(vhds.baothanhhoa.vn) - Nghĩa tình đồng đội chính là tấm lòng, sự sẻ chia của những người lính dành cho nhau. Dù chiến tranh đã qua đi, nhưng những nhân chứng sống của những cuộc chiến vẫn còn. Ngày hôm nay, người còn người mất, rất nhiều người mang di chứng chiến tranh, những vết thương bệnh tật và cả cái nghèo khó. Vì thế, nhiều câu lạc bộ ra đời, một lần nữa thể hiện tinh thần sẻ chia vì nhau và có nhau.

Khi người lính trở về: Hành động nhỏ, niềm vui lớn

Nghĩa tình đồng đội chính là tấm lòng, sự sẻ chia của những người lính dành cho nhau. Dù chiến tranh đã qua đi, nhưng những nhân chứng sống của những cuộc chiến vẫn còn. Ngày hôm nay, người còn người mất, rất nhiều người mang di chứng chiến tranh, những vết thương bệnh tật và cả cái nghèo khó. Vì thế, nhiều câu lạc bộ ra đời, một lần nữa thể hiện tinh thần sẻ chia vì nhau và có nhau.

Khi người lính trở về: Hành động nhỏ, niềm vui lớnCCB Lê Xuân Nhám (bên trái ảnh) hiến 98m2 đất thổ cư và 100m tường rào để mở rộng đường giao thông thôn Ngưu Phương.

Nhận về nghĩa tình

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Tuấn Chung - Trưởng ban Tuyên giáo - Phong trào, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh: Với gần 220.000 hội viên, hội CCB hàng năm tổ chức rất nhiều hoạt động, nhiều phong trào. Trong đó, gây quỹ làm nhà nghĩa tình CCB là một phong trào mang tính sâu rộng, toàn diện, với mức đóng 24.000 đồng/người/năm. Số tiền của từng cá nhân tuy nhỏ, nhưng con số thu được trong toàn tỉnh lên tới gần 4,5 tỷ đồng/năm. Nhờ số tiền ấy mà hàng năm tỉnh hội vừa làm vừa sửa chữa từ 70 - 100 nhà, với mức hỗ trợ 50 triệu đồng để làm nhà mới và 25 triệu đồng hỗ trợ sửa nhà, nhằm đảm bảo tiêu chí tường cứng, nền cứng và mái cứng. Riêng năm 2020, bằng nguồn quỹ đóng góp của hội viên, toàn tỉnh đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa được 129 nhà (làm mới 75 nhà, sửa chữa 54 nhà). Không chỉ tham gia đóng góp quỹ, các cấp hội còn huy động CCB tham gia đóng góp công sức để hoàn thành công trình với thời gian nhanh nhất, đảm bảo chất lượng tốt nhất.

Hội viên Phạm Thị Ngẫm (thôn Bào Tiến, xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương) năm nay đã 74 tuổi, từ khi rời quân ngũ, bà trở về địa phương ở trong ngôi nhà cấp 4 nhỏ hẹp, tường rạn nứt và bong tróc, sống dựa vào cây ngô, cây lúa. Nhờ sự giúp đỡ của Hội CCB huyện Quảng Xương, bà Ngẫm đã có ngôi nhà đẹp hơn, kiên cố hơn. Không giấu nổi xúc động, CCB Phạm Thị Ngẫm chia sẻ: “Trong khó khăn mới thấy hết nghĩa tình của đồng đội. Ðồng đội đã không bỏ tôi, dù tôi đã rời quân ngũ lâu lắm rồi”.

Năm 2020, từ nguồn quỹ nghĩa tình đồng đội, Hội CCB huyện Đông Sơn đã hỗ trợ xây dựng 4 căn nhà cho CCB có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, với tổng số tiền 95 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Đạo (thôn Hiệp Khởi, xã Đông Tiến) ngồi trong ngôi nhà mới không khỏi bồi hồi xúc động: “Được hội CCB hỗ trợ 50 triệu đồng và MTTQ xã hỗ trợ 2 triệu đồng, cùng sự giúp đỡ của anh em dòng họ, gia đình tôi đã xây dựng căn nhà khang trang này. Với tôi, đây là công trình thấm đượm nghĩa tình đồng đội”.

