(vhds.baothanhhoa.vn) - Phút chia tay này, tôi không khỏi chạnh lòng nhớ lại một thời dấu yêu xưa, những năm tháng làm báo tuy khó khăn mà hào hùng, tuy chập chững mà hào sảng. Cái thương hiệu Báo “Văn hóa - Thông tin, “Văn hóa và Đời sống” một thời nổi danh, rồi sẽ không còn tồn tại trong làng báo, nhưng trong trái tim, trong tâm hồn tôi, sẽ mãi mãi khắc dấu ấn thật sâu đậm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhớ mãi một thời dấu yêu...

Phút chia tay này, tôi không khỏi chạnh lòng nhớ lại một thời dấu yêu xưa, những năm tháng làm báo tuy khó khăn mà hào hùng, tuy chập chững mà hào sảng. Cái thương hiệu Báo “Văn hóa - Thông tin, “Văn hóa và Đời sống” một thời nổi danh, rồi sẽ không còn tồn tại trong làng báo, nhưng trong trái tim, trong tâm hồn tôi, sẽ mãi mãi khắc dấu ấn thật sâu đậm.

Nhà báo Đào Nguyên Lan (Nguyên Phóng viên Báo Văn hóa - Thông tin) trong một chuyến đi công tác gần đây.

Đó là vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước, khi đất nước bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới. Đã có rất nhiều thay đổi trong đời sống xã hội, tích cực có, tiêu cực có, và có nhiều nhất là những bước đi dò dẫm, tìm đường. Tờ Báo Văn hóa - Thông tin ra đời trong hoàn cảnh ấy, nơi quần tụ nhóm phóng viên đầu tiên với sự háo hức lẫn ngờ nghệch chúng tôi...

Tốt nghiệp Văn khoa Đại học Tổng hợp, sau thời gian vất vưởng tại Hà Nội, tôi trở về quê hương xứ Thanh với mong muốn kiếm được một việc làm theo sở nguyện. Tuy nhiên, thời đó việc xin vào biên chế là rất khó khăn. Sau một thời gian làm phóng viên hợp đồng cho Báo Thanh Hóa và viết văn thơ lăng nhăng cho nhiều tờ báo Trung ương và các địa phương, phần nào khẳng định được bút lực, tôi mới được nhận vào làm việc tại Báo Văn hóa - Thông tin khi tờ báo này mới thành lập, trực thuộc Sở Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa, với sự lãnh đạo kiêm nhiệm của vị Tổng Biên tập đầu tiên, Giám đốc Sở - họa sĩ Hoàng Hoa Mai. Vị lãnh đạo này có vóc người phương phi, luôn cười hà hà mỗi khi ưng ý, nhưng cũng lại rất nhanh chóng làm nghiêm, khiến chúng tôi sợ hết hồn mỗi khi ông giận dữ. May thay ông cũng không phải là người hay giận dữ lắm...

Nhóm cán bộ, phóng viên, biên tập viên đầu tiên của báo gồm có Lê Dậu, Triều Nguyệt, Đào Nguyên Lan, Vũ Đình Thường, Phạm Công Thắng. Sau bổ sung thêm Huy Trụ, Trọng Miễn, Minh Văn, Nguyễn Thị Xuây, Phương Hạ, Tuyết Nhung, Hà Huyền,... Thời kỳ đầu báo hoạt động khá khó khăn, rồi cũng dần đi vào nền nếp và ra đều đặn tuần một số, với lượng in khoảng vài ngàn tờ...

Ngay khi mới ra đời, Ban biên tập của báo đã xác định: Thanh Hóa đã có sẵn một tờ báo Đảng, với đội ngũ phóng viên hùng hậu, chuyên thông tin tuyên truyền rất đầy đủ các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Vì sinh sau đẻ muộn, nội dung Báo Văn hóa - Thông tin phải bám sát đời sống ngày thường, cạnh đó có nhiều chuyên mục phong phú, đa dạng, thậm chí phải cố gắng để Văn hóa - Thông tin hay thì mới "ăn tiền", mới thu hút được đông đảo độc giả. Đồng thời do lực lượng ban đầu còn mỏng, nên báo rất cần có một đội ngũ cộng tác viên đông đảo, phân bố khắp các vùng miền, đóng góp nhiều tin bài phản ánh hoạt động của cơ sở thì mới mong phát triển.

