(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong vận hội lớn và cả trong thử thách lớn hôm nay, thời kỳ công nghệ 4.0, những tư duy mới mẻ vẫn đang nảy nở bằng những gam màu xanh tươi trên mọi miền quê Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghĩ về những tư duy mới trước vận hội mới của quê hương Thanh Hóa

Trong vận hội lớn và cả trong thử thách lớn hôm nay, thời kỳ công nghệ 4.0, những tư duy mới mẻ vẫn đang nảy nở bằng những gam màu xanh tươi trên mọi miền quê Thanh Hóa.

Bút ký của Lê Ngọc Minh

Phát triển mạnh mẽ nhưng Thanh Hóa vẫn giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. (Ảnh: Xuân Tứ)

1. Khi truyền thông đưa nhiều tin vui, Thanh Hóa là tỉnh có nền kinh tế xếp thứ 8, là tỉnh có số thu ngân sách xếp thứ 11 của đất nước; Thanh Hóa đã được Bộ Chính trị thông qua Đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” và đồng ý ban hành Nghị quyết “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”, bạn bè tôi, nhất là các anh chị em làm nghề báo chí, văn chương nghệ thuật ở nhiều nơi đã gọi phôn, nhắn tin, viết email chúc mừng. Một số nhà thơ, nhà văn tên tuổi như Trần Đăng Khoa, Trần Nhương, Mai Nam Thắng, Trần Huy Quang, Trần Quang Quý... trên đường đi công tác xuyên Việt, lúc qua Thanh còn ghé chơi, thăm thú một số cảnh quan, công trình vóc vạc mới xuất hiện trong những năm gần đây và thưởng thức món bánh khoái chấm nước mắm cốt Sầm Sơn nổi tiếng. Lại một lần khác, trong một cuộc họp mặt bạn bè ở nhà hàng đẳng cấp Dạ Lan tại thành phố Thanh Hóa do người bạn học thuở thiếu thời của chúng tôi là doanh nhân Nguyễn Văn Huấn mời cơm, một anh bạn văn chương đồng hương, trưởng thành ở đất kinh kỳ đã cầm nhánh rau má được tết hình cánh phượng rất bắt mắt, ứng khẩu đọc luôn: “Ngày xưa rau má rau khoai/ Đỡ lòng đứt bữa tháng hai cơ hàn/ Bây giờ rau má rau lang/ Lên ngôi đặc sản nhà hàng gắn sao” (Thơ TNT). Mấy câu thơ nẩy ra thật đúng văn cảnh để rồi sau đó khá nhiều người đã thuộc mỗi lúc người xứ Thanh xa quê có dịp gặp nhau, hoặc mỗi khi được ăn đặc sản rau má “sâm của người xứ Thanh” (chữ trong thơ của Trịnh Anh Đạt - Rau má).

2. Thanh Hóa đã có một thời rất nghèo, cái nghèo còn đi vào thơ ca hò vè như một sự diễu nhại. Không nghèo sao được khi trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, bao lớp thanh niên trai tráng, sức vóc nhất ở mỗi làng quê, ngõ phố đã hăng hái tòng quân ra trận; riêng việc phục vụ hậu cần cho Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã huy động 102.254 dân công, 11 ngàn xe đạp thồ trong tổng số gần 300.000 dân công và 21 ngàn xe đạp thồ của cả nước; vận chuyển lên mặt trận hơn 10.000 tấn lương thực, hàng nghìn tấn xăng dầu, vũ khí đạn dược, thực phẩm, thuốc men... Trong chiến tranh chống Mỹ, Thanh Hóa vừa là trận tuyến chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của địch với các địa danh nổi tiếng Hàm Rồng - Nam Ngạn, Sông Yên - Phà Ghép, Đảo Mê - Biển Đông..., vừa phục vụ tiền phương “lương không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, sẵn sàng dỡ nhà, chặt cây lưu niên làm cầu, lót đáy chống lầy, đổ thóc giống ra xay gạo, nấu cơm nuôi bộ đội. Nhà thơ Vũ Đình Văn hai mươi tuổi, là lính pháo cao xạ, khi hành quân qua đất Hà Trung đã viết: “Nhắn người nặng gánh hành trang/ Yên tâm phía ấy, qua làng yên tâm”. Trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, bảo vệ biên giới phía Bắc và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot, số bộ đội là người Thanh Hóa hy sinh cao hơn cả số bộ đội Thanh Hóa thương vong trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Không nghèo sao được chỉ trong hai năm 1988, 1989, sáu cơn bão trên cấp 12 đổ bộ vào suốt một dải 102 km bờ biển của Thanh Hóa...

