(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Theo quan niệm phổ biến của nhiều người dân mỗi nhà nuôi một vài con chó để giữ nhà, giữ của là bình thường, ngoài ra còn nuôi làm cảnh. Nhiều trường học và cơ quan, doanh nghiệp nuôi chó mà những hệ lụy đằng sau đó không lường hết được.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mối nguy từ việc nuôi chó thả rông

(VH&ĐS) Theo quan niệm phổ biến của nhiều người dân mỗi nhà nuôi một vài con chó để giữ nhà, giữ của là bình thường, ngoài ra còn nuôi làm cảnh. Nhiều trường học và cơ quan, doanh nghiệp nuôi chó mà những hệ lụy đằng sau đó không lường hết được.

Thực trạng nuôi chó thả rông và những hệ lụy

Cách đây 5 năm, tại xóm Phúc, Thọ Lộc, xã Hoằng Đức, Hoằng Hóa đã xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng chó cắn làm chết cháu bé Nguyễn Thị Mai 2 tuổi. Bà ngoại trông cháu ở nhà nhưng chỉ trong tích tắc lúc bà ra vườn hái rau, cháu bé đang cầm miếng bánh ăn trên tay sang nhà hàng xóm chơi thì chú chó dữ mới sinh con nhảy bổ cắn vào miếng bánh nhưng không may ngoặp vào đầu bé làm cháu trọng thương và đã chết sau đó. Mọi người đều bàng hoàng chứng kiến cảnh đau thương mà đáng ra có thể tránh được nếu nhưgia đình trông cháu cẩn thận và nhà hàng xóm nuôi, xích chó cẩn thận.

Theo quan niệm phổ biến của nhiều người dân mỗi nhà nuôi một vài con chó để giữ nhà, giữ của là bình thường, ngoài ra còn nuôi làm cảnh. Nhiều trường học và cơ quan, doanh nghiệp nuôi chó mà những hệ lụy đằng sau đó không lường hết được. Trường học là nơi có hàng ngàn học sinh, cơ quan là nơi làm việc của cán bộ, nhân viên và người dân đến giao dịch, thế nhưng vẫn nuôi chó thả rông. Tôi đã từng chứng kiến 5 con chó đuổi theo 1 nhóm học sinh tại Trường THCS phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa. Khi đến làm việc tại Huyện ủy Quảng Xương cũng bị con chó ngay trước cửa phòng cán bộ Tổ chức Huyện ủy vồ cắn nhưng tôi đã tránh kịp. Ngay giữa ngã tư Nguyễn Trãi (Quốc lộ 1A) – TP Thanh Hóa vẫn còn tồn tại việc nuôi chó thả rông của một bà cụ tá túc ngày đêm ngay bên cạnh bốt giao thông công an, có lúc 3 con chó của bà ngang nhiên vờn nhau giữa đường rất nguy hiểm không chỉ gây cản trở giao thông mà còn đuổi cắn người đi đường, gây tai nạn giao thông…

Thống kê từ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết, hằng năm có tới hàng ngàn người bị chó cắn, trong đó có nhiều chó bị bệnh dại, chủ yếu là do thả rông. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh có 781 người bị chó dại cắn làm 3 người chết. Đó là con chó nuôi của chị Nguyễn Thị Hà có biểu hiện bất thường đuổi cắn nhiều người bị thương, 6 người bị chó cắn đã đến trung tâm y tế huyện tiêm phòng, còn chị bị chó cắn nhưng do chủ quan cho rằng chó mới đẻ nên hung dữ (trong khi chị chưa tiêm phòng dại cho chó). Sau một thời gian chị có biểu hiện co giật, mất kiểm soát, được người thân đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong (lúc đó chị đang mang thai).

Tăng cường các giải pháp

Để hạn chế những mối nguy hiểm từ việc nuôi chó thả rông và nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng, các chỉ thị của Đảng, nghị định, thông tư của Nhà nước ra đời nhưng chưa mang lại hiệu quả. Nghị định số 05/2007 của Chính phủ “về phòng, chống bệnh dại” nghiêm cấm những hành vi thả rông chó ở những nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị. Đồng thời quy định đối với chó thả rông ở những nơi trên thì UBND xã, phường, thị trấn có quyền bắt giữ, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận. Theo đó là việc áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính đối với chủ vật nuôi, tiêu hủy chó trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà chưa có người nhận. Đối với người nuôi chó phải đăng ký với UBND cấp xã, phường, thị trấn; xích, nhốt, hoặc giữ chó đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường không ảnh hưởng đến mọi người xung quanh ở nơi công cộng, khu đô thị, khi đưa chó ra ngoài phải giữ chó trong chuồng hoặc phải đeo rọ mõm và có người dắt… nhưng rất ít người làm được điều này.

Trước tình hình bệnh dại ngày càng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, mới đây UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 24 ngày 20/7/2016 “Về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại trên động vật”. Các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường quản lý nhà nước về bệnh dại, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về bệnh dại.

Để việc nuôi chó được an toàn, không gây thiệt hại cho người khác, ngoài việc chủ vật nuôi phải nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật thì người dân phải tích cực theo dõi, giám sát chủ nuôi chó, phát hiện, báo cáo kịp thời chính quyền địa phương, cơ quan thú y các trường hợp chó, mèo, động vật khác nghi mắc bệnh dại…

Thúy Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]