(vhds.baothanhhoa.vn) - Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, trong số các tỉnh có lực lượng thanh niên tình nguyện gia nhập Thanh niên xung phong (TNXP), Thanh Hóa là nơi có số lượng nhiều nhất với 33.000 người.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Một phiên hiệu TNXP bị lãng quên

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, trong số các tỉnh có lực lượng thanh niên tình nguyện gia nhập Thanh niên xung phong (TNXP), Thanh Hóa là nơi có số lượng nhiều nhất với 33.000 người.

Với địa thế là cầu nối giữa Bắc bộ và Trung bộ, Thanh Hóa là huyết mạch giao thông quan trọng của miền Bắc. Chính vì thế nơi này trở thành hố bom để giặc Mỹ thả xuống, và mảnh đất này đã chứng kiến những người con của mình hy sinh anh dũng ra sao. Song, tất cả cho chiến trường, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, các đoàn quân cứ lần lượt lên đường vào Nam chiến đấu.

Xuất phát từ những yêu cầu ấy, ngày 10/4/1972 Tỉnh Đoàn Thanh Hóa đã quyết định thành lậpđơn vị TNXP Nông Cống gồm 173 cán bộ chiến sỹ được mang phiên hiệu C3074 N41 P37. 173 nam, nữ thanh niên, tuổi đời mới mười sáu đôi mươi, hồn nhiên, ngây thơ và trong trắng. Họ ra đi với tinh thần: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước...”; “Ra đi giữ trọn lời thề/ Chưa tròn nhiệm vụ chưa về quê hương”. Với truyền thống: “Tuổi trẻ đất Lam Sơn/ Gian khổ chí không sờn/ Quyết mở đường ra tiền tuyến”; “Đoàn quân mang dòng dõi anh hùng Triệu Trinh Nương đã đánh là thắng”. Cũng ngay trong đêm ngày thành lập, đơn vị đã lên đường nhận nhiệm vụ và có mặt tại thôn Quỳ Chữ, xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa. Những ngày tiếp theo đơn vị tỏa đi khắp các trọng điểm như cầu Hàm Rồng, cầu Tào, ga Nghĩa Trang, phà Đức Giáo, núi Chiêng, đường chiến lược tránh cầu. Những địa danh trên đều là mục tiêu đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ.

Những chàng trai cô gái ngày nào đã lên tuổi ông bà vẫn không thể nào quên cái buổi trưa 14/6/1972 (là ngày 4/5/1972 âm lịch) đế quốc Mỹ bắn phá dữ dội vào trận địa Hàm Rồng, trên trận tuyến của đơn vị TNXP C3074 N41 P37 và Trường Cao đẳng Y, Trường Sư phạm Thanh Hóa đang làm nhiệm vụ. Bà Lê Thị Tiền hiện là Trưởng ban đồng đội của Hội Cựu TNXP Nông Cống kể lại: “Chúng tôi trực tiếp đóng quân ở Hoằng Quỳ, đảm bảo giao thông từ ga Đò Lèn, Nghĩa Trang tới bờ Bắc Hàm Rồng. 2 tháng sau ngày lên đường, không lúc nào nơi đây ngớt tiếng bom đạn, và hình ảnh đồng đội hy sinh. Hàm Rồng bom xới đi xới lại khiếp sợ. Còn ở ga Nghĩa Trang, chúng tôi ngày nào cũng gặp xác người chết vùi lấp. Trận trọng điểm 14/6/1972, cả đơn vị tôi nhớ mãi. Khoảng gần 11h trưa, máy bay quần thảo bầu trời, sau những loạt bom xối xả mà bọn Mỹ điên cuồng trút xuống Hàm Rồng, nhiều người đã hy sinh, bị thương và bị sức ép nặng. Trong đó một trung đội của chúng tôi nằm đúng trọng điểm, và thật đau xót là 4 đồng chí đã hy sinh (Thân Trọng Sang, Lê Thế Năm, Vũ Trọng Hạc (xã Tượng Sơn, đều sinh năm 1955), Trần Ngọc Vụ (Tân Phúc). Ngoài ra có 13 người bị thương và bị sức ép.”

Tháng 7/1972 theo tiếng gọi của chiến trường miền Nam. Đơn vị vinh dự được Trung ương Đoàn và Tỉnh Đoàn Thanh Hóa giao nhiệm vụ vào chi viện cho chiến trường Quảng Trị. Đơn vị chuyển về Như Xuân, tại xã Cán Khê vừa ứng cứu giao thông, vừa tập hành quân dã ngoại. Cán Khê, đường 15B, cầu Bồng Sa, dốc Lìu, dốc Mó, dốc Ngọc Lim. Đây là con đường cho những đoàn xe chở hàng quân sự đi tắt sang Nghệ An để vào chiến trường.

