(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi ngoài kia những nụ đào đang bắt đầu thầm thì, cũng là lúc đất trời như quấn vào nhau trong màn sương thi vị. Những lá non đỏng đảnh gọi nhau theo tiếng chim ríu rít chuyền cành như tiếp thêm động lực và sự hối hả cho những ngày cuối năm.

Mùa xuân tản mạn những câu chuyện về văn nghệ

Khi ngoài kia những nụ đào đang bắt đầu thầm thì, cũng là lúc đất trời như quấn vào nhau trong màn sương thi vị. Những lá non đỏng đảnh gọi nhau theo tiếng chim ríu rít chuyền cành như tiếp thêm động lực và sự hối hả cho những ngày cuối năm.

Mùa xuân tản mạn những câu chuyện về văn nghệHọa sĩ Đỗ Chung sáng tác tranh trừu tượng. Ảnh: Huy Lâm

Đoàn văn nghệ sĩ sau chuyến đi thực tế về cũng rộn ràng không kém, họ bắt tay vào công việc kiến tạo cái đẹp. Một bức tranh vừa được phác thảo dở dang lấm tấm vài nụ hoa kín đáo, một bức ảnh non xanh nước biếc như bỏ bùa nhau trong sự tĩnh lặng gợi giây phút sắp sửa một sự bùng nổ, một giọng thơ ai đó vút lên rồi hút vào không gian xa ngái... Thôi thì đủ vẻ, mỗi người một vóc, tùy theo sở trường, ai cũng muốn làm một cái gì đó, cho một cái gì đó rũ bỏ những lo toan, những lo âu, những căng thẳng... cũng có nghĩa là tín hiệu mùa xuân đã về trong sáng và thanh khiết hơn. Tôi đang lơ mơ chìm dần vào một tứ thơ chợt đến thì một họa sĩ lại gần tán: “Chị thấy làm thơ khó hay vẽ khó hơn?”. Tôi bảo anh đã nghe ai đó khen: “Tranh anh vẽ đẹp như một bài thơ” chưa?. Anh chàng họa sĩ tiếp: “Xem ra trong họa có thơ, trong thơ có họa là thật nhỉ?”. Tôi đáp lại: “Thật ra thơ và họa để hay đều khó, cái khó nhiều khi không hẳn học nhiều là thành. Đó là năng khiếu, đó còn là duyên nữa!”. Anh ta lại hỏi: “Nhạc và thơ cái nào quan trọng hơn”. Tôi đáp: “Anh cần cái gì thì cái đó quan trọng”. Anh có vẻ không hài lòng khi tôi tếu táo, nán lại buông thêm đôi câu hoa lá: “Nếu thơ là cánh diều, thì nhạc là gió cho thơ cất cánh”. “Anh nghe người ta nói nhạc gì như diều đứt dây chưa? Khi ấy thơ cũng toi đó”, tôi lại tếu. Anh ta tiếp: “Thơ và nhạc đều quan trọng. Vậy sao nhạc thì có nhiều người thuê viết mà thơ hiếm khi bán được”. Tôi đáp: “Vì chắc nhà thơ nhiều hơn nhạc sĩ đó mà”. Thế rồi lan man sang chuyện nhiếp ảnh. Anh ta nói như máy “nhiếp ảnh hiện nay nghiệp dư cũng mạnh không kém chuyên nghiệp. Các cuộc thi thố kích cầu cả hai sân này. Chưa bao giờ tỉnh Thanh Hóa có nhiều cuộc thi ảnh như những năm gần đây: Khoảnh khắc xứ Thanh do Đài PTTH Thanh Hóa tổ chức năm 2019, Nét đẹp lao động do Tạp chí Xứ Thanh tổ chức năm 2020,”Nét đẹp Người làm báo xứ Thanh“do Hội Nhà báo tổ chức và cuộc thi ảnh nghệ thuật”Về miền di tích, danh thắng xứ Thanh“năm 2022. Nhiều cuộc”chơi“bổ ích đã để lại cho Thanh Hóa nhiều khoảnh khắc đẹp, thu hút các nhiếp ảnh chuyên nghiệp và nghiệp dư cả nước tham gia. Vẻ đẹp Thanh Hóa từ đó được nhân lên nhờ những ống kính sáng tạo, tài năng. Du khách từ đó cũng yêu hơn cảnh sắc con người nơi đây mà tìm về”. Tôi dứt anh ta bằng cách đi xem tranh triển lãm ở vị trí khác. Ấy vậy mà một bác khác lại túm lấy tôi: “Sao chị xem tranh một mình vậy?”. - “Cháu muốn có những khoảng lặng để cảm nhận”. “Chị giống tôi thế, không chỉ tranh, mà tất cả các lĩnh vực văn học nghệ thuật đều cảm nhận bằng tâm hồn trước hết; cái hay tác phẩm đôi khi đến từ những khoảng lặng”. Tôi gật gật... Bác khoái chí hỏi thêm: “Theo chị tác phẩm đoạt giải và không đoạt giải có khác xa nhau lắm không?”. Tôi đăm chiêu rồi đáp: Cũng như chọn vợ, quan trọng là hợp mình bác nhỉ. Tác phẩm chưa đạt giải chưa hẳn kém mà không hợp cuộc thi đó. Những tác phẩm “đúng nghĩa tác phẩm” thì việc được giải còn hợp và có duyên nữa!. Một cuộc thi chuyên nghiệp thì tính chuyên nghiệp sẽ cao, thi đại chúng hay câu lạc bộ nhiều như hiện nay chủ yếu phục vụ cho tuyên truyền của một nhóm, một tổ chức thì họ có tiêu chí riêng, không quá khắt khe“.”Nghe cô nói, tôi muốn tham gia cuộc thi truyện ngắn Tiếng vọng thời đại trên Tạp chí Xứ Thanh, gửi còn kịp cô nhỉ?. Tôi thích tên gọi cuộc thi, nó mang chủ đề rộng, nghe là thấy cả hôm nay, quá khứ và mai sau nữa. Tên gọi ngắn nhưng bao hàm nghĩa rộng và mở để người viết tha hồ phóng bút".

