(vhds.baothanhhoa.vn) - Suốt gần chục năm qua, hàng chục hộ dân thôn Kiều Đại 3, phường Quảng Châu (TP Sầm Sơn) dù đã nộp tiền mua đất cho UBND phường, thế nhưng đến nay vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ, tức bìa đỏ). Lý do được cho là vị Chủ tịch UBND xã lúc bấy giờ (chưa lên phường) đã sử dụng số tiền dân đóng để chi trả nợ sai mục đích?...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nguyên Chủ tịch xã Quảng Châu chi sai tiền bán đất?

Suốt gần chục năm qua, hàng chục hộ dân thôn Kiều Đại 3, phường Quảng Châu (TP Sầm Sơn) dù đã nộp tiền mua đất cho UBND phường, thế nhưng đến nay vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ, tức bìa đỏ). Lý do được cho là vị Chủ tịch UBND xã lúc bấy giờ (chưa lên phường) đã sử dụng số tiền dân đóng để chi trả nợ sai mục đích?...

“Sống mòn” trên mảnh đất tái định cư

Trao đổi trực tiếp với các hộ dân nơi đây, đại diện hộ ông Đỗ Đình Hưng cho biết: “Khoảng 40 hộ dân chúng tôi thuộc diện tái định cư (TĐC) dự án đường Đại lộ Nam sông Mã. Sau khi nhường đất cho dự án, chúng tôi được bố trí tới mặt bằng TĐC mới với hai phân lô: lô 1 và lô 2. Để có đất, các hộ dân chúng tôi đã nộp cho UBND xã Quảng Châu 75 triệu đồng/hộ, có phiếu thu, chữ ký của chính quyền. Thế nhưng, từ đó tới nay, nhiều lần người dân kiến nghị, yêu cầu chính quyền thực hiện trách nhiệm để cơ quan chức năng cấp QSDĐ cho các hộ dân, songđến nay vẫn chưa được giải quyết. Bức xúc hơn khi biết nguyên nhân được cho là vị chủ tịch xã thời điểm bấy giờ đã sử dụng số tiền dân đóng để trả nợ. Nợ gì thì không rõ”.

Cũng theo hộ ông Hưng, vì không có bìa đỏ nên mảnh đất của gia đình dù có mặt tiền là đường lớn thế nhưng ông không thể xây dựng nhà cửa kiên cố, cũng như thế chấp vay mượn ngân hàng đầu tư, kinh doanh. Cái quyền duy nhất hộ ông Hưng có được là xây dựng một căn nhà tạm cấp bốn, mái tôn bày mấy bộ bàn ghế để bán phở nuôi mấy miệng ăn trong gia đình. Dù vậy, việc kinh doanh cũng không thuận lợi khi quán xá tạm bợ không được đầu tư, mái tôn nóng nực, bụi bặm... không có khách.

Ông Hưng bức xúc: “Các anh coi, mái tôn nóng nực, bàn ghế tuềnh toàng, mình muốn thế chấp vay vốn ngân hàng để đầu tư lớn hơn, song không có bìa đỏ nên chịu. Vay lãi ngoài để xây dựng thì chính quyền, quy tắc đô thị họ không cho xây vì chưa được cấp giấy phép... Kiến nghị mãi, giờ mệt mỏi lắm rồi đành phải bó gối cam chịu cảnh nghèo!”

Hộ gia đình ông Đỗ Đình Hưng (bên phải) thôn Kiều Đại 3 đại diện cho 27 hộ dân chưa được cấp trích lục bức xúc khi nộp tiền đất từ năm 2009 đến nay vẫn chưa được cấp trích lục QSDĐ.

Cách hộ ông Hưng không xa là hộ ông Đỗ Đình Nguyên. Ông Nguyên cho biết: “Gia đình đang xây dựng tầng 2 căn nhà. Chật chội quá gia đình không thể chấp nhận mãi cái cảnh chờ sổ đỏ rồi mới làm. Sáng nay, quy tắc đô thị xuống lập biên bản nhưng chúng tôi không ký vì cái sai không phép, không bìa là do chính quyền, do xã chứ không phải do dân!”

Thảm cảnh của hộ ông Hưng, ông Nguyên cũng là bức xúc chung của 25 hộ dân khác. Trong đó, phần lớn các hộ dân đều đang phải ở trong những căn nhà cất dựng tạm bợ; có hộ phải đi ở nhờ.Đáng nói hơn khi cái gọi là mặt bằng TĐC thế nhưng hạ tầng cơ sở gần như không có gì, điện không, cầu cống không, nước không, đường sá tạm bợ, cỏ cây um tùm...

