(vhds.baothanhhoa.vn) - Lại Thế Khanh người làng Quang Lãng, huyện Tống Sơn, nay là làng Đông Thôn, xã Hà Dương, huyện Hà Trung. Họ Lại ở đây đã nhiều đời làm quan phò tá nhà Lê. Vốn dòng dõi công hầu khanh tướng, vừa là bậc tôi trung, Lại Thế Khanh có tâm nguyện phò Lê, diệt Mạc. Tôi luyện qua thử thách, ông và các bậc hào kiệt họ Lại được nhà Lê tin dùng. Với tư chất thông minh, trí dũng danh tướng họ Lại đã lập nhiều chiến công lừng lẫy, được vua Lê ân sủng. 

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhân vật lịch sử Lại Thế Khanh Triều Lê Trung hưng

Lại Thế Khanh người làng Quang Lãng, huyện Tống Sơn, nay là làng Đông Thôn, xã Hà Dương, huyện Hà Trung. Họ Lại ở đây đã nhiều đời làm quan phò tá nhà Lê. Vốn dòng dõi công hầu khanh tướng, vừa là bậc tôi trung, Lại Thế Khanh có tâm nguyện phò Lê, diệt Mạc. Tôi luyện qua thử thách, ông và các bậc hào kiệt họ Lại được nhà Lê tin dùng. Với tư chất thông minh, trí dũng danh tướng họ Lại đã lập nhiều chiến công lừng lẫy, được vua Lê ân sủng.

Nhân vật lịch sử Lại Thế Khanh Triều Lê Trung hưng

Có một dòng họ như thế…

Lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam và thời đại ngày nay, các sử gia đã có công rất lớn trong việc nghiên cứu, ghi chép, biên soạn, xuất bản, phát hành, truyền bá, lưu trữ... để lại cho quá khứ, hiện tại và tương lai những bộ quốc sử, chính sử đồ sộ, vô giá. Tương tự như thế, mỗi một dòng họ ở mọi miền đất nước cũng truyền đi thông điệp hướng con người về với nguồn cội, tổ tông... cũng dày công nghiên cứu biên chép nên những cuốn sách, bản gia phả dòng họ để lại cho muôn đời sau, dù đi đâu, làm gì cũng đều hướng về nguồn cội, dòng họ, nơi “chôn rau, cắt rốn”, có tổ tiên, ông bà cha mẹ truyền đời gắn bó, mưu sinh...

Cuốn Gia phả xưa nhất của họ Lại (bằng chữ Hán) thời vua Lê Cảnh hưng năm thứ nhất (1740) ở làng Quang Lãng, huyện Tống Sơn còn lưu giữ đến ngày nay đã ghi chép từ đời đức triệu tổ là quan huyện thừa Lại Thế Tương là hậu duệ của viễn tổ Lại Tiên đến vùng đất Quang Lãng sinh cơ lập nghiệp từ thế kỷ XV (thời Thuận Thiên - Lê Lợi) rồi sinh ra các chi phái ở đây. Xuất phát từ ý nghĩa đó, chi họ Lại ở làng Đông Thôn, xã Hà Dương, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đã lập “Từ đường họ Lại” (gốc) - Bàn thờ thiêng của dòng họ để tôn thờ Thủy tổ Lại Tiên cùng với các đời họ Lại trong cả nước. Hàng năm, hậu duệ các chi họ Lại trong nước hành hương tìm về nguồn cội dâng đầy cảm xúc nơi “cõi thiêng” trong lễ giỗ tổ tưởng nhớ, vinh danh giá trị của các bậc công thần với những đóng góp rất quan trọng trong sự nghiệp trung hưng nhà hậu Lê, Lê - Nguyễn và về sau này.

Nhân vật lịch sử Lại Thế Khanh triều Lê Trung hưng

Lại Thế Khanh người làng Quang Lãng, huyện Tống Sơn, nay là làng Đông Thôn, xã Hà Dương, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Họ Lại ở đây đã nhiều đời làm quan phò tá nhà Lê. Vốn dòng dõi công hầu khanh tướng, vừa là bậc tôi trung, Lại Thế Khanh có tâm nguyện phò Lê, diệt Mạc. Tôi luyện qua thử thách, ông và các bậc hào kiệt họ Lại được nhà Lê tin dùng. Với tư chất thông minh, trí dũng danh tướng họ Lại đã lập nhiều chiến công lừng lẫy, được vua Lê ân sủng. Lại Thế Khanh được phong tước hầu, An quận công, rồi Thiếu phó và Thái phó, khi mất được phong tước Thái tể khiêm quốc công.

