(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhộn nhịp hơn ngày thường, đông vui hơn ngày thường, đó là những gì người ta có thể thấy trong ngày cận kề 23 tháng Chạp ở làng cá ông công xã Quảng Tân (Quảng Xương).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Làng nghề nuôi cá ở Quảng Tân

Nhộn nhịp hơn ngày thường, đông vui hơn ngày thường, đó là những gì người ta có thể thấy trong ngày cận kề 23 tháng Chạp ở làng cá ông công xã Quảng Tân (Quảng Xương).

3 tấn cá ông Công của nhà anh Lê Hữu Dũng ở thôn Tân Cổ dù chưa đến ngày 23 tháng Chạp nhưng đã không còn hàng để bán. Anh Dũng cho biết, khách lấy buôn là nhiều, khách lẻ thì ít và chủ yếu là khách Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa. Năm nay, cá có đắt hơn năm ngoái khoảng 30 - 50 nghìn/kg nhưng cá không đủ để bán. Đến thời điểm này, cá dù vẫn còn trong ao nhưng đều đã có chủ. Hôm nay, ông Hoàng Ngọc Sức ở xã Quảng Trạch (Quảng Xương) đến nhà anh Dũng để mua tiếp 5 kg cá ông Công về bán nhưng đã không còn. Ông Sức cho biết: “Hôm qua tôi cũng đã đặt mua 5 kg rồi, hôm nay lên đặt mua 5 kg nữa nhưng khách họ cũng đều đặt hàng hết rồi. Tôi nghĩ năm nay sẽ hiếm cá hơn nên muốn mua thêm về bán…”.

Cá cho ngày ông Công ông Táo ở nhà anh Dũng có 3 loại đó là cá chép đỏ thường, cá chép đỏ Nhật và cá chép đỏ Tam Dương. Trong đó cáchép đỏ Nhật giá cao hơn, khoảng 160 nghìn/kg còn cá chép đỏ thường thì từ 140- 150 nghìn/kg. Để phục vụ cho ngày 23 tháng Chạp thì từ hơn 10 ngày trước anh Dũng đã phải thuê 5 người lao động giúp việc.

Còn tại nhà anh Lê Thọ cùng thôn Tân Cổ, từ mùng 10 tháng Chạp khách đã đặt mua cá. Năm nay, gia đình anh Thọ xuất khoảng 2 tấn cá ông Công, chủ yếu vẫn là khách lấy buôn ở các tỉnh Bắc Giang, Hải Phòng, Nam Định…

Nhiều khách hàng đến mua cá ông công tại nhà anh Thọ.

Gia đình anh Dũng đang cho cá ông Công vào bao tải để gửi cho khách hàng ở tỉnh Quảng Bình.

Ở xã Quảng Tân có 11 thôn thì 11 thôn đều nuôi cá nhưng tập trung chủ yếu ở 4 thôn: Tân Cổ, Tân Hậu, Tân Trúc, Tân Hoa. Riêng 4 thôn này đã có gần 500 hộ nuôi cá, chủ yếu là cá sinh sản: trắm, trôi, mè, chép… Nhiều gia đình ở đây đã có cuộc sống ổn định nhờ vào nghề nuôi cá. Chỉ tính riêng cá cho ngày 23 tháng Chạp, ước tính, hộ ít cũng phải bán được 1 tấn, nhiều khoảng 3-4 tấn. Để có những con cá chép đỏ cho ngày ông Công ông Táo, theo người làng nghề phải mất khoảng 5 tháng nuôi cá. Từ tháng 6, tháng 7 mới bắt đầu cho đẻ cá chép đỏ, sau đó phải đi qua nhiều quá trình như hút ao, giải vôi để diệt khuẩn, lọc nước mới, lọc cá, phân ao… 5, 6 năm trở lại đây, thay vì nuôi cá chép trắng thì người làng nghề đã nuôi cá chép đỏ vì chép đỏ được khách hàng chuộng hơn bởi có quan niệm màu đỏ thường mang lại nhiều may mắn…

Nghề nuôi cá ở Quảng Tân được xem là nghề truyền thống của người dân nơi đây, cứ cha truyền con nối, hết đời này qua đời khác, người người, nhà nhà vẫn gắn bó với nghề.

Tính đến thời điểm này, nhiều hộ bán cá ở Quảng Tân đã hết cá bán. Ông Lê Bá Tùng - Phó chủ tịch UBND xã cho biết thời gian tới, xã sẽ cố gắng hoàn tất các thủ tục để sớm được công nhận là làng nghề và khi đó cổng làng nghề sẽ được xây dựng để ai ở gần, ở xa cũng đều biết đến nghề truyền thống của làng…

Hoàng Việt Anh


Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]