Người thầy dành thanh xuân “gieo chữ” nơi vùng biên Mường Lát
Mùa thu năm 1990, thầy Nguyễn Văn Giang là 1 trong 13 sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa khăn gói ngược huyện vùng biên Mường Lát nhận việc. Vượt qua những khó khăn, chông gai thử thách nơi mảnh đất cằn sỏi, hơn 30 năm qua, thầy Giang vẫn miệt mài gieo chữ” bằng tình yêu của những ngày đầu…
Thầy Nguyễn Văn Giang, Hiệu trưởng Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát.
Tôi gặp thầy Giang trong căn phòng hiệu bộ cũ, được trưng dụng cho chức năng phòng làm việc, đồng thời cũng là nơi ăn, chốn nghỉ của thầy. Trường không có khu hiệu bộ. Thầy Giang bảo, ngày trước cũng có một vài thầy cô trẻ miền xuôi ở lại trường, góp gạo thổi cơm chung. Nhưng nay, chỉ còn mình thầy ở lại. Các thầy, cô khác đã lập gia đình, mua đất làm nhà, ra ở riêng.
Với thầy Giang, những ngày hè là buồn nhất. Học sinh nghỉ nhưng thầy thì vẫn ở lại. Thầy bảo còn nhiều việc phải làm cho xong trước năm học mới.
Hơn 30 năm trôi qua, kể từ ngày lên với mảnh đất vùng biên, nhiều biến cố thầy bảo đã rơi vào quên lãng, nhưng nhắc về kỷ niệm ngày rời quê hương Nga Sơn lên nhận việc, thì với thầy vẫn mãi là những ký ức không thể xóa nhòa.
Đó là ngày trời đổ mưa tầm tã. Đi đến đất Hồi Xuân, huyện Quan Hóa bằng cách ngồi nhờ chiếc xe vận tải. Trước mặt thầy là những núi non trùng điệp, con đường lởm chởm sỏi đá… Chặng đường trước mặt gần 100 km phải cuốc bộ, thực sự là những thử thách chông gai không bao giờ quên của chàng thanh niên vừa rời ghế giảng đường…
Sau 2 ngày cuốc bộ, thầy cũng đến được với nơi mình công tác, đó là Trường PTCS Quang Chiểu. Mái trường tranh tre, nứa lá nằm lọt thỏm dưới những tán rừng thâm u, bên con suối Xim ầm ầm, như thêm phần thách thức. Ngôi trường vùng biên ngày ấy, mỗi lớp chỉ mươi học sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau. Lớp của thầy thậm chí có những học trò bằng tuổi của thầy. Nhiều trò nhỏ, gầy, đen đúa, chưa nói sõi tiếng phổ thông. Nhưng thương nhất là chứng kiến những trò nhỏ, hằng ngày vẫn băng rừng, vượt suối gần chục cây số để đến trường.
Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát nơi thầy Giang công tác.
Bám bản, bám lớp không được bao lâu, do khí hậu vùng biên khắc nghiệt, thầy Giang ốm, sốt. Các trò đến hỏi thăm, có trò mang cho thầy gùi ngô, đùm khoai. Có trẻ mặt mũi lấm lem, quần áo ướt sũng tặng thầy con cá vừa bắt ở suối. Chẳng thuốc men gì, những tình cảm yêu quý ấy bắt thầy phải khỏe lại, tiếp tục đứng lớp.
Rồi những kỷ niệm sau hè, sau tết… các thầy, cô lại chia nhau từng quả đồi, vượt qua từng con suối, băng qua những cánh rừng, gọi các em trở lại trường. Có em chỉ cần nghe tin thầy, cô đến đã muốn đi học ngay. Nhưng lại có em, thầy cô đến đến 2, 3 lần vẫn chưa gặp được vì bố mẹ bắt lên rẫy.
“Việc học hành của các con thời điểm đấy chưa được quan tâm như bây giờ. Ai muốn học thì học, ai không học thì đi rừng, làm rẫy, lấy vợ, lấy chồng… bố mẹ cũng không ép buộc” - thầy Giang bảo.
“Thầy đã từng có ý định xin chuyển xuôi công tác?” - Tôi hỏi. Thầy Giang mở tập hồ sơ cá nhân bảo, lá đơn xin chuyển xuôi từ hơn 20 năm trước vẫn còn đó, thầy chưa gửi.
Thầy kể: “Lần viết đơn xuất phát từ trách nhiệm với gia đình, với 2 đứa con. Sở dĩ lá đơn còn đó là bởi, lá thư động viên của vợ đến trước”.
"Vợ tôi viết: Anh cứ yên tâm công tác, đó không chỉ là tình yêu, còn là trách nhiệm. Cùng làm trong ngành giáo dục, em hiểu và cảm thông, em sẽ chăm lo tốt cho các con…”.
Thầy Giang hỗ trợ cán bộ y tế tiêm vắc xin COVID-19 cho học trò.
Nhiều năm gắn bó với mảnh đất vùng biên, trải qua nhiều cương vị công tác, nay với vai trò là Hiệu trưởng Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát, thầy Giang bảo: dù làm ở cương vị nào thì niềm vui và sự hạnh phúc chính là “chèo lái” thành công những lớp học trò trưởng thành. Đặc biệt với thầy, lứa học trò những năm 1990, nay đã có `nhiều người làm cán bộ trong ngành, cán bộ xã, làm kỹ sư, bác sỹ… Sự thành công của học trò chính là sự khẳng định lựa chọn của tuổi trẻ là đúng đắn.
Với nhiều năm cống hiến, thầy Giang vinh dự khi được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác thể dục, thể thao thuộc các Sở Giáo dục giai đoạn 2004 - 2008; được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen năm học 2011- 2012 và nhiều thành tích khác.
Cuộc trò truyện của tôi với thầy bị cắt ngang bởi cuộc gọi của một số máy lạ. Hóa ra, đó là học trò cũ của thầy báo tin. Đứa học sinh gầy gò, ốm yếu năm nào nay lại sắp trở thành đồng nghiệp. Qua ánh mắt, tôi có thể cảm nhận được sự hạnh phúc của thầy - một người đã dành cả thanh xuân cho nghiệp “gieo chữ” vùng biên.
Đình Giang
{name} - {time}
Hoàng Thị Huê ( Huê Phú) - 12:16 09/07/22
Nguyễn Tuấn Anh - 22:00 08/07/22
- 2023-09-18 09:47:00
Người “kết nối” dòng chảy tín dụng chính sách
- 2023-09-17 10:12:00
Nhà giáo, nhà nghiên cứu Xứ “Mường Trong”
- 2022-07-01 15:53:00
Trạm trưởng trạm y tế nhiệt huyết với nghề
Chuyện “gã giám đốc liều” trên lòng hồ Cửa Đạt
Nữ Bí thư chi bộ nhiệt huyết
Nghệ nhân nặng lòng với nghề dệt thổ cẩm
Gương sáng trong đồng bào Công giáo ở Nguyên Ngọc
Hành động đẹp của anh Bí thư đoàn
Người tiên phong hiến đất mở rộng đường ở Phù Lạc
Tiến sĩ Nguyễn Quang Minh: Vị đại khoa trên đất Vãn Hà
Anh Thanh sáng chế
Chàng thanh niên miền núi làm giàu từ nuôi ong lấy mật