(vhds.baothanhhoa.vn) - 20/10, ngày tôn vinh phụ nữ Việt Nam, họ sẽ được dành tặng những lời chúc ý nghĩa, bó hoa tươi thắm, hay món quà từ người thân yêu, nhưng đâu đó trên từng góc phố, công xưởng mịt mù khói bụi vẫn còn lại những "bóng hồng" đang vật lộn với cuộc mưu sinh. Không ít những chị, những mẹ phải làm cả những công việc của cánh vai u thịt bắp, như: bốc vác, phụ hồ, xe ôm...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những "bóng hồng" nặng gánh mưu sinh

20/10, ngày tôn vinh phụ nữ Việt Nam, họ sẽ được dành tặng những lời chúc ý nghĩa, bó hoa tươi thắm, hay món quà từ người thân yêu, nhưng đâu đó trên từng góc phố, công xưởng mịt mù khói bụi vẫn còn lại những "bóng hồng" đang vật lộn với cuộc mưu sinh. Không ít những chị, những mẹ phải làm cả những công việc của cánh vai u thịt bắp, như: bốc vác, phụ hồ, xe ôm...

Thay vì bông hoa, món quà tặng xa xỉ, các chị chỉ mơ ước có thật nhiều sức khỏe để bốc được nhiều hàng, có đông khách đi xe... để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Giữa trưa hè oi bức, tôi tìm đến một xưởng sản xuất đá ở Núi Nhồi, phường An Hoạch, TP Thanh Hóa. Bên những ngổn ngang đá gạch, máy móc hạng nặng, là vóc dáng nhỏ thó của những người phụ nữ đang oằn mình, nặng nhọc bốc từng phiến đá lớn lên xe cho kịp số lượng.

Đưa bàn tay gầy gò, đầy chai sần lau vội những giọt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt đỏ bừng vì nóng, chị Lê Thị Hà (sinh năm 1976, ở Núi Nhồi, phố Tây Sơn, phường An Hoạch, TP Thanh Hóa), chia sẻ: “Tôi làm nghề này cũng được 15 năm, đa số ở đây toàn phụ nữ làm nghề bốc đá. Công việc bắt đầu từ 5h sáng đến khoảng 17h30, vừa bốc, vừa xẻ đá lên tới hàng chục tấn một ngày. Rất vất vả, tai nạn lao động luôn cận kề, nhưng tôi vẫn phải gắng sức để lấy tiền nuôi con ăn học. Ngày 20/10 với tôi từ lâu đã không còn ý nghĩa, vì chồng tôi đã rời bỏ mẹ con tôi ra đi từ một tai nạn trên núi khi đi khai thác đá”.

Hàng ngày chị Lê Thị Hà và công nhân trong xưởng phải bốc hàng chục tấn đá lên xe.

Khuôn mặt khắc khổ, già nua, mặc dù đã gần 60 tuổi, cái tuổi lẽ ra phải ở nhà xum vầy với con cháu, nhưng cô Nguyễn Thị Hường (sinh năm 1959, làng Yên Xá, xã Hà Yên, Hà Trung), hàng ngày vẫn dậy từ 5h sáng để chuẩn bị đồ ăn cho cô con gái đã 21 tuổi bị tâm thần, rồi mới bắt đầu đạp xe ra thị trấn Hà Trung để tìm việc làm. Cô Hường cho biết, làm nghề phụ hồ cũng được hơn 10 năm nay. Thu nhập hàng ngày cũng được từ 100.000 đến 200.000 đồng tính theo công. Cơm trưa tự túc, nên là dù mưa hay là nắng cô cũng cố gắng đi làm.

Mải mê làm công việc của mình, không kém gì những người đàn ông bên cạnh, thậm chí những người đàn ông thỉnh thoảng còn nghỉ ngơi uống nước chè, thuốc lào, nhưng cô vẫn tìm những việc lặt vặt khác để làm. “Nhiều khi cũng muốn nghỉ ở nhà tìm những công việc phù hợp với sức khỏe của mình, vì nghề phụ hồ này mất sức lắm, nhưng do tuổi tôi đã cao, nên không ai dám nhận làm. Con thì bệnh tật, chồng mất sớm, nên tôi vẫn phải cố gắng chứ biết nương tựa vào đâu” - Cô Hường buồn rầu nói.

Khi được hỏi về ngày 20/10, cô nhìn xa và gượng gạo nói: “Đấy là ngày dành cho phụ nữ phải không cháu. Nhưng cô chưa từng biết đến cảm giác hưởng thụ ngày đó như thế nào”.

Người mẹ già gắng sức đi phụ hồ nuôi con.

Với hành trang, mũ nón bảo hiểm, khẩu trang, áo mưa và chai nước, chị Nguyễn Thị Hường (46 tuổi, thôn 4, xã Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn) làm nghề xe ôm được gần 20 năm, kể: “Dù trời mưa hay nắng, cứ có khách gọi là phóng xe lên đường, chỉ hôm nào ốm mới nghỉ ở nhà thôi. Xe ôm vốn là nghề vất vả, chưa nói đến sự bất ổn định trong công việc thì vấn đề an toàn được đặt lên hàng đầu, trên đường đi chỉ sợ gặp khách nghiện, khách say, rồi đêm hôm nguy hiểm lắm. Nghề này cũng lắm buồn, vui, có hôm làm đêm gặp khách vui tính, nghe họ kể chuyện trên trời dưới biển cũng đỡ buồn. Nhiều người khuyên nên về nhà sớm, vì nghề nữ xe ôm này rất nguy hiểm. Nhưng để kiếm tiền, đêm khuya tôi cũng có thể đi. Thu nhập của tôi từ150.000 - 300.000 đồng/ngày, trừ tiền xăng xe thì cũng có dư mang về”.

Sau lớp khẩu trang che kín mặt, nhưng tôi vẫn hình dung được những nhọc nhằn, vất vả qua đôi mắt đượm buồn của chị. Khi tôi nhắc đến ngày 20/10 chị Hường chỉ cười nhẹ và nói “Phải lăn lộn lo miếng cơm manh áo, ăn còn không đủ thì ngày nào chả như ngày nào hả em!”.

Con đường trở về bỗng lặng lẽ hơn thường nhật, bởi trong tâm trí tôi vẫn còn ngổn ngang về những số phận, mảnh đời, về tháng 10, của những người phụ nữ có cuộc sống mưu sinh từ bằng công việc của đàn ông. Tất cả họ gần như không nhớ hoặc chỉ đôi chút thoáng qua khi bắt gặp những cửa hàng hoa ven đường. Dù có đang phải nhọc nhằn, vật lộn từng bữa, nhưng họ luôn cố gắng vì phía sau họ còn con cái học hành. Đó là một gam màu đẹp đẽ, rất đáng trân trọng giữa dòng đời náo nhiệt, ồn ào.

Trong câu chuyện về các chị, tôi chợt nhớ tới những chia sẻ tại một buổi làm việc với chị Bùi Thị Mai Hoan - Trưởng ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa khi giới thiệu về “địa chỉ đỏ” trong đào tạo nghề cho chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn: “Để tạo việc làm cho phụ nữ, Trung tâm dạy nghề của Hội Phụ nữ Thanh Hóa hiện đào tạo hơn 30 nghề về các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, phát triển kinh tế... tỉ lệ có việc sau khi học xong các lớp đào tạo khá là cao, thu nhập ổn định. Những trường hợp chị em phụ nữ làm lao động nặng nhọc có thể thông qua trung tâm để tìm cho mình một công việc mới phù hợp, thu nhập có thể hơn hoặc bằng công việc hiện tại, nhưng phù hợp với điều kiện và sức khỏe của chị em”.

Mong rằng nhiều chị em sẽ có cơ hội thoát nghèo, tìm được công việc phù hợp với bản thân. Và ngày 20/10 sẽ không còn là ước vọng quá xa vời đối với họ.

Linh Chi


Linh Chi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]