(vhds.baothanhhoa.vn) - Kỷ niệm một thời để nhớ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kỷ niệm một thời để nhớ...

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói chuyện với cán bộ, phóng viên Báo Văn hóa Thông tin (năm 1990).

Ba mươi năm nhìn lại - biết bao nhiêu tình

Tôi nhớ lại những ngày sơ khai làm thủ tục chuyển từ Tạp chí Văn hóa Thông tin thành tờ báo, đâu có thuận lợi dễ dàng gì, từ đầu có nhiều người không tán thành: “ai khai tử tạp chí mà khai sinh tờ báo”, “tiền đâu, nhà làm việc ở đâu, ai đứng đầu tờ báo”,... Thật thấy khó làm sao? May thay được sự thống nhất cao của Giám đốc là anh Đỗ Hữu Thích và người phụ trách tờ báo là tôi phó giám đốc kiêm Tổng biên tập nên công việc làm giấy phép cho tờ báo được tiến hành thuận lợi. Với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, các anh Vũ Nguyên Ngữ, Trần Triều Nguyệt, Lê Công Dậu được giao nhiệm vụ đi Hà Nội làm việc với các cơ quan chức năng để làm thủ tục giấy phép xuất bản cho tờ báo. Đồng thời các anh chị em của tòa soạn vẫn phải tiếp tục đi cơ sở lấy tin bài, phóng sự điều tra, biên tập, trị sự in ấn phát hành đảm bảo tính liên tục phục vụ công tác tuyên truyền mặc dù lúc này chưa có giấy phép. Tờ báo ra đời đúng vào dịp sự nghiệp báo chí trong cả nước đang bước vào con đường đổi mới, bắt đầu từ bài viết nổi tiếng của tác giả NVL có nội dung chỉ đạo mở đường định hướng cho báo chí hoạt động trong việc chống tiêu cực, một đề tài được coi là bứt phá. Đó là cơ duyên, là phận may cho một tờ báo viết của tỉnh còn rất non trẻ nhưng đã làm được nhiều việc đáng ghi nhận trong công cuộc đổi mới ở tỉnh nhà.

Do đặc thù của tờ báo là vừa phải thông tin, thời sự về văn hóa xã hội, nhưng vừa phải đăng những bài hướng dẫn nghiệp vụ chuyên ngành, những bài có nội dung nghiên cứu lý luận, phê bình là để làm rõ một số nội dung quan điểm về văn hóa nghệ thuật mà trước đây tạp chí đã làm. Chẳng hạn vấn đề “làng văn hóa và văn hóa làng”, “di sản văn hóa vật thể và phi vật thể”, “quản lý Nhà nước và quản lý sự nghiệp văn hóa thông tin”, “mối quan hệ giữa nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật tiên tiến đương đại”, “văn hóa dân gian, văn hóa cung đình”. Tuy nhiên cấu trúc của những bài vừa có tính nghiên cứu, hướng dẫn nghiệp vụ phải bố cục và phân bổ vào một tờ báo chiếm số lượng bài hợp lý để phần phản ảnh tuyên truyền sự kiện thời sự, thông tin đời sống, văn hóa là bao trùm chủ yếu. Cũng trong thời điểm mới ra đời, tuần báo đã đưa một số bài có vụ việc tiêu cực ở một số địa phương, nhiều ý kiến phản hồi gay gắt của một số cán bộ và nhân dân nói về tờ báo đăng nhiều bài chống tiêu cực xã hội là không đúng với chức năng nhiệm vụ Báo VHTT.

Sau một thời gian hoạt động nhiều vụ việc tiêu cực ở một số địa phương, doanh nghiệp, cá nhân được báo phát hiện, cơ quan pháp luật vào cuộc đã làm rõ và xử lý nghiêm minh. May thay, có sự kiên trì, nhẫn nại, cộng với niềm tin, lòng yêu nghề của đội ngũ phóng viên cũng được lãnh đạo tỉnh, nhân dân tin tưởng, ghi nhận, ủng hộ thông qua những bài chống tiêu cực sát thực, khách quan và có hiệu quả. Nói đến những việc làm ấy của báo, tôi ngẫm lại mấy câu thơ của Tố Hữu trong bài “phút giây”: Nghĩ mình, phận rủi duyên may / Qua phong trần lại càng say lòng người.

