(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ khi khởi nghiệp năm 2018, đến năm 2020, Công ty TNHH Ngân Khương (xóm 5, xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn) đã có 5 sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao. Đó chính là những thành tích và nỗ lực của Giám đốc Mai Thị Yến.

Người gây dựng thương hiệu cói Ngân Khương

Từ khi khởi nghiệp năm 2018, đến năm 2020, Công ty TNHH Ngân Khương (xóm 5, xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn) đã có 5 sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao. Đó chính là những thành tích và nỗ lực của Giám đốc Mai Thị Yến.

Người gây dựng thương hiệu cói Ngân Khương

Nhiều người biết Mai Thị Yến là con gái của Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang, bà Trần Thị Việt. Lẽ thường, chị Yến chẳng cần phải lăn lộn đến vậy, cứ thế mà tận dụng những thành quả của gia đình. Nhưng chị chia sẻ: “Tôi đã muốn mở công ty riêng từ rất lâu rồi, nhưng vì có thời gian phải gác lại vì chuyện gia đình. Năm 2018, từ Liên bang Nga về, Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang đã đầy đủ các vị trí nhân sự, vì thế tôi quyết định thành lập Công ty TNHH Ngân Khương. Một phần là muốn phát triển nghề truyền thống của địa phương và gia đình, một phần muốn thu hút công nhân lao động có việc làm ổn định”.

Nói là làm, ngay trong năm, chị đã thử nghiệm đủ các sản phẩm cói. Để rồi cuối cùng quyết định tham dự OCOP với 5 sản phẩm. Và 2/5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, đó là: Chiếu xách tay Ngân Khương và Thảm cói trải sàn Ngân Khương. Tiếp đó, năm 2020, chị hoàn thiện sản phẩm để Chiếu dệt tay thủ công, Hộp đựng đồ Ngân Khương, Túi du lịch Ngân Khương đã đạt tiêu chuẩn. “Niềm vui đó là động lực để tôi luôn phấn đấu”, chị Yến tâm sự.

Trước đó, nhiều người đặt câu hỏi tại sao nếu vẫn tiếp tục nghề cói mà không làm cùng công ty mẹ, còn nếu quyết tâm làm riêng thì sao không làm lĩnh vực mới? Nhưng chị hiểu rõ sự độc lập để trưởng thành và chị yêu nghề cói. Từ khi sinh ra, chưa lúc nào chị thấy mẹ ngơi nghỉ trăn trở để phát triển thương hiệu cói ở đất tổ nghề này.

Người gây dựng thương hiệu cói Ngân KhươngChị Mai Thị Yến kiểm tra cói nguyên liệu.

Nhớ lại thời kỳ đầu khó khăn không kể xiết. Thiếu tiền, thiếu nguyên liệu, nhưng chị không nản chí. Chị đã tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, đầu tư công nghệ, trang thiết bị... Với lợi thế từ các mối quan hệ có sẵn và gây dựng đối tác mới, điều đầu tiên chị Mai Thị Yến mong muốn là có đủ các đơn hàng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho người lao động. Ngoài 15 người làm trực tiếp ở công ty, còn có 200 nhân công ở 7 đầu mối đại lý. Sau khi được công ty giao nguyên liệu, các đại lý sẽ chuyển hàng đến người dân để hoàn chỉnh sản phẩm thô. Chị Yến: “Với một sản phẩm cói tự nhiên quan trọng nhất là tránh nấm mốc. Cói Ngân Khương cũng vậy, chúng tôi đặc biệt chú trọng khâu xử lý này”.

Khi được hỏi đâu là khác biệt, giúp người tiêu dùng có thể phân biệt giữa cói Ngân Khương và gần 20 nhãn hiệu sản phẩm cói khác ngay trên chính địa bàn huyện Nga Sơn? Chị Yến cho biết: "Quả thật, để tạo tính đặc trưng, riêng biệt cho sản phẩm cói là việc không dễ. Bởi là hàng thủ công, lại thêm chất liệu cói nên độ tinh xảo sẽ khó khăn. Tuy vậy, chúng tôi đã cố gắng chú ý đến các chi tiết nhỏ để tạo sự nổi bật hơn cho sản phẩm của mình. Chẳng hạn, những đường sọc giúp tăng tính thẩm mỹ của chiếc túi. Khi có mã hàng mới, chúng tôi sẽ cho người xuống các đại lý để trực tiếp dạy cho người dân.

Chị Mai Thị Yến dự định phát triển sản phẩm chiếu du lịch và đăng ký sản phẩm đạt chất lượng OCOP 4 sao trong thời gian tới. Giới thiệu với chúng tôi sản phẩm này, chị nói: “Khi chúng ta kiểm soát được dịch COVID-19, mọi người sẽ đi du lịch nhiều hơn. Và chiếc chiếu kích thước 0,8m x 2m, có thể gập lại xách như một cái túi, nặng chưa đến 1kg với giá 300.000 đồng, sẽ là lựa chọn của mọi người”.

Rất tự tin, chị Yến cho biết thêm: Ở vùng cói, nếu không biết tận dụng hết tài nguyên thì đó là lỗi của mình. Cây cói gắn bó với tôi từ khi sinh ra đến giờ. Vì thế, trách nhiệm của tôi ngoài việc nối nghiệp của gia đình, còn là phải trả ơn mảnh đất này". Bởi thế, chị đã nỗ lực để hơn 200 lao động của Công ty TNHH Ngân Khương có thu nhập thường xuyên từ 5-7 triệu đồng/tháng.

Là một doanh nghiệp còn non trẻ, ban đầu chị Yến tập trung vào một số sản phẩm và làm gia công cho một số công ty. Tuy vậy, đến thời điểm này, doanh thu của công ty đã ổn định, chị đã nhận được đơn hàng trực tiếp xuất khẩu sang Australia. Trong thời gian tới, chị mong muốn sẽ đưa chiếu cói dệt xuất khẩu sang một số nước châu Á và châu Âu.

Đạt chứng nhận OCOP cho sản phẩm đúng vào thời điểm cả thế giới ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhiều kế hoạch phát triển của Công ty TNHH Ngân Khương đã không thực hiện được, như: trưng bày sản phẩm tại siêu thị Co.opmart, xúc tiến và quảng bá mặt hàng ở nhiều địa phương. Song, điều mừng nhất là sau khi đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm cói Ngân Khương có nhiều đơn đặt hàng hơn, chỉ có khâu vận chuyển là khó khăn do chịu sự tác động của dịch.

Còn trẻ, tham gia vào nghề này đã khó. Và khó hơn là chị Mai Thị Yến đã gây dựng để chỉ trong hơn 2 năm công ty đã đạt doanh thu từ 5-7 tỷ đồng/năm. Đó có thể chưa phải là con số lớn so với các doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề cói. Nhưng với một người trẻ, hơn 35 tuổi, thì đó là thành công đáng ngưỡng mộ. Chị Yến bộc bạch: “Nếu không có bệ đỡ của gia đình, sự hỗ trợ của Nhà nước và tình yêu cói, tôi không thể tồn tại được trong ngành này, chứ đừng mong phát triển. Tôi càng phải khẳng định mình, phải nỗ lực nhiều hơn người khác rất nhiều, ít nhất không phải là cái bóng của gia đình".

Bài và ảnh: Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]