(vhds.baothanhhoa.vn) - Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII xác định, giảm nghèo là một trong 5 Chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ 2015 - 2020. Từ đó, công cuộc giảm nghèo nhận được sự đồng thuận và tham gia tích cực của cấp ủy, chính quyền, các ngành, các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, vượt mục tiêu kế hoạch và thuộc nhóm tỉnh có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất cả nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khi cả hệ thống chính trị vào cuộc giảm nghèo

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII xác định, giảm nghèo là một trong 5 Chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ 2015 - 2020. Từ đó, công cuộc giảm nghèo nhận được sự đồng thuận và tham gia tích cực của cấp ủy, chính quyền, các ngành, các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, vượt mục tiêu kế hoạch và thuộc nhóm tỉnh có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất cả nước.

Đời sống nhân dân các dân tộc vùng miền núi xứ Thanh đã được cải thiện và nâng cao.

Dấu ấn giảm nghèo

Sau 5 năm thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 289-QĐ/TU ngày 27/5/2016 của Tỉnh ủy, khẳng định, công cuộc giảm nghèo của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng mừng khi mà tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân đạt 2,50%/năm và thu nhập bình quân của người nghèo cao gấp 2,5 lần so với năm 2015. Ước trong giai đoạn này, tỷ lệ hộ nghèo giảm 12,50% (từ 13,51% xuống 1,01%). Đặc biệt, đã có một huyện thoát ra khỏi danh sách các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a; 93/100 xã không còn tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên; 5 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và 55 thôn/ bản đặc biệt khó khăn hoàn thành Chương trình 135. Toàn tỉnh từ 30 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, đến nay chỉ còn 12 xã.

Từ năm 2016 đến nay, tổng nguồn vốn huy động trực tiếp thực hiện Chương trình Giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 24.401 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này đã giúp cho những huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn được tăng cường, hỗ trợ các chính sách về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống để nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Công cuộc giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016 - 2020 với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đã làm nên những kỳ tích mới. Với Thanh Hóa, nét đặc thù tiêu biểu của tỉnh đó là đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Thanh Hóa trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG xây dựng NTM, do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng ban. Điều này đã thể hiện sự nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo gắn với xây dựng NTM và thực hiện các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh, đã được Trung ương đánh giá cao và một số tỉnh bạn nghiên cứu, học tập.

Đồng chí Lê Minh Hành - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết: Có 17/27 huyện thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG, các huyện còn lại và hầu hết các xã duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo.

Câu chuyện giảm nghèo

Chúng tôi có dịp về lại xã Hóa Quỳ, một trong những xã đã từng nằm trong tốp đầu xã nghèo của huyện Như Xuân. 10 năm về trước, tỷ lệ hộ nghèo ở đây lên tới 59,7%, một con số không hề nhỏ. Nhưng 10 năm sau, Hóa Quỳ đã làm cuộc “cách mạng” giảm nghèo khi tỷ lệ nghèo hiện nay chỉ còn 3,5%.

Và để làm được cuộc “cách mạng” này, Hóa Quỳ đã tập trung rà soát, chia ra các nhóm nghèo, xác định nguyên nhân nghèo để từ đó đưa ra các giải pháp, cách làm phù hợp. Chia sẻ của ông Lê Phúc Hải - Chủ tịch UBND xã Hóa Quỳ: "Ngoài các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải nỗ lực, nêu cao vai trò, trách nhiệm trong công tác giảm nghèo, phải biết lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện của địa phương".

Với Hóa Quỳ, mô hình tiêu biểu trong giảm nghèo là nuôi gà thả vườn, trồng cây lâm nghiệp. Bên cạnh đó địa phương cũng xác định xuất khẩu lao động cũng là con đường để giảm nghèo nhanh và bền vững. Hiện địa phương này đang có hơn 300 người đi xuất khẩu lao động và 1.900 lao động đang làm việc tại các công ty trong nước.

Cùng với Hóa Quỳ thì 14 xã, thị trấn còn lại của Như Xuân đến lúc này đã hoàn toàn thay đổi diện mạo. Năm 2018, Như Xuân là huyện thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết 30a, khi huyện giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 37,36% năm 2015 xuống còn 7,8% năm 2019.

Thoát khỏi huyện 30a là một cuộc “cách mạng” lớn ở Như Xuân nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn, thử thách ở những giai đoạn tiếp theo. Ông Lê Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Sau 2 năm thoát khỏi huyện 30a, diện mạo 15 xã, thị trấn thay đổi, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành từ huyện đến cơ sở cũng thay đổi. Tuy nhiên, trăn trở lớn nhất của huyện vẫn còn nhiều. “Vừa rồi, Đại hội Đảng bộ huyện đề ra một số chỉ tiêu rất lớn như thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 là 60 triệu/ người/ năm và đến năm 2025, Như Xuân là một trong nhữnghuyện dẫn đầu các huyện miền núi của tỉnh. Mục tiêu chính của cấp ủy, chính quyền là làm sao cho đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao. Nhưng công việc của tỉnh giao càng ngày càng nhiều và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 88 về Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Tôi mong rằng khi triển khai, thực hiện nghị quyết này, Đảng, Nhà nước và tỉnh Thanh Hóa tiếp tục hỗ trợ các nguồn lực cho huyện vì giai đoạn 2021 - 2025 tiêu chí về hộ nghèo sẽ thay đổi không như giai đoạn 2016 - 2020" - đồng chí Lê Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết.

Từ thực tế cho thấy, kết quả giảm nghèo thời gian qua trên địa bàn tỉnh đáng khích lệ tuy nhiên chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo còn cao. Ông Lê Minh Hành - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết: “Phải xây dựng “cơ chế đặc thù” trong hỗ trợ phát triển sản xuất, xác định mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo với các nhóm yếu thế đặc thù, như hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ. Đồng thời, tiếp tục, thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến mọi cấp, mọi ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, đồng thời tranh thủ sự trợ giúp về kỹ thuật và nguồn lực để thực hiện thành công mục tiêu của chương trình”.

Hoàng Việt Anh


Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]