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trước những phản ánh của người dân, chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Huy Thoại - Chủ tịch UBND phường Quảng Châu, tuy nhiên vị chủ tịch phường này cáo bận với lý do phải đi họp, ủy quyền trao đổi với bà Nguyễn Thị Mận - Phó Chủ tịch UBND phường. Tuy nhiên bà Mận cũng nhanh chóng khước từ trao đổi với lý do trách nhiệm trả lời báo chí ở Chủ tịch?!

Một lần nữa phóng viên liên hệ với ông Nguyễn Hữu Quyền - Bí thư Đảng ủy phường Quảng Châu, ông cho biết: Khi dự án đường đại lộ Nam sông Mã triển khai qua địa bàn xã, toàn xã có khoảng hơn 40 hộ bị ảnh hưởng, phải TĐC. Sau khi bố trí quỹ đất, các hộ bị ảnh hưởng được ưu tiên ra mặt bằng TĐC số 38. Đây là mặt bằng vừa phục vụ TĐC cho các hộ dân bị ảnh hưởng vừa đấu giá QSDĐ lấy nguồn đầu tư hạ tầng cơ sở mặt bằng.

Lý giải vì sao người dân đã hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền đất từ lâu mà chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, ông Quyền khẳng định: Trước hết phải khẳng định đây là sai phạm của địa phương. Thời điểm bấy giờ, sau khi các hộ dân nộp tiền (75 triệu đồng/hộ) cho UBND xã thì Chủ tịch xã lúc bấy giờ là ông Nguyễn Huy Thành đã không nộp số tiền trên vào kho bạc để làm trích lục cho các hộ dân mà sử dụng số tiền để chi cho Công ty Thiên Đồng (doanh nghiệp đóng tại địa phương, hiện đang thi công mặt bằng khác của xã).

“Lẽ dĩ nếu như Công ty Thiên Đồng hoàn trả lại số tiền đã ứng trước trên cho xã, và xã nộp vào kho bạc thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên, Công ty Thiên Đồng sau khi hoàn thành mặt bằng cũng không chịu trả lại số tiền trên (hiện công ty này đang nợ phường Quảng Châu 1,3 tỷ đồng) dẫn đến việc các hộ dân đến nay vẫn chưa thể làm giấy chứng nhận QSDĐ” - Ông Quyền cho biết.

Khi phóng viên hỏi vì sao mặt bằng số 38 đến nay vẫn còn dang dở, không điện, không nước, cầu cống cũng không? Ông Quyền thừa nhận mặt bằng vẫn chưa được hoàn tất. Việc người dân phải đi xin đấu nhờ điện, xin nhờ nước và vẫn bị ngập mỗi mùa mưa là thực tế đang diễn ra tại mặt bằng số 38.

Mặt bằng số 38 do UBND xã lúc bấy giờ làm chủ đầu tư, nhà thầu thi công là Công ty Cao Nguyên. Nguồn vốn để đầu tư hạ tầng mặt bằng dự kiến lấy từ nguồn đấu giá QSDĐ và phần trăm từ nguồn dân đóng góp tiền đất. Tuy nhiên, khi cân đối thì 2 khoản trên không đủ để đầu tư hạ tầng mặt bằng, trong khi nguồn tiền thu tiền đất chủ tịch xã đã chi cho nhà thầu khác không lấy lại được, dẫn đến việc đầu tư hạ tầng mặt bằng còn dang dở. Công ty Cao Nguyên sau khi hoàn thành một số hạng mục thì cũng bỏ dở, chính quyền cũng đã thanh quyết toán những hạng mục đã làm cho phía công ty.

Trước những sai phạm trên, huyện Quảng Xương bấy giờ (xã Quảng Châu chưa chia tách khỏi huyện Quảng Xương) đã thành lập đoàn kiểm tra về các khoản thu và sử dụng tiền đất tại xã. Sau đó có Kết luận vi phạm số 28, có xử lý kỷ luật cảnh cáo chủ tịch UBND xã. “Khi xã Quảng Châu được tách khỏi huyện Quảng Xương và sáp nhập vào TP Sầm Sơn. Trước khi sáp nhập, địa phương cũng chủ động lập báo cáo những cái vi phạm nguyên tắc trong quản lý đất đai theo Kết luận số 28 đề nghị UBND TP Sầm Sơn có hướng tạo điều kiện xử lý nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết” - ông Quyền cho biết thêm.

Trước thực trạng người dân đang phải từng ngày sống mòn trong những ngôi nhà ọp ẹp, dựng tạm mà không được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, không được cấp phép xây dựng; hạ tầng cơ sở mặt bằng điện nước thiếu thốn... Để cuộc sống người dân sớm ổn định, các cấp, ngành chức năng thành phố Sầm Sơn và tỉnh Thanh Hóa cần sớm vào cuộc làm rõ sự việc, trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.

Đình Giang


Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]