Từ những việc làm có ý nghĩa tích cực nói trên đã được trải nghiệm trong một thời gian ngắn nên các cấp lãnh đạo của tỉnh, ban ngành có liên quan ở Trung ương đồng thuận để cấp giấy phép hoạt động tuần báo cho báo VHTT Thanh Hóa. Đó là điều đáng mừng đối với anh chị embáo VHTT và ngay từ đó báo đã xây dựng kế hoạch, chuyên mục khoa học hơn cả về cấu trúc nội dung và hình thức của tuần báo.

Tuy được tỉnh và bộ chủ quản cho phép ra đời tờ báo nhưng kinh phí thì không được Nhà nước quy hoạch và kế hoạch phân bổ hằng năm theo chế độ ngân sách độc lập mà chủ yếu là từ nguồn ngân sách của Sở VHTT cấp nên còn thiếu nhiều, không đủ để chi trả cho nghiệp vụ. Vì vậy tòa soạn phải tự lo kinh phí phụ thêm để trang trải trong quá trình tác nghiệp thông qua hình thức chuyên trang, liên kết thông tin quảng cáo đối với một số các doanh nghiệp để tăng nguồn thu, in ấn, trả nhuận bút cho cộng tác viên. Tôi còn nhớ, một đồng nghiệp ở cơ quan báo bạn đã phát biểu tại hội đồng nhân dân tỉnh đại ý là tờ báo VHTT là phải làm nhiệm vụ tuyên truyền chứ không phải làm phương tiện đi đến cơ sở sản xuất làm kinh tế,...

Có thể nói những năm đầu của thập niên 1989 - 1995 là những năm tòa soạn gặp rất nhiều khó khăn kể cả về phương thức hoạt động, tác nghiệp, rào cản của những người có trong bài phê phán tiêu cực, nhưng do lòng yêu nghề, được các ngành các cấp, nhân dân trong tỉnh ủng hộ cả về tinh thần và vật chất, đặc biệt có sự sẻ chia, chịu đựng khó khăn vươn lên của anh chị em trong cơ quan báo nên báo đã đứng vững đi lên.

Có sự ổn định và phát triển của tờ báo, hôm nay chúng ta nhìn lại chặng đường 3 thập kỷ để rồi tri ân và cảm ơn những cán bộ lãnh đạo tiền nhiệm là tổng biên tập, phó tổng biên tập, trưởng phó phòng ban, phóng viên, biên tập viên và anh chị em hành chính trị sự, nhân viên phục vụ dù họ là biên chế hay hợp đồng qua các thời kỳ đã góp phần tích cực làm rạng rỡ tờ báo VHTT nay là Văn hóa Đời sống. Từ 1 kỳ một tuần, nay báo đã 2 kỳ một tuần với số lượng từ 1.500 tờ nay đã có 6.000 - 7.000 tờ một kỳ. Phương tiện tác nghiệp cũng tương đối đầy đủ, có xe ô tô, có nhiều thiết bị hiện đại, có nơi làm việc khang trang. Tổng biên chế và hợp đồng dao động 25-30 người phần lớn là đại học chuyên sâu, trình độ báo chí mang tính chuyên nghiệp bao gồm nhiều loại hình ngành nghề khác nhau và cấu trúc nhân lực hợp lý cho một tờ báo. Do phấn đấu nỗ lực, vượt mọi khó khăn thử thách báo đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà tỉnh và ngành giao vì vậy được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Ba mươi năm đã trôi qua, những người tiền nhiệm của tờ báo VHTT, thấy vui mừng về sự trưởng thành của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo của tòa soạn Báo Văn hóa Đời sống hôm nay rất sung sức, năng động và sáng tạo viết nên những trang mới tốt đẹp hơn.

