(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau các cơn bão, hàng chục hộ dân sinh sống quanh khu vực núi Cát Dương, thôn Đại Thắng, xã Lĩnh Toại (Hà Trung) luôn sống trong sợ hãi, bởi tình trạng sạt lở núi nghiêm trọng, đang hàng ngày đe dọa tính mạng của họ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người dân nơm nớp nỗi lo sạt lở núi

Sau các cơn bão, hàng chục hộ dân sinh sống quanh khu vực núi Cát Dương, thôn Đại Thắng, xã Lĩnh Toại (Hà Trung) luôn sống trong sợ hãi, bởi tình trạng sạt lở núi nghiêm trọng, đang hàng ngày đe dọa tính mạng của họ.

Mục sở thị khu vực này, những lớp đất, đá sạt từ núi Cát Dương sạt lở xuống mái nhà, sân vườn của các hộ dân trong thôn. Người dân thôn Đại Thắng cho biết, vào mùa mưa, tình trạng sạt lở đất càng trở nên nghiêm trọng hơn, khi lượng lớn đất sạt lở vùi lấp sân, vườn, đe dọa tính mạng, tài sản của các hộ dân. Đã có nhiều hộ bị sập nhà. Tình trạng này khiến cho không ít hộ dân phải đóng cửa, bỏ nhà đi nơi khác vào những lúc trời mưa to. Vừa qua, gia đình bà Trần Thị Mơ, ông Thiều Văn Duy (thôn Đại Thắng) bị đất núi sạt lở trôi xuống phía sau nhà với khối lượng trên 200m3. Đá lăn từ trên núi Cát Dương cũng đè sập mái tôn hộ ông Ngô Tiến Nguyên cùng thôn.

Một hộ dân cho biết: “Nhà dưới chân đồi, ngày nào chúng tôi cũng nơm nớp lo sợ. Gần đây thấy núi sạt lở nhiều, gia đình định thuê máy múc đào đi, nhưng do nhiều nguyên nhân nên lại thôi. Rất mong chính quyền các cấp sớm có giải pháp hỗ trợ người dân.”

“Biết là sống dưới chân núi rất nguy hiểm, đặc biệt mưa lũ ập đến bất cứ lúc nào gây sạt lở đất, nhưng giờ chưa có chỗ ở mới nên không biết đi đâu. Hễ mưa là lo nơm nớp, sống trong sợ hãi lâu dần cũng quen, mưa thì cố gắng tìm nơi trú ngụ, tạnh ráo lại quay về sinh hoạt, sản xuất” - ông L.V.K, thôn Đại Thắng, chia sẻ.

Đá văng xuống từ núi Cát Dương làm hỏng mái lợp hộ ông Ngô Tiến Nguyên, thôn Đại Thắng, xã Lĩnh Toại, huyện Hà Trung.

Qua quan sát, lượng lớn đất, đá bị sạt lở nằm dọc Tỉnh lộ 508, đoạn K5+220 trái tuyến hướng đi huyện Nga Sơn, cách mép đường 15 - 20m. Chiều dài đoạn nguy cơ sạt lở 40 - 50m, vách núi tạo dốc đứng, cách nhà dân khoảng 3 - 5m.

Trước tình trạng này, đầu tháng 9/2020, UBND xã Lĩnh Toại đã báo cáo lên UBND huyện tìm hướng xử lý. Đồng thời, mong muốn cơ quan chức năng sớm cho đoàn về kiểm tra, đánh giá hiện trạng, tìm cách khắc phục, xử lý.

Ông Mai Văn Nam - Chủ tịch UBND xã Lĩnh Toại, cho biết: "Cứ mỗi khi mưa bão về, địa phương luôn cử cán bộ xuống thôn Đại Thắng hỗ trợ, hướng dẫn bà con trong vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Chúng tôi cũng chuẩn bị kế hoạch, phương án nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người và tài sản đối với các hộ dân sống dưới chân núi. Tuy nhiên, về lâu về dài rất mong các cấp, các ngành liên quan sớm có biện pháp hỗ trợ giúp địa phương cũng như bà con yên tâm sinh sống, sản xuất".

Theo Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, toàn tỉnh có gần 4.000 hộ dân sống trên triền đồi, khu vực chân núi, ven sông, suối... có nguy cơ sạt lở đất. Để hạn chế thấp nhất những rủi ro do sạt lở đất, đá gây ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa thường xuyên có văn bản yêu cầu các địa phương rà soát mức độ nguy hiểm, lên phương án di dân bảo đảm an toàn cho người dân khi có tình huống xấu và nguy cơ sạt lở đất...

Trường An


Trường An

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]