Với phương châm đó, và với tâm trạng hứng khởi, đội ngũ phóng viên, biên tập viên chúng tôi đã cố gắng tỏa về khắp các vùng quê, đi đây đó thật nhiều, tìm mảng miếng, đề tài để viết bài, với mong muốn có được nội dung mới lạ, hay ho, cuốn hút công chúng. Và phải nói rằng quả thật, việc có động lực vượt lên đã làm cho các phóng viên chúng tôi có một sự say mê sáng tạo thật mạnh mẽ. Những bài phóng sự khá mới lạ thời đó như “Thánh cây xoan”, “Trạng đề xứ Thanh”, “Chuyện về cô bé đánh trống”, “Những cường hào mới”... đã lần lượt ra đời với sự đón nhận háo hức của đông đảo công chúng xứ Thanh. Chỉ một thời gian sau, Báo Văn hóa - Thông tin đã trở nên cái tên quen thuộc và là món ăn tinh thần khó thiếu của đông đảo bạn đọc, nhất là “các cụ”, những độc giả già, bao gồm nhiều cán bộ đã nghỉ hưu. Mà lạ thay, nhóm độc giả này lại hăng hái và nhiệt tình ghê gớm, hơn hẳn so với cánh độc giả trẻ. Có nhiều cụ còn từ xa lặn lội đến tận tòa soạn động viên và đề nghị cánh phóng viên phải viết “mạnh, máu lửa” hơn nữa...

Cạnh đó, tờ báo cũng mở rộng cửa, “chiêu hiền đãi sỹ”, mời thật nhiều cộng tác viên cùng tham gia viết cho nội dung báo. Thời đó nhuận bút của báo còn khá “bèo bọt”, mỗi bài viết chỉ có vài chục ngàn đồng. Nhưng vì quý mến sự nhiệt tình, mời mọc, chèo kéo của cán bộ, phóng viên báo, rất nhiều các bác, các anh chị em cộng tác viên đã nhiệt tình tham gia hội họp, viết bài cho báo. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh thầy giáo Dương (TP Thanh Hóa), anh Phùng Gia Lộc, anh Hoàng Hùng (Thọ Xuân), các tác giả Đỗ Xuân Thanh (sau này cũng đầu quân cho báo), Đinh Ngọc Diệp, Lâm Bằng, Nguyễn Xuân Nha, Phạm Khang, Từ Nguyên Tĩnh... và rất nhiều người khác đã nhiệt tình cộng tác, có nhiều người thậm chí còn đã cùng tôi lặn lội khắp các hang cùng ngõ hẻm trong tỉnh để đi viết bài, bán báo, làm quảng cáo. Nhiều người khác thì thức trắng đêm cùng đọc mo rát, ăn bánh mì chống đói với chúng tôi để báo ra kịp ngày xuất bản...

Đồng thời, để tạo vốn cho báo phát triển, anh chị em trong báo đã nghĩ ra đủ cách “làm kinh tế”, chúng tôi từng mở bán vé xổ số, cùng nhau đi khắp nơi bán vé thu tiền, ngày ấy người dân cũng rất nhiệt tình với báo, có nơi dân kéo nhau ra đường, chặn xe của chúng tôi để mua vé số. Tiền bán được khá nhiều, chúng tôi bỏ chung vào một cái túi vải to để trên xe, không ai nghĩ đến chuyện tư túi hoặc giấu đi một ít, dù làm thế rất dễ. Tất cả vì cái chung, tuy cuộc sống cũng đang rất khó khăn...

Thời gian sau, Báo Văn hóa - Thông tin lần lượt có những Tổng Biên tập mới là anh Mai Ngọc Toản và nhà thơ Vương Anh. Cả hai vị lãnh đạo này đều hoàn thành chức trách, góp sức đưa tờ báo phát triển. Trong đó anh Mai Ngọc Toản có thời gian làm việc tại báo lâu hơn. Vị tổng biên tập này có nhiều đức tính tốt, tuy nhiên có người nhận xét là “hơi rắn”...

Làm việc với nhau nhiều năm, tôi còn nhớ mãi tính cách của từng người trong báo thời đó: Anh Lê Dậu thì luôn khoan thai, điềm tĩnh tuy hơi “quy lát”;anh Triều Nguyệt thì hăng hái, nhiệt tình. Phạm Công Thắng thì nhanh nhẹn, trách nhiệm, vui vẻ. Vũ Đình Thường thì nghiêm túc, trách nhiệm. Anh Trọng Miễn thì thích nghiên cứu dân gian, hay ra vẻ trang trọng, nhưng thật ra thì rất ham vui. Còn Huy Trụ thì luôn tỏ ra mình giản dị tuềnh toàng theo kiểu nhà thơ, nhưng thật ra thì khá chải chuốt và dù cố làm ra vẻ khó tính, nhưng nếu có cô gái nào đề nghị đọc thơ, anh sẽ ngay lập tức toét miệng cười duyên.