Hoàng Hoa Mai

Nguyên Giám đốc Sở VHTT

Nguyên Tổng Biên tập Báo VHTT Thanh Hóa

12 năm gắn bó

Mai Ngọc Toản

Nguyên Tổng Biên tập Báo Văn hóa Thông tin Thanh Hóa

Cách đây 30 năm, khi công cuộc đổỉ mới của đất nước do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo bắt đầu. Ngày 15/5/1989 đã ghi một mốc son mới trên lĩnh vực truyền thông của tỉnh Thanh Hóa, đó là Báo Văn hóa Thông tin Thanh Hóa chính thức được Bộ Văn hóa Thông tin cấp giấy phép hoạt động số 341 và tiếp đó là ngày 20/6/1989 UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định thành lập bộ máy hoạt động của tờ báo.

Thanh Hóa là tỉnh đất rộng người đông vì thế có thêm một tờ báo hoạt động cùng với Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh - truyền hình đã tạo nên sự lan tỏa nguồn thông tin của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy và cấp chính quyền địa phương về đường lối chủ trương chính sách và phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo, gương người tốt việc tốt trong mọi lĩnh vực hoạt động của tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt là nêu gương tinh thần đấu tranh chống tham nhũng, cửa quyền, lợi ích cá nhân trong cán bộ đảng viên, theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng về những việc cần làm ngay do Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh kêu gọi.

Tờ báohình thành ban đầu gồm 4 anh chị em: Lê Công Dậu, Triều Nguyệt, Nguyễn Thị Xuây, Huy Trụ. Anh Hoàng Hoa Mai - Phó Giám đốc Sở kiêm Tổng biên tập. Mới ra đời nhưng báo đã đáp ứng kịp thời nhu cầu bạn đọc và nguyện vọng thông tin đa chiều cho người dân vì thế báo được lãnh đạo đảng bộ quan tâm. Bộ máy tổ chức được hoàn chỉnh, một số anh chị em có nghề và nhiệt tình đã được tăng cường như anh Vũ Nguyên Ngữ, Vũ Đình Thường, Phạm Công Thắng, Đào Nguyên Lan, Hà Thắng Cảnh, Minh Văn, tiếp đến là Tuyết Nhung, Bùi Phương Hạ, Đỗ Xuân Thanh, Nguyễn Đại Bàng, và tiếp theo là nhiều các anh chị em phóng viên khác như Trọng Miễn, Phạm Ngọc, Công Quang, Hà Hữu Huyền...

Với bản thân, vì đang giữ trách nhiệm Trưởng phòng Thông tin Cổ động của Sở, rồi Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Triển lãm của tỉnh nên đầu năm 1991 tôi mới được điều về với trách nhiệm Phó Tổng biên tập thường trực. Đến 1994, anh Hoàng Hoa Mai được bổ nhiệm Giám đốc Sở, còn tôi giữ cương vị Tổng biên tập.

Lực lượng cộng tác viên ngày càng đông, trong đó có nhiều cây viết, nhà nhiếp ảnh gạo cội của tỉnh Thanh Hóa cũng về đầu quân. Nhiều cộng tác viên là những nhà trí thức, nhà khoa học là giáo sư tiến sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, các nhạc sĩ, họa sĩ... đang công tác tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và mọi miền của đất nước. Nhiều đồng chí đã được bồi dưỡng kết nạp Đảng tại báo và trở thành những cán bộ chủ chốt của Báo như anh Triều Nguyệt, Lê Công Dậu, Nguyễn Thị Xuây, Đào Nguyên Lan, Trọng Miễn... Sau này nhiều đồng chí được chuyển về các cơ quan báo chí Trung ương đã phát huy khả năng được tôi luyện ở môi trường Báo Văn hóa Thông tin và trở thành những nhà báo có tên tuổi như Phạm Công Thắng, Đào Nguyên Lan, Vũ Đình Thường... Một số đồng chí trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan báo chí lớn của cả nước hoặc nhà quản lý các cơ quan báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương như Mai Ngọc Toản, Vũ Đình Thường, Nguyễn Đại Bàng, Bùi Phương Hạ...

