Miền Trung đang đối mặt với nguy cơ mưa lớn, ngập lụt trên diện rộng do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và các hồ thuỷ điện đang bắt đầu xả lũ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Miền Trung đối mặt với mưa lớn và ngập lụt trên diện rộng

Miền Trung đang đối mặt với nguy cơ mưa lớn, ngập lụt trên diện rộng do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và các hồ thuỷ điện đang bắt đầu xả lũ.

Nhiều địa bàn, khu dân cư thuộc tỉnh Quảng Nam bị ngập lụt

Tại Quảng Nam: Mưa lớn trong những ngày qua khiến nhiều hồ thủy điện tại địa phương này đầy nước như A Vương, Đắk Mi, Sông Bung 4 và phải tiến hành xả lũ.

Cùng với thuỷ điện xả lũ, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới từ ngày 9 đến ngày 10/10, tại Quảng Nam tiếp tục có mưa lớn trên diện rộng. Nhiều huyện như Nông Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, TP Hội An bị ngập cục bộ.

Trong khi đó, thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam cho biết, mực nước trên sông Vu Gia - Thu Bồn, Tam Kỳ đang lên lại. Mực nước lúc 3h ngày 10/10 tại sông Vu Gia, sông Thu Bồn, sông Tam Kỳ từ dưới báo động 1 đến báo động 2. Dự báo trong 6 đến 12 giờ tới, lũ trên sông Vu Gia - Thu Bồn và Tam Kỳ tiếp tục lên. Mực nước lũ trên các sông Vu Gia tại Ái Nghĩa sẽ lên mức 8,7 m (dưới báo động III là 0,3 m); trên sông Thu Bồn tại Giao Thủy: 6,5 m (ở mức báo động I); tại Câu Lâu: 2,2 m (trên báo động II là 0,2m); tại Hội An: 1,45 m (dưới báo động II là 0,05 m); trên sông Tam Kỳ tại Tam Kỳ: 1,9 m (trên báo động I là 0,2 m).

Trước diễn biến của mưa lũ, khuya 9/10, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Nam đã có văn bản yêu cầu các đơn vị quản lý tổ chức vận hành, điều tiết xả nước các hồ thủy điện A Vương, Đak Mi, Sông Bung 4.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam yêu cầu thủy điện A Vương thực hiện vận hành đưa mực nước hồ về cao trình 370 m; thủy điện Sông Bung 4 thực hiện vận hành hạ thấp mực nước hồ để hạ dần mực nước hồ về cao trình 216 m; thủy điện Đắk Mi 4 thực hiện vận hành đưa mực nước hồ về cao trình 251,5 m.

Đến 6h sáng 10/10, mực nước ở thủy điện A Vương đã lên 370,34 m (mực nước đón lũ là 370 m), lưu lượng nước về hồ lên đến hơn 1.019 m3/s; thủy điện Sông Bung 4 ở mức 218,56 m (mực nước đón lũ là 214 m), lưu lượng về hồ lên đến 1.446 m3/s. Mực nước ở thủy điện Đắk Mi 4 lúc 5h sáng 10/10 ở mức 250,56 m (mực nước đón lũ là 251 m), lưu lượng về hồ hơn 394 m3/s.

Cũng trong đêm 9/10, thủy điện Sông Bung 4A đã có văn bản về việc xả lũ. Theo đó, việc xả lũ bắt đầu từ từ 1h30 ngày 10/10 với lưu lượng xả dự kiến 170 m3/s đến 3.000 m3/s. Thủy điện A Vương thực hiện xả lũ từ 6h ngày 10/10 với lưu lượng 100 m3/s đến 1.200 m3/s.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và các đơn vị chức năng triển khai phương án cứu nạn các thuyền viên tàu Vietship 01. (Ảnh: Lưu Hương)

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế: Tính đến sáng 10/10 các hồ thuỷ điện Tả Trạch, Bình Điền tiếp tục điều tiết qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, mực nước sông Hương sẽ lên trên BĐ III (+3,5m) khoảng 0 - 0,2m vào khoảng 12 - 14h.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục yêu cầu các địa phương đơn vị, chủ động thông báo, có phương án bảo đảm an toàn đến người dân. Người dân sinh sống ở khu vực thấp trũng, gần ao hồ sông, suối chú ý di chuyển, sơ tán đến vùng cao, nhà cao tầng gần nhất. Không được di chuyển khi nước lũ dâng cao, phải gọi điện giúp đỡ, trợ giúp từ chính quyền, người thân. Kê cao tài sản để chủ động ứng phó.

