(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm qua, các cấp bộ đoàn ở miền núi xứ Thanh đã tăng cường các hoạt động tiếp sức cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) khởi nghiệp. Qua đó, giúp nhiều ĐVTN ổn định cuộc sống ngay trên chính quê hương mình.

Khơi dậy ngọn lửa nhiệt huyết trong thanh niên vùng cao

Những năm qua, các cấp bộ đoàn ở miền núi xứ Thanh đã tăng cường các hoạt động tiếp sức cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) khởi nghiệp. Qua đó, giúp nhiều ĐVTN ổn định cuộc sống ngay trên chính quê hương mình.

Khơi dậy ngọn lửa nhiệt huyết trong thanh niên vùng caoKhởi nghiệp bằng mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ, anh Trần Viết Khanh, thôn 8, xã Xuân Du (Như Thanh) thu nhập hơn 700 triệu đồng/năm.

Năm 2015, từ việc nghiên cứu, tìm hiểu về giống cây thanh long ruột đỏ trên internet và học hỏi, tham quan qua các mô hình thực tiễn, anh Trần Viết Khanh, thôn 8, xã Xuân Du (Như Thanh) quyết định cải tạo 2ha đất đồi của gia đình để trồng giống cây này. Để có vốn làm ăn, anh Khanh đã vay mượn bạn bè, người thân và thông qua tổ chức Đoàn Thanh niên xã Xuân Du vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Như Thanh với số tiền 50 triệu đồng. Với đức tính cần cù, chịu khó và ý chí quyết tâm làm giàu ngay tại quê hương, mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ của anh Khanh đã mang lại nguồn thu 200 triệu đồng/năm (đã trừ chi phí). Nhận thấy tiềm năng và lợi thế của cây thanh long ruột đỏ là phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh tiếp tục đầu tư cải tạo đất, mở rộng diện tích trồng thêm 3ha. Hiện 5ha thanh long của anh cho thu nhập 700 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 10 -15 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.

Chia sẻ về những kết quả đã đạt được, anh Khanh cho biết: “Có được thành công như hôm nay, ngoài sự nỗ lực của bản thân, các thành viên trong gia đình, còn nhờ vào chủ trương, chính sách hỗ trợ ĐVTN khởi nghiệp phát triển kinh tế của các cấp bộ đoàn, địa phương quan tâm, tư vấn, tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt”.

Để phong trào đồng hành với ĐVTN lập thân, lập nghiệp phát triển sâu rộng, Huyện đoàn Như Thanh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thường xuyên chỉ đạo đoàn cơ sở chủ động khảo sát, nắm nhu cầu học tập, nghề nghiệp và việc làm của ĐVTN, từ đó định hướng, hỗ trợ ĐVTN tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để triển khai các mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Hiện nay, thông qua tổ chức đoàn có 582 hộ gia đình là ĐVTN trên địa bàn huyện được vay vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH Như Thanh với tổng số tiền 27,6 tỷ đồng; 27 ĐVTN được vay vốn từ Đề án Chương trình tín dụng ưu đãi, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp do UBND tỉnh cấp kinh phí với tổng dư nợ trên 2 tỷ đồng. Từ nguồn vốn được vay, ĐVTN huyện Như Thanh đã xây dựng nhiều mô mình phát triển kinh tế cho thu nhập cao, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động là ĐVTN địa phương như: mô hình nuôi ốc nhồi, trồng cây thanh long, nuôi gà sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng và chăm sóc cây đào phai bản địa...

Bí thư Huyện đoàn Như Thanh Lê Văn Nghĩa, cho biết: Trong thời gian tới, để thực hiện tốt chương trình đồng hành cùng ĐVTN khởi nghiệp, lập nghiệp và phát huy hơn nữa vai trò của ĐVTN trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, Huyện đoàn Như Thanh tiếp tục chỉ đạo các cơ sở đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ ĐVTN phát triển các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao; chú trọng công tác tư vấn hướng nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho ĐVTN; kịp thời biểu dương, khen thưởng những mô hình, cách làm hay, các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong nỗ lực phấn đấu lập thân, lập nghiệp.

Tại huyện Ngọc Lặc, Huyện đoàn đã có nhiều hình thức hỗ trợ thanh niên trong xây dựng phát triển kinh tế. Tích cực phối hợp cùng các ban, ngành tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn về kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và hỗ trợ vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Phối hợp với Ngân hàng CSXH Ngọc Lặc để ĐVTN tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi kịp thời. Hiện Huyện đoàn Ngọc Lặc đang quản lý 62 tổ vay vốn với hơn 2.155 hộ là ĐVTN được vay vốn có tổng dư nợ gần 89,7 tỷ đồng. Từ nguồn vốn được vay, nhiều ĐVTN đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Tiêu biểu như mô hình nuôi dê sinh sản và nuôi bò của thanh niên Kim Tuấn Tài, thôn Giang Sơn, xã Thúy Sơn cho thu nhập gần 200 triệu đồng mỗi năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 2 lao động với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.

Khơi dậy ngọn lửa nhiệt huyết trong thanh niên vùng caoMô hình nuôi dê sinh sản, bò thịt của anh Kim Tuấn Tài, thôn Giang Sơn, xã Thúy Sơn (Ngọc Lặc), cho thu nhập 200 triệu đồng/năm.

Xác định phong trào thanh niên khởi nghiệp ở miền núi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo Huyện đoàn các huyện tổ chức rà soát, lập hồ sơ đối với các hộ ĐVTN có nhu cầu thành lập mô hình phát triển kinh tế, phối hợp với Ngân hàng CSXH để ĐVTN tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Theo báo cáo của Tỉnh đoàn, hiện 11 huyện miền núi có 424 tổ tiết kiệm vay vốn thanh niên, với tổng dư nợ vốn vay ủy thác của Ngân hàng CSXH qua tổ chức đoàn thanh niên là hơn 721 tỷ đồng, giúp 15.838 hộ thanh niên được vay vốn. Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp đến năm 2025 với tổng nguồn vốn là 50 tỷ đồng. Hiện nay, chương trình tín dụng này đã giải ngân được 30 tỷ đồng, trong đó, các huyện miền núi được tiếp cận hơn 12 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn được vay, ĐVTN huyện miền núi đã xây dựng trên 1.300 mô mình phát triển kinh tế cho thu nhập cao, tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động là ĐVTN.

Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Văn Châu, Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: Thời gian tới, Tỉnh đoàn tiếp tục chỉ đạo Huyện đoàn 11 huyện miền núi làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng phong trào khởi nghiệp, khơi dậy ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần sáng tạo, cống hiến của sức trẻ trong thanh niên, nhất là thanh niên vùng cao, vùng dân tộc thiểu số. Tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương liên kết với các tổ chức, ngân hàng có những chính sách thông thoáng hơn, giúp thanh niên có cơ hội tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Biểu dương, tôn vinh các gương thanh niên khởi nghiệp thành công để nhân rộng các điển hình tiêu biểu làm hạt nhân dẫn dắt phong trào thanh niên khởi nghiệp. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai, vận dụng các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên, với quyết tâm không để khởi nghiệp chỉ làm phong trào mà phải làm bền vững, góp phần quan trọng trong công cuộc xóa nghèo bền vững ở miền Tây xứ Thanh.

Bài và ảnh: Xuân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]