Nghèo nhưng Thanh Hóa quyết không chịu hèn, không chịu trì trệ. Thanh Hóa đã có tư duy đổi mới rất sớm. Độc giả lớn tuổi ở xứ Thanh hẳn còn nhớ tên tờ báo Thanh Hóa ngày trước có thêm từ “đổi mới”: Thanh Hóa đổi mới. Trên góc phải trang bốn của báo có mục thơ châm biếm, chống tiêu cực, trì trệ với lượng bài đều đặn và có tác dụng xã hội khá thời sự, lan tỏa. Giáo viên chủ nhiệm suốt bốn năm cấp I của chúng tôi là thầy Lê Văn Thiêm ở Trường Quảng Thọ thường chọn những bài hay dễ thuộc để ngoại khóa cho các học trò của mình. Tôi nhớ, thầy Thiêm đã giảng rất hay về bài “Con ốc bò lê”. Nội dung là: “Nước lên ốc bám chân cầu/ Có ông thủ cựu trong đầu mọc rêu/ Người ta như gió như diều/ Ông như con ốc sớm chiều bò lê”.

*

Hôm nay Thanh Hóa đã có những bước tiến ngoạn mục như thông tin vui mà chúng tôi đã dẫn ra ở đầu bài báo. Và giờ đây, người xứ Thanh luôn tự hào và luôn hy vọng với cơ ngơi đang phát triển bền vững từng ngày, trong đó bốn địa bàn đều có chữ Sơn (Tứ Sơn), bốn vệ tinh của đô thị trung tâm tỉnh, thành phố Thanh Hóa, là những điểm nhấn đầy tiềm lực và anh hoa, đầy hấp lực và hy vọng.Đã có khá nhiều người viết về Tứ Sơn, bản thân chúng tôi cũng đã đến từng nơi trong Tứ Sơn, đã nghĩ ngợi, đã chiêm nghiệm để viết về Tứ Sơn, song cá nhân tôi vẫn thấy còn nợ với con người, với đất đai, với núi đồi, sông biển của những điểm nhấn kinh tế, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội nơi này. Tứ Sơn, gồm Sầm Sơn, Bỉm Sơn, Lam Sơn, Nghi Sơn, các tên gọi mới xuất hiện thường xuyên như tầm vóc địa bàn kinh tế trụ cột của Thanh Hóa khoảng trên dưới bốn mươi năm nay, trong đó có nơi còn xuất hiện muộn hơn như Nghi Sơn.

Để không lặp lại những điều người khác và chính bản thân mình đã viết, chúng tôi chọn hai Sơn trong Tứ Sơn để minh chứng cho những tư duy lớn trước hiện thực lớn. Những tư duy đã tạo ra vận hội và thành công. Đó là Lam Sơn và Nghi Sơn.

Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Mía đường Lam Sơn kể rằng, vào năm 1979, trong một chuyến bay từ Lào về Việt Nam, khi qua miền thượng du, trung du Thanh Hóa, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã hỏi các chuyên gia rất nhiều về thổ nhưỡng dưới vùng màu xanh trập trùng đồi núi đất này. Các chuyên gia báo cáo, đất dưới màu xanh trập trùng đó rất phù hợp với cây mía. Lãnh đạo Thanh Hóa có mặt cùng chuyến bay đã được chỉ thị nghiên cứu đưa loại cây này vào vùng trung du, thượng du Thanh Hóa, kéo dài từ các huyện Như Thanh, Như Xuân, Thọ Xuân, Thường Xuân, Cẩm Thủy, Thạch Thành và Hà Trung.

