(vhds.baothanhhoa.vn) - Đã ở tuổi 93 nhưng nghệ nhân ưu tú Ngô Trọng Bình vẫn còn minh mẫn và khỏe so với tuổi. Rít một hơi thuốc thật sâu, ông cười cười: “Hồng hồng, tuyết tuyết..., cái thời khăn đóng, búi tó, áo dài và tiếng tùng tếnh trầm đục nay còn đâu”.

Ngô Trọng Bình: Tay đàn lơi nhịp một thời

Đã ở tuổi 93 nhưng nghệ nhân ưu tú Ngô Trọng Bình vẫn còn minh mẫn và khỏe so với tuổi. Rít một hơi thuốc thật sâu, ông cười cười: “Hồng hồng, tuyết tuyết..., cái thời khăn đóng, búi tó, áo dài và tiếng tùng tếnh trầm đục nay còn đâu”.

Ngô Trọng Bình: Tay đàn lơi nhịp một thời

NNƯT Ngô Trọng Bình bên cây đàn đáy. Ảnh: Kiều Huyền

Ca trù ai hát, ai nghe...

Ngay từ khi sinh ra, ông đã ngấm và thấm những làn điệu ca trù. Bố là chánh quản ca gánh hát ở Đông Ninh (Đông Sơn), mẹ là đào nương ở Bàn Thạch (Thọ Xuân), vì thế các ngón đàn đều được ông học và luyện. Lớn hơn chút, ông xuống thị xã Thanh Hóa (TP Thanh Hóa ngày nay), rồi vào Vinh (Nghệ An) để đàn hát cho các nhà hát tư và phố có điểm hát cô đầu nổi tiếng.

Ca trù đã có một thời hoàng kim, phát triển rộng rãi, làm say đắm bao thế hệ công chúng, lôi cuốn những văn nhân nổi tiếng từ Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Dương Khuê, và sau này là Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Thế Lữ... Nét nổi bật nhất của ca trù là môn ca hát phục vụ cung đình, thờ phụng đền đài, đồng thời là “sân chơi” của tầng lớp thượng lưu, quý tộc và một số văn nhân, một lối chơi phong lưu tao nhã dần dần phát triển rộng ra phục vụ nhiều đối tượng. Dẫu có đôi chút “biến thể”, nhưng ca trù vẫn là loại hình âm nhạc có tính nghệ thuật cao và độc đáo.

Ngoài ra, ca trù còn hấp dẫn mọi tầng lớp Nhân dân do không gian hát ca trù rộng lớn, đa dạng. Ở Thanh Hóa, ca trù hưng thịnh nhất có lẽ là khoảng thời gian đầu thế kỷ XX với các làng hát, dòng họ ca công nổi tiếng cả nước. Trong đó, một số huyện như: Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa… có rất nhiều làng nghề hát ca trù. Riêng ở thị xã Thanh Hóa có Cửa Hậu, Cầu Sâng, Quán Giò, đặc biệt nhà hát bà phủ Thắng ở Cửa Hậu ngày đêm rộn ràng tiếng ca.

Từ năm 1945, nạn đói chưa qua, chiến tranh vừa đến khiến các nhà hát và các gánh hát phải giải tán. Tay đàn, tiếng đàn của ông Bình đã phải buông lơi... 53 năm. Mãi đến năm 2000 ông mới có cơ hội trở lại “nghề chơi”, với những giọt đàn, nhịp phách xưa cũ. Ông không chỉ vừa đánh đàn, vừa hát nhiều điệu hát cổ như cung bắc, thiên thai, hát ru, đại thạch, bỏ bộ… mà còn viết nhiều lời mới cho làn điệu ca trù như bài: Xuân Tân Mão, Bà Triệu, ca cảnh duyên nợ ca trù, rừng Lang Chánh... Niềm vui đến với ông, khi Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” và Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tặng Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa - Thông tin. Ông chia sẻ: “Đó là giai đoạn vui vẻ nhất trong cuộc đời tôi”.

Nhiều người cho rằng, ông Bình bị ca trù ám. Lúc nào ông cũng tha thiết truyền dạy cho một ai đó. Chính vì thế, tháng 8-2007, Câu lạc bộ (CLB) Ca trù và dân ca Thành Hạc ra đời. Không một nguồn kinh phí nào, nhiều lần ông phải mang tiền nhà để trang trải sinh hoạt của CLB, chỉ vì muốn truyền dạy và lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống cho các thế hệ kế tiếp. Kể cả khi gần tuổi 90, ông vẫn tiếp tục thành lập CLB thứ 2 mang tên Hương Xưa để lan truyền ca trù đến với mọi người. Nhưng rồi khi ông không thể lo toan được nữa, các CLB ấy cũng tự tan rã.

