(vhds.baothanhhoa.vn) - Ở tuổi 73, nghệ nhân Tô Thị Minh Châu - Phó Chủ nhiệm CLB Ca trù và dân ca Thành Hạc (TP Thanh Hóa) đã tròn 20 năm gắn bó với di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc. Giữa bộn bề khó khăn bảo tồn và gìn giữ, ca trù đã thực sự trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người nghệ nhân già.

Nghệ nhân Tô Thị Minh Châu: “Với ca trù tôi chưa bao giờ tính toán”

Ở tuổi 73, nghệ nhân Tô Thị Minh Châu - Phó Chủ nhiệm CLB Ca trù và dân ca Thành Hạc (TP Thanh Hóa) đã tròn 20 năm gắn bó với di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc. Giữa bộn bề khó khăn bảo tồn và gìn giữ, ca trù đã thực sự trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người nghệ nhân già.

Nghệ nhân Tô Thị Minh Châu: “Với ca trù tôi chưa bao giờ tính toán”Năm 2003, nghệ nhân Tô Thị Minh Châu “bén duyên” với ca trù. Bà được nghệ nhân Ngô Trọng Bình dạy hát, dạy đàn.

Nhắc đến nghệ nhân Tô Thị Minh Châu, nhiều người yêu ca trù hẳn đã quen tên, nhớ mặt. Bà được biết đến là ca nương có giọng hát nổi bật, thường xuyên tham gia các hội diễn, liên hoan trong tỉnh và cả nước, từng giành huy chương vàng tại Liên hoan CLB ca trù toàn quốc (năm 2009) và nhiều thành tích nổi bật khác.

Kể về chuyện “tay ngang” đến với ca trù, nghệ nhân Tô Thị Minh Châu cho biết: “Trong gia đình, bà và mẹ tôi đều là những người sở hữu giọng hát hay, lẩy Kiều giỏi. Tôi nghe mẹ kể, khi xưa ông ngoại cũng từng là kép đàn có tiếng. Năm 2003, tôi tình cờ gặp nghệ nhân Ngô Trọng Bình và có duyên trở thành học trò của cụ. Chính cụ Bình khi ấy đã tận tình dạy tôi hát, đánh đàn (đàn đáy), gõ phách. Có lẽ cũng bởi thừa hưởng “gen” văn nghệ của gia đình nên khi được cụ Bình chỉ dạy tôi lĩnh hội khá nhanh. Chỉ một thời gian ngắn đã có thể tự tin biểu diễn. Với tôi, cố nghệ nhân Ngô Trọng Bình như một người thầy đa tài, sở hữu “ngón đàn” hiếm có. Dù cụ đã qua đời nhưng mỗi lần nhắc nhớ đến “thầy”, tôi lại thấy nghẹn ngào. Không chỉ bởi tài năng xuất chúng mà còn cả sự ưu lo dang dở của cụ. Bởi thực tế đến nay, CLB Ca trù và dân ca Thành Hạc vẫn chưa có “tay” đàn đáy nào có thể “kế nghiệp” thực sự.

CLB Ca trù và dân ca Thành Hạc được thành lập đầu những năm 2000 do nghệ nhân Ngô Trọng Bình làm chủ nhiệm và nghệ nhân Tô Thị Minh Châu làm Phó chủ nhiệm với mong muốn bảo tồn, khôi phục và phát huy nghệ thuật ca trù của cha ông. Trước năm 2010 được xem là thời kỳ hoạt động sôi động, hiệu quả của CLB. Không chỉ sinh hoạt, biểu diễn trong tỉnh, CLB còn nhiều lần ra Bắc, vào Nam đem tiếng hát ca trù của người xứ Thanh đến với nhiều người. “Khoảng thời gian đó thực sự hạnh phúc, CLB được thường xuyên đi biểu diễn, ai cũng vui vẻ, phấn khởi và nhiệt huyết. Ca trù là di sản văn hóa của cả dân tộc, tuy nhiên ở mỗi địa phương ca trù lại mang nét riêng. Đặc trưng của ca trù xứ Thanh là tiết tấu của đàn, phách chậm, lời hát rõ ràng. Vừa hát vừa “ngẫm” lại từng câu chữ sẽ thấy cha ông xưa tinh tế và thâm sâu vô cùng. Tôi không nhớ mình đã bao lần rơi nước mắt khi biểu diễn bởi những xúc động dâng trào”, nghệ nhân Tô Thị Minh Châu tâm sự.