Năm 1980, dự án trồng mía và xây nhà máy đường ở Lam Sơn được phê duyệt. Cộng hòa Pháp viện trợ xây dựng nhà máy đường công suất bốn triệu tấn mía năm. Nhưng rồi sau đó có trục trặc, phía Pháp bỏ cuộc. Dự án đứng trước nguy cơ sụp đổ nhỡn tiền. Nhưng không, người xứ Thanh, từ bác nông dân trồng mía đến anh công nhân xây dựng, từ ban giám đốc Nhà máy Mía đường đến lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở ngành liên quan đã thể hiện tư duy lớn, cử người ra nước ngoài học cách làm mía, vay vốn ngân hàng để sớm hoàn thiện xây dựng cơ bản hạng mục nhà máy sản xuất đường, khuyến khích người nông dân trồng nguyên liệu giống mới. Trăn trở vật lộn trong mười năm trời để đến năm 1990 những hạt đường tinh luyện đầu tiên đạt chuẩn Châu Âu đã ra đời trên đất xứ Thanh, để giờ đây phần Sơn phía Tây của Tứ Sơn đã đủ tiềm lực trở thành một đô thị mới; đời sống một triệu rưỡi nông dân của các dân tộc miền núi Thanh Hóa đã thoát nghèo, vươn lên giàu có, khá giả. Có thể nói, tư duy bản lĩnh bứt phá, đầy tính khoa học và nhân văn: đưa cây mía vào vùng bán sơn địa, đồi rừng của Thanh Hóa là: một “TƯ DUY LỚN viết hoa” như một nhà thơ yêu mến xứ Thanh đã khẳng định.

Gần đây vị trí của cây mía hạt đường không còn giữ ưu thế trên thị trường kinh tế thương mại như những năm trước thì ở Lam Sơn việc chuyển dịch sang trồng cây quả, hoa tươi cây cảnh trong nhà màng khá phát triển và công nghiệp chế biến vật liệu từ tre luồng đã có sản phẩm xuất khẩu sang một số thị trường lớn như Châu Âu, Hàn Quốc, Đài Loan... cũng là những tư duy lớn, mới mẻ, tiên lượng tiếp nối những vận hội chuyển mình đã có nền tảng gây dựng từ trước...

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, điểm sáng của Thanh Hóa. (Ảnh: Tư liệu)

Còn nhớ trước khi động thổ dự án Nghi Sơn, chúng tôi có chuyến đi đến vùng làng quê phía Nam của huyện Tĩnh Gia (nay là TX Nghi Sơn) nằm trong diện tích hơn một chục xã phải gấp rút giải tỏa. Tại xã Hải Yến, hôm đó có đến ba đám ma. Nhà văn K. nhìn cảnh ấy đã lo lắng đặt câu hỏi, ít hôm nữa sẽ san ủi hết mọi thứ để lấy mặt bằng xây dựng, vậy giải quyết thế nào với các ngôi mộ vừa mới hạ huyệt?

Thế rồi vào khoảng năm 2016, trong khuôn khổ trại viết văn Sầm Sơn của Báo Văn nghệ do Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ, tôi lại có dịp đi thực tế đến Nghi Sơn. Ngoài công việc tham quan những thành công của một siêu dự án với diện tích 186 ngàn ha, trong đó có cảng biển sâu 18 mét, có Khu liên hợp lọc hóa dầu với vốn đầu tư ban đầu lên đến 9 tỷ USD, có nhà máy xi măng của Hàn Quốc cực kỳ hoành tráng, tôi lặng lẽ đi tìm cái xã Hải Yến năm xưa, xem giờ “nó” ở đâu? Và đang như thế nào?

