(vhds.baothanhhoa.vn) - Lê Thân tự Lương Hòa, thụy Mộ Đức, sinh năm Quý Sửu (1253), trong một gia đình nho sĩ ở hương Cổ Na, nay thuộc thị trấn Nưa (Triệu Sơn), một vùng địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống yêu nước và văn hiến.

Lê Thân: Từ Luật Quốc Công đến ông già giày rơm mũ vải ở quê nhà

Lê Thân tự Lương Hòa, thụy Mộ Đức, sinh năm Quý Sửu (1253), trong một gia đình nho sĩ ở hương Cổ Na, nay thuộc thị trấn Nưa (Triệu Sơn), một vùng địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống yêu nước và văn hiến.

Lê Thân: Từ Luật Quốc Công đến ông già giày rơm mũ vải ở quê nhàĐền thờ Luật Quốc Công Lê Thân ở tổ dân phố 6, thị trấn Nưa (Triệu Sơn). Ảnh: Lê Văn Sơn

Thừa hưởng truyền thống gia đình và quê hương, ngay từ khi mới lên 10 tuổi, Lê Thân đã làu làu kinh sử, được xem như một “thần đồng”, học đâu biết đấy “đọc một hiểu mười”. Năm 18 tuổi, ông đỗ đầu kỳ thi Hương (mọi người gọi là thủ khoa Nưa), văn chương, thơ phú của ông nổi tiếng khắp tỉnh, được bạn bè đồng môn khâm phục.

Năm Ất Hợi thời Trần Thánh tông, niên hiệu Bảo Phù năm thứ 3 (1275), triều đình mở khoa thi Hội, tuyển dụng nhân tài. Lúc này Lê Thân 22 tuổi cùng các sĩ tử ra Thăng Long ứng thí. Kỳ thi ấy, Đào Tiêu (Đào Thúc) đỗ trạng nguyên, Lê Thân đỗ Bảng nhãn, Quách Nhân đỗ Thám hoa và 28 thái học sinh (tiến sĩ). Là người đầu tiên của huyện Nông Cống vào bậc Tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa), Lê Thân được suy tôn là “khai khoa” huyện Nông Cống. Lúc đầu Lê Thân được bổ dụng Hàn lâm học sĩ, sau thăng Ngự sử trung thừa; Biên tu Quốc sử quán, Đô ngự sử, thăng Thượng thư bộ Lễ, Thượng thư bộ Lại; thăng Nhập nội hành khiển, Khu mật viện đô trị sử, Thái phó Luật Quốc Công. Như vậy, ông đã đạt đỉnh cao của học vị (Tam khoa), phẩm hàm (Công, Hầu, Bá, Tử, Nam) và quan tước (Thái sư, Thái phó, Thái bảo).

Ở hàng “tứ phẩm”, ông nổi tiếng là vị quan hài hòa giữa đức trị và pháp trị; chăm lo bồi dưỡng sức dân. Đặc biệt, ông được triều đình giao trọng trách cùng với một số đại thần biên soạn “Hoàng triều đạo điển” và “Hình luật quốc gia”. Do có công lớn, ông được phong Luật Quốc Công và cha, mẹ, vợ, con đều được vinh phong. Bố và ông nội được phong tước Hầu; mẹ và vợ được phong phu nhân, các con được phong đại phu hữu bật. Các nhà viết sử ở thời ông đã viết: “Lê Thân là nhà làm Luật vào bậc kỳ tài. Lê Thân vừa thấu hiểu lòng dân, vừa nắm chắc đòi hỏi của việc trị nước khi biên soạn luật” (Địa chí Thanh Hóa, NXB Thanh Hóa, 2015, tập IV, tr.63-64).

Lê Thân: Từ Luật Quốc Công đến ông già giày rơm mũ vải ở quê nhàLễ kỷ niệm 750 năm sinh và tưởng niệm 684 năm ngày mất danh nhân Luật Quốc Công Lê Thân năm 2022. Ảnh: Lê Văn Sơn

Ngoài ra ông còn quan tâm xây dựng gia đình, dòng họ. Ông khuyên răn con cháu, nhắc nhở mọi người muốn trở thành người chân chính, ích nước, lợi nhà lấy chính tâm, tu thân là gốc, tu dưỡng về đạo đức, bồi dưỡng về trí tuệ, rèn luyện về thể chất là ba phép màu tạo nên sức mạnh của con người trên bước đường thành đạt. Nhân nghĩa, đạo đức là nền tảng cho tài năng phát triển, tài năng một phần rất nhỏ do thiên tư, chủ yếu là do học tập, rèn luyện. Từ quan điểm đó ông và hậu thế đã xây dựng họ Lê Đình thành dòng họ thế phiệt. Ít có gia đình nào ở trên đất Cổ Định này 3 đời đều đỗ đại khoa (cha đỗ Bảng nhãn, con và cháu đỗ tiến sĩ) và ít có dòng họ được phong ngũ phẩm hàm (công, hầu, bá, tử, nam); là những bậc thang tước vị lớn của nhiều triều đại.