Theo nghệ nhân Tô Thị Minh Châu, không phải tự nhiên mà ca trù được ví như môn nghệ thuật bác học của dân tộc. Để học hát ca trù, bản thân ca nương cần có chất giọng “mộc” trầm, ấm; phải biết “kìm hơi” và “nẩy hạt” đúng cách; tư thế ngồi hát nghiêm túc. Trong ca trù, có những điệu hát không dễ, đòi hỏi ca nương phải có “nghề”, như điệu Bắc phản, Thét nhạc… Học hát ca trù đã khó, theo được ca trù lại càng khó hơn. Vì thế, những người đến với ca trù nếu không xác định khổ luyện thì rất khó có được thành quả. Dễ hiểu vì sao, ngày nay bạn trẻ thích ca trù vốn đã ít, nhưng gắn bó với ca trù lại càng ít hơn. CLB Ca trù và dân ca Thành Hạc được thành lập ban đầu có 22 hội viên nhưng đến nay chỉ còn 12 hội viên. Trong đó, người trẻ nhất cũng đã ngoài 60 tuổi, “tre đã già nhưng măng chưa mọc”. Đây thực sự là thách thức lớn với CLB.

Nghệ nhân Tô Thị Minh Châu: “Với ca trù tôi chưa bao giờ tính toán”Những trang phục biểu diễn được nghệ nhân Tô Thị Minh Châu tích lũy trong suốt 20 năm gắn bó với ca trù.

Tuy nhiên cũng theo nghệ nhân Tô Thị Minh Châu, khó khăn lớn nhất của CLB hiện nay chính là chưa có một tay đàn (kép đàn) có thể kế nghiệp được cụ Bình. Dù trước đây, cụ Bình và CLB cũng đã dày công bồi đắp những người trẻ tuổi. Dẫu vậy, do đặc thù nên việc học đàn đáy không đơn giản. Trong ca trù, kép đàn (người chơi đàn đáy) nếu không tinh thông và giỏi ngón đàn thì rất khó có thể kết hợp ăn ý với ca nương. Tuy nhiên, do CLB hoạt động tự chủ, không có bất cứ kinh phí hỗ trợ nào nên chỉ có thể động viên anh em cùng cố gắng, nỗ lực để giữ gìn di sản cha ông.

20 năm làm Phó chủ nhiệm CLB Ca trù và dân ca Thành Hạc, nghệ nhân Tô Thị Minh Châu chính là người “giữ lửa” cho hoạt động của CLB. Bà trăn trở mua quần áo, sắm thêm từng cây đàn, chiếc trống, bộ gõ (phách). Ngay căn nhà trong ngõ của bà cũng là địa chỉ gặp gỡ, tập luyện thường xuyên của các hội viên. Bà tâm sự: “Đam mê ca trù không mang lại cho tôi tiền bạc, danh tiếng nhưng bù lại thì đó là niềm vui, thấu hiểu và trân quý di sản văn hóa cha ông. Dù với ca trù, tôi tự thấy mình chỉ như “người học trò” trên con đường khám phá tinh hoa văn hóa người xưa. Giữ gìn và phát huy nghệ thuật ca trù không dễ, đặc biệt trong điều kiện có rất nhiều loại hình văn hóa giải trí hiện đại. Nhưng tôi luôn tin, cái gì thực sự giá trị sẽ không bao giờ mất đi. Khi nghệ nhân Ngô Trọng Bình còn sống, ông đã tâm tình với chúng tôi bằng những câu thơ vô cùng thấm thía: “Xuân tàn đâu đã lá vàng rơi/ Sắc vẫn xanh tươi miệng vẫn cười/ Vẫn cùng hoa lá reo trong gió/ Nhạc cổ dân gian vẫn sáng ngời”.

Ở tuổi 73 nghệ nhân Tô Thị Minh Châu không dư giả về cuộc sống vật chất, hàng ngày bà vẫn làm việc để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Trong ngôi nhà của bà, không có nhiều vật dụng giá trị, thay vào đó những giấy khen, bằng khen, nhạc cụ… được bà treo ở vị trí trang trọng. Vừa kể chuyện ca trù, bà vừa khoe với chúng tôi “tài sản” của mình. Là những bộ quần áo dài đã ngả màu thời gian được bà cất trong chiếc va li cũ. Bà bảo, đó là tài sản bà “tích lũy” sau mỗi lần đi biểu diễn có tiền thưởng. “Trong cuộc sống, con người ta sẽ phải tính toán nhiều thứ. Nhưng với ca trù, tôi chưa bao giờ tính toán chuyện được, mất, bởi đam mê là vô giá”, câu nói ấy là gan ruột của người dành cả cuộc đời để hát và giữ gìn ca trù.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]