Cập nhật từ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến sáng 10/10, tỉnh này đã tổ chức di dời, sơ tán tại chỗ 2.865 hộ với 8.360 nhân khẩu. Bộ Chủ huy quân sự tỉnh đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Bộ đội thường trực, trên 650 cán bộ, chiến sĩ lực lượng dân quân tổ chức sơ tán người dân và nhiều tài sản đến nơi tránh trú an toàn. Công an tỉnh chỉ đạo Trưởng Công an các đơn vị phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, các ngầm, đò ngang, đò dọc để hướng dẫn người, phương tiện và phân luồng giao thông đảm bảo an toàn, nghiêm cấm người và phương tiện giao thông đi qua các khu vực nguy hiểm. Tổ chức đảm bảo an toàn giao thông đường bộ qua Quốc lộ 1A, Quốc lộ 49, đường sắt Bắc Nam, đường hàng không...

Thông tin từ Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Bộ nối với ATNĐ đang hoạt động trên Biển Đông và trường gió Đông trên cao hoạt động mạnh nên tại tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục có mưa to trên diện rộng.

Đồng thời do vận hành điều tiết các hồ thủy lợi và thủy điện trên địa bàn tỉnh mực nước sông Hương, sông Bồ lên mức trên báo động III. Từ ngày 11/10 có khả năng chịu ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới hoặc bão, tình hình mưa lớn ở Thừa Thiên - Huế còn diễn biến phức tạp, cần chú ý theo dõi các bản tin tiếp theo. Dự báo tiếp tục có mưa lớn trong vài ngày tới, nguy cơ gia tăng lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Theo ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, trên địa bàn tỉnh đến nay đã có 1 người chết, 6 người bị thương do mưa lũ, toàn tỉnh có 24.520 nhà bị ngập lụt từ 0,2 – 1,2m, một số nơi cao hơn, tập trung ở huyện Quảng Điền, Phong Điền; nhiều đoạn đường trên các tuyến đường giao thông Quốc lộ, Tỉnh lộ bị ngập cục bộ ở những đoạn thấp trũng; Quốc lộ 49A, bị sạt lở đất đá một số đoạn, đường Hồ Chí Minh bị sạt lở nhỏ ở vài vị trí…

Khu vực biển Quảng Trị nơi 8 thuyền tàu Vietship bị kẹt.

Tại Quảng Trị: Công tác ứng phó với mưa lũ và tìm kiếm cứu nạn đang được triển khai khẩn trương. Sau 2 ngày nỗ lực, đến hết ngày 9/10, các lực lượng chức năng Quảng Trị đã cứu được 4/12 thuyền viên tàu Vietship 01. Hiện trên tàu Vietship 01 còn 8 thuyền viên, tàu Thanh Thành Đạt 68 trên tàu có 15 thành viên đã trôi dạt vào bãi tắm Cửa Việt, Gio Linh, sức khỏe các thuyền viên trên tàu vẫn đang an toàn và đang chờ cứu hộ.

Trong đêm 9/10, Thiếu tướng Trần Văn Sơn, Phó Cục trưởng Cục cứu hộ cứu nạn, Bộ Quốc phòng đã họp khẩn với các lực lượng chức năng tiếp tục triển khai khẩn cấp các biện pháp ứng cứu để nhanh chóng sớm đưa các thuyên viên vào bờ an toàn.

Sau cuộc họp, ngay trong đêm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cũng đã triển khai hội ý với các ngư dân có kinh nghiệm trong công tác ứng phó cứu hộ cứu nạn trên biển bàn các biện pháp để thực hiện ứng cứu số viên viên mắc kẹt nói trên. Công tác cứu hộ cứu nạn sẽ tiếp tục được triển khai khẩn trương, tích cực trong sáng nay.

Tại tỉnh Quảng Bình: Từ ngày 9-10/10 lũ trên các sông Kiến Giang tại Lệ Thủy ở mức trên BĐ3, gây ngập lụt trên diện rộng, mực nước trên sông Gianh lũ dao động ở mức BĐ1- BĐ2. Tình trạng ngập lụt xảy ra trên hạ lưu các sông, đặc biệt các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy…với hơn 13.020 ngôi nhà bị ngập lụt, nhiều thôn bản, xã bị chia cắt, cô lập…

Trong 2 ngày qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã tổ chức nhiều đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó với mưa lũ tại các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Bố Trạch, Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Ninh…

Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên Phòng tỉnh triển khai thường trực 100% quân số tại cơ quan, đơn vị, sẵn sàng lực lượng cơ động (30% quân số), phương tiện để tham gia ứng phó mưa lớn, ngập lụt trên các hướng khi có lệnh. Công an tỉnh chủ động thành lập các tổ công tác trực ứng phó với mưa lũ, sẵn sàng tăng cường cho Công an các địa phương trong công tác cứu hộ, cứu nạn.

Các huyện, thị xã tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các lực lượng cơ sở trực tiếp chỉ đạo các xã, các thôn, bản, đặc biệt là những vùng thường xuyên bị chia cắt, vùng thường bị ngập sâu, chia cắt…. chủ động đối phó, sơ tán người dân đến nơi an toàn và khắc phục hậu quả.

Theo Dangcongsan.vn


Theo Dangcongsan.vn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]