Năm 72 tuổi, thấy sức mình đã yếu, khó có thể gánh vác được trọng trách, Lê Thân bèn xin về an dưỡng tại quê nhà. Vua Trần Minh tông thấy ông đã hết lòng với nước, tận hiếu với dân nên cử người đưa ông về tận quê nhà. Ngày Lê Thân về quê, vua Trần Minh tông đích thân ra tiễn và đọc tặng bài thơ: Tiễn ông về (Tống công hồi) để tỏ lòng thương nhớ.

Hơn bốn mươi năm nơi gác phượng

Bao phen phò tá việc triều đình

Bốn triều hưng để lòng son đỏ

Một buổi chia ly động cảm tình

Y Doãn, Chu Công chưa bằng được

Bảo Nha, Quản Trọng đã nên tranh

An chi lão giả như công nguyện

Mình trẫm giang sơn thức suốt canh.

Làm quan suốt 4 triều vua Trần: Thánh tông, Nhân tông, Anh tông, Minh tông nhưng khi về quê ông lại “giày rơm mũ vải” hòa mình vào cuộc sống dân dã, động viên mọi người cần cù lao động, mở trường học, chấn hưng hương ước, sửa sang chùa chiền, miếu mạo.

Ngày 20 tháng 10 năm Mậu Dần (1338) ông mất tại quê nhà, triều đình cử khâm sai đại thần về tế điếu, lập đền thờ dựng bia ghi công đức, sắc phong “Duệ Hiệu Trung Liệt, Dực vận công Thần, Thái phó Luật Quốc Công – phúc thần”, làng Vĩnh Duyên nay là làng Mậu - thị trấn Nưa và được thờ tại văn miếu huyện Nông Cống, nơi thờ Khổng Tử.

Lê Thân: Từ Luật Quốc Công đến ông già giày rơm mũ vải ở quê nhàGia tộc họ Lê Đình tổ chức mừng thọ cho các cụ trên 70 tuổi. Ảnh: Lê Văn Sơn

Nhân dân quanh vùng Cổ Định cũng đã quyên góp tiền của xây dựng miếu thờ ông. Ngôi miếu xây trên một gò cao, trước mặt là dòng Lãn giang, phía sau là dãy Ngàn Nưa. Nhân dân vẫn quen gọi là Quan Già Luật, vì vậy mà miếu thờ ông còn được Nhân dân trìu mến gọi là miếu Quan già. Trước miếu có biển thờ đề “Luật Quốc Công miếu”, bên trong là câu đối sơn son thếp vàng: “Nông Cống khai khoa thiên hạ thức/ Thanh Hóa quốc tước cộng đồng tri” (Người khai khoa cho Nông Cống thì ai cũng biết/ Thanh Hóa có vị quốc công thì mọi người đều hay!). Tuy nhiên, đến nay tại địa điểm miếu cũ chỉ còn trụ đá và bệ thờ.

Liên quan đến Luật Quốc Công Lê Thân còn có lăng mộ và đền thờ. Riêng đền thờ đã được gia tộc họ Lê Đình, hậu duệ Luật Quốc công Lê Thân xây dựng tại tổ dân phố 6, thị trấn Nưa và được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2000. Gần đây nhất, ngày 13-11-2022, thị trấn Nưa phối hợp với Hội đồng gia tộc họ Lê Đình đã tổ chức lễ kỷ niệm 750 năm sinh và tưởng niệm 684 năm ngày mất danh nhân Luật Quốc Công Lê Thân. Tự hào về các bậc tiền bối, ông Lê Đình Hán, Chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Lê Đình cho biết: Chúng tôi luôn tự hào và biết ơn sâu sắc quê hương đã sinh ra cụ Lê Thân và những con người ưu tú khác góp phần làm rạng rỡ quê hương đất nước và dòng họ. Từ những tấm gương ấy, lớp lớp con, cháu học tập và phát huy tài năng, đức độ của Luật Quốc Công Lê Thân với tinh thần đoàn kết, gắn bó yêu thương để xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh. Tiếp tục tinh thần ấy, hằng năm vào ngày giỗ cụ Lê Thân, gia tộc họ Lê Đình đều tổ chức mừng thọ cho các cụ trên 70 tuổi nhằm động viên các cụ sống vui, sống khỏe là chỗ dựa tinh thần cho con, cháu.

Hoàng Vĩnh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]