Từ một tờ báo của ngành Văn hóa Thông tin tỉnh Thanh Hóa nhưng với cách làm sáng tạo và nội dung phong phú, đáp ứng với nhu cầu bạn đọc nên không những báo Văn hóa Thông tin lan tỏa nhanh tới bạn đọc trong tỉnh mà còn được rất nhiều bạn đọc trong cả nước quê xứ Thanh hoặc có liên quan đến quê hương xứ Thanh quan tâm tìm đọc, nhiều nhất là Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Tiền Giang, Bình Dương, Bình Phước, Đà Nẵng, Quảng Nam.

Đây là tờ báo đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và của ngành Văn hóa Thông tin trong cả nước hoạt động là đơn vị sự nghiệp có thu. Tuy lúc đầu có khó khăn nhưng với sự nỗ lực của mình, với tinh thần đoàn kết và tìm tòi sáng tạo trong cách làm, tờ báo đã ngày một phát triển. Tôi còn nhớ, khi tờ báo mới ra đời, được lãnh đạo tỉnh, ngành cho phép, chúng tôi đã tổ chức những sự kiện gây tiếng vang như: “Xổ số hè Sầm Sơn 89”, tổ chức các cuộc thi Người đẹp Sầm Sơn, Người đẹp Lam Kinh, rồi kết hợp với UBND thành phố Thanh Hóa tổ chức giải bóng đá thiếu niên.

Đã 30 năm hoạt động, dù trải qua những thăng trầm của lịch sử, của những lần quy hoạch hệ thống báo chí cả nước, Báo Văn hóa Thông tin vẫn tiếp tục phát triển và được phép tăng kỳ tăng số, được phát hành Trang thông tin điện tử tổng hợp. Để phù hợp với yêu cầu của cuộc sống, được sự nhất trí của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lãnh đạo ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch - cơ quan chủ quản đã đồng ý cho Báo Văn hóa Thông tin xin phép đổi tên và Cục Báo chí cấp giấy phép số 55 ngày 15/1/2009 với tên Báo Văn hóa và Đời sống Thanh Hóa.

Từ khi Báo VH&ĐS được mang tên mới, tờ báo càng được bạn đọc quan tâm nhiều hơn, sự lan tỏa của tờ báo càng rộng hơn. Đặc biệt là các vùng sâu vùng xa. Gần 50 năm làm nghề nhà báo, công tác nhiều trên các lĩnh vực báo chí, đi khắp mọi miền của đất nước và có một số lần đi nghiên cứu học hỏi một số tờ báo tiếng tăm trên thế giới tôi vẫn thấy quãng thời gian hơn 12 năm làmBáo Văn hóa Thông tin Thanh Hóa rất ấn tượng và sâu sắc vì qua học tập nghiên cứu tôi thấy có một sự tương đồng trong nghề làm báo của mình và có sự phản ánh một cách đa chiều thông tin cuộc sống, đặc biệt là phản ánh đời sống văn hóa, truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam cũng như của các dân tộc xứ Thanh.Chính vì thế mà Báo VH&ĐS trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với bạn đọc tỉnh Thanh, và mãi mãi sống với thời gian.

Đây là gia đình tôi

Triều Nguyệt

Nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Văn hóa Thông tin Thanh Hóa

“Nếu bạn không có đam mê cho công việc của mình thì đừng chọn nó, và nếu lựa chọn thì hãy đốt cháy bản thân để theo đuổi đến cùng”. Dẫu biết rằng, làm báo sẽ phải đối đầu với những khó khăn, vất vả nhưng niềm đam mê, yêu thích công việc này chính là động lực để tôi cố gắng. Và trên con đường làm báo tôi không hề đơn độc.

