(vhds.baothanhhoa.vn) - Dù ở tuổi “xưa nay hiếm”, ông Hoàng Hùng vẫn say sưa dành trọn tâm lực cho những tìm tòi, nghiên cứu về các giá trị văn hóa - lịch sử. Với ông, nghiên cứu lịch sử chính là cái “duyên” may mắn trong cuộc đời.

Khi người lính trở về: Ông Hoàng Hùng và niềm đam mê lịch sử

Dù ở tuổi “xưa nay hiếm”, ông Hoàng Hùng vẫn say sưa dành trọn tâm lực cho những tìm tòi, nghiên cứu về các giá trị văn hóa - lịch sử. Với ông, nghiên cứu lịch sử chính là cái “duyên” may mắn trong cuộc đời.

Khi người lính trở về: Ông Hoàng Hùng và niềm đam mê lịch sửỞ tuổi “xưa nay hiếm”, ông Hoàng Hùng vẫn say mê với nghiên cứu văn hóa - lịch sử.

Những tháng năm... sông nước

Dáng người mảnh khảnh, thư sinh; mái tóc để dài trắng bồng bềnh cùng chất giọng thủ thỉ, thuyết trình mà như tâm tình, kể chuyện. Nhưng, thật bất ngờ khi biết rằng, cuộc đời ông Hoàng Hùng (Hoàng Đình Hùng) - cả thanh xuân tuổi trẻ đã gắn bó với sông nước, phục vụ cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc.

Sinh ra ở làng Canh Hoạch, xã Xuân Lai (Thọ Xuân), cuộc sống bên bờ sông Chu đã dạy cậu trai trẻ kỹ năng bơi lội cừ khôi. Khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược bước vào giai đoạn ác liệt, cần huy động tối đa sức người, sức của, cũng như bao chàng trai, cô gái nước Việt nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1967 Hoàng Hùng được điều động làm thủy thủ trên các tàu, thuyền vận chuyển lương thực, vũ khí vào Nam bằng đường biển và đường sông. Ông không còn nhớ đã vận chuyển bao nhiêu chuyến hàng, cùng bao lần trên sông nước gặp phải đạn bom kẻ thù, đối mặt với cái chết. Trong chiến tranh, súng đạn vô tình, không ai có thể nói mình giỏi hơn người khác. Vì thế, ông luôn thấy mình may mắn vì đã bình an đi qua chiến tranh.

Trong những năm tháng ấy, chàng trai quê hương Xuân Lai trải qua nhiều vị trí công việc. Từ thủy thủ đến thuyền trưởng rồi đoàn trưởng... Sau 18 năm, năm 1985, qua nhiều đắn đo suy nghĩ ông quyết định “lên bờ”, bắt đầu công việc mới.

Như một cơ duyên, khi còn là thủy thủ, với niềm đam mê văn chương chàng trai Hoàng Hùng đã sáng tác một số truyện ngắn, bút ký đăng trên báo, tạp chí, được kết nạp hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. “Chính từ cơ sở này, mình được nhà văn Phùng Gia Lộc, nhà văn Xuân Lộc giới thiệu về Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thọ Xuân làm Đội trưởng Đội thông tin lưu động, rồi cán bộ phụ trách phòng”.

Cái “duyên” may mắn

Sinh ra, lớn lên trên đất “hai vua” với những lắng đọng văn hóa - lịch sử theo thời gian và cả những “địa chỉ” cách mạng trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc đã cho ông nhiều động lực, nguồn tư liệu dồi dào, một trách nhiệm lớn lao. Ông nói: “Ở mảnh đất mà bước chân ra ngoài là gặp di tích, chưa nói đến chuyện đam mê, một người làm việc có trách nhiệm bắt buộc phải hiểu thật rõ lĩnh vực mình quản lý”. Và ông Hoàng Hùng đã bắt đầu công việc của một cán bộ văn hóa với tâm thế ấy.

Nhưng phải bắt đầu thế nào đây? Khi mà đi qua thời gian, chiến tranh, phần lớn các di tích đã bị tàn phá, đổ nát, tài liệu lưu lại không còn bao nhiêu, chủ yếu chỉ còn lưu truyền trong dân gian, độ chính xác chưa được kiểm chứng. Và, vật bất li thân khi ra khỏi nhà với cán bộ văn hóa Hoàng Hùng khi ấy là cây bút cùng cuốn sổ nhỏ. Ông cẩn thận ghi chép, sưu tầm tư liệu khi đến mỗi làng xã, di tích, đền, chùa... Cùng với đó, còn cả tài liệu ở các bia ký, sắc phong, thần phả; các bộ sử lớn của quốc gia... Tất cả các cứ liệu được huy động tối đa; tham khảo, đối chiếu từ nhiều nguồn để từ đấy có góc nhìn xác thực, đúng lịch sử.