Hiện nay, toàn tỉnh còn 744 gia đình hội viên CCB đang ở trong những ngôi nhà tạm bợ, dột nát, trong đó có 525 nhà cần làm mới, 219 nhà cần sửa chữa. Để giúp hội viên có chỗ ở ổn định, các cấp hội CCB trong tỉnh tiếp tục làm tốt vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên và các nhà hảo tâm tích cực hưởng ứng, tham gia, tạo sức lan tỏa sâu rộng để nhân lên những hành động đẹp vì đồng đội. Hơn hết, theo ông Bùi Sỹ Thắng, Chủ tịch Hội CCB huyện Quảng Xương: “Điều tôi mừng nhất bởi cách làm đậm “chất người lính” đã giúp cho những hội viên CCB còn khó khăn về nhà ở ổn định được cuộc sống”.

Đó là những ngôi nhà nhỏ chứa những niềm vui lớn. Ngoài ra, hội CCB các cấp còn xây dựng nhiều mô hình khác nhau để sẻ chia tình cảm đồng đội. Hội CCB huyện Hoằng Hóa đã thành công khi xây dựng mô hình Quỹ tiết kiệm. Cuốn sổ nhỏ, ý nghĩa lớn, sau hơn 3 năm vận động, quỹ này đã có được số tiền 5.259 triệu đồng từ nguồn đóng góp 100 - 200 nghìn đồng/năm/người. Mục đích của quỹ là huy động tiền cho các hội viên nghèo vay lại làm kinh tế. Để tạo sự tin tưởng, thu hút hội viên tham gia, Thường trực Hội CCB huyện đã phát hành cuốn “Sổ tiết kiệm” đến từng hội viên. Khi nộp quỹ, hội viên mang theo sổ, ký xác nhận tiền đóng. Sổ do hội viên giữ với 6 điều quy định, có thể hiểu tiền gốc chi hội thu được sẽ để hội viên vay nhằm mục đích phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; tiền lãi chi hội thu để thăm hỏi ốm đau, hiếu hỷ, hội họp của hội viên. Khi thôi không sinh hoạt, người gửi được nhận lại 100% số tiền gửi. Chính sự rành mạch ấy, lại thêm tinh thần giúp đỡ đồng đội một cách vô tư, trong sáng, không tính toán thiệt hơn, nhiều hội viên CCB ở Hoằng Hóa đã gửi vào quỹ số tiền khá lớn. Có những trường hợp gửi lên tới trên 20 triệu đồng như CCB Nguyễn Lương Thiện ở chi hội thôn Mỹ Đà, xã Hoằng Đức (Hoằng Minh cũ). Hiện, quỹ đang tạo điều kiện cho 1.450 hội viên vay vốn. Điển hình là Hội CCB xã Hoằng Đạo, cả 467/467 hội viên có sổ tiết kiệm. Nhờ tinh thần tương thân tương ái ấy mà đến nay nhiều hội viên đã được vay từ nguồn quỹ này vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ấm áp hơn.

Trao yêu thương

Đến thôn Ngưu Phương (xã Quảng Khê, Quảng Xương), các tuyến đường rộng từ 1,5m đến 2m trước đây, đến nay hầu hết đã được mở rộng lên 5m (gồm cả mương). Chúng tôi được giới thiệu gặp CCB Lê Xuân Nhám và Lê Thế Luận. Cả hai ông đều đã ở tuổi ngoài 70, là bộ đội chống Mỹ, có hoàn cảnh khó khăn thậm chí bệnh nặng. CCB Lê Xuân Nhám không chỉ hiến 98m2 đất thổ cư và 100m tường rào, ông còn bỏ ra hơn 11 triệu đồng để xây dựng lại công trình phụ, khu vực chăn nuôi. Được biết, hiện gia đình ông rất khó khăn xoay xở từng đồng để ông điều trị căn bệnh K thực quản. Vừa nói vừa thở, nhưng ánh mắt của ông nhìn ra con đường trước nhà thật vui. Hay CCB Lê Thế Luận cũng ở thôn Ngưu Phương, dù rất mệt, lưng còng xuống vì căn bệnh thoái hóa nặng, nhưng nói về việc hiến đất ông rất vui vẻ: “Gia đình tôi đã hiến 110m2 đất thổ cư. Với tôi, khi nhà nước và Chi hội CCB thôn Ngưu Phương đề xuất hiến bao nhiêu mét đất là tôi đồng ý bấy nhiêu. Tôi nghĩ việc hiến đất mở đường không chỉ cộng đồng mà ngay gia đình tôi cũng được hưởng nhiều lợi ích. Là đảng viên, là CCB tôi phải làm gương để mọi người noi theo. Giờ đây ai đến thôn Ngưu Phương, xã Quảng Khê chẳng ngạc nhiên vì đường thôn to và đẹp. Chúng tôi thấy vui vì điều đó”.