Tôi cảm ơn bác ấy và ra về. Lòng còn ăm ắp nỗi niềm về văn học nghệ thuật. Ngẫm mãi vẫn thấy ai theo nghiệp văn chương nghệ thuật hẳn là số mệnh. Một sự đeo đẳng bất chấp để vì nghề... Những nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ... cả đời họ sống thanh đạm để yêu nghề. Những cánh hoa đào ngày tết như hiểu họ lăn lộn với nghề, chiến đấu vì nghề... mà trở nên đằm thắm lạ. Tôi muốn dành những tâm tư cuối năm này để nhắc về những người đã đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Quả ngọt này hẳn qua bao gian truân vất vả. Họ là những nhà “khoa học về nhân học”. Họ là những người nhạy cảm nhất, tinh tế nhất nhưng cũng đời thường nhất. Họ là trí thức bậc cao nhưng cũng là những nhà văn, nghệ sĩ Nhân dân. Vì họ có những tác phẩm phục vụ được cho cả “người kén chữ”, “kén hình tượng” và quần chúng Nhân dân. Họ cất được tiếng nói cá nhân nhưng mang tính dân tộc và thời đại. Tiếng nói họ, góp sức vào công cuộc xây dựng bảo vệ bản sắc văn hóa quê hương, đất nước. Họ là đại diện cho văn nghệ sĩ xứ Thanh và cũng là niềm tự hào của văn nghệ sĩ quê nhà. Tác phẩm của họ đã để lại vẻ đẹp của lao động và trí tuệ cho đời!

Về tác phẩm đoạt giải, tôi sẽ cụ thể ở dịp khác. Vì không thể nói hết trong vài ba trang giấy. Nhưng những tác phẩm ấy, là những bông hoa xuân dâng đời sẽ ngát hương mãi. Như tôi đã từng may mắn được đọc “Người tình của cha”, tác phẩm còn chuyển thể thành phim của nhà văn Từ Nguyên Tĩnh. Chỉ một lần thôi, đọc/ xem phim là xúc động, câu chuyện nhân văn cấu trúc, tình huống éo le ấy - Người mẹ tên Thu bị bệnh hủi, đổi tên thành Maria Liên và đóng vai thành người tình của cha trong truyện ngắn mãi theo tôi như những trang đời sinh động, lay thức về những năm tháng chiến tranh. Ở đó dù bệnh tật và bom đạn nhưng tình thân, tình người, tình đồng đội, tình đất nước luôn là những đốm lửa hồng rực sáng, sức mạnh bất tử của con người Việt Nam.

Mùa xuân Quý Mão đang về, cầu mong tất cả những điều tốt đẹp nhất cho các văn nghệ sĩ xứ Thanh và cả nước.

THY LAN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]