Năm 2008, người dân xã Xuân Phong (Thọ Xuân) trong quá trình làm thủy lợi đã tình cờ phát hiện một ngôi mộ cổ. Sự việc khi ấy đã thu hút sự quan tâm lẫn hiếu kỳ của đông đảo người dân và giới nghiên cứu. Ông Hoàng Hùng đã có mặt ở khu vực phát hiện ngôi mộ cổ rất sớm. Ông nhớ lại: “Chiếc quách trồi lên bị vỡ một góc và bên trong có quan tài, tức mộ hợp chất. Mộ hợp chất chỉ mới xuất hiện thời Hậu Lê và có nhiều ở thời Lê Trung Hưng. Mộ dùng cho vua, hậu, quan lớn, nhà giàu, người có vai vế. Ở khu vực này, mộ xác ướp trong quan ngoài quách có lẽ chỉ có của các vua và hậu nhà Lê”. Suy đoán là thế, song hoàn toàn chưa đủ cứ liệu để đưa ra nhận định mang tính thuyết phục. Bên cạnh việc xin ý kiến lãnh đạo huyện, ngành chuyên môn phương án bảo vệ ngôi mộ, ông nhanh chóng đi tìm các nguồn tài liệu cổ, như: Tên làng xã Việt Nam; gia phả dòng họ Phạm Lê; Đại Việt Sử ký toàn thư; gần nhất là bản dập văn bia năm 1915 của tác giả Dumoutier ghi chép lưu giữ ở Viễn Đông Bác Cổ, tài liệu khẳng định mộ vua Lê Huyền Tông được an táng ở lăng Cảnh Thịnh trên địa bàn xã Xuân Phong ngày nay... Cùng sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu uy tín, ngôi mộ cổ đã bước đầu được bảo vệ kịp thời. “Sau Hội thảo Điện Càn Long diễn ra cuối năm 2019, ngôi mộ cổ hiện tại đã được quy hoạch trên khu vực diện tích 2.500m2” - ông Hoàng Hùng phấn khởi cho biết.

Đôi khi nhớ lại, chính bản thân ông cũng không phân định rõ, trong hơn 20 năm công tác ở Phòng Văn hóa huyện Thọ Xuân, ông đã làm việc với tâm thế của một cán bộ văn hóa hay niềm đam mê của người nghiên cứu lịch sử. Nhưng có một điều chắc chắn, chính thái độ làm việc nghiêm túc đã mang đến cho ông sự tín nhiệm, thành công. Cầm trên tay cuốn sách Vua Lê Đại Hành và quê hương Trung Lập, ông kể: “Trước đây, vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về quê hương của vua Lê Đại Hành. Vậy nhưng, khi cuốn sách Vua Lê Đại Hành và quê hương Trung Lập (cùng với tác giả Lê Xuân Kỳ) thực hiện với sự dày công sưu tầm, dẫn chứng các tài liệu có độ tin cậy cao đã được giới nghiên cứu, bạn đọc đón nhận nhiệt tình, tái bản nhiều lần”.

Đến thời điểm hiện tại, ông Hoàng Hùng đã tham gia viết trên 50 đầu sách về văn hóa, lịch sử. Trong đó, bên cạnh một số cuốn mà ông vinh dự được tham gia, như: Những chiến sĩ cách mạng trung kiên Thanh Hóa; Các vị thần thờ ở xứ Thanh... thì phần lớn các đầu sách ông góp mặt đều viết về quê hương Thọ Xuân. Đau đáu với những giá trị văn hóa, lịch sử về mảnh đất, con người nơi mình sinh ra đã thôi thúc ông không ngừng nghỉ trong những tìm tòi. Ở tuổi 75, khi bạn bè đồng niên đã an hưởng tuổi già thì ông Hoàng Hùng lại vui vẻ thừa nhận: “Chưa bao giờ bận rộn như lâu nay”. Hiện tại, ông đang tiếp tục hoàn thiện bản thảo cuốn “Gia tộc vua Lê Thái Tổ và các công thần Lam Sơn” hơn 400 trang.

Trên cương vị Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thọ Xuân - Yên Định, ông Hoàng Hùng cũng được ghi nhận bởi nhiều đóng góp cho công tác hội. Năm 2020, Hội Khoa học Lịch sử Thọ Xuân - Yên Định đã xuất bản 3 đầu sách; đấu mối với các cấp hội, chính quyền địa phương tổ chức thành công các hội thảo khoa học; tham mưu cho phòng văn hóa thông tin trong việc đặt tên đường, phố...

Ông Hoàng Hùng chia sẻ về niềm đam mê của mình: “Làm nghề nào cũng cần đến cái tâm, làm nghiên cứu lịch sử thì cái tâm lại càng phải sáng. Lịch sử phải là lịch sử, không thể vì bất cứ lý do gì, tác động bởi ai đó mà làm sai lệch. Tô hồng hay bôi đen lịch sử sẽ đều có tội với tiền nhân”. Và ông tự nhận, mình là người có “duyên” với nghiên cứu lịch sử địa phương: duyên gặp đúng người, đúng thời điểm... Để rồi, nhiều vấn đề tưởng chừng như đang bế tắc thì chữ “duyên” lại bất ngờ mang đến những tư liệu quý giá, khơi thông khó khăn. Cứ như vậy, từ những đam mê mà con đường nghiên cứu lịch sử của ông từng bước được nối dài.

Bài và ảnh: An Yên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]