Ông Lê Thế Sự, Chủ tịch Hội CCB xã Quảng Khê (Quảng Xương) cho biết: Trong năm 2020, các hội viên CCB của xã Quảng Khê đã hiến được hơn 700m2 đất thổ cư và gần 700m tường rào. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2021 hội viên CCB xã đã hiến hơn 100m2 cho việc mở rộng đường giao thông. Thông qua mỗi đợt sơ kết, tổng kết chúng tôi có biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến để các hội viên ý thức hơn nữa về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình với tổ chức hội.

Mang trong mình những vết thương chiến tranh chỉ có thể làm CCB Lê Xuân Khương ở xã Cát Tân (Như Xuân) đau đớn về thể xác. Vì thế mà ông lại muốn trao niềm vui đến cho mọi người. Với thương tật tỷ lệ 61%, các con và cháu ông cũng bị bệnh tật do di chứng chất độc da cam/dioxin. Vượt lên nỗi đau cả về thể xác và tinh thần, không cam chịu đói nghèo, người bộ đội Cụ Hồ ấy đã quyết tâm làm giàu trên đất quê hương theo hình thức phát triển kinh tế trang trại vườn - ao - chuồng - rừng. Năm 2004, gia đình ông thành lập trang trại và đây cũng là trang trại đầu tiên của huyện Như Xuân. Trang trại có diện tích rộng 15ha, bao gồm: ao, hồ, keo, tre, luồng, lúa... Ngoài ra, gia đình ông đã cải tạo vườn tạp thay thế trồng cây công nghiệp lâu dài, như: 7ha cây cao su, hơn 2ha luồng và 4ha keo, trồng xen canh sắn, thu hoạch hàng trăm triệu đồng/năm. Năm 2020, với 4ha keo, gia đình ông Khương thu hơn 250 triệu đồng, thu hoạch 5ha cao su, trừ chi phí thu được 250 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn thu hoạch 5 tấn lúa, 2 tấn cá... Tính tổng thu nhập bình quân của gia đình ông mỗi năm cũng được trên dưới 400 triệu đồng, tạo việc làm cho 10 đến 15 lao động tại địa phương... Ông Khương chia sẻ: “Bước chân vào cuộc kháng chiến, tôi xác định sống được đã là may mắn rồi, bởi vậy dù mang trên mình những nỗi đau, những người lính như chúng tôi đều cố gắng vươn lên. Giúp được ai thì giúp, mang được niềm vui cho ai là chúng tôi sống có ích”. Có điều kiện hơn các CCB khác, ông Khương luôn tích cực tham gia hỗ trợ các hoạt động của địa phương, như: Phong trào xây dựng nông thôn mới, làm đường giao thông, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” thăm hỏi, động viên các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công... Con đường dẫn vào khu trang trại của gia đình ông và 4 hộ dân khác nhỏ hẹp, vào mùa mưa thường trơn trượt, lầy lội, trong 2 năm 2019, 2020 ông đã đầu tư kinh phí gần 100 triệu đồng thuê máy xúc, máy ủi, mở đường rộng hơn 4m. Chỉ tay về con đường mới mở từ đường liên thôn về khu trang trại, ông chia sẻ: “Có điều kiện hơn mọi người, thì nên xung phong đầu tư. Trước tiên là có lợi cho mình. Từ ngày có con đường này, xe tải có thể vào tận nơi để vận chuyển keo, sắn, luồng và các loại nông sản khác đi tiêu thụ, bà con cùng trong khu trang trại này phấn khởi lắm...”.

Trao đi yêu thương thì sẽ nhận về những niềm vui, đó là phương châm sống của rất nhiều CCB. Đúng như CCB Lê Thế Luận, thôn Ngưu Phương, xã Quảng Khê (Quảng Xương) chia sẻ: Một ngày là lính thì phải giữ sáng tinh thần bộ đội Cụ Hồ. Giữ tinh thần bộ đội Cụ Hồ là đang tạo niềm vui cho chính bản thân mình và gia đình cùng cộng đồng.

Bài và ảnh: Huyền Chi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]