(vhds.baothanhhoa.vn) - ...Do là người lao động bất hợp pháp nên các lao động xuất cảnh trái phép không được pháp luật Trung Quốc bảo hộ. Vì vậy, ngoài phải làm việc quá sức, bị chủ quỵt tiền công, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, các lao động này còn phải sống chui lủi vì phải trốn tránh nhà chức trách nước sở tại... Hơn nữa, có không ít trường hợp bị tai nạn lao động, thậm chí là bỏ mạng nơi xứ người.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lao động chui sang Trung Quốc và những hệ lụy (Kỳ 2): Bỏ mạng nơi xứ người

...Do là người lao động bất hợp pháp nên các lao động xuất cảnh trái phép không được pháp luật Trung Quốc bảo hộ. Vì vậy, ngoài phải làm việc quá sức, bị chủ quỵt tiền công, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, các lao động này còn phải sống chui lủi vì phải trốn tránh nhà chức trách nước sở tại... Hơn nữa, có không ít trường hợp bị tai nạn lao động, thậm chí là bỏ mạng nơi xứ người.

Nhọc nhằn kiếp mưu sinh... xứ người

Dù không trở lại Trung Quốc làm thuê đã hơn 1 năm, song ký ức những ngày rong ruổi tìm việc làm tại Trung Quốc vẫn còn in đậm trong ký ức chị Lê Thị Huệ, thôn Đại Trường, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa. Theo chị Huệ, thời gian đầusang Trung Quốc làm việc, chị đã từng làm rất nhiều nghề từ bán hàng rong, rửa bát thuê cho quán ăn, làm ô sin... và sau này chị tìm và gắn bó với nghề làm hoa nhựa cho một công ty chuyên sản xuất đồ nhựa ở thành phố Trung San.

Làm việc này tuy không nặng nhọc nhưng rất độc hại vì luôn phải ngửi mùi nhựa từ xưởng tái chế nhựa thải ra nhưng đổi lại mỗi tháng, trừ chi phí chị có hơn 10 triệu đồng tiền Việt Nam gửi về cho gia đình. Nói về chuỗi ngày lao động bất hợp pháp tại Trung Quốc chị Huệ giải bày: Tuy mối quan hệ giữa chủ và người làm thuê rất tốt vì họ trả lương sòng phẳng và họ cũng tôn trọng người làm thuê nhưng luôn phải sống trong tâm trạng thấp thỏm, lo sợ vì nhà chức trách Trung Quốc thường xuyên đi kiểm tra, mở các cuộc truy quét lao động bất hợp pháp. Và trong những lần truy quét đó, chúng tôi được ông chủ mách nước và tổ chức cho đi trốn nên thoát. Tuy nhiên, lần truy quét dịpcuối năm 2017, do không được báo trước nên chị và một số lao động khác chưa kịp lẩn trốn đã bị lực lượng chức trách Trung Quốc phát hiện, đưa về trại tạm giam “ăn dưỡng” hơn nửa tháng sau đó bị trục xuất về nước.

Cùng cảnh là lao động "chui" tại Trung Quốc nhưng với trường hợp của Nguyễn Văn Cường, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc thì quãng thời gian mưu sinh tại đây là những ngày tháng “mặn chát” trong cuộc đời làm thuê ở xứ người. Cường cho biết: Sau khi bỏ ra 4 triệu đồng để đưa cho “cò” dẫn làm việc tại một cơ sở làm đồ điện tử tư nhân, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Tưởng rằng, lương họ sẽ trả sòng phẳng cho mình, ai dè họ giữ lại 3 tháng lương đầu với lý do đề phòng mình bỏ trốn. Tháng thứ 4 họ mới trả với số tiền trừ các khoản được 12 triệu đồng tiền Việt Nam. Công việc tưởng trót lọt, ai ngờ... cơ sở bất ngờ bị Công an Trung Quốc ập đến truy quét, Cường và một số anh em nhanh chân chạy thoát được. Ít ngày sau quay lại hỏi nốt số tiền lương 3 tháng đầu liền bị chủ cơ sở gọi điện báo công an đến bắt. Cường và một vài lao động bị ném lên xe đưa về nơi tạm giam ở tỉnh Đông Hưng, giáp Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Sáu tháng giam giữ với nhiều trận đòn oan vì bị chủ cơ sở tố là đối tượng tống tiền. Tháng 11/2017, nhờ có người của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đến bảo lãnh, Cường mới được trở về.

Dẫu biết sang Trung Quốc làm lao động bất hợp pháp là phải đối mặt với nhiều hiểm nguy và luôn phải lẩn trốn các lực lượng chức năng. Song vì miếng cơm, manh áo mà những người như chị Huệ, hay Cường và hàng ngàn lao động “chui” khác tại Thanh Hóa sẵn sàng chấp nhận, đánh đổi ngay cả tính mạng mình chỉ vì cuộc sống mưu sinh.

