(vhds.baothanhhoa.vn) - Sinh ra ở những vùng núi nghèo và lớn lên trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều thanh niên đã có ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống, năng động, sáng tạo để tạo dựng sự nghiệp.

Khởi nghiệp từ vùng đất khó

Sinh ra ở những vùng núi nghèo và lớn lên trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều thanh niên đã có ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống, năng động, sáng tạo để tạo dựng sự nghiệp.

Khởi nghiệp từ vùng đất khóSản phẩm rượu Mường Páng.

Cô gái Thái xây dựng thương hiệu rượu Mường Páng

Sau vẻ ngoài xinh đẹp, dịu dàng là quyết tâm “thép” của cô sinh viên khởi nghiệp từ đặc sản quê hương Quan Hóa. Phạm Thị Thanh Nhàn sinh ra và lớn lên tại huyện miền núi, tuổi thơ của cô gắn liền với hình ảnh những vườn chuối vàng ươm trĩu quả khi vào vụ. Lớn lên, được học tập trong môi trường chuyên nghiệp, năng động, Nhàn ước mơ nâng cao chất lượng cuộc sống của chính bản thân và những người xung quanh. Từ đó, ý tưởng khởi nghiệp từ sản vật địa phương được nhen nhóm trong cô.

Sau thời gian dài tìm hiểu, Nhàn biết quê mình có loại rượu chuối men lá, do bà con tự nấu. Đây là loại rượu truyền thống xuất hiện từ thời Ông Tiều Páng - một người con thuộc dòng dõi nhà Khằm Ban, dân tộc Thái tại xã Trung Sơn. Rượu được lên men trực tiếp từ quả chuối ngự vì chuối ngự khi chín có vị ngọt đậm, thơm và không bị nẫu. Còn men lá là loại men gia truyền được làm từ hỗn hợp của nhiều loại lá và bột như lá riềng, hoa riềng, củ riềng, bột gạo nếp, lá trầu không, bột sắn khô...

Thanh Nhàn khởi nghiệp bằng rượu, nghe thật kỳ quặc và khó tin! Nhưng với Nhàn việc khởi nghiệp đồng nghĩa với mong muốn giữ gìn và phát huy nét đặc sắc của văn hóa ẩm thực dân tộc Thái, nâng cao giá trị của quả chuối ngự, đồng thời tạo việc làm, tăng nguồn thu nhập cho bà con tại địa phương, phát triển sản phẩm gắn với du lịch cộng đồng. Vì vậy, Nhàn dành nhiều thời gian, tâm sức nghiên cứu kỹ về rượu, rượu truyền thống và nhu cầu của thị trường hiện nay. “Giá trị cốt lõi mà sản phẩm mang lại đó chính là sự an toàn. Men lá được làm hoàn toàn từ tự nhiên sẽ hạn chế tối đa việc ngộ độc rượu do chất bảo quản có trong men, rượu được thanh lọc kỹ và khử andehit. Bên cạnh đó, vùng nguyên liệu cũng được chúng tôi khoanh vùng và kiểm tra kỹ lưỡng đảm bảo tiêu chuẩn”, Nhàn cho biết.

Khởi nghiệp từ vùng đất khóPhạm Thị Thanh Nhàn.

Nhấp thử chén rượu Mường Páng của cô gái Thái, chúng tôi thấy rõ vị ngọt từ chuối ngự và hương thơm tự nhiên của men lá, đồng thời cũng thấy được quyết tâm, nghị lực và tài năng của cô gái trẻ. Theo Nhàn thì con đường khởi nghiệp của thanh niên chưa bao giờ bằng phẳng, đặc biệt với thanh niên miền núi thì còn gồ ghề, vất vả hơn. “Ai cũng thấy, các bạn trẻ người dân tộc tiếp cận tri thức, khoa học công nghệ, nguồn vốn kém… Nhưng nếu biết gắn ý tưởng với trách nhiệm thì chúng ta sẽ tìm ra bạn đồng hành trên con đường khởi nghiệp”.

Ý tưởng khởi nghiệp của Nhàn không chỉ nhận được sự ủng hộ của người thân mà còn từ phía chính quyền và người dân địa phương, trở thành sản phẩm đầu tiên của xã Trung Sơn đạt OCOP 3 sao. Tại cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên tỉnh Thanh Hóa lần thứ 11 năm 2022, Nhàn đã vinh dự giành giải nhì.

Hỗ trợ thiết thực

Những năm qua các cấp bộ đoàn, hội đã thực hiện nhiều giải pháp, với những việc làm cụ thể, như: hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp để hỗ trợ thanh niên nông thôn xây dựng dự án, hình thành các câu lạc bộ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp... Từ những việc làm cụ thể trên cùng với sức trẻ, khát khao khởi nghiệp, nhiều mô hình hay, sáng tạo, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp với địa giới miền núi mang lại thu nhập cao đã được thành hình. Trong đó, có nhiều mô hình sáng tạo, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình gà ri thả vườn của thanh niên Quách Văn Bộ (xã Mậu Lâm, Như Thanh), mô hình chăn nuôi kết hợp cây ăn quả của thanh niên Phạm Thị Thu (xã Cẩm Tú, Cẩm Thủy), mô hình vườn rừng bản thổ của thanh niên Nguyễn Lê Ngọc Linh (xã Hóa Quỳ, Như Xuân), mô hình điện tử điện lạnh của thanh niên Lê Văn Thương (xã Xuân Dương, Thường Xuân)… Tuy rằng, hành trình khởi nghiệp với thanh niên miền núi còn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, kỹ thuật, quy mô nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết… nhưng luôn nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ phía đoàn, hội và chính quyền địa phương.

Chị Hà Thị Thu Huyền, Bí thư Huyện đoàn Quan Hóa, cho biết: “Huyện đoàn thường xuyên phối hợp đẩy mạnh hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, việc làm, chuyển giao khoa học kỹ thuật để đoàn viên, thanh niên lựa chọn hướng đi phù hợp ngay trên chính quê hương mình. Đặc biệt, tổ chức đoàn cũng vận dụng các nguồn vốn chính sách từ các ngân hàng hoặc quỹ vay vốn để hỗ trợ đoàn viên có nhu cầu”.

Song song với đó, về phía Tỉnh đoàn có các chương trình, hoạt động định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số để họ mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, vay ưu đãi để phát triển kinh tế phù hợp, tiến hành nhân rộng các mô hình hoạt động có hiệu quả. Đồng thời, phối hợp với các cấp, các ngành liên quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai, vận dụng các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp của đoàn viên, thanh niên với quyết tâm "không để khởi nghiệp chỉ làm phong trào mà phải làm bền vững”.

Bài và ảnh: Phan Thị



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]