Những mốc sự kiện lịch sử tiêu biểu đáng ghi nhớ về ông: năm 1527, khi Mạc Đăng Dung bức vua Lê để giành ngôi báu, Lại Thế Khanh theo cha là Lại Thế Đạt và bác ruột Lại Thế Vinh từ Thăng Long về Thanh Hóa rồi sang Sầm Nưa (nước Lào) với mưu đồ chung sức khôi phục cơ nghiệp nhà Lê. Dưới quyền của Tiết chế Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim, Lại Thế Khanh đem quân chinh phạt các nơi, rước vua Lê Trang Tông từ Sầm Châu về Thanh Hóa, ông được phong tước hầu. Năm Ất Tỵ (1543). Trịnh Kiểm được phong làm Tiết chế thái sư Lạng Quốc công, nắm giữ mọi việc quân. Lại Thế Khanh là thuộc tướng phủ tiết chế. Ông đã ba lần tiến quân ra trấn Sơn Nam (phía nam kinh thành Thăng Long, đời Lê) theo Thái sư Trịnh Kiểm đánh giặc đều lập được công lớn và được phong tước An Quận công.

Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường - hành dinh kháng chiến của vua Lê Trung hưng (thuộc huyện Thọ Xuân) là mục tiêu đánh phá của quân Mạc. Bởi thế, Lại Thế Khanh và Trào Quận công Vũ Sư Thước được vua Lê giao nhiệm vụ đem quân thủy bộ tinh nhuệ đi trấn giữ vùng cửa biển Thần Phù, Linh Trường, Hội Triều, Lạch Ghép (thuộc hai tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa). Năm Canh Ngọ (1570), Mạc Kính Điển thống lĩnh hơn 10 vạn quân, 700 chiến thuyền tiến đánh Thanh Hóa. Trịnh Cối sai các tướng chia quân giữ các nơi xung yếu để chống giặc. Lại Thế Khanh giữ các cửa Chi Long, Thần Phù; Vũ Sư Thước giữ các của Linh Trường, Hội Triều; Nguyễn Sư Doãn giữ các cửa Du Xuyên, Ngọc Giáp. Các tướng của vua Lê chưa kịp đến những nơi ấy để trấn giữ thì quân Mạc đã tiến vào nội địa và hội quân ở Bút Cương (huyện Hoằng Hóa bây giờ).

Ở cửa biển Chi Long, Thần Phù do quân Mạc dày đặc nên quân ta không tiến nổi. Lại Thế Khanh đành cho quân sĩ lui về sông Tống Giang (huyện Hà Trung bây giờ) đóng giữ, sau rút về Yên Trường. Trịnh Tùng được vua Lê phong Trưởng Quận công Tiết chế thủy bộ, thân chinh cầm quân đánh giặc. Vua Lê họp các tướng bàn kế đánh đuổi quân Mạc, Lại Thế Khanh cùng các tướng Lê Cập Đệ (Đoan vũ hầu), Trịnh Vĩnh Thiệu (Văn phong hầu), Trịnh Mô (Tấn Quận công) đem quân theo đường Yên Định, qua Vĩnh Phúc đánh lấy huyện Tống Sơn; Hoàng Đình Ái (Vinh Quận công) cùng các tướng theo đường Lôi Dương, Nông Cống đánh lấy miền Quảng Xương. Lại Thế Khanh đánh lấy huyện Tống Sơn, thừa thắng đánh Nga Sơn thu hồi đất cũ; quân của Lại Thế Khanh tiến đến đâu, quân Mạc chạy tan tác đến đó. Xét công đánh giặc, vua Lê phong cho An Quận công Lại Thế Khanh tước Thiếu phó.

Năm Nhâm Thân (1572), sau thất bại ở Thanh Hóa, Mạc Kính Điển chuyển quân đánh chiếm Nghệ An. Vua Lê lại sai Quận công Lại Thế Khanh đứng đầu một số tướng đem quân đi cứu Nghệ An. Tướng sĩ vừa đến nơi, quân Mạc sợ hãi chạy vội khỏi đất Nghệ An. Năm Quý Dậu (1573), Nghị hoàng đế nối ngôi Anh Tông, các tướng lập nhiều công đều được thăng thưởng. Lại Thế Khanh được thăng tước từ Thiếu phó lên Thái phó, ngang hàng với Vinh Quận công Hoàng Đình Ái, Trào Quận công Vũ Sư Thước, Dương Quận công Nguyễn Hữu Liêu. Năm Ất Hợi (1575), quân Mạc cùng lúc tiến đánh Thanh Hóa, Nghệ An. Vua Lê sai Lại Thế Khanh, Trịnh Mô, Phạm Công Tính đem quân đi cứu Nghệ An, cùng với Nguyễn Quyện đánh nhau vài tháng không phân thắng thua, Phạm Công Tính bị giặc bắt; Lại Thế Khanh, Trịnh Mô đánh tiếp để cứu Công Tính. Lại Thế Khanh, Trịnh Mô được lệnh đóng quân tại Nghệ An để phòng quân Mạc. Năm 1576, Mạc Kính Điển lại tiến đánh Thanh Hóa, cùng lúc Nguyễn Quyện tiến đánh Nghệ An. Lại Thế Khanh chống giữ miền sông Cả, Trịnh Mô chống giữ miền sông Lam. Năm Đinh Sửu (1577), vua Lê lệnh cho Lại Thế Khanh phải đôn đốc các địa phương chăm lo cày cấy, giặc đến thì tỏa đi, giặc lui thì trở về, không được bỏ hoang đồng ruộng. Tháng 9 năm Mậu Dần (1578), Thái phó An Quận công Lại Thế Khanh mất, được vua Lê truy tặng tước Khiêm Quốc công. Đời sau truy phong ông là Thái tể Cẩn Quốc công...

