(vhds.baothanhhoa.vn) - Người dân trúng giá đất nhưng phải sống trong tình cảnh “lay lắt”, hệ thống điện, nước sinh hoạt, giao thông... chưa hoàn thiện. Đây dường như đã trở thành điệp khúc quen thuộc tại một số mặt bằng trên địa bàn TP Thanh Hóa. Đương nhiên, tại phường Nam Ngạn cũng không ngoại lệ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều bất cập tại các mặt bằng quy hoạch phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa)

Người dân trúng giá đất nhưng phải sống trong tình cảnh “lay lắt”, hệ thống điện, nước sinh hoạt, giao thông... chưa hoàn thiện. Đây dường như đã trở thành điệp khúc quen thuộc tại một số mặt bằng trên địa bàn TP Thanh Hóa. Đương nhiên, tại phường Nam Ngạn cũng không ngoại lệ.

Nhiều năm qua, hơn 100 hộ dân sống tại Khu dân cư đô thị Bắc cầu Hạc (mặt bằng quy hoạch 6275) phường Nam Ngạn không khỏi bức xúc vì tình trạng thiếu điện, đặc biệt là vào những ngày nắng nóng, oi bức.

Câu chuyện tưởng như đùa ấy vẫn đang tồn tại mặt bằng này. Dù sinh sống tại khu vực thành phố, song cứ mỗi đêm về, các hộ dân vẫn phải dùng nến hoặc đèn pin để thắp sáng.

Do mặt bằng chưa được đấu nối điện, nhiều hộ dân phải nối nhờ điện của Tập đoàn Xây dựng miền Trung để sinh hoạt. Thế nhưng, ngay sau khi nhận thông báo ngừng bán điện của công ty, khiến 20 hộ dân tại mặt bằng này “khốn khổ” bởi không có điện sử dụng.

Theo tìm hiểu, mặt bằng quy hoạch 6275 do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng số 2 (BQL DAĐTXD) TP Thanh Hóa làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư khoảng 30 tỷ đồng, diện tích 19 ha, gồm 373 lô liền kề, 27 biệt thự, triển khai năm 2012. Đến nay, có khoảng 100 hộ dân đang sinh sống. Đơn vị thi công là Công ty Hồng Phát...

Mặt bằng này chủ yếu phục vụ bố trí khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi một số dự án trên địa bàn thành phố. Năm 2014 có một số hộ đến ở, làm nhà, đến nay hệ thống điện vẫn chưa được đấu nối, nếu có cũng chập chờn, không đảm bảo.

Trao đổi với ông Hoàng Hải - Giám đốc Điện lực TP Thanh Hóa, được biết hiện các hạng mục công trình điện của mặt bằng 6275 tại phường Nam Ngạn đã được điện lực thành phố nghiệm thu bảo đảm an toàn kỹ thuật, đủ điều kiện đi vào vận hành. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận văn bản đề nghị tiếp quản và đóng nối điện của Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng số 2, ngày 27/8, Điện lực thành phố đã có văn bản gửi UBND thành phố chỉ đạo Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng số 2 thực hiện các thủ tục bàn giao tài sản cho ngành điện theo quy định để bán điện đến từng hộ dân. Trường hợp chưa đủ hồ sơ đề nghị cho phép ngành điện bán điện trên tài sản theo hình thức làm quản lý như một số mặt bằng khác trên địa bàn thành phố.

Hiện tại, một số hộ dân đã làm nhà và sinh sống tại mặt bằng 6275, nguồn điện được người dân kéo nhờ các hộ xung quanh ngoài mặt bằng, dây dẫn treo cột chiếu sáng gây mất mỹ quan, không đảm bảo an toàn. Để đảm bảo cấp điện ổn định an toàn phục vụ các hộ dân sinh sống trong mặt bằng. Điện lực thành phố nhiều lần gửi văn bản đến UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo BQL DAĐTXD số 2 triển khai đấu mối Công ty Điện lực Thanh Hóa để thực hiện bàn giao lưới điện sang cho ngành điện quản lý và khai thác bán điện đến từng hộ gia đình.

Hệ thống giao thông, nước sinh hoạt tại mặt bằng 5186 phường Nam Ngạn vẫn chưa được hoàn thiện.

Tương tự, tại mặt bằng quy hoạch khu tái định cư phường Nam Ngạn (mặt bằng quy hoạch 5186) phục vụ giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hệ thống tiêu úng Đông Sơn, cũng rơi vào tình cảnh hệ thống điện, nước sinh hoạt, đường giao thông... chưa hoàn thiện.

Mặt bằng này do UBND thành phố làm chủ đầu tư, với diện tích 5 ha. Tổng mức đầu tư trên 50 tỷ đồng. Tổng số lô đất dự án 280 lô, dự kiến 160 lô phục vụ tái định cư Dự án hệ thống tiêu úng Đông Sơn và 120 lô đất ở để đấu giá tạo nguồn vốn phục vụ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho dự án. Nguồn vốn huy động từ trái phiếu Chính phủ của Dự án hệ thống tiêu úng Đông Sơn, nguồn vốn ngân sách thành phố và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Trong đó, hạ tầng kỹ thuật, các công trình công cộng phục vụ nhu cầu: nền mặt đường, hệ thống thoát nước mưa, nước thải, lát đá vỉa hè, trồng cây xanh, điện chiếu sáng...

Dự án triển khai từ năm 2016, thời gian thực hiện trong vòng 2 năm, tuy nhiên đến nay các hạng mục công trình vẫn ngổn ngang. Hệ thống điện, nước, giao thông... chưa hoàn thiện.

Đại diện BQL DAĐTXD số 2 (UBND Thành phố) cho biết, tính đến tháng 10/2018 còn 19 hộ chưa được giải phóng mặt bằng. Với 12 hộ còn lại chưa có quyết định phê duyệt, do 12 hộ không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Thời điểm hiện tại, Công ty Cổ phần Đông Bắc (đơn vị thi công) mới chỉ hoàn thành công việc đạt 13 tỷ đồng/33,5 tỷ đồng chi phí xây dựng.

Ông Cao Hữu Tuệ - Phó Giám đốc BQL DAĐTXD số 2 cho biết, thành phố hiện đã thỏa thuận phương án cấp nước từ điểm đầu nối đường ống D200 đường Trần Hưng Đạo với Công ty Cấp nước Thanh Hóa. Đối với hệ thống điện, ban mới thỏa thuận điểm đấu nối tại trạm BA 320KVA/22/0,4KV đặt tại mặt bằng quy hoạch 1474 với điện lực thành phố, nhưng chưa thỏa thuận phương án cấp điện.

Ông Tuệ cho biết thêm, theo thiết kế đường điện kéo về mặt bằng quy hoạch 5186 vướng vào trục đường có 11 hộ dân chưa giải phóng mặt bằng. Như vậy, nếu UBND thành phố chấp thuận cho điều chỉnh thiết kế theo phương án đi theo đường Phạm Sư Mạnh, BQL DAĐTXD có cơ sở thực hiện thỏa thuận phương án cấp điện với điện lực thành phố.

Hiện nay, phương án tái định cư cho 19 hộ đã được UBND Thành phố Thanh Hóa phê duyệt với số lô đất dự kiến bố trí là 37 lô, đang được niêm yết công khai.

Trung Lê


Trung Lê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]