...và những nỗi đau từ ước mơ không hợp pháp

Trong căn nhà cấp 4 chật hẹp và đã xuống cấp, bà Đồng Thị Hải, thôn Minh Hải, xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc không giấu được nỗi chua xót, ngậm ngùi kể cho tôi: Bà có đến 3 người con trai và cả 3 đều đã có gia đình. Do kinh tế quá khó khăn nên các con của bà chấp nhận bỏ quê để tìm kế... mưu sinh. Và con trai cả của bà là Nguyễn Văn Sĩ (SN 1981) chấp nhận tìm kế mưu sinh ở nơi xa nhất bên tận Trung Quốc.

Theo bà Hải, trước đây Sĩ làm ăn ở tỉnh Bình Dương nhưng trong lần về quê ăn tết năm 2017, Sĩ nghe lời bạn bè rủ rê sang Trung Quốc làm nghề bốc vác thuê sẽ có thu nhập cao gấp 4-5 lần so với làm ở Bình Dương. Vì vậy, Sĩ đã bàn với vợ là Hoàng Thị Huế sang Trung Quốc làm việc với hy vọng có tiền để cải tạo, nâng cấp lại ngôi nhà xập xệ và xuống cấp. Được vợ đồng ý, ăn tết xong, Sĩ cùng mấy người trong làng sang Trung Quốc tìm việc. Khi sang bên ấy, Sĩ làm nghề gì, lương tháng được bao nhiêu, bà Hải cũng không biết, chỉ biết rằng vào khoảng tháng 9/2017, người ta báo về: Con bà bị chết bên Trung Quốc.

Nhận được hung tin, bà như sống đi, chết lại nhiều lần nhưng may nhờ bà con lối xóm, chính quyền địa phương cùng xắn tay giúp đỡ, động viên, chia sẻ nên giúp bà phần nào vơi được nỗi đau. Tuy nhiên, từ khi con trai bà mất, gia cảnh đã khó lại càng khó gấp bội vì phải lo thêm một khoản tiền lên đến hàng trăm triệu đồng để nhờ người sang làm các thủ tục đưa hài cốt con về nước. Không chỉ kinh tế khó khăn mà hạnh phúc gia đình cũng như tương lai của đứa cháu nội bà - cháu Nguyễn Trọng Nam (SN 2012 - con của Sĩ và Huế) cũng bị đe dọa vì không có tiền sống và ăn học. Mẹ nó sau khi ra ngoài Hà Nội làm ăn thời gian ngắn, rồi đi làm ở đâu cũng không ai biết. 1 năm nay không thấy mẹ gửi tiền hay về thăm con.

Anh Sĩ mất đi, ước mơ sửa lại ngôi nhà cũ nát của gia đình bà Hải, xã Minh Lộc đã không trở thành hiện thực.

Tuy không phải bỏ xác nơi xứ người nhưng tương lai, hạnh phúc của Bùi Đình Mạnh, xã Hoằng Yến, huyện Hoằng Hóa không biết sẽ đi đâu, về đâu, chỉ biết rằng, Mạnh hiện tại đang bị nhà chức trách phía Trung Quốc giam giữ với thời hạn 7 năm tù vì tội đánh nhau gây chết người. Bố của Mạnh - ông Bùi Đình Kiều cho biết: Từ khi nó vào tù, vợ của nó đem con về quê ngoại ở huyện Vĩnh Lộc. Vừa rồi, nó xuống đây làm thủ tục chuyển hộ khẩu của 2 mẹ con về thẳng trên quê ngoại rồi. Vậy là... tôi mất đứa cháu nội. Con trai chịu cảnh tù tội, không biết sống chết ra sao. Con dâu, cháu nội cũng bỏ đi. Gia đình tan đàn, sẻ nghé... làm sao tôi không buồn và lo nghĩ cho được?

Trên đây chỉ là 2 trong số hàng chục trường hợp lao động “chui” sang Trung Quốc làm việc bất hợp pháp bị rủi ro mà tôi có dịp được chứng kiến. Tất cả các lao động này đều xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc nên không được pháp luật Trung Quốc bảo hộ. Vì vậy, ngoài phải làm việc quá sức, bị chủ quỵt tiền công, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, các lao động này còn phải sống chui lủi vì phải trốn tránh nhà chức trách nước sở tại... Hơn thế nữa, có không ít trường hợp bị tai nạn lao động, thậm chí nhiều trường hợp đã bỏ mạng nơi xứ người. Thực tế đó, nhiều người lao động biết nhưng vẫn chấp nhận sẵn sàng làm lao động bất hợp pháp tại Trung Quốc với hy vọng đổi đời.

Minh Lý


Minh Lý

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]