Đó là những căn cứ lịch sử và khoa học xác đáng. Bản gia phả họ Lại viết bằng chữ hán lập vào đời vua Lê Cảnh Hưng năm thứ nhất (1740) và cuốn phả ký họ Lại do Lại Thế Lân biên soạn vào triều Nguyễn, năm Khải Định thứ 6 (1931) đã đánh giá cao về ông: “Lại Thế Khanh là một vị tướng giỏi” (Phan Huy Chú viết) và vua Gia Long năm thứ 2 (1802) liệt ông vào hàng “công thần trung hưng nhà Lê bậc thứ nhì”. Rõ ràng, ông là một danh tướng tài giỏi, có nhiều công lao to lớn đã được các sử thần của triều Lê và triều Nguyễn ghi chép vào Quốc sử. Các thế hệ kế tiếp ông nối đời tiếp tục tham gia vào sự nghiệp Trung hưng nhà Lê, giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước phong kiến đương thời. Và, tấm bia đá đề chữ “Lại tộc tôn vinh” cùng với danh sách các vị quận công, quan tước, cử nhân...họ Lại được lưu danh tại “Từ đường họ Lại”, ở làng Đông Thôn, xã Hà Dương, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đã minh chứng điều đó.

Đền thờ, lăng mộ Thái tể Khiêm Quốc công ở xã Hà Giang

Vào năm đầu Quang Hưng (1578), Lại Thế Khanh qua đời, được vua truy tặng Thái tể Khiêm Quốc công, tên thụy là Công Thuận và ngày 27 tháng 9 âm lịch là ngày giỗ ông. Trong ngày giỗ ông, triều đình gửi lễ gồm một con bò, một vò rượu, một tấm áo Minh y. Ngoài ra, ông còn được hưởng đất lộc điền vua ban ở xã Quan Chiêm, tổng Thượng Bạn, phủ Hà Trung (nay là làng Quan Chiêm, xã Hà Giang, huyện Hà Trung). Cũng chính vì vậy, tại vùng đất vua ban này mà đền thờ ông được xây dựng nên. Với vị trí ý nghĩa và giá trị lịch sử của nó, Đền thờ Thái tể Khiêm Quốc công Lại Thế Khanh đã được tỉnh Thanh Hóa xếp hạng là “Di tích lịch sử văn hóa” (QĐ số 4073, ngày 09/12/2011).

Cũng theo các cụ cao tuổi họ Lại và nhân dân làng Quan Chiêm kể lại theo ký ức: quần thể khu vực đền gồm có tắc môn (bình phong) và ngôi nhà thờ 5 gian kiến trúc hình chữ Đinh (J), dài 158 thước (tương đương 6,32m), xây bằng gạch, phần mái bằng gỗ, lợp ngói cổ. Cổng đền xây dựng đơn giản gồm 2 trụ gạch vuông vắn, chiều rộng 2,5m, cao 2,7m. Sân đền dài 5m, rộng 6m, mặt sân láng xi măng, phía trước xây tường bao quanh bằng gạch, đá...Vật đổi sao dời, ngôi đền bị thiên nhiên bào mòn xuống cấp. Được cấp ủy, chính quyền xã, huyện quan tâm tạo thuận lợi, con cháu chi họ Lại ở địa phương tập trung trí lực tu bổ tôn tạo, ngôi đền tuy còn khiêm tốn nhưng bền vững khang trang, trả lại không gian cảnh quan, kiến trúc nguyên gốc ngày xưa, giúp cho hậu duệ hương khói phụng thờ tri ân người anh hùng hào kiệt Xứ Thanh thuở nào.

Từ xưa đến nay, vùng đất thiêng ở xã Hà Giang - nơi có Đền thờ, Lăng mộ Thái tể Khiêm Quốc công Lại Thế Khanh và vợ ông là bà Hoàng Thị Từ Nghiêm yên nghỉ vĩnh hằng trên khu đồi Rú Chè (đường Thanh Quan xưa) phía bắc làng Quan Chiêm. Trước đây mộ xây bằng gạch, có tường rào bao quanh; hiện tại con cháu tôn tạo nâng cấp lăng mộ hình trụ bát giác với 5 tầng tháp chót vót... Nhiều năm gần đây và hàng năm, trong ngày giỗ ông (27/9 âm lịch) con cháu hậu duệ dòng họ Lại ở xã Hà Giang và nhân dân địa phương đã tổ chức lễ giỗ tri ân tiên tổ, tưởng nhớ về một bậc công thần - một danh tướng tài giỏi có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp trung hưng nhà hậu Lê cách đây gần 5 thế kỷ.

Khép lại bài viết về nhân vật lịch sử họ Lại thuở ấy, liên tưởng tới một triết lý dân gian: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”... vừa là nét văn hóa phong tục, đậm tính nhân văn sâu sắc, vừa là đạo lý truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời nay của dân tộc ta, luôn luôn được trân trọng, đề cao và nhân lên gấp bội ở mọi thời đại.

Lê Như Cương


Lê Như Cương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]