(vhds.baothanhhoa.vn) - Đạt chuẩn NTM từ năm 2015, tuy nhiên đến nay, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn xã Hải Châu (Tĩnh Gia) vẫn đang sống chung với tình cảnh “khát” nước sinh hoạt, do nguồn nước bị nhiễm mặn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người dân xã nông thôn mới “khát” nước sạch

Đạt chuẩn NTM từ năm 2015, tuy nhiên đến nay, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn xã Hải Châu (Tĩnh Gia) vẫn đang sống chung với tình cảnh “khát” nước sinh hoạt, do nguồn nước bị nhiễm mặn.

Trong khi người dân các xã lân cận được tiếp cận với nguồn nước sạch, thì tại xã Hải Châu (Tĩnh Gia) người dân vẫn phải “còng lưng” vác gầu, thùng đi xin nước hàng xóm về dùng hàng ngày. Thậm chí, các hộ kinh tế khá giả, dù có đào giếng khoan sâu tận gần 50m, nguồn nước vẫn nổi váng, mùi tanh chỉ sau một ngày.

Lâu nay, nguồn nước sinh hoạt của gia đình bà Đỗ Thị Mong (thôn Yên Châu) luôn phụ thuộc vào bể chứa nước mưa, nhà đông người, để có nước sinh hoạt, hàng ngày bà cùng con gái mới lớn phải “cặm cụi” sang hàng xóm xin nước. Do bể nước mưa nhỏ, bà phải mua bình lọc để nấu ăn, uống. Nguồn nước giếng đào trước đây bị nhiễm mặn, nước có mùi tanh, hôi gia đình không dùng được.

Còn tại hộ ông Hoàng Việt Bằng (thôn Yên Châu) cho biết: “Đã nhiều năm nay, gia đình luôn sống chung với lũ, nhà có 6 thành viên sinh sống, nguồn nước lại bị nhiễm mặn, mặc dù có xây bể chứa nước mưa, nhưng vì tiết kiệm nước đành phải mua bình lọc nước hoặc sang các hộ dân khác không bị nhiễm mặn xin về để dùng. Nhà có giếng, khi bơm lên mặc dù lắng, lọc nhưng khi đổ vào chậu, nước ngả màu, có mùi tanh”.

Nguồn nước mưa trong bể hộ gia đình anh Hoàng Việt Bằng, thôn Yên Châu, xã Hải Châu sắp cạn kiệt, không đủ dùng trong ít ngày tới.

Thực tế tình trạng thiếu nước sinh hoạt tập trung tại một số thôn như Yên Châu, Bắc Châu, điều đáng nói, mặc dù nhiều hộ dân có đào giếng khoan, nhưng nguồn nước vẫn chưa đảm bảo, nhiễm phèn, mùi tanh nồng.

Ông Nguyễn Văn T. (thôn Bắc Châu) cho hay: “Dùng nước nhiễm mặn, quần áo nhanh hỏng, tội mấy đứa nhỏ, mùa hè nắng nóng khi tắm xong, tối thấy ngứa, có chút nước mưa trong bể không dám dùng nhiều vì sợ hết”.

Yên Châu hiện có 340 hộ/2.000 nhân khẩu, đây là thôn chịu ảnh hưởng nặng nhất của xã. Ông Trần Văn Nhiên - Bí thư chi bộ thôn, cho biết nguồn nước nhiễm mặn khiến nhiều gia đình tại đây luôn sống trong tình cảnh “dở khóc, dở mếu”. Vào mùa hè, nước tắm giặt đã khổ nhưng nước ăn lại càng khổ hơn. Những hôm nắng nóng, dân ở đây quý nước mưa trong bể như vàng, không dám sử dụng nhiều, chủ yếu mua bình lọc, bí quá phải vác gánh sang hàng xóm xin nước về dùng.

Xã Hải Châu hiện có 10 thôn/2.443 hộ, nhưng có đến 5 thôn nguồn nước bị nhiễm mặn, không sử dụng được, tập trung tại các thôn Yên Châu, Bắc Châu, Liên Thành, Liên Hải...). Nước nhiễm mặn còn khiến đất canh tác nông nghiệp của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bỏ hoang nhiều. Đa số hộ dân chỉ biết tận dụng để sản xuất muối, nuôi tôm.

Nguyên nhân chính khiến nguồn nước bị nhiễm mặn, phèn tại xã Hải Châu được xác định là vùng trũng, thấp, đặc biệt do nghề sản xuất muối của địa phương có từ lâu đời, cộng thêm việc nuôi trồng thủy sản tại các con sông không có hệ thống xử lý, trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn nước của bà con.

Nguồn nước tại các hộ thôn Bắc Châu, Hải Châu cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Vừa qua “cực chẳng đã” một số hộ dân nghèo đành “cắn răng” bỏ ra chục triệu đồng để khoan giếng, lấy nước, cuộc sống khó khăn, lo ăn, lo học cho con cái, nhiều hộ đành chấp nhận làm bạn với những cái giếng đào cũ kỹ, xin nước hàng xóm sống qua ngày. Dẫu biết, nguồn nước ấy không đảm bảo vệ sinh, nhưng chẳng còn cách nào khác.

Ông Đặng Duy Tân, Chủ tịch UBND xã Hải Châu, thở dài: “Tình trạng người dân trong xã thiếu nước sinh hoạt, do nguồn nước bị nhiễm mặn diễn ra nhiều năm qua, mặc dù nhiều hộ cố gắng đào giếng thật sâu, xây bể chứa nước mưa, nước vẫn không đảm bảo. Chúng tôi mong muốn Nhà nước sớm đầu tư hệ thống nước sạch cho bà con”.

Cũng theo vị chủ tịch này, địa phương đã có đề xuất gửi lên huyện xây dựng dự án cấp nước sinh hoạt cho các hộ, trước mắt động viên người dân xây dựng bể lắng, mua bình lọc nước về sử dụng.

Thiết nghĩ, đưa nước sạch về vùng nông thôn nhằm cải thiện đời sống nhân dân là tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM. Song, với một xã đã về đích NTM như Hải Châu, việc để người dân thiếu nước sinh hoạt, nước sạch là câu chuyện đáng buồn.

Trung Lê


Trung Lê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]