(vhds.baothanhhoa.vn) - Uyên Phi - một trong những giọng hát “viên ngọc quý” - đã rèn mài, thử lửa qua đường đời và chiến tranh mà tồn tại và tỏa sáng.

Nghệ sĩ Uyên Phi - người giữ mãi giọng ca không tuổi

Uyên Phi - một trong những giọng hát “viên ngọc quý” - đã rèn mài, thử lửa qua đường đời và chiến tranh mà tồn tại và tỏa sáng.

Nghệ sĩ Uyên Phi - người giữ mãi giọng ca không tuổiNghệ sĩ Uyên Phi và người bạn đời - NSND Hoàng Hải.

Em đã chọn lối này

Ngót nghét 80 tuổi nhưng chị Uyên Phi vẫn giữ được trên khuôn mặt, dáng hình nét phúc hậu, thanh xuân. Chiếc váy nhung ôm gọn tôn lên vẻ nền nã. Chị đón tôi tại nhà riêng, không gian phòng khách ấm cúng, sinh động với những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc biểu diễn của hai vợ chồng chị. Tôi nhấp ly trà ôn lại chuyện xưa, thấy chị say sưa kể. Tôi hiểu rằng: Xứ Thanh đã chọn chị và chị đã chọn “Đường vào xứ Thanh là con đường cống hiến”.

Ở cái tuổi 18, 19 sau khi tốt nghiệp Nhà hát giao hưởng hợp xướng quốc gia, chị hoàn toàn có thể ở lại thủ đô hoặc trở về Hưng Yên quê mình. Nhưng chị đăng ký thực tập ở xứ Thanh, dù lúc đầu gia đình cản, chỉ duy nhất bố chị, nguyên là Trưởng Ty Văn hóa tỉnh Hưng Yên, đã ủng hộ con gái. Vậy là vào xứ Thanh. Chị và 2 người nữa vào Đoàn Ca múa Thanh Hóa, chấp nhận cảnh khó khăn, đi biểu diễn mà tẩy trang không có, phải dùng dầu hỏa… Chị đi khắp miền núi, miền biển, đi các chiến trường, vừa hát vừa chạy bom, nhưng vẫn kiên định lập trường mang lời ca tiếng hát đi khắp nơi. Chị còn tham gia đoàn Ca múa đi phục vụ cho nước bạn Lào 4 lần trong đó có 1 lần đi tận 3 tháng vào năm 1965. Thời gian đó, chị còn học nhiều tiết mục của Lào để truyền dạy ở Việt Nam như múa lăm vông…

Nét khác biệt trong cuộc đời ca hát của chị là vừa hát, vừa xây dựng phong trào ca múa kháng chiến. Năm 1966 chị kết hôn với chàng nghệ sĩ - biên đạo múa Hoàng Hải. Vợ chồng đồng nghiệp thì không ít nhưng đây là gia đình hiếm có với sự cộng hưởng hiếm gặp: chồng biên đạo múa, vợ múa; chồng sáng tác nhạc thì vợ ca. Chị đã chọn được đất sống và người đồng hành. Chị chia sẻ cùng tôi, đá mắt sang nhìn chồng với nụ cười hiền, tươi rói: “Nếu được chọn lại, em vẫn chọn lối này!”.

Người giữ lửa đam mê trong một gia đình nghệ thuật

Gia đình chị ngoài vợ chồng làm nghệ thuật, còn có 2 trong 3 người con gái học đại học ngành âm nhạc. Và chị chính là người giữ lửa đam mê nghệ thuật cho cả gia đình và truyền nối các thế hệ, cho con cái, cháu chắt, cho các học trò. Dù đã nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội năm 1985, nhưng chị còn tiếp tục tham gia giảng dạy cho Nhà Văn hóa thiếu nhi - TP Thanh Hóa 14 năm nữa. Sức cống hiến dẻo dai của chị khiến tôi thấy nể. Chỉ có yêu nghề đến độ ham nghề đến mê hoặc mới thiết tha làm nghề tận độ đến thế. Từ một thiếu nữ chưa qua gian khổ, chịu ở lại đất gió Lào rát bỏng, chị đã “nhập tịch” xứ Thanh êm ru, chứng tỏ tình yêu mãnh liệt và bản lĩnh thép tồn tại trong con người nhỏ nhắn đó mà làm nên “cách mạng” thay đổi cả cuộc đời. Đi gây dựng phong trào dạy ca múa từ phố đến làng, đến bản, đến đảo, chị còn ăn ở, cõng các cháu đi học, giặt quần áo, đưa đi tham quan… Lòng nhân hậu và nhiệt thành đã giúp chị gần gũi với mọi người. Tiếng hát của chị đã nằm lòng trong công chúng. Chị nói: “Không phải chỉ tình yêu lứa đôi mà với người con xứ Thanh, tôi yêu lắm con người nơi đây, hẳn là cơ duyên từ kiếp nào. Xứ sở giàu truyền thống văn hóa, con người gian khổ, nhưng thẳng thắn, đáng yêu. Xứ sở của địa linh nhân kiệt, vua chúa, anh hùng đời nào cũng có”. Tôi ngẫm hành trình đời chị cũng thấy vui thay vì người con dâu sông Mã đã yêu nơi đây như đất mẹ thứ hai của mình.

Tổ quốc gọi là đi

Đời người ca sĩ, cứ nơi nào cần là tới. Chị không ngoại lệ. Bất cứ nơi đâu, mặt trận xứ Thanh: Đò Lèn, Hàm Rồng, Phà Ghép, miền núi, hải đảo. Bước chân chị đã thân thuộc, tiếng hát chị đã nằm lòng. Tôi nghe giọng chị trầm ấm được thoát ra trên khuôn mặt phúc hậu và thần thái. Sự chỉn chu trong trang phục, những yếu tố cần của người ca sĩ đã hội tụ nơi chị. Nhưng quan trọng hơn cả là nhiệt huyết. Chị đi làm không nghỉ một ngày, trừ nghỉ thai sản. Âu là trời phú cho sức khỏe, giao cho sứ mệnh phục vụ Nhân dân. Nhất là thời kỳ “tiếng hát át tiếng bom”, các chị đã thực sự góp công cho phong trào. Lời ca tiếng hát là nguồn cổ vũ vô giá để Nhân dân đánh giặc giành chiến thắng. Chị đã không ngại đối diện với hiểm nguy, khi con 3 tháng trong bụng, chị vẫn quyết ra đảo Mê. Con tàu ấy ngay từ khi xuất phát đã gặp sự cố. Giữa gió rét lạnh căm căm, thức ăn đồ uống không có, vậy mà sáng hôm sau tới đảo gặp bộ đội thì bao mệt mỏi tan biến hết. Chị và thế hệ các chị, khi gửi con về ngoại, khi ôm con theo vừa biểu diễn vừa chăm lo, khi vừa trú bom vừa hát, nhiều lần thoát chết, nhiều lần giữ được sự an toàn cho con, hẳn đến giờ các chị còn thấy may mắn. Rồi những chuyến đi Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, có lúc chị có bầu 7 tháng vẫn lên đường. Chị kể khi lên sân khấu còn phải dặn người phục vụ và khi nào ra đứng trên sân khấu thì mới kéo phông để nom đỡ nặng nề. Rất may tiếng hát thánh thót chim oanh đã làm chị đẹp khỏe theo cách người phụ nữ Việt Nam trong mọi hoàn cảnh. Và phụ nữ thì họ còn luôn biết cách hợp lý mọi việc để cống hiến nhiều nhất. Khi chị Thanh Oai, Thanh Hường đi chiến trường Trường Sơn thì chị ở nhà thay các chị biểu diễn trong tỉnh. Sau này chị có quãng thời gian dài đi công diễn ở nước bạn Lào. “Mình hiểu rằng sang nước bạn là đại diện cho văn hóa, ý chí con người Việt, Tổ quốc gọi là ta cứ đi” - chị nói không cần phải nghĩ ngợi. Các con chị, vừa mang dòng máu ba mẹ, vừa được nghe đàn hát từ trong bụng mẹ đã sớm hình thành những tố chất. Cái lãi lời của người phụ nữ, là trải qua gian khổ mới có một gia đình hạnh phúc. Nhìn chị tôi thấy sự mãn nguyện. Những vất vả, hy sinh, cống hiến của chị đã được ghi nhận bằng những vinh danh tinh thần vô giá: Huy chương vì sự nghiệp văn hóa, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì. Bài hát “Cuộc đời vẫn đẹp sao” chính là “kim chỉ nam” cho các chị đi qua làn tên mũi đạn. Hạnh phúc với nghề, vì nghề và được trở về trong hòa bình an ấm. Chị nói: “Vậy là mình may mắn hơn đồng nghiệp, chiến sĩ, đồng bào”.

Trở về giữa yêu thương

Chị Uyên Phi không giấu nổi lòng mình khi nói về bạn bè đồng nghiệp và các chị em ở Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh và nhất là nhóm Cúc họa mi: “Chúng tôi giống như phải lòng nhau”. Hội VHNT thì mỗi năm 2 lần sinh hoạt chung, nhóm thì cứ thứ 5 hàng tuần gặp nhau. Tôi được biết các chị rất được tín nhiệm, các doanh nghiệp mời các chị biểu diễn phục vụ các hoạt động chính trị, văn hóa, đời sống… Các chị là sự kết nối lý tưởng mà nhiều nơi ước có được. Tiếng hát của các chị phân vai nhịp nhàng, hòa hợp cao thấp, trầm bổng (nữ trung, nữ cao, nữ trầm, hát bè). Nhạc sĩ Thanh Nhung - chồng chị Tuyết Chinh và NSND, nhạc sĩ Hoàng Hải - chồng chị Uyên Phi, nhà thơ Đăng Sương tham gia trong nhóm hỗ trợ chuyên môn và các hoạt động khác. Tính chuyên nghiệp vì thế tăng cao. Ý nghĩa cuộc đời cũng vì thế nhân lên. Mong nghệ sĩ Uyên Phi luôn khỏe tiếp tục cống hiến sức mình cho hoạt động VHNT tỉnh nhà nhiều hương sắc, góp phần quảng bá vẻ đẹp đất và người tỉnh Thanh đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Bài và ảnh: THY LAN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]