Thời đó, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh bắt đầu khởi xướng phong trào chống tiêu cực, ông chủ trương tẩy chay “sự im lặng đáng sợ” - biểu hiện của sự vô cảm, xa dân, tha hóa trong các vị quan chức. Đó cũng là lúc báo “Tuần tin tức” và vài tờ báo khác bắt đầu chiến dịch “chống tiêu cực” tại Thanh Hóa, mà mục tiêu đầu tiên là Công ty Vật tư tổng hợp Thanh Hóa của Giám đốc Đặng Đình Tám,... Theo chân các phóng viên của mấy tờ báo Trung ương, nhóm phóng viên, cộng tác viên của Văn hóa - Thông tin chúng tôi cũng hăng hái kéo nhau đi viết bài “chống tiêu cực”, với hàng loạt bài đăng, như “Vàng trong bùn”, “Chỉ tại con chó đá”, “Cái đêm hôm ấy đêm gì”... Một số bài có nội dung tốt, được quần chúng hoan nghênh. Tuy nhiên, trong đó cũng có những bài mà nếu ở thời điểm không còn non nớt, đã đủ kinh nghiệm làm nghề, chúng tôi sẽ không bao giờ đặt bút viết như vậy. Âu cũng là những sai lầm của một thời làm báo còn khá ấu trĩ. Chính điều này đã để lại nhiều day dứt cho đến tận bây giờ trong đời làm báo của nhiều anh chị em phóng viên chúng tôi.

May thay, vào năm 2005, khi đang là Thư ký tòa soạn tại Báo Lao động, sau đó sang công tác tại Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, bản thân tôi có dịp được gặp lại một đồng chí lãnh đạo cấp cao của tỉnh đã về hưu, đang cùng vợ sống tại Hà Nội với con gái. Được nghe đồng chí tâm sự và tham khảo thêm nhiều tài liệu, tôi đã viết được bài báo: “Gặp Bí thư Tỉnh ủy một thời dư luận” đăng tại một số tờ báo Trung ương. Tôi mang báo biếu đồng chí. Đồng chí và cả nhà đã cùng đọc, rồi cầm tay tôi mà rưng rưng: “Tôi cũng đã yếu lắm rồi, sau bao nhiêu thăng trầm trong cuộc đời, đã được Đảng, Nhà nước khôi phục đầy đủ các chế độ, nay lại có bài báo của anh nói hộ cho tôi sự thật. Đây chính là niềm động viên, an ủi rất lớn cho tôi và gia đình...”. Tiếc là chỉ hơn tháng sau đó đồng chí mất. Tôi coi đây như một lời tạ lỗi và cũng đỡ day dứt phần nào. Thế mới biết, đã trót mang thân làm cái nghề viết báo, cái nghề cũng có đôi chút vinh quang, nhưng đầy nặng nhọc, khổ ải và gánh theo rất nhiều trách nhiệm cho ngòi bút, ta phải rất nên cẩn thận trước khi viết về người nào đó...

Thời gian đi qua, vật đổi sao dời, sau nhiều năm hoạt động, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà, Báo Văn hóa - Thông tin đã có nhiều đổi thay, tên thì đổi thành Văn hóa và Đời sống. Vị trí Tổng Biên tập, sau nhà thơ Vương Anh là Phạm Minh Trị, người đương nhiệm là Lê Văn Nam. Cán bộ phóng viên cũng có nhiều thay đổi, lớp cũ đi, lớp mới về, có thể kể đến Hà Hữu Huyền, Trần Công Quang, Quốc Thịnh, Minh Hội, Xuân Hồng... và rất nhiều người khác, tất cả đều vì mục tiêu chung xây dựng và phát triển tờ báo. Chúng ta có thể tự hào mà nói rằng, Báo Văn hóa và Đời sống của chúng ta đã hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của mình.

Nay theo chủ trương của tỉnh, Báo Văn hóa và Đời sống sáp nhập với báo Thanh Hóa... Phút chia tay này, tôi không khỏi chạnh lòng nhớ lại một thời dấu yêu xưa, những năm tháng làm báo tuy khó khăn mà hào hùng, tuy chập chững mà hào sảng. Cái thương hiệu Báo “Văn hóa - Thông tin, “Văn hóa và Đời sống” một thời nổi danh, rồi sẽ không còn tồn tại trong làng báo, nhưng trong trái tim, trong tâm hồn tôi, sẽ mãi mãi khắc dấu ấn thật sâu đậm.

Và rất có thể, trong sâu thẳm tấm lòng độc giả xứ Thanh, những cái tên dấu yêu: Báo “Văn hóa - thông tin, Văn hóa và Đời sống” sẽ không bao giờ phai mờ theo mây ngàn thời gian...

Đào Nguyên Lan


Đào Nguyên Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]