(vhds.baothanhhoa.vn) - Cả trăm hộ dân diện di dời phục vụ cho dự án đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa tại 2 xã Đông Tân và Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa) đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính để được bố trí tái định cư (TĐC). Nhưng đến nay các khu TĐC vẫn còn ngổn ngang, chưa hoàn thiện nên xảy ra tình cảnh dở khóc dở cười.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mòn mỏi chờ dự án tái định cư

Cả trăm hộ dân diện di dời phục vụ cho dự án đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa tại 2 xã Đông Tân và Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa) đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính để được bố trí tái định cư (TĐC). Nhưng đến nay các khu TĐC vẫn còn ngổn ngang, chưa hoàn thiện nên xảy ra tình cảnh dở khóc dở cười.

Dân dựng lều… chờ dự án

Câu chuyện trớ trêu trên được người dân thuộc diện di dời thôn Gia Lộc, Thịnh Hùng, Tiến Thọ (xã Quảng Thịnh) nhường đất cho Dự án đường hành lang Đông Tây phản ánh suốt thời gian qua. Trong khi nhiều hộ dân phải lay lắt bồng bế nhau đi thuê trọ, cuộc sống, sinh hoạt bị đảo lộn, việc học hành của con cái bị ảnh hưởng... thì điều người dân lo lắng, không biết bao giờ dự án TĐC mới hoàn thiện về hạ tầng, cơ sở để người dân có đất làm nhà?

Trao đổi với chúng tôi, gia đình chị Dư Thị Hiểu (thôn Thịnh Hùng, xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa) cho biết: Gia đình dù chỉ có 2 vợ chồng và 1 đứa con, tuy nhiên cảnh thuê trọ cũng tồn tại nhiều bất cập. Cũng nghĩ cảnh ở trọ sẽ sớm chấm dứt khi gia đình cũng như các hộ dân diện TĐC khác đều đã hoàn thiện nghĩa vụ tài chính, đăng ký mua đất TĐC nhưng đến nay thời gian đã hơn nửa năm trời vẫn phải mòn mỏi chờ đợi?!

“Nếu cứ tiếp tục cảnh thuê trọ và chờ TĐC thì không biết tới bao giờ gia đình mới có đất, xây nhà để ở!? Đánh liều, gia đình đã ra mặt bằng TĐC dựng lều, đòi được đo đất, xây dựng. Gia đình đòi mãi, cuối cùng họ cũng xuống đo đất phân lô. Được đo đất, nhưng chưa được cấp sổ đỏ! Mình xây dựng cũng không phép! Quy tắc đô thị cũng xuống hạch lên, hạch xuống nhưng rồi cũng phải đồng ý, cảm thông cho gia đình” - chị Hiểu phân bua.

Khi chúng tôi hỏi, mặt bằng chưa hoàn thiện, điện, nước chưa có, mọi thứ còn ngổn ngang, gia đình ra đây xây dựng rồi sẽ lấy điện, lấy nước ở đâu trong thời gian sắp tới? Chị Hiểu thở dài: “Cũng phải vắt óc mà nghĩ cách thôi các chú! Mong là dự án họ sớm làm xong cho bà con. Đợt mưa lũ vừa rồi, do hạ tầng chưa hoàn thiện, nước ngập trắng băng, gia đình ở trong túp lều vừa ở vừa lo bị ngập”.

Dự án mặt bằng TĐC tại thôn Gia Lộc, xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa ngổn ngang, dang dở.

Trong khi đó, tại mặt bằng TĐC xã Đông Tân, TP Thanh Hóa cùng chung thực trạng. Mặt bằng dở dang, dừng thi công, hàng chục hộ dân đang phải lay lắt đithuê trọ, mòn mỏi chờ mặt bằng dự án. Ông Lê Khả Bằng, xóm Cộng (xã Đông Tân) cho biết: Thực hiện chủ trương giải tỏa để làm đường tránh của thành phố, gia đình đã sớm chấp hành, bàn giao đất cho dự án thi công. Lúc họp dân triển khai dự án, thành phố hứa hẹn sẽ sớm hoàn thiện mặt bằng khu TĐC để người dân sớm có đất xây dựng, ổn định cuộc sống. Thời gian hứa hẹn hoàn thành vào tháng 7/2017 để các hộ làm nhà. Nhưng đến thời điểm hiện tại, mặt bằng TĐC ngổn ngang, thời gian gần đây không thấy đơn vị thi công nữa, khiến người dân không khỏi lo lắng! Hỏi chính quyền thành phố song vẫn chưa nhận được câu trả lời?!

Thiếu vốn?

Để rõ hơn những bất cập, tồn tại ở các mặt bằng TĐC, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông LêĐức Thao - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng số 1 - TP Thanh Hóa. Ông Thao khẳng định: “Người dân ra ở TĐC thì đường chưa xong, điện chưa có, nước cũng không… thực trạng trên phản ánh là có thật”.

Người dân phản ánh dù đã nộp tiền mua đất tại các khu TĐC nhưng vẫn chưa được phân lô, giao đất, xây dựng, trong khi hạ tầng dự án TĐC vẫn ngổn ngang, chưa hoàn thiện, phải chẳng do thiếu vốn? - Ông Thao lý giải: Hiện nguồn vốn được lấy từ nguồn khai thác quỹ đất của các dự án. Tức bán đất cho dân được bao nhiều tiền thì lấy nguồn đó quay về đầu tư hạ tầng, mặt bằng TĐC bấy nhiêu. Trước đây, khi dự án triển khai, do giá đất TĐC không thể nâng cao, nhằm tạo điều kiện cho người dân có đủ khả năng ra mua đất, nên dự án đã phải cắt giảm một số hạng mục, với mục đích giá trị thửa đất có mức thấp nhất có thể. Cụ thể, một số hạng mục sẽ cắt giảm như: lát hè, trồng cây, san đất mặt bằng… Tuy nhiên, khi khảo sát, do cắt bớt một số hạng mục đầu tư cũng kéo theo một số bất cập.

Ví dụ như, tại mặt bằng thôn Gia Lộc (xã Quảng Thịnh) thì lẽ ra dự án phải quy hoạch thêm một đoạn tuyến từ mặt bằng TĐC ra đường hành lang Đông Tây. Nhưng vì đi qua khu dân cư, giải phóng mặt bằng với chi phí lớn nên dự án cắt bỏ không đầu tư hạng mục trên. Việc cắt bỏ, kéo theo đường điện, đường nước đã quy hoạch cũng phải cắt bỏ. Sau khi cắt bỏ, dự án phải điều chỉnh, bổ sung phương án khác và tách thành 2 dự án khác nhau. Khi tách dự án, sẽ đụng đến luật đầu tư công và kéo thêm nhiều thủ tục khác… đó là lý do dự án kéo dài.

Ông Thao cũng khẳng định: Đang cố gắng đầu tháng 12 sẽ có điện, có nước. Song, ông cũng hoài nghi khi cho rằng, để hòa được điện với nước vào sử dụng thì đơn vị phải bàn giao cho đơn vị quản lý kinh doanh điện, quản lý kinh doanh nước. Tuy nhiên, để điện và nước đến được với dân thì theo quy định công trình phải được hoàn công, nghiệm thu, quyết toán, bàn giao!...

Với trả lời trên, mặc dù người dân đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, nộp tiền mua đất đầy đủ nhưng lời hứa ban đầu từ dự án chưa biết tới khi nào sẽ được thực hiện?

Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]