(vhds.baothanhhoa.vn) - Mặc dù là các xã nông thôn mới của TP Thanh Hóa, lại nằm dọc đôi bờ sông Mã, thế nhưng suốt nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân xã Hoằng Quang, Hoằng Đại lại luôn sống trong tình trạng “khát” nước sạch?!

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Khát” nước sạch bên bờ sông Mã

Mặc dù là các xã nông thôn mới của TP Thanh Hóa, lại nằm dọc đôi bờ sông Mã, thế nhưng suốt nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân xã Hoằng Quang, Hoằng Đại lại luôn sống trong tình trạng “khát” nước sạch?!

Ông Nguyễn Văn Trung (thôn Vĩnh Trị 2) lo lắng: “Người dân địa phương khác thì lo tích trữ lương thảo chống dịch Covid-19, còn người dân Hoằng Quang chúng tôi thì thêm một mối lo nữa là tích trữ nước sạch. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn nước trời (nước mưa) thì sao yên ổn mà sống?”.

Cũng theo ông Trung, để có nước sạch sử dụng, không chỉ gia đình ông mà hàng trăm hộ dân, cả nghìn nhân khẩu nơi đây phải đồng loạt sử dụng phương thức thủ công, không được khuyến khích như khoan giếng. Việc sử dụng phương án này là không đảm bảo cả về chất lượng nguồn nước cũng như gây yếu nền địa chất. Nếu đồng loạt khai thác nguồn nước ngầm thì hệ lụy sụt lún với một xã giáp ranh sông Mã là điều không tránh khỏi.

Trong khi đó, để nguồn nước giếng khoan đưa vào sử dụng được, người dân bắt buộc phải đầu tư thêm những công trình xử lý phụ trợ khác như: bể lắng lọc, máy bơm... Và để duy trì, bảo dưỡng dây chuyền xử lý nước đó, cứ cách 1 năm lại phải thay hàng loạt thiết bị như: máy bơm mới, vật liệu lắng lọc, than hoạt tính... Việc khoan giếng, đầu tư công trình xử lý nước phụ trợ làm tiêu tốn của mỗi hộ dân vài chục triệu đồng, tuy nhiên việc sử dụng nguồn nước không đảm bảo này khiến cho các hộ dân không khỏi bất bình.

Giải pháp khoan giếng và đầu tư hệ thống xử lý nước, không phải hộ dân nào cũng có điều kiện. Đối với những hộ khó khăn, việc đi xin nước từng ngày là chuyện không hiếm.

Cũng theo một hộ dân xã Hoằng Quang thì việc sử dụng nước sạch đối với các gia đình chỉ dám dùng để nấu nướng, ăn uống. Còn nước để tắm rửa, giặt rũ... phải lấy từ nguồn nước sông Mã, hoặc giếng khoan chưa qua xử lý. Mùa lũ nước sông Mã đục thì cũng phải đi xin. Trong khi đó, đối với những hộ sản xuất, kinh doanh phải sử dụng nhiều tới nguồn nước sạch thì việc bỏ tiền túi ra mua cũng tiêu tốn một khoản kha khá.

Chung cảnh ngộ, tại xã Hoằng Đại (TP Thanh Hóa) tình trạng “khát” nước sạch cũng diễn ra từ nhiều năm nay. Trường hợp gia đình chị Trương Thị Son lo lắng là hoàn toàn có cơ sở. Chỉ tận tay những mảng bám nhiễm phèn, nhiễm sắt loang lổ khắp các thành bể chứa, bể lọc, nước ô nhiễm sẽ dẫn tới bệnh tật. Điều chị lo là sức khỏe con cháu đời sau.

Theo tìm hiểu được biết, 2 xã nằm dọc sông Mã và thuộc thành phố Thanh Hóa này từ lâu đã có dự án cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, đã nhiều lần người dân trong xã kiến nghị, phản ánh lên thành phố, lên tỉnh nhưng vẫn chưa thấy chuyển biến?!

Trong khi đó, lãnh đạo xã Hoằng Quang khẳng định: “Tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt của người dân xã Hoằng Quang xảy ra trong nhiều năm nay, 100% các hộ dân đang phải sử dụng giếng nước khoan bị ố vàng, nhiễm phèn nặng”.

Tìm hiểu được biết, ngày 20/4/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Hệ thống nước sạch nông thôn liên huyện của Công ty CP Việt Thanh VnC, với phạm vi cấp nước cho một số xã trong đó có xã Hoằng Quang, Hoằng Đại (TP Thanh Hóa) với tổng mức đầu tư đã điều chỉnh là 261,24 tỷ đồng. Dự án sẽ được khởi công xây dựng vào tháng 7/2018 và dự kiến hoàn thành, đi vào hoạt động vào tháng 12/2019.

Ngày 10/7/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 8786 yêu cầu Công ty CP Việt Thanh VnC khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng, hoàn thành trước ngày 31/12/2019.

Mặc dù Công văn UBND tỉnh Thanh Hóa là vậy, câu hỏi bao giờ người dân các xã Hoằng Quang, Hoằng Đại có nước sạch để sử dụng vẫn đang là câu hỏi chưa có câu trả lời.

Sơn Đình


Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]