(vhds.baothanhhoa.vn) - Văn hóa và Đời sống sẽ chính thức khép lại chặng đường hơn 31 năm hành trình cùng sự phát triển và lớn mạnh của tỉnh Thanh, cùng những bạn đọc yêu mến “chất Thanh” sau số báo này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mạch nguồn vẫn chảy...

Văn hóa và Đời sống sẽ chính thức khép lại chặng đường hơn 31 năm hành trình cùng sự phát triển và lớn mạnh của tỉnh Thanh, cùng những bạn đọc yêu mến “chất Thanh” sau số báo này.

Nhưng không nên quan niệm đó là một sự kết thúc. Mạch nguồn vẫn chảy, Văn hóa và Đời sống sau khi hoàn thành sứ mệnh vinh quang của mình, đang dần chuyển hóa thành một ấn phẩm khác, để tiếp nối mạch nguồn văn hóa và âm hưởng đời sống mà tờ báo đã chuyển tải trong những năm qua, phù hợp với thời kỳ phát triển mới của báo chí sau quy hoạch.

Trước sự chuyển đổi nào cũng vậy, thường đem đến những xúc cảm rất khó tả. Với những người từng gắn bó với tờ báo, thì điều ấy càng trở nên đặc biệt. Tôi cho mình cái quyền ấy vì có tới 18 năm sống trong hơi thở và nhịp đập của tờ báo, trưởng thành từ một phóng viên, biên tập viên, nhiều năm làm Trưởng ban Thư ký tòa soạn, sau đó là Phó Tổng biên tập trước khi chuyển công tác khác theo sự điều động của tổ chức. Ngoài ra còn có khoảng gần 1 năm làm cộng tác viên trước khi về tờ báo và hơn 5 năm sau khi rời tờ báo, tổng cộng khoảng chừng 24 năm.

Nhà báo Vũ Tuấn Anh

Nguyên Phó Tổng Biên tập (bên trái ảnh) đưa CTV cao tuổi vào Hội trường dự Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Báo Văn hóa và Đời sống (năm 2014).

Nhiều người vẫn nói đùa Văn hóa và Đời sống (trước đó mang tên Văn hóa - Thông tin) tuy là cơ quan báo ngành, nhưng thuộc hàng "nhỏ nhưng có võ". Nhiều bài viết đăng trên tờ báo từ khi mới thành lập như: "Vực xoáy Nam Giang", "Huyện tang", "Nỗi oan ông vua vôi ve"... đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc. Hồi ấy tôi học đại học ở Hà Nội cũng nghe đến, sau đó tìm đọc, khâm phục tác giả, nhưng khâm phục lớn hơn là những biên tập viên, thư ký tòa soạn đã dám đề xuất với Ban biên tập cho đăng những bài báo ấy. Những bài báo đấu tranh không khoan nhượng với khuất tất, tai tệ nạn trong cuộc sống lúc bấy giờ. Nghe nói vì những bài báo ấy mà có những nhà báo đã phải giải trình, nhưng rồi sau mỗi lần như thế tinh thần đấu tranh lại cao hơn, nhiều bài báo “đình đám” tiếp tục ra đời.

Đó chính là ấn tượng mạnh mẽ mà sau này khi ra trường tôi nhất mực muốn về công tác ở Văn hóa - Thông tin. Nhưng vì cơ duyên chưa đến độ, phải mất 4 năm loanh quanh ở cơ quan chuyên môn mình được đào tạo, tôi mới đứng chân được vào “bến mơ” của mình, đó là vào đầu năm 1998.

Trước tôi 3 năm có anh Lê Văn Nam - Tổng Biên tập đương nhiệm. Chúng tôi được xem là thế hệ thứ hai của báo, làm việc trong môi trường mà các chú, các anh, chị đã kiến tạo, định hình phong cách tờ báo trong lòng bạn đọc, chúng tôi tiếp nối và phát huy.

Hồi đó dù phải làm việc rất vất vả, đồng lương ít ỏi, nhuận bút không nhiều, nhưng ai cũng muốn “sống chết” với tờ báo. Có lần Tổng Biên tập hỏi tôi tâm tư thế nào, có muốn đi không, nhưng tôi nói rằng thực tâm cũng muốn vì có vài ba nơi ướm hỏi, đều là những nơi đời sống kinh tế tốt hơn, nhưng vì tình yêu với tờ báo, nên không.