Đúng như kế hoạch Trung ương Đoàn đã quyết định đơn vị C3074 N41-P37 là đơn vị độc lập vào chi viện cho chiến trường Quảng Trị để mở đợt tổng tiến công giải phóng thành cổ. Đơn vị đã chọn lọc 120 đồng chí vào Nam chiến đấu, 53 đồng chí do yếu sức khỏe và các lý do cá nhân khác ở lại Thanh Hóa, đến tháng 10/1972 được xuất ngũ. 120 đồng chí lên đường vào Quảng Trị được đổi phiên hiệu N3227-P39.

Sáng 3/10/1972, đơn vị đặt chân lần đầu tiên lên mảnh đất Vĩnh Linh, nơi vĩ tuyến 17 được mệnh danh là đất thép, là túi bom, là chảo lửa, là vành đai trắng, là yết hầu giữa tiền tuyến và hậu phương. Xã Vĩnh Chấp - nơi đơn vị đóng quân được xem là an toàn hơn nhưng không tránh khỏi các trận bom của máy bay Mỹ trút xuống. Doanh trại là những căn hầm nửa chìm nửa nổi, chỉ một cơn mưa nước trong lán hầm lên đến tận thang giường. Từ Vĩnh Chấp đơn vị tỏa ra các trọng điểm của Vĩnh Linh rồi sang Gio Linh Quảng Trị, Hồ Xá, Tân Định, cầu Hiền Lương, Cửa Tùng, dốc Sáu Độ, cầu Điện, bến Quan, ga Sa Lung, khe Cáy, Bãi Hà, ngầm Hạnh Phúc, ngã tư Đất, thậm chí tiến sâu vào bờ Nam Hiền Lương, sông Bến Hải là Dốc Miếu, Cồn Tiên, Do Linh, Cam Lộ. Đơn vị chia đến nhiều trọng điểm để làm nhiệm vụ san lấp hố bom, lát cầu, lát ngầm dưới làn mưa bom lửa đạn. Không để một phút giao thông bế tắc, với ý chí: “Sống bám cầu bám đường/ Chết kiên cường dũng cảm/ Ướt áo ráo đường...”.

Đặc biệt theo chia sẻ của bà Lê Thị Năm, Trung đội trưởng Trung đội Dân quân nữ năm nao: Tôi không bao giờ quên cái ngày 1/1/1973, hiệp định đình chiến 24 tiếng đồng hồ, quân Mỹ nghỉ tết còn chúng tôi tranh thủ bốc hàng từ những đoàn xe miền Bắc chuyển vào, đưa vào kho. Song Mỹ không chấp hành đúng quy định giờ đình chiến đã cho máy bay ập đến bất ngờ, trút hàng loạt bom các loại xuống trận địa mà đơn vị đang làm nhiệm vụ. Bom bi, bom bi khoan, bom sát thương, bom nổ chậm, bom napan, đạn rốc két inh tai. Kho cháy, hàng cháy, cả một vùng trời khói lửa mịt mù. Mạng sống của cán bộ, chiến sỹ như ngàn cân treo sợi tóc, nhiều đồng chí đã kịp lao ra khỏi trận địa còn một số đồng chí vẫn không ra được. Đến 22 giờ đêm đơn vị tiếp tục kiểm quân lần thứ 2, vẫn còn hơn 20 đồng chí chưa về đơn vị. 1 giờ sáng ngày hôm sau ban chỉ huy và cán bộ tiểu đội họp bàn phương án tìm kiếm đồng đội. Vì bom nổ chậm vẫn còn nổ dày đặc nên việc tìm kiếm đồng đội hết sức khó khăn và nguy hiểm. Cho đến 8 giờ sáng ngày hôm sau mới tìm thấy số anh em bị sập hầm, đất đá vùi lấp một số anh chị em bị thương, nhiều đồng chí bị sức ép nặng nhưng may mắn không ai bị thiệt mạng, các đồng chí đã được đưa vào trạm xá Vĩnh Chấp sơ cứu, hồi sức sau đó chuyển về điều trị tại đơn vị.

Lãnh đạo Hội Cựu TNXP tỉnh tặng hoa chúc mừng kỷ niệm 40 năm thành lập đơn vị C3227.