Khi ca trù được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại năm 2009, ông đi biểu diễn khắp nơi, trong Nam ngoài Bắc, mỗi đợt đi cả tháng. Càng đi, càng lo sợ mai này chẳng ai nhớ đến tiếng nhịp tiếng phách, ông càng mong muốn tìm cho mình một học trò thật sự muốn theo đuổi nghề để trao truyền kinh nghiệm, kỹ thuật và sự đam mê. Mươi, mười lăm học trò của ông, như: Tô Thị Minh Châu, Linh Nhâm… dù đạt Huy chương vàng, Huy chương bạc đấy nhưng rồi cuộc sống đâu có may mắn, có đủ đầy. Ông bảo: “Nghề này khó nhọc lắm, vừa hát vừa gõ phách, đúng điệu, đúng làn nhịp và đúng khuôn, đúng khổ. Đó là lý do tại sao ca trù càng ngày càng hiu hắt người tham gia”. Có lúc, ông phải treo tấm biển trước nhà: “Dạy nghề miễn phí cho ai có nhu cầu học ca trù”. Học viên cũng có, dăm ba người, nhưng cuối cùng chả có ai theo đuổi đến cùng bộ môn này.

Lần giở lại những băng đĩa, hình ảnh một “thời vang bóng”, ông càng ngậm ngùi: “6 người con, 1 trai 5 gái, và các cháu chắt cũng chẳng ai theo nghề “con hát” này. Đến nghe ca trù nó cũng không muốn. Có lần đứa cháu nói: Hát thế này, đưa vào hát đám ma thì tốt, đã khiến tim tôi nhói, lòng tôi thắt lại”.

Và cuộc mưu sinh

Ca trù là loại hình nghệ thuật quý báu của cha ông để lại đã đạt tới đỉnh cao về nghệ thuật và văn học. Không nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống có sức hút từ tầng lớp “thượng đẳng” đến bình dân, nói lên được tiếng lòng của nhiều tầng lớp trong xã hội. Cũng sức hấp dẫn ấy mà ông Ngô Trọng Bình tâm sự: “Từ 13 tuổi tôi đã đi hát, đi đàn. Đến giờ, dù ngửi thấy mùi thơm thơm của đất nhưng nếu được mời tôi vẫn sẽ… đi”.

Ngô Trọng Bình: Tay đàn lơi nhịp một thời

NNƯT Ngô Trọng Bình biểu diễn cùng các thành viên của CLB Ca trù Hà Nội. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Theo lẽ thông thường, già rồi là vui vầy với con cháu, không còn lo lắng chuyện gì. Ấy thế nhưng, đã lâu không ai mời đi đàn hát, ông quanh quẩn với đống đồ quay tông đơ, mài dao kéo phục vụ cho nghề cắt tóc. Một công việc chẳng lãng mạn và cũng không chút thi vị, nhưng lại là nghề chính để nuôi cả gia đình. Ông chia sẻ: “Mỗi tháng tôi có 700.000 đồng tiền lương, ngoài ra chẳng có một chế độ gì của nghệ nhân ưu tú. Nhưng tuổi tôi, giờ có quan tâm đến tiền đâu, sống chủ yếu bằng hoài niệm”.

Đàn ai gẩy phím non sông

Gọi hồn dân tộc Lạc Hồng năm xưa

Trời làm một trận gió mưa

Áo cơm đã thế đẩy mưa kiếp người

Tay đàn lơi nhịp một thời

Nhờ tay cơ khí nuôi đời ngày yên.

Những câu thơ ấy là do một người yêu tiếng đàn, tiếng phách của ông viết tặng. Ca trù vốn man mác buồn, từ lời thơ, đến tiếng đàn, tiếng phách. Âm hưởng ấy dường như cũng “vận” vào cái nghiệp của những người gắn bó với nó. Nhãn tiền như ông chia sẻ: “Xung quanh tôi, chẳng người nào gắn với ca trù mà có cuộc sống đủ đầy. Vì thế, lúc được mời đi biểu diễn khắp nơi hay là giai đoạn đỉnh cao của người gõ nhịp đàn phách thì thu nhập của tôi cũng chỉ gọi là... lấy vui”.

Tôi cảm nhận được tình yêu ca trù của ông. Hiếm có một người nào, 93 tuổi giọng đã có phần thều thào rồi mà vẫn mê mẩn ca trù đến vậy.

Những người hát ca trù ở xứ Thanh ngày càng thưa vắng. Nghệ nhân ưu tú Ngô Trọng Bình, giờ cũng như ngọn đèn trước gió. Tiếng phách đã gieo, người kép đàn lắng mình trong tiếng tùng tếnh trầm đục, du hành ngược dòng thời gian để đem cái thứ âm thanh tự xa xưa về với hôm nay... Âm thanh còn đó, mà tay đàn này đã buông lơi.

Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]