Để nâng cao thu nhập cho cán bộ, tờ báo phải có nhiều cách tiếp cận. Từ làm quảng cáo đến tổ chức Cuộc thi người đẹp xứ Thanh, Giải bóng đá nhi đồng, phát động sáng tác kịch bản và các giải báo chí...

Cuộc thi “Người đẹp xứ Thanh” do báo tổ chức những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX, đã thu hút được sự hưởng ứng của nhiều cơ quan, sự tham gia của nhiều đoàn viên, thanh niên, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ; uy tín, vị thế của tờ báo vì thế từng bước được nâng lên, cái tên Văn hóa - Thông tin có thêm nhiều bạn đọc biết đến, cả trong và ngoài tỉnh.

Tiếp đó, báo đã phối hợp với nhiều cơ quan như Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Du lịch, Công an tỉnh... để tổ chức một số cuộc thi viết tập trung vào những vấn đề được bạn đọc quan tâm nhiều tại thời điểm như: Phong trào “hai tốt”, hoa học đường, nét đẹp Thanh Hóa qua ảnh, đất và người xứ Thanh, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS... Qua mỗi cuộc thi lại phát hiện thêm những cộng tác viên có năng khiếu, đam mê, để bổ sung vào đội ngũ cộng tác viên, góp phần làm phong phú, tăng sức hấp dẫn cho các trang báo, các chuyên mục.

Có những đêm “Hoa đăng” đông kín người, gồm cả người viết, bạn đọc và những người dân quan tâm. Đây là một định danh báo dành cho việc tôn vinh các tác giả có tác phẩm tốt hàng tháng, được tổ chức vào đêm cuối tháng, dưới ánh sáng lung linh của đèn và nến, phụ họa bằng những bài thơ, giọt đàn của những nghệ sỹ đến từ Đoàn nghệ thuật Chèo. Những hoạt động như thế đến bây giờ vẫn còn nhiều người nhắc đến, như một kỷ niệm ngọt ngào.

Trong các hoạt động phối hợp, thu hút sự quan tâm nhiều nhất có lẽ là Giải bóng đá nhi đồng được báo tổ chức trong khoảng 5 năm. Những trận bóng ở lứa tuổi nhi đồng hồn nhiên, nhưng lại đem đến biết bao lo lắng cho người lớn. Đó là lo kinh phí, lo đảm bảo sự an toàn cho giải đấu. Những người tổ chức phải đối diện với rất nhiều yêu cầu trong khi lực lượng thì có hạn, lại không có chuyên môn. Nhưng rồi ai cũng động viên nhau cố gắng để duy trì một sân chơi cho các cháu nên không quản ngại.

Cùng với các hoạt động mang tính xã hội, Văn hóa và Đời sống cũng từng bước nâng cao chất lượng các bài viết, đổi mới hình thức trình bày. Nhiều chuyên mục được báo lựa chọn đã thu hút được lượng bạn đọc ổn định, nhất là những chuyên mục có tính thời luận, chuyên mục mang tính giải trí. Văn hóa và Đời sống quy mô chỉ là báo ngành, nhưng phạm vi ảnh hưởng của tờ báo thì không chỉ trong tỉnh, mà còn được nhiều bạn đọc trong nước biết đến và cộng tác. Đặc biệt với số lượng hơn 2.500 tờ được phát hành định kỳ vào khu vực các thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn và bãi ngang ven biển, Văn hóa và Đời sống đã làm tốt sứ mệnh “truyền bá văn hóa” nâng cao mức hưởng thụ tinh thần cho khu vực này.

Giờ thì những hoạt động ấy sẽ thành kỷ niệm. Măng sét tờ báo không còn xuất hiện, nhưng vẫn là điều gì đó thân quen với những người yêu mến. Những con người ở Văn hóa và Đời sống hiện nay rồi sẽ đến với “gia đình” mới của mình là Báo Thanh Hóa, để tiếp tục lao động, sáng tạo và cống hiến nhiều hơn nữa, phụng sự cho sự phát triển mạnh mẽ của tờ báo trong tương lai.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]