỹ lưỡng hơn các nhóm khác. Với chứng nhận OCOP, giá trị lớn nhất chúng tôi nhận được là sự chia sẻ, giao lưu, giao thương để có thêm các điều kiện tương tác, phát triển thị trường, mở rộng và phát triển thương hiệu”.

Nếu hầu hết bạn trẻ khởi nghiệp vì đam mê, với Bích Ngọc đó còn là sự quyết tâm chinh phục theo từng giai đoạn. Ngay từ ngày đầu, chị đã đặt ra mục tiêu chinh phục top 2 sản phẩm sinh học trên thị trường Việt Nam. Chị bộc bạch: “Vì có ước mơ đó nên chúng tôi mỗi năm có kế hoạch, lộ trình riêng. Và thật vui là sau 2 năm sản phẩm đã được cộng đồng mạng tag tên Fuwa rất nhiều. Những giải thưởng chứng nhận là minh chứng cho việc chúng tôi đang nằm ở top đó".

Còn nhớ có thời kỳ chị mua tất cả những sản phẩm sinh học trong và ngoài nước đang có trên thị trường để phân tích, đánh giá và học hỏi những điểm mạnh; tìm nhược điểm để tránh khi làm sản phẩm của mình. Vì thế nước rửa chén Fuwa được khách hàng nhận xét tốt vì sự khác biệt: rửa nhanh sạch, không lưu lại mùi trên bát đĩa, đồng thời mùi dứa thật thư giãn và dễ chịu.

So với sản phẩm thương mại dùng thành phần vô cơ chủ yếu là có gốc dầu với tính năng tẩy rửa tốt, bát ăn có thể sạch bong kin kít, nhưng lại mắc nhược điểm là mất đi lớp bảo vệ da tay. Đeo găng tay chỉ giải quyết vấn đề trước mắt nhưng việc không hòa tan trong nước gây ảnh hưởng lớn tới sự phân hủy khi thải ra môi trường. Tính năng tẩy rửa là enzyme từ vỏ dứa, đặc biệt các phụ gia lành tính, chiết xuất từ tự nhiên như tinh bột ngô, dầu dừa, bồ hòn... thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe con người. So với giá các sản phẩm sinh học hữu cơ trên thị trường cùng phân khúc thì giá thành của Fuwa là rẻ nhất. “Thành phần chính để làm Fuwa là dứa và đường nâu. Hầu hết chi phí chủ yếu là tiền mua đường nâu còn dứa thì giá rất rẻ, thậm chí thời kỳ đầu tôi được cho không”, chị Bích Ngọc cho biết.

Khởi nghiệp từ chính căn nhà của mình, với chi phí ban đầu hơn 60 triệu đồng, đến nay, Fuwa đã 3 lần chuyển cơ sở do nhu cầu phát triển doanh nghiệp. Giờ đây với cơ sở mới rộng trên 3.000m2 thuộc phường Hàm Rồng, chị Bích Ngọc rất vui: "Chỉ mới năm 2019, đầu tư vào lĩnh vực enzyme có vẻ còn khá xa lạ và mạo hiểm thì ngay lúc này, với chúng tôi là cơ hội lớn. Mặc dù thời điểm này đang là giai đoạn bùng phát của dịch COVID-19 nhưng doanh nghiệp chúng tôi tập trung đầu tư hơn về đào tạo, kết nối hệ thống và tập trung bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Từ 4 sản phẩm, nay chúng tôi đã có 7 sản phẩm, đều được bán trên các sàn Tiki, Shopee, Lazada...

Khác biệt tạo nên lợi thế cạnh tranh khi khởi nghiệpTrạm đong đầy - refill giúp giảm giá thành sản phẩm, bảo vệ môi trường.

Là doanh nghiệp đi theo hướng hữu cơ, điều Bích Ngọc băn khoăn nhất chính là rác thải. Mỗi giờ có khoảng 3 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó 10% vỏ chai nhựa sử dụng cho các chất tẩy rửa thông thường. Quyết tâm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, giảm tải rác thải, hầu hết các điểm bán của Fuwa đều có đặt Trạm đong đầy - refill để mọi người có thể mang chai cũ đến chiết rót giảm giá thành, hạn chế chất thải nhựa. “Đong đầy yêu thương thôi chưa đủ, chúng tôi muốn truyền thông điệp sống vì mình và vì mọi người. Có lẽ chính điều đó mà trong thời điểm này, Công ty TNHH Fuwa đã có những chương trình tri ân đến khách hàng và trao quà ủng hộ phòng, chống COVID-19, cũng như giúp các đại lý nâng cao ý thức rửa tay xịt khuẩn”.

Chặng đường đi của Công ty TNHH Fuwa Biotech chưa dài nhưng những thành tích đạt được lại không hề nhỏ. Hiện tại doanh số công ty đạt 600 - 700 triệu đồng/tháng. Chị Bích Ngọc chia sẻ: “Tôi không đi một mình, bên cạnh tôi là các cộng sự cùng có khát khao chinh phục. Mục tiêu giai đoạn 2021- 2025, chúng tôi nỗ lực tìm kiếm các đối tác nước ngoài để hướng đến xuất khẩu, và lọt vào top 10 trên thế giới các công ty sản xuất sản phẩm enzyme. Nghe thì tưởng xa vời nhưng tôi nghĩ rằng, cũng không quá khó, vì trên thế giới dòng sản phẩm sinh học từ enzyme không nhiều và Việt Nam là quốc gia có lợi thế về nguồn nguyên liệu. Nếu có sự hỗ trợ của tỉnh thì sản phẩm của chúng tôi sẽ đi xa và đi nhanh hơn nữa”.

Có được thành công như hôm nay chính nhờ sự đồng lòng của một đội ngũ, là sự quyết tâm chinh phục của chị và hơn hết chính là sự khác biệt của mỗi sản phẩm. Không dễ gì để một sản phẩm hữu cơ như nước tẩy rửa mà được Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh công nhận tỷ lệ diệt khuẩn đạt 99,9%.

“Quy trình ngâm ủ để tạo ra một sản phẩm enzyme của Fuwa chỉ có 3 tháng, nhưng con đường chinh phục khách hàng còn rất dài. Chúng tôi mỗi ngày một cố gắng hơn để đa dạng sản phẩm chăm sóc gia đình, và truyền đi thông điệp sống xanh, sống sạch tới mọi người”. Đó là những lời nói của một cô gái chưa đầy 35 tuổi. Và tôi tin Bùi Thị Bích Ngọc sẽ không chỉ là hướng đến sản phẩm OCOP 5 sao mà còn sẽ đi rất xa để chinh phục cả các khách hàng ngoại quốc.

Bài và ảnh: Huyền Chi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]