55 năm đã qua đi, những ngày tháng đặc biệt ấy vẫn là câu chuyện không thể nào quên của các chàng trai cô gái dũng cảm tham gia chiến trận. Đánh giá lại cuộc kháng chiến chống Mỹ, thiệt thòi nhất vẫn là lực lượng TNXP. Theo chia sẻ của ông Trần Khanh - Chủ tịch Hội TNXP huyện Nông Cống: Có một điều chúng tôi vẫn chạnh lòng là cho đến nay và đặc biệt là kỷ niệm 50 năm chiến thắng Hàm Rồng và lịch sử của Hàm Rồng - Nam Ngạn trong kháng chiến chống Mỹ không ghi một dòng nào về sự cống hiến và hy sinh của C402N41-P37 này. Sau khi Trung ương Đoàn điều động 2 đơn vị ở Nông Cống và Quảng Xương độc lập chi viện cho chiến trường Vĩnh Linh, thì kể từ đó, phiên hiệu đơn vị này mất luôn ở Thanh Hóa. Vào Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh đơn vị được đổi phiên hiệu thành N3227-P39. Trong kháng chiến chống Mỹ có 2 trọng điểm ác liệt nhất: miền Bắc có Hàm Rồng, phía Nam có Quảng Trị thì đơn vị 3227 đều có mặt, ngoài Bắc là C402N41-P37, còn vào Quảng Trị là N3227 sau này là C3227. Rõ ràng chúng tôi đã chiến đấu, đóng góp và cũng đã có những mất mát hy sinh trong chiến thắng Hàm Rồng nhưng thật thiệt thòi cái tên C402N41-P37 chưa bao giờ được nhắc đến.

Không riêng gì bà Lê Thị Tiền, hầu hết những cô gái TNXP năm nào nay đã già, lại thêm sức khỏe yếu, nhiều người không lập gia đình. Với dáng vẻ nhanh nhẹn hoạt bát, tôi hỏi nhỏ: Sau kháng chiến, tại sao cô không lập gia đình? Sau khi về thì chúng tôi cũng có được nhà nước cho đi học, hoặc thi chuyên nghiệp. Nhưng trong số chúng tôi, người đậu trung cấp thì ít chủ yếu là về nông thôn. Cuộc sống thật vất vả, lại không có một chế độ gì. Thật ra, trong kháng chiến, mấy ai biết tính toán. Lúc đó chỉ xin một cái giấy xác nhận của y tá là sau này cũng có cơ sở để làm chế độ.

Riêng bà Lê Thị Tiền, sau khi đi TNXP về là học Trung cấp thủy lợi. Cuối năm 1993 bà xin nghỉ hưu do giảm nhẹ biên chế lại yếu dật dẹo. “Lý do không lập gia đình một phần tôi muốn phấn đấu, sau khi học xong trung cấp về công tác ở vùng núi Quảng Ninh, tuổi xuân thoắt đã trôi qua, tôi lạc giữa cuộc sống tất bật ngoài kia”. Là Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Vạn Thiện 15 năm nay, đây không chỉ là công việc, mà còn là ngôi nhà ấm áp để bà gặp gỡ với những đồng đội cũ.

Còn bà Lê Thị Năm mỗi lần kể với chúng tôi về những chuyện cũ mắt bà lại rơm rớm. Bà nhớ như in mốc hoạt động nghĩa tình đồng đội. Đó là sau 41 năm 1 ngày, những đồng đội của đơn vị đã trở lại thăm địa đạo Vĩnh Mốc, Đông Hà. “Chúng tôi đã công tác 37 năm mới nghỉ chế độ, trong khi chỉ 3 năm thanh niên xung phong nhưng đó là tình cảm của cả một thời tươi trẻ, thiêng liêng và cao quý. Giờ chúng tôi gặp nhau ríu rít đến nỗi con trẻ còn thắc mắc: Sao các bà lại gọi nhau tau - mi?”.

Sống trong những ngày tháng thanh bình mới càng khiếp sợ sự tàn phá của chiến tranh. Giờ đây, theo ông Trần Khanh: “Với gần 3.400 hội viên, TNXP Nông Cống với vai trò làm nhân chứng cho Đảng và Nhà nước thực hiện các chính sách cho TNXP qua các thời kỳ; phát huy truyền thống của TNXP là hoạt động nghĩa tình đồng đội... Cụ thể là chúng tôi đã xây dựng quỹ nghĩa tình đồng đội. Trong các năm qua, hội tự vận động giúp đỡ cho các hội viên làm được một số căn nhà tình nghĩa từ quỹ Bầu ơi, Thiện tâm... Hàng năm Hội TNXP Nông Cống đều trao 200 suất quà, mỗi suất khoảng 300.000 vào dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, với các hoạt động chuyên đề của nữ TNXP như phong trào nuôi heo đất tiết kiệm, tiền tiết kiệm dành lại để giúp đỡ cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Gần 50 năm đã trôi qua, những người TNXP năm xưa giờ đây đã tuổi cao, nhưng nhắc nhớ về cái thời thanh xuân ấy, với họ đó chính là liều thuốc tinh thần, là sức mạnh để họ có thể sống vui, sống khỏe. Ước mong của họ giờ đây là nếu còn sống được đến khi kỷ niệm 60 năm chiến thắng Hàm Rồng đơn vị C402N41-P37 sẽ được nhắc tên để những hy sinh của đồng đội mình được vinh danh, để chúng tôi tự hào là con cháu Triệu Thị Trinh dũng cảm bảo vệ chính quê hương mình.

Kiều Huyền


Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]