Trong hơn 40 năm với vô khối niềm vui nỗi buồn của nghề làm báo, tôi vẫn “khoái” cái thời làm Báo Văn hóa - Thông tin, (nay là VH&ĐS). Khi cái tôi của nhà báo nhập cuộc, chứng kiến trạng huống, các sự kiện, sự việc, từ “Cái đêm hôm ấy đêm gì”; “Vực xoáy Nam Giang” của nhà báo, nhà văn Phùng Gia Lộc, đến “Bàn tay Chánh án” của Lê Nam; “Huyện tang” của Lê Đình Bằng và Triều Nguyệt; “Con mọt thóc khổng lồ” của Trần Hiệp..., được xâu chuỗi với nhau tôi thấy cái “máu nghềnghiệp” thời ấy sao mà vô tưtràn đầy năng lượng, tin yêu đến thế!

Tôi luôn tự hào vì may mắn có những tháng năm làm việc với những người em, người anh, những đồng nghiệp, rất ân tình, gần gũi gắn bó với nhau. Cái tờ báoVHTT mà tôi cùng anh Vũ Nguyên Ngữ, Lê Dậu đã có công đầu sáng lập. Những đồng nghiệp cũ của tôi, mỗi khi nhắc đến nhà báo Vũ Đình Thường, Phạm Công Thắng, Đào Nguyên Lan, Lê Nam, Vũ Tuấn Anh, Phương Hạ, Tuyết Nhung, Đinh Thái Quang... đến anh Vũ Nguyên Ngữ, Huy Trụ, Lê Dậu, Minh Văn, Đại Bàng, Mai Ngọc Toản, Đỗ Xuân Hồng, Nguyễn Thị Xuây..., tôi lại ước ao, giá được ngồi bên nhau để ôn lại chuyện “một thời oanh liệt đã qua” thì hay biết mấy! và đặc biệt là báo VHTT đã “thiết lập” được mộtđội ngũ các anh, chị cộng tác viên nòng cốt, chất lượng như: Lê Xuân Đồng, Lê Đình Bằng, Hoàng Thăng Ngói, Lê Nam (đại biểu Quốc hội)... họ đã góp phần nâng cao chất lượng, sự tin tưởng của độc giả đến với báo VHTT ngày một nhiều hơn, mạnh mẽ hơn. Nhiều lần báo vừa ra mắt bạn đọc, lập tức “cháy” do nhu cầu của độc giả tăng cao; chúng tôi đã đề nghị bác Nguyễn Văn Dụ - Giám đốc nhà in Ba Đình giữ bản in để kịp tái bản.

Nhớ lại dịp cuối năm 1999 - 2000, tôi có một kỷ niệm về việc hành nghề với chức phận phóng viên được anh Hoàng Hoa Mai, Tổng biên tập cử ra Văn phòng TW Đảng để có bài phỏng vấn đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Sau những câu chuyện thông thường, quan sát, lắng nghe, từng vấn đề về đất nước, về tiềm năng thế mạnh của Thanh Hóa còn ngủ yên. Những khát khao cháy bỏng về một xã tắc hùng cường, về Thanh Hóa, đất rộng, người đông với ba vùng kinh tế, mà sao chưa được đánh thức! Tâm tư ấy của TBT cứ thấm vào tâm thức của tôi. Và tình yêu mến quý trọng về ông trong tôi cũng bắt nguồn từ đấy. Thời gian làm việc với TBT đã hết, trở lại phút giây đời thường, ông giản dị, gần gũi biết bao. TBT thông báo: Chỉ còn 5 phút nữa “tao” phải tiếp đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Ấn Độ, anh em đã ăn uống gì chưa. Giá như hôm nay không bận tiếp khách tao mời anh em bay ăn cơm với văn phòng. Tôi mạnh bạo thăm dò: Anh ơi, cuối giờ chiều nay tiếp xong đoàn Đảng CS Ấn Độ, mời anh đi ăn thịt chó Nhật Tân với tụi em được không?

Tôi tưởng TBT sẽ mắng mình một trận nên thân, hoặc ít ra cũng nghiêm nét mặt quở trách! Nhưng không, ông lại cười tít cả mắt: Thích lắm, nhưng bác sĩ nó không cho tao đi ăn kiểu đó đâu. Thầy trò bay chịu khó đi vậy. Ông nói thêm. Có lần ông Tam (Anh hùng lao động Lê Văn Tam - TG) ở Thanh Hóa ra công tác, ngày chủ nhật nên mời ông Sáu Khải cùng đi thưởng thức món này, không may Sáu Khải về nhà bị đau bụng vì chất đạm của “anh mắm tôm”, thế là ông Tam phải giải trình với bác sỹ đấy! Hú vía! Tôi đánh trống lảng: tiếc quá! Thế là chúng tôi chia tay TBT ra về, ông còn bảo thư ký đem bưởi Năm doi tặng cho chúng tôi về làm quà.

Bài báo tôi viết với nội dung nhẹ nhàng, hợp lý đã góp phần tạo nên sự thành công cho tác phẩm. Khi số báo tết ra mắt bạn đọc, tôi đã về Hà Nội tặng TBT. Ông chăm chú đọc từng câu chữ trong bài viết. Phút gây tĩnh lặng bao trùm căn phòng làm việc của TBT. Tôi nghĩ dại: lỡ bài viết không chuẩn thì mình... chết là cái chắc! Nhưng rất mừng TBT đã đọc xong, nhẹ nhàng tháo kính đặt nhẹ trên trang báo. Ông gật đầu và nói: Bài chú viết tốt lắm. Tôi thở phào nhẹ nhõm, đáp: Dạ, TBT quá khen để động viên chú thôi ạ! Ông gọi ngay anh Dần, thư ký: Dần ơi, ông thấy chưa, Chú T.NBáo VHTT Thanh Hóa mới làm việc với mình ít thời gian, thế mà chú nắm bắt rất nhanh, bài viết tốt. Cậu thấy chưa, chẳng bù cho một số nhà báo ở đây làm việc nhiều mà có những bài viết mình vẫn chưa ưng lắm...

Nhắc lại chuyện một lần tiếp xúc với TBT để nói rằng, tuy nội dung và đề tài không xa lạ. Vấn đề là cái tâm ta nhập cuộc thế nào. Điều quan trọng nữa là, khi tác nghiệp nhà báo phải có cái nhìn toàn diện, nhìn rõ, nhìn đúng sự việc, không được nhìn lệch, nhìn sai; không được để cho những vật chất và ham muốn tầm thường làm mờ mắt và nếu nhìn chưa rõ, chưa trực tiếp thấy nghe một chiều thôi thì không nên và đừng viết. Thậm chí, khi phát hiện thông tin chưa đủ, chúng ta còn phải quyết định thông tin đó có nên đưa tới công chúng không, và đưa tới mức nào. Phẩm chất này rất quan trọng trong nghề làm báo.

Nếu bây giờ có ai hỏi rằng anh có yêu báo VH &ĐS không thì câu trả lời chắc chắn là: “Có chứ, rất nhiều”. Tuổi thanh xuân là những cơn mưa rào bất chợt của cuộc đời, tôi sẽ mang theo sự nhiệt huyết ấy từ những ngày đầu làm Báo VHTT đến với những người bạn, đồng nghiệp để làm động lực cho bước đi phía trước! VH &ĐS vẫn là gia đình tôi, là nơi tôi thuộc về, nơi tạo dựng, nơi đã cho tôi đam mê, để ký ức trong tôi luôn ngập tràn hương sắc cội nguồn của những ngày xa xưa ấy.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]