(vhds.baothanhhoa.vn) - 5 năm qua các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, động lực mạnh mẽ để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến là những tập thể, cá nhân với những mô hình, việc làm cụ thể.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những bông hoa tỏa hương nồng trong vườn hoa yêu nước

5 năm qua các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, động lực mạnh mẽ để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến là những tập thể, cá nhân với những mô hình, việc làm cụ thể.

BVĐK tỉnh Thanh Hóa: Quan tâm đào tạo và phát huy nguồn nhân lực

Với 120 năm xây dựng và phát triển đến nay Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Thanh Hóa đã trở thành bệnh viện hạng I, quy mô 1.200 giường bệnh, một trung tâm y tế lớn và hiện đại nhất tỉnh Thanh Hóa. Có được sự lớn mạnh như ngày nay chính là nhờ vững tin tiếp nối truyền thống đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, hội nhập, phát triển, tiếp tục nghiên cứu ứng dụng những kỹ thuật mới và chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh ngày một cao, giảm việc bệnh nhân chuyển tuyến Trung ương.

Để làm được điều đó, ban giám đốc bệnh viện đã có kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng, có chiến lược và nguồn lực đầu tư trang thiết bị và đặc biệt là có chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực. Đi đôi với việc phát triển nguồn nhân lực thì vấn đề rèn luyện y đức, đạo đức nghề nghiệp, giao tiếp ứng xử, kỹ năng nghề nghiệp chuyên môn phải được nâng lên một bước.

Hiện, trong số 1.200 cán bộ, viên chức và người lao động đang làm việc tại BVĐK tỉnh Thanh Hóa có hơn 500 người có trình độ đại học trở lên; có 1 thầy thuốc nhân dân, 23 thầy thuốc ưu tú; 5 tiến sĩ, 30 BSCKII, 50 BSCKI, 64 thạc sĩ y học, thạc sĩ dược, 93 bác sĩ đa khoa, 50 dược sĩ; gần 10 thạc sĩ, chuyên khoa I điều dưỡng... Bệnh viện cũng vinh dự có 2 cá nhân được tặng danh hiệu công dân kiểu mẫu của tỉnh năm 2016 và 2019.

BVĐK tỉnh thực hiện một ca phẫu thuật ghép thận.

BVĐK tỉnh Thanh Hóa là một trong những bệnh viện tuyến tỉnh dẫn đầu toàn quốc trong việc đổi mới công nghệ, có nhiều thành tích trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Đặc biệt, với việc thực hiện 8 ca ghép thận thành công, trong đó có 2 ca ghép thận từ người cho chết não - BVĐK tỉnh Thanh Hóa đã chính thức được xướng tên trên bản đồ ghép tạng Việt Nam và là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện thành công ghép thận từ người cho chết não.

Chia sẻ với chúng tôi, Bác sĩ Lê Văn Sỹ - Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết: "Mong muốn của tôi là đội ngũ hành nghề có sức khỏe, trí tuệ và có đam mê với công việc. Khi chuyên tâm với nghề nghiệp của mình thì sẽ tăng cường học tập nghiên cứu rèn rũa và hy sinh về nghề nghiệp, sẽ giữ được phong độ và ngày càng phát triển bền vững. Muốn được như vậy cần có quy chế, thể chế và quy phạm pháp luật đồng bộ để bệnh viện đảm bảo thu nhập cho người lao động, tránh tình trạng không yên tâm công tác rồi di chuyển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao".

Bác sĩ Lê Văn Sỹ cũng mong muốn cộng đồng cùng chia sẻ với những vất vả của ngành y tế để phối hợp tự chăm sóc sức khỏe và chăm sóc sức khỏe tại bệnh viện khi ốm đau đạt được hiệu quả tốt nhất.

Với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng và những thành tích đã đạt được trong 10 năm qua, BVĐK tỉnh Thanh Hóa đang đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động” thời kì đổi mới.

Việt Hoàng

Cụ Đỗ Thị Mơ - câu chuyện về sự tử tế

Trước khi về gặp cụ Mơ, tôi lần nữa xem lại đoạn clip được lan truyền trên mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube... Hình ảnh cụ bà tóc bạc phơ đạp chiếc xe cà tàng lên UBND xã nộp đơn xin chính quyền địa phương cho ra khỏi danh sách hộ nghèo đã làm lay động biết bao trái tim cộng đồng. Lá đơn ấy đã tạo hiệu ứng rộng rãi “vô tiền khoáng hậu”, hình thành nên phong trào tự nguyện viết đơn thoát nghèo ở nhiều địa phương.

Trở lại căn nhà cấp 4 rộng chừng 20m2, ở thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn (Thường Xuân) dẫu không khấm khá gì, nhưng khi cụ Mơ xuất hiện với nụ cười giòn tan. Rót nước mời khách, tưởng tôi chưa biết, cụ bảo, đơn của cụ viết năm 2018 đã được địa phương duyệt. “Giờ tôi không còn là hộ nghèo. Tôi vẫn làm việc, sản xuất và kiếm ra đồng tiền để tự trang trải cuộc sống. Nhẩm cũng hơn 30 triệu đồng/năm, ăn sao hết!” - cụ Mơ cười.

Vẫn công việc thường ngày, cụ tự nuôi gà, chăm sóc vườn tược và đạp xe bán rau ngoài chợ. Quý hơn, khi hơn 30 năm qua, cũng đám ruộng, vườn rau và đàn gà ấy... cụ đã một mình ở vậy nuôi 11 người con (10 người con đẻ và 1 người con nuôi) khôn lớn, yên bề gia thất mà không đi bước nữa. Cụ bộc bạch: “Lá đơn của tôi làm, những mong con cháu noi theo. Khi đang còn sức khỏe thì nỗ lực làm ăn, phấn đấu. Tránh tình trạng chạy hộ nghèo, trông chờ, ỷ lại vào các chính sách của Đảng, Nhà nước”.

Mới đây, khi nghe lời kêu gọi của Thủ tướng về ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19, cụ đã gom góp được 3,5 triệu đồng từ tiền bán rau, bán trứng và con cháu mừng tuổi. Sau đó, cụ giữ lại 1,5 triệu đồng chi tiêu cá nhân, còn 2 triệu cụ mang lên xã ủng hộ chống dịch Covid-19. Cụ Mơ móm mém: “Số tiền không được nhiều, nhưng là tấm lòng mong đóng góp cùng toàn Đảng, toàn dân để chống và đẩy lùi dịch bệnh”.

Trước khi chia tay cụ, Chủ tịch UBND xã Lương Sơn, ông Lương Văn Thiêm cho biết: Năm 2019, toàn xã còn 193 hộ nghèo, nhưng đến nay chỉ còn 92 hộ nghèo. Việc cụ Mơ lên xã xin thoát nghèo là câu chuyện rất nhân văn, lan tỏa sự “tử tế”, tạo nên hiệu ứng xã hội lớn. Năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen cho cụ Mơ vì “Đã nêu cao tinh thần Tuổi cao - gương sáng, góp phần động viên, cổ vũ người nghèo trên địa bàn tỉnh vươn lên thoát nghèo”.

Sơn Đình

Người thầy thuốc của nhân dân

Sau gần 30 năm công tác, phục vụ trong ngành Y tế, ông đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước. Sự đóng góp của ông có ảnh hưởng và có uy tín trong nhân dân, được người bệnh và đồng nghiệp tin tưởng, kính trọng. Ông là Thầy thuốc Ưu tú, Bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Văn Việt - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa.

Ông đồng thời còn là Chủ tịch Hội đồng khoa học, hội đồng chuyên môn của bệnh viện. Trong nhiều năm, ông đã tích cực cùng Hội đồng khoa học xây dựng chương trình hoạt động cụ thể, xác định các mục tiêu trọng tâm, trọng điểm để ưu tiên đầu tư nghiên cứu, triển khai ứng dụng. Từ năm 2012 đến nay, Bệnh viện Phụ sản đã thực hiện 8 đề tài cấp tỉnh, 5 đề tài cấp ngành... Trong đó nhiều đề tài có giá trị thực tiễn cao được áp dụng trong chẩn đoán và điều trị như: phẫu thuật nội soi, kỹ thuật bơm tinh trùng và buồng tử cung trong điều trị vô sinh... Đặc biệt với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đã có hàng trăm cháu bé được sinh ra khỏe mạnh. Bệnh viện Phụ sản cũng là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên áp dụng thành công phương pháp này.

Riêng Thầy thuốc Ưu tú Hoàng Văn Việt là người gương mẫu đi đầu trong phong trào lao động sáng tạo và nghiên cứu khoa học. Ông đã chủ trì 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh được xếp loại xuất sắc, 1 sáng kiến cấp tỉnh xếp loại A và nhiều đề tài cấp cơ sở được xếp loại A, trong đó phải kể đến đề tài: Về thực trạng và giải pháp giảm tỷ lệ trẻ đẻ nhẹ cân tại tỉnh Thanh Hóa; Ứng dụng kỹ thuật siêu âm kiểm soát định kỳ cho thai phụ để phát hiện sớm các dị tật thai nhi tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa... Các đề tài này đã được triển khai và ứng dụng có hiệu quả tại bệnh viện, giảm chi phí cho người bệnh, giảm tải cho tuyến trên...

Với cương vị Phó Bí thư Đảng ủy - Phó Giám đốc chỉ đạo công tác cấp cứu khám chữa bệnh nội viện, ngoại viện, phụ trách công tác cán bộ, chỉ đạo tuyến... Ông luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ông đã cùng tập thể lãnh đạo xây dựng, phát triển bệnh viện về nhiều mặt, đặc biệt chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ kỹ thuật chuyên sâu mà bệnh viện có ưu thế mạnh. Trong công tác Đảng, ông đã cùng tập thể xây dựng khối đoàn kết, nhất trí trong toàn Đảng bộ, nhiều năm liên tục Đảng bộ đạt trong sạch, vững mạnh;...

Sau nhiều năm gắn bó, cống hiến trong ngành y, vào năm 2012, ông đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú” và đang được đề nghị xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”.

“Bản thân tôi trong công tác, dù ở cương vị quản lý hay trực tiếp làm chuyên môn, tôi luôn phấn đấu tự nghiên cứu học hỏi để trở thành thầy thuốc có tay nghề giỏi, đem hết tài năng cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc bảo vệ nhân dân, đóng góp tích cực vào thành tích chung của bệnh viện trong công tác khám, chữa bệnh...” - Thầy thuốc Ưu tú Hoàng Văn Việt chia sẻ.

Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]