(vhds.baothanhhoa.vn) - Hiện còn cả trăm hộ dân vạn chài lênh đênh trên các dòng sông, con nước địa bàn TP Thanh Hóa chung một ước muốn lên cạn, mưu sinh. Tuy nhiên, cuộc sống tái định cư (TĐC) của các hộ dân vạn chài dù được lên cạn, song vẫn gặp không ít khó khăn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khó khăn hành trình “lên cạn” của người dân vạn chài

Hiện còn cả trăm hộ dân vạn chài lênh đênh trên các dòng sông, con nước địa bàn TP Thanh Hóa chung một ước muốn lên cạn, mưu sinh. Tuy nhiên, cuộc sống tái định cư (TĐC) của các hộ dân vạn chài dù được lên cạn, song vẫn gặp không ít khó khăn.

Khi dòng sông không còn là chốn ở

Men theo phía bờ tả con sông Hạc (TP Thanh Hóa) ông Nguyễn Xuân Thủy - Chủ tịch UBMTTQ phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) dẫn chúng tôi tới thăm xóm chài nghèo trên sông Hạc. Khung cảnh với vài chục nóc thuyền nằm chông chênh móc nối vào nhau hiện ra ảm đạm. Sau các bậu cửa, vài đứa trẻ lấm lem ngơ ngác nhìn khách lạ. Ông Thủy bảo: “Tính đến thời điểm hiện tại, cả TP Thanh Hoá vẫn còn 110 hộ, với hơn 600 nhân khẩu sinh sống trên các dòng sông chưa được bố trí đất TĐC. Khó khăn nhất hiện nay của chính quyền TP Thanh Hóa là chưa thể tìm ra quỹ đất để tiếp tục triển khai xây dựng các mặt bằng TĐC”.

Tôi mon men chui vào con thuyền chật hẹp của gia đình anh Nguyễn Văn Hùng, cũng là nơi trú ngụ của 6 thành viên, chưa kể trẻ nhỏ. “Đời sông nước bây giờ đói lắm! Dù không muốn từ bỏ đi cái nghề cha ông nhưng con sông cái nước giờ ô nhiễm, đục cạn làm gì còn con tôm con cá như xưa. Dòng sông không còn là chốn ở nữa rồi!”.

Rít điếu cày một hơi dài rồi nhìn xa xăm, anh Hùng nhớ rõ về một thời trai trẻ cùng nhiều thanh niên khác trong xóm sắm thuyền vỏ sắt, vượt sông Hạc ra sông Mã, ngược sông Chu khai thác, chở cát thuê.

Giờ đây, mong mỏi của gia đình anh cũng như cả trăm hộ dân vạn chài nơi khúc sông này là được lên cạn, được an cư, con cái đến trường...

Ước muốn lên cạn của gia đình anh Nguyễn Văn Hùng còn nhiều gian nan.

Lên cạn rồi “mắc cạn”!

Tưởng chừng hành trình lên cạn sẽ giúp cho cuộc sống của người dân ổn định, cơ hội tìm kiếm việc làm dễ dàng hơn. Tuy nhiên, hành trình ấy gặp phải không ít những khó khăn.

Tìm đến khu TĐC Xuân Minh (phường Đông Hải, TP Thanh Hóa), nơi cư trú của 26 hộ dân vạn chài trên các sông địa bàn thành phố được bố trí. Trước mắt tôi là khung cảnh đìu hiu, vắng vẻ! Trong căn nhà anh Nguyễn Văn Thanh rộng 52m2 (hộ hiếm hoi có mặt ở nhà) được xây từ vài năm trước, song vẫn chưa vôi ve. Anh Thanh với vẻ mặt rầu rĩ sau câu hỏi về cuộc sống mới ở nơi TĐC này thở dài: “Giờ có xác định đoạn tuyệt hẳn với dòng sông thì cũng không có đất nông nghiệp, không được học hành, không nghề phụ, biết làm gì để sống? Hoặc có xin đi làm lao động phổ thông người ta cũng cần người biết việc, thạo việc. Tôi đan lại cái chài, cái lưới bán cho bà con, rảnh thì lại xuống sông kiếm thêm thu nhập”.

Anh Thanh nhớ, cái ngày cả gia đình được cấp đất TĐC, anh và vợ con vui lắm. Tuy nhiên, lên bờ, vợ chồng anh mới thực thấm thía cái cảnh con cá “mắc cạn” khổ sở như thế nào! Bao ước muốn, dự định tan biến, không nghề, không đất sản xuất...”.

Túng quẫn, anh Thanh lại dắt díu cả nhà trở lại dòng sông. Lên rồi xuống, xuống rồi lại lên, phải đến lần thứ 3, anh Thanh mới quyết định lên bờ ở hẳn. Bởi có quay lại với sông nước thì cũng không thể ở được nữa! Lên cạn thỉnh thoảng anh vẫn xin được chân bốc vác ở các công trường xây dựng, có khi xin được làm phụ hồ, phần vợ thì chạy thêm con cá, con tôm...

“Công việc không thường xuyên, bữa no bữa đói, song vẫn còn hơn ở dưới sông, dưới nước cạn đục ô nhiễm, bệnh tật”, anh Thanh nói.

Trong khi đó, nhiều hộ vạn chài khác sau khi làm xong căn nhà TĐC, họ đóng cửa cài then để trở lại sông nước, bất chấp cuộc sống dưới sông phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Một vài trường hợp khác thì sang nhượng, cho thuê dù không được phép...

Thực tế cho thấy, chính sách chủ trương của thành phố TĐC cho người dân vạn chài thì không phải bàn cãi. Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề vẫn là sinh kế cho người dân, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm...

Đình Giang


Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]