Thì ra Hải Yến đã được “di” đến ngoại vi phố Còng (thị trấn huyện lỵ Tĩnh Gia). Đó là một khu dân cư được kiến trúc thông thoáng hai bên đường rộng theo hình bàn cờ, nhà nào cũng có mặt tiền, cây xanh trùm kín cổng ngõ và hè, trông như một phố thị có nhiều thâm niên. Ngôi đình hàng trăm năm tuổi của làng được “bê” nguyên xi đến nơi định cư mới. Nam thanh nữ tú trẻ trung đi làm tại các khu công nghiêp, nhà máy. Trẻ em có sân chơi bóng đá mi ni, có vườn trẻ với mô hình nhiều con thú hiền lành quen thuộc; người già có câu lạc bộ thi ca, nữ công, bơi lội, câu cá... Có dãy hè đường đã thành phố ẩm thực với một vài thương hiệu có từ Nam Định, Hà Nội như Phở Cồ, CoffeeHà Thành, Kem Bốn Mùa...

Thấy tôi quan tâm về cái thế giới an nghỉ vĩnh hằng của con người, ông Thư, cán bộ văn hóa xã đưa tôi đến nghĩa trang mới của Hải Yến nằm bên mái đồi thấp có hàng thông reo vi vút, yên bình. Lặng nhìn các khu mộ chí chôn cất theo các dòng tộc họ mạc quy củ, khang trang, tôi thầm nghĩ, chỉ một việc tưởng như rất đỗi quen thuộc này cũng hàm chứa một tư duy lớn, tư duy về sự trân trọng bản thể thiêng liêng hồn phách của con người, đến truyền thống văn hóa đã được hun đúc từ ngàn đời, nó phục vụ cho không một riêng ai.

Những trăn trở theo hướng ngày càng hoàn hảo cho một tiền đồ vì quê hương, đất nước, vì con người từ tầm vĩ mô như một khu kinh tế nổi tiếng cả nước đến những việc chi tiết vi mô như một sân chơi cho trẻ, một câu lạc bộ thi ca cho người già, một khu nghĩa trang, một ngôi đình giữ nguyên dáng vóc từ làng cũ... đã làm nên thị xã Nghi Sơn hôm nay, một đô thị mới của xứ Thanh, nơi đang có những sức bật diệu kỳ của hơn ba mươi vạn cư dân, nơi cókhu kinh tế với tổng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thương mại đạt tới 577.034 tỷ đồng, vượt 30,8% kế hoạch so với năm trước; tổng giá trị xuất khẩu đạt 8.576 triệu USD, vượt 39%, giải quyết việc làm cho mười một vạn bốn ngàn lao động, nộp ngân sách 56.379 tỷ đồng.

3. Thanh Hóa là Đất học, mỗi địa phương trong tỉnh đều có những vùng, những nôi ươm gieo hạt giống, rèn đúc nhân tài. Từ xa xưa, tướng quân Dương Đình Nghệ ở làng Dương Xá đã thu nạp ba ngàn học trò, hiền nhân quân tử trong thiên hạ, gây dựng nên một Anh hùng giải phóng dân tộc Ngô Quyền, người đã cùng các hào kiệt từ xứ Thanh cùng quân dân Đại Việt làm nên trận Bạch Đằng bất tử, chấm dứt nghìn năm Bắc thuộc; Thái Tổ Lê Lợi và các nghĩa sỹ Lam Sơn họp hội thề Lũng Nhai, dấy đại nghĩa mười năm, thu lại giang sơn đã bị giặc Ngô biến thành quận huyện của chúng hơn hai mươi năm, đã bị vơ vét “sạch không đầm núi” (Nguyễn Trãi); đức Lê Thánh Tông ban Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức) để trong thiên hạ “không còn nơi oan khiên, để nhà nhà không còn con bất hiếu, để thánh trạch nhuận thấm đến từng làng quê, góc chợ...” (Phan Huy Chú); thầy Nguyễn Sư Lộ ở làng Cổ Quăng ngày ngày ra đường, tập hợp trẻ nhỏ, con em những người nghèo khó trong làng dạy chữ, dạy nghề, dạy đạo làm người, trong số này có người về sau đã đỗ đến đại khoa... Còn có thể kể ra nhiều, rất nhiều nữa. Đó là những trù liệu, những tư duy tầm vóc vượt lên thời đại, những tư duy đột phá xuất thần, những chiếc đinh vàng neo cốt huyết địa linh nhân kiệt vào lịch sử xứ Thanh. Cũng còn phải kể thêm rằng, sở học của người xứ Thanh là hòa cái trí lực trường ốc Vũ Môn vào đồng đất, vào cộng đồng, vào tri ân quê cha đất tổ... Điều đó có thể thấy những kỹ sư nông nghiệp ở Hà Trung đã giúp dân quanh vùng Cầu Cừ, nơi nền đất thấp dưới mực nước biển 0,5 mét lập ra hệ thống trang trại đa năng, thoát cảnh đói nghèo bao đời, tích lũy của ăn của để, khá giả ấm no, nuôi được con cái học đại học ở thành phố.

Ngày nay, nghiệp học của xứ Thanh vẫn bền bỉ dẻo dai sáng tạo với sự nghiệp trồng người, dường như bất cứ năm nào, học trò xứ Thanh cũng được vinh danh bằng các giải thưởng lớn ở các cuộc thi năng khiếu khoa học quốc tế dành cho tuổi trẻ từ nhiều châu lục khác nhau.

Vừa rồi, Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa tổ chức ba lớp tập huấn ngắn ngày cho các hội viên thuộc các chuyên ngành Văn xuôi, Thơ và Nghiên cứu lý luận phê bình. Thật xúc động và cảm phục có nhiều học viên là văn nghệ sỹ nổi tiếng đã từng đoạt giải nghệ thuật Quốc gia và Quốc tế, tuổi đã ngoài bát tuần vẫn “lên lớp” không thiếu một giờ, tinh thần và thái độ học tập cực kỳ nghiêm túc, cầu thị. Thì ra, người xứ Thanh hiếu học không kể tuổi tác, người xứ Thanh coi nghiệp học là bể lớn vô bờ... Chúng tôi nghĩ đây cũng là một tâm thái của một tư duy mới, quyết không để bị tụt hậu, quyết không cho nghèo đói trì trệ quay lại.

4. Xứ Thanh chúng ta như một Việt Nam thu nhỏ, trên xứ sở vô cùng thân yêu đó hàm chứa hai cái nôi văn minh của loài người. Sông Mã là dòng sông thiêng đổ dồn nguồn quý thủy vào bản Tén Tằn, nơi biên giới Việt Lào, tạo nên một đồng bằng rộng thứ ba đất nước, sau đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng; tạo nên một nền văn hóa vật thể và phi vật thể rực rỡ vào cỡ bậc nhất của văn hóa Đại Việt. Trên hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hàng ngàn năm lịch sử, trong cam go cũng như lúc hòa bình thịnh vượng, xứ Thanh bao giờ cũng có những đóng góp to lớn, hiệu lực; có những hiền tài vĩ nhân làm lương đống, làm cột trụ cho Quốc gia, Xã tắc...

Trong vận hội lớn và cả trong thử thách lớn hôm nay, thời kỳ công nghệ 4.0, những tư duy mới mẻ vẫn đang nảy nở bằng những gam màu xanh tươi trên mọi miền quê Thanh Hóa. Bản lĩnh và trí tuệ, tiềm năng và tiếp nhận đang là những động lực kiến tạo, khai phóng đầy năng lượng để Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, một tỉnh kiểu mẫu mà từ tháng 2 năm 1947, trong điều kiện toàn quốc đang kháng chiến chống thực dân xâm lược đầy khó khăn gian khổ hy sinh, Bác Hồ đã mong muốn, đã tin yêu, đã kỳ vọng.

Lê Ngọc